Connect with us

Nữ đại gia tài chính xứ Nghệ

Tin trong nước

Nữ đại gia tài chính xứ Nghệ

Tại cuộc gặp mặt các nhà đầu tư của tỉnh Nghệ An đầu năm nay, hàng trăm cử tọa đã nhất loạt vỗ tay khi một người phụ nữ đứng lên trình bày về kế hoạch thay đổi diện mạo của miền Tây Nghệ An.

Không chỉ là những cam kết suông, với những gì đã làm, có nhiều điều điều để nói về người phụ nữ này. Bà là Thái Hương, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á.

Bà Hương hiếm khi xuất hiện nhiều trên báo chí, nhưng điều mà hầu hết người dân xứ Nghệ đều thừa nhận, đó là bà đã và đang là một “đại gia” của xứ này.

Ngân hàng Bắc Á được thành lập năm 1994 theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Mười bảy năm sau, ngân hàng này đã có mạng lưới hoạt động ở các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm của cả nước.

Bắc Á là một trong 10 ngân hàng được chọn tham gia vào hệ thống thanh toán tự động liên ngân hàng. Ngoài hoạt động trên lĩnh vực tài chính tiền tệ, Bắc Á còn vươn rộng cánh tay đầu tư vào các dự án trọng điểm: bò sữa, xi măng, khoáng sản, khách sạn, thương mại dịch vụ, siêu thị… Năm 2010, ngân hàng này cũng đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Những điều này ghi dấu ấn của bà Thái Hương, “kiến trúc sư” và cũng là người điều hành của Bắc Á trong nhiều năm qua. Biệt danh “Hương Bắc Á” được người xứ Nghệ đặt cho bà như là một sự ghi nhận.

Bà Thái Hương sinh ra và lớn lên tại huyện Đô Lương, Nghệ An. Cái khó cái nghèo của quê hương dường như là một động lực thôi thúc bà phải làm được một điều gì đó cho miền đất này. Dự án bò sữa quy mô lớn nhất Việt Nam tại huyện Nghĩa Đàn, hiện được biết đến với tên gọi nhà máy sữa TH Milk, ra đời từ tâm nguyện ấy.

Bà Hương nói một cách đơn giản: “Từ trước đến nay chúng tôi đã đầu tư vào nhiều dự án có hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên đối với quê hương Nghệ An, chúng tôi vẫn chưa có một dự án đầu tư tầm cỡ nào. Bởi thế khi quyết định đầu tư vào Nghĩa Đàn, dù biết còn lâu mới thu hồi được vốn, nhưng chúng tôi quyết tâm theo đuổi đến cùng, cho đến khi dự án thành công”.

Bà Hương đã dày công sang New Zealand và Israel để tìm tòi, khảo sát, thẩm định dự án, nhập khẩu đàn bò sữa tốt nhất đưa về Nghĩa Đàn và thuê chuyên gia của Israel phụ trách kỹ thuật chăn nuôi, chuồng trại. Bà cũng từng lặn lội đến từng thôn xã để vận động bà con nông dân cùng tham gia vào dự án.

Với vai trò tư vấn đầu tư đồng thời là nhà tài trợ vốn, bà Thái Hương đã theo đuổi dự án một cách quyết liệt. “Quả ngọt” đầu tiên chính là vào ngày 26/12/2010, Công ty Cổ phần Sữa TH đã chính thức giới thiệu ra thị trường sản phẩm sữa sạch TH True Milk.

Đây là một sự kiện quan trọng của ngành sữa Việt Nam, đơn giản vì từ trước tới nay, trong ngành công nghiệp này chưa có dự án nào quy mô lớn như vậy. Theo chủ đầu tư, đây là dự án có quy mô lớn nhất Đông Nam Á với số vốn đầu tư lên đến 1,2 tỷ USD, một dự án mà nói như chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Hồ Đức Phớt, là “một niềm hy vọng của tỉnh”.

Mục tiêu của TH là rất rõ ràng: trở thành nhà sản xuất hàng đầu trong ngành hàng sữa có nguồn gốc từ thiên nhiên. Và để đạt được mục tiêu đó, hiện công ty đã nhập khẩu tổng cộng 10.000 con bò. Đến năm 2017 dự kiến sẽ có 137.000 con và nhà máy chế biến đạt công suất 500 triệu lít/năm, đáp ứng 50% nhu cầu sản phẩm sữa của thị trường trong nước.

Để đưa sản phẩm TH True Milk đến tay người tiêu dùng, Công ty Cổ phần Sữa TH đã xây dựng hệ thống cửa hàng bán lẻ TH True Mart. Chuỗi cửa hàng bán lẻ TH True Mart bước đầu có 9 cửa hàng tại Hà Nội và 2 cửa hàng tại Nghệ An, được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại và ứng dụng phương pháp bảo quản sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bà Hương nói rằng khi chứng kiến dòng sản phẩm đầu tiên của TH Milk, bà đã “rơi nước mắt” vì hạnh phúc. Tuy nhiên, để TH Milk thực sự thành công trên thị trường sữa vốn nổi tiếng về sự khắc nghiệt trong cạnh tranh, bà Hương và các cộng sự còn có cả… núi công việc để làm.

Nhưng, điều đáng nói là TH Milk cũng chỉ là một dự án trong một kế hoạch lớn của bà Hương tại Nghệ An. “Đại kế hoạch” mà bà Thái Hương vạch ra quả là rất tham vọng, khi bà nói rằng, muốn biến toàn bộ miền Tây Nghệ An thành một “thành phố cao nguyên” kiểu mới.

Vùng Phủ Quỳ, theo cách gọi của bà, là nơi có tiềm năng về khoáng sản và đất. Hai thứ đó, nếu đem đấu thầu khai thác một cách hiệu quả, có thể tạo ra nguồn lực khổng lồ cho việc quy hoạch, đầu tư hạ tầng và phát triển. “Nếu làm tốt quy hoạch, sau đó đấu giá quyền sử dụng đất cũng như các nguồn lợi khoáng sản, chúng ta hoàn toàn có thể giải bài toán vốn đầu tư để phát triển khu vực này”, bà Hương nói.

Theo vneconomy

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

one × 4 =

To Top