Connect with us

5.600 tỉ đồng game online: Chân vạc chia ba

Tình huống thương hiệu

5.600 tỉ đồng game online: Chân vạc chia ba

Theo phó GĐ VTC Online, VNG vẫn đang giữ vị trí dẫn đầu, sau đó là VTC, vị trí thứ ba thuộc về FPT.

Trước những áp lực của xã hội, những tưởng ngành kinh doanh game online (gọi tắt là GO) sẽ cáo chung, nhưng ước tính của các nhà kinh doanh, doanh thu năm nay tăng 20% so với năm trước.

Không còn phô diễn qua các buổi “đại hội võ lâm” như trước, từ năm 2011, sau khi có giấy phép hoạt động, bộ phận tiếp thị của nhà phát hành GO thông báo trên các diễn đàn về game về nội dung, thể lệ, điều kiện và cách chơi. Cách làm này vừa ít tốn kém, lại không bị dư luận chú ý.

Tại diễn đàn phát triển GO vừa được tổ chức vào ngày 21.7 vừa qua tại TP.HCM, ông Lê Hồng Minh, tổng giám đốc của VNG cho biết, trong năm 2012, ước tính doanh thu của nhóm hàng hoá GO Việt Nam (từ kinh doanh cho đến sản xuất) khoảng 5.600 tỉ đồng. 

Trong đó, loại cài đặt trên máy tính chiếm 72%, trò chơi trên web (gọi tắt là webgame) chiếm 12,5%, trò chơi trên di động chiếm 10,7%, còn lại thuộc về nhóm sản xuất, gia công cho các đối tác trong và ngoài nước.

Theo ông Phan Anh Tuấn, phó giám đốc công ty VTC Online, VNG vẫn đang giữ vị trí dẫn đầu với 45% tổng doanh thu thị trường GO, sau đó là VTC với tỷ lệ khoảng 30%, vị trí thứ ba thuộc về FPT ước chừng 20%…

Webgame đang tăng tốc

Theo thống kê thực hiện cuối năm 2011, nhóm khảo sát của Cimigo cho biết, trong số 5.800 người được hỏi, có 27% xác nhận thường xuyên chơi game trên web, trong khi đó chỉ có 18% chơi game cài đặt. Ông Phan Anh Tuấn của VTC Online nhận định: “Loại hình webgame đang gia tăng thị phần khá mạnh so với hai năm trước đây. Các nhà phát hành đang tập trung kinh doanh mô hình này, còn các nhà sản xuất game trong nước đang có kế hoạch sản xuất game chạy trên web khá nhộn nhịp”.

Từ cuối năm 2011 tới nay, có gần 20 webgame xuất hiện, trong khi loại cài đặt chỉ có dăm ba trò. Ông Việt Phương (CMN Game) phân tích: “Do chính sách quản lý, thủ tục duyệt và xin giấy phép cho game cài đặt rất khó và phức tạp, trong khi đó, loại hình vì webgame thường được gắn trên mạng xã hội, nên được xem là một ứng dụng không cần xin phép”. Theo giới kinh doanh, có những game có doanh thu 6 tỉ đồng/ tháng như Khu vườn trên mây hay Chân long giáng thế… với lượng khách hàng ước chừng 40.000 người/game.

Doanh thu không lớn như trò chơi cài đặt, song kinh doanh webgame lại ít vốn, giá mua bản quyền thấp, cần ít nhân lực hơn. Những ông chủ của các nhà phát hành game mới là các gương mặt cũ, có kinh nghiệm tại các doanh nghiệp GO lớn trên thị trường. Năm 2011, 40 nhân viên, trong đó có Lê Hoàng Sơn, Nguyễn Hoàng Tuấn Anh… bỏ VNG để thành lập SSGroup với bốn công ty thành viên. 

Cựu giám đốc điều hành FPT Online Lương Công Hiếu và Phương Đông cũng đã bỏ công ty này để thành lập Vivoo. CMN Game là công ty mới thành lập của nhóm nhân viên trước đây làm việc ở FPT như: Phạm Quốc Thắng, Mai Xuân Khôi và Trang Lan Anh Phương. Nguyễn Anh Dũng và Teddy Thành từng là hai chủ chốt của VTC Online và FPT Online nhưng đã “ra riêng” để thành lập SGame từ tháng 8.2009. Doanh nghiệp này đang được giới kinh doanh GO xem như một điển hình thành công phát triển webgame.

Sóng ngầm trên di động

Tuy doanh thu trong năm 2012 ước chừng 600 tỉ đồng, song giới kinh doanh tại Việt Nam đều đánh giá: doanh thu trò chơi trên di động trong vài năm tới có thể vượt webgame. Hiện việc tải và cài đặt hoàn toàn miễn phí, nguồn thu cho nhà phát hành và nhà mạng đến từ các khoản người chơi mua vật dụng để nâng cấp trang bị. 

Trò iWin (của công ty iWin) có doanh thu 10 tỉ đồng/tháng, theo lời ông Lê Hồng Minh của VNG. Còn theo ông Trần Đức Hạnh, trưởng phòng kinh doanh của công ty cổ phần thanh toán điện tử VNPT, có không ít mobigame hiện nay có doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi ngày. 

Ông Hạnh cho biết, tỷ lệ ăn chia hiện nay đang có lợi cho nhà phát hành. Khi khách hàng mua thẻ cào để chơi, nhà mạng được hưởng 15% giá trị thẻ, nhà sản xuất game sẽ được hưởng từ 20 – 40% tuỳ theo giá trị của game, phần còn lại thuộc về nhà phát hành. “Tỷ lệ giữa các bên như vậy là được, không ai chịu thiệt. Đây là động lực để các bên cùng khai thác dịch vụ này”, ông Hạnh nhận xét. 

Trong trường hợp người chơi game không nộp thẻ cào để mua vật phẩm trong game, nhà phát hành và sản xuất game không thu được tiền nhưng ít nhất, nhà mạng cũng có nguồn thu từ dịch vụ của gói cước 3G.

Hiện Việt Nam có khoảng 20 doanh nghiệp thiết kế game, phần lớn tập trung sản xuất mobigame để đưa lên kho ứng dụng của hai hệ điều hành di động hiện đang có lượng người đông như iOS, Android. Số lượng chưa nhiều nhưng theo ông Lê Hồng Minh, tổng giám đốc của VNG, doanh thu từ các ứng dụng trên thiết bị di động sẽ tăng, trong đó chủ lực từ mobigame.

Theo SGTT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

two × 4 =

To Top