Connect with us

3G Thắng thế

Tin trong nước

3G Thắng thế

“Những gói cước hấp dẫn cùng với sự hiện diện của công nghệ 3G ở Việt Nam đang đẩy mạnh xu hướng truy cập internet bằng điện thoại di động (ĐTDĐ)” - đây là nhận định trong báo cáo nghiên cứu Net Index 2011 do Yahoo! Và Kantar Media Việt Nam thực hiện tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ vừa được công bố. 

Xu thế này tiếp nối năm 2010, đưa tỷ lệ người truy cập internet qua ĐTDĐ từ 19% tăng lên 30% trong năm 2011.

Internet di động lấn lướt

Báo cáo Net Index 2011 cho thấy, truy cập internet tại nơi làm việc, tại quán cà phê internet (được hiểu là các điểm có trang bị máy tính để bàn) đều giảm trong khi truy cập internet tại nhà có tăng nhưng không nhiều (từ 75% lên 88%).

Riêng việc truy cập internet tại các điểm Wi-Fi và truy cập bằng ĐTDĐ hay các thiết bị công nghệ số cá nhân đều tăng.

Báo cáo cho biết, đặc biệt tại Đà Nẵng và Cần Thơ, tỷ lệ truy cập internet qua ĐTDĐ tăng cao, từ mức 26% lên 46% ở Đà Nẵng và 25% lên 61% giữa hai năm 2010 và 2011.

Một năm trước, mạng VinaPhone đạt khoảng 800.000 thuê bao 3G (chủ yếu sử dụng dịch vụ Mobile Internet – MI).

Đến thời điểm này, số lượng thuê bao 3G của VinaPhone đã tăng lên gần 2 triệu, đóng góp khoảng 13% vào tổng doanh thu.

Nhiều gói cước phù hợp và giá cước 3G liên tục giảm trong thời gian qua chính là tiền đề để việc truy cập MI phát triển mạnh. Ở các thành thị ít ai còn truy cập internet qua băng thông 2G hay 2,5G như trước.

Theo MobiFone, cơ cấu khách hàng dịch vụ MI 3G có đến 80% sử dụng tại nhà. Như thế cho thấy, sự lấn sân rất rõ của MI tại khu vực gia đình vốn dĩ lâu nay là “thành trì” của dịch vụ ADSL với các gói cước gia đình chiếm lĩnh.

Một trong những nhà cung cấp dịch vụ internet hàng đầu tại Việt Nam là FPT Telecom được cho rằng khả năng sẽ mất từ 15 -17% thị phần vì sự xâm lấn của MI.

Năm 2010, tỷ lệ người truy cập tại các điểm cà phê internet chiếm 42%, nhưng đã giảm xuống còn 36% trong cuộc nghiên cứu năm nay.

Trong khi đó, truy cập internet bằng laptop tại các điểm Wi-Fi và truy cập bằng ĐTDĐ và các thiết bị cá nhân khác cộng lại, năm 2010, chiếm tỷ lệ 31%, và đã tăng lên 43% trong năm 2011.

Nếu tính gộp để so sánh, thì sự đổi ngôi đã diễn ra giữa tỷ lệ 43% với 36%. Còn nếu chỉ tính riêng việc truy cập bằng ĐTDĐ và các thiết bị cá nhân, thì cuộc đổi ngôi sắp diễn ra với tỷ lệ 30% so với 36%.

 

Cuộc “xâm lấn” cần thiết

Khi cắt thuê bao ADSL của FPT thì người dùng thường được đặt câu hỏi: “Có dùng USB 3G không?”. Điều đó cho thấy các nhà cung cấp internet đã nhận thức rõ “mối nguy” từ 3G.

Còn đối với người tiêu dùng, cuộc xâm lấn của MI trước dịch vụ ADSL của các ISP là một cuộc xâm lấn cần thiết và họ được hưởng lợi. Bởi lẽ, nếu không có cuộc xâm lấn này thì dịch vụ ADSL “một mình một chợ” rất ít thay đổi và đặc biệt giá cả vẫn sẽ khó giảm.

Khi dịch vụ MI 3G của các nhà mạng mạnh lên, buộc các nhà cung cấp dịch vụ ADSL phải xem lại giá cước nói chung, đặc biệt trong đó có giá cước của thuê bao trọn gói, với một số ISP như FPT Telecom vẫn ở mức 275.000 đồng/tháng, trong khi gói D-Com 3G trả trước của Viettel có tính năng Tomato dùng không giới hạn lưu lượng nhưng mức cước tối đa mỗi tháng cũng chỉ có 120.000 đồng.

Mặt khác, giá thiết bị 3G cũng ngày một giảm.

Kể từ đợt điều chỉnh tỷ giá ở mức kỷ lục (gần 10%) vào tháng 2/2011, giá các thiết bị UBS 3G của MobiFone và VinaPhone không hề tăng mà còn giảm cực mạnh.

Nếu như USB 3G dạng xoay loại 7,2 Mbp trước đây có giá gần 1,7 triệu đồng thì giờ chỉ còn 999.000 đồng. USB 3G dạng thẳng đã hạ từ 1,2 triệu đồng còn 799.000 đồng. Viettel còn áp dụng giảm giá 50% cho các nhóm khách hàng như nhà báo, nhà giáo…, chỉ còn khoảng 390.000 đồng.

Dịch vụ MI 3G đang làm lộ rõ điểm yếu của dịch vụ ADSL về giá cước và lắp đặt. Điểm yếu của dịch vụ MI 3G là mỗi một USB hiện chỉ dùng được cho một máy tính.

Tuy nhiên, nếu một gia đình trang bị hai chiếc USB thì có thể sử dụng khá linh hoạt và thoải mái cho vài người, mà lại tiết kiệm được cước hàng tháng để bù đắp cho chi phí mua thiết bị ban đầu. 

Sử dụng MI qua USB 3G còn phù hợp cho những người hay dịch chuyển, dùng ở mọi lúc mọi nơi. Đặc tính này phù hợp với giới trẻ ở nhà thuê và hay đi công tác, du lịch vì giúp tiết giảm tối đa chi phí.

Theo nhận định trong Net Index 2011, chất xúc tác cho tăng trưởng của dịch vụ MI chính là giá thiết bị ngày càng rẻ, cước phí và giá thuê bao giảm dần, lại được khuyến mãi ồ ạt. Hiện nay, có 15% số người dùng ĐTDĐ theo khảo sát, đã thực hiện việc giao lưu trên mạng xã hội.

Theo thời gian, mối đe dọa của dịch vụ MI của nhà mạng đối với dịch vụ ADSL của các ISP như VDC hay FPT Telecom ngày càng lớn. Trước tiên, ở phân khúc người sử dụng cá nhân và gia đình đã thấy rõ sự ảnh hưởng.

Nhu cầu của các đối tượng này không đòi hỏi tốc độ quá cao. Hơn nữa, với tốc độ dịch vụ MI 3G hiện nay cũng đã tương đương hoặc trội hơn so với tốc độ của các gói cước ADSL dành cho gia đình. 

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

19 + 11 =

To Top