Tin trong nước
3 điểm yếu của du lịch Việt Nam
Vừa qua, tờ Financial Times (Anh) đã nêu ra 3 nhược điểm cơ bản của du lịch Việt Nam. Điều đáng nói là những điểm này không mới nhưng vẫn tiếp tục tồn tại.3 nhược điểm cơ bản được nêu ra là thiếu chiến lược tiếp thị hiệu quả, rào cản visa và sự bùng nổ của bất động sản du lịch. Một lần nữa, những người làm du lịch trong nước lại được nhắc nhở về những điều không mới.
Phân tích của Financial Times cho thấy một bộ phận lớn du khách quốc tế ngày càng quan ngại rằng chất lượng du lịch Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Bài phân tích cũng lưu ý sự bùng nổ của các dự án bất động sản du lịch gần đây có thể gây ra tình trạng thừa cung trong thời gian tới.
Ông Baron Ah Moo, một đại diện của nhóm vận động hành lang của các nhà đầu tư vào ngành du lịch Việt Nam cho biết, trong năm 2010, số khách quốc tế tới Việt Nam là 5 triệu lượt, tăng gần 35% so với năm khủng hoảng kinh tế 2009. Tuy nhiên, con số này vẫn ít hơn so với các nước như Bulgaria, Syria và Ukraine vốn có tiềm năng du lịch kém hơn Việt Nam. Thậm chí, 2 quốc gia láng giềng là Lào và Campuchia với dân số và diện tích nhỏ hơn nhưng vẫn vượt Việt Nam về tỉ lệ du khách quốc tế tính trên đầu người. Mỗi nước thu hút khoảng 2,5 triệu du khách trong năm qua trên tổng số dân lần lượt là 6,5 và 14,7 triệu người.
Chi tiết hơn, theo thống kê từ Tổng cục Du lịch Việt Nam (VNAT), trong năm 2010, số khách nước ngoài tới Việt Nam với mục đích du lịch, nghỉ ngơi chỉ khoảng 3,1 triệu lượt. Còn lại, khách đến công tác khoảng 1 triệu lượt, khách thăm thân nhân (Việt kiều) gần 600.000 lượt và một số đến vì mục đích khác. Như vậy, con số chính xác du khách quốc tế đến Việt Nam trong năm qua chỉ ở mức 3,1 triệu lượt, kém xa so với con số của Malaysia là 24 triệu lượt, Thái Lan 15 triệu lượt và Singapore 11 triệu lượt.
Vậy nhược điểm của du lịch Việt Nam nằm ở đâu? Theo Financial Times, vấn đề nổi trội đầu tiên cần giải quyết là xây dựng một chiến lược tiếp thị dài hơi và phù hợp để du khách quốc tế luôn xem Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn trong kế hoạch nghỉ dưỡng của mình. Về vấn đề này, VNAT đã phát động cuộc thi tìm kiếm khẩu hiệu cho chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015 với thế mạnh là du lịch biển, sinh thái, văn hóa. Kết thúc cuộc thi, tác phẩm của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Tư vấn Thiết kế Cowan đoạt giải nhất với khẩu hiệu “Việt Nam – Sự khác biệt Á Đông” (Vietnam – A Different Orient). Tuy nhiên, sau đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã nêu rõ quan điểm: “Kết quả cuộc thi và việc lựa chọn biểu tượng và khẩu hiệu thay thế là hai việc khác nhau vì khi đưa ra thăm dò rộng rãi trong ngành và trên các phương tiện truyền thông thì giải nhất chỉ mới chiếm được 43-56% số phiếu bầu chọn. Kết quả trưng cầu này mới chỉ đạt mức trung bình và cũng còn nhiều điểm chưa ổn khiến Bộ chưa thể chọn đây là biểu tượng và tiêu đề chính thức”. Như vậy, kế hoạch quảng bá với khẩu hiệu mới đến nay vẫn chưa hoàn tất. Trong khi đó, hoạt động quảng bá của các nước trong khu vực đã trở nên phổ biến với khẩu hiệu rõ ràng. Malaysia có khẩu hiệu “Châu Á đích thực” (Truly Asia), Ấn Độ có “Ấn Độ với những điều không thể tin được” (Incredible India) và Thái Lan là “Kinh ngạc Thái Lan” (Amazing Thailand).
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết trong năm nay ngành du lịch nhắm đến doanh thu 110.000 tỉ đồng, tăng 14.000 tỉ đồng so với năm trước, dựa vào chiến lược tiếp thị và quảng bá tại thị trường trong nước và quốc tế. Trong nước, tâm điểm là các chương trình quảng bá Năm Du lịch Quốc gia, sẽ diễn ra tại 7 tỉnh, thành phố vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Ngoài nước, tâm điểm là các chiến dịch quảng cáo trên sóng truyền hình quốc tế. Ngày 9.6 vừa qua, Hãng tin BBC (Anh) cho biết sắp hoàn thiện đoạn clip 30 giây quảng cáo du lịch Việt Nam và sẽ bắt đầu phát sóng kể từ tháng 7. Trước đây, các kênh truyền hình CNN và BBC đã phát quảng cáo về du lịch Việt Nam nhưng lần này BBC sẽ thực hiện với tần số cao hơn. Đoạn quảng cáo thực hiện theo đơn đặt hàng của VNAT sẽ được phát sóng 260 lần, 3 lần một ngày, trong 3 tháng. Chi phí khoảng 150.000 USD trong tổng số ngân sách 1,7 triệu USD cho các hoạt động tiếp thị và quảng cáo du lịch Việt Nam năm 2011.
Vấn đề nổi trội tiếp theo là thủ tục visa nhập cảnh. Tuy đã được đơn giản hóa thời gian qua nhưng đã đến lúc cơ quan thẩm quyền cần phải mở rộng chính sách miễn visa đối với công dân của một số nước Đông Bắc Á và Tây Âu. Được như vậy, Việt Nam mới có thể gia tăng lợi thế cạnh tranh với các nước Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Indonesia.
“Hàng trăm chuyên gia nước ngoài làm việc trong khu vực có thói quen chơi golf vào cuối tuần nhưng họ thường đến các nước lân cận thay vì Việt Nam do phải xin visa. Đây là một thất thu lớn của ngành du lịch”, ông Kenneth Atkinson, Giám đốc Điều hành Công ty Grant Thornton Việt Nam, cho biết.
Tại buổi trình bày với các quan chức ngành du lịch về kế hoạch đầu tư hồi cuối tháng 5 vừa qua, ông Ah Moo (khi đó là đại diện mảng đầu tư khách sạn và resort của Quỹ Đầu tư Indochina Capital) cho biết du lịch Việt Nam phải đối mặt với một thử thách nữa. Đó là tình trạng thừa cung từ các cơ sở lưu trú trong cả nước với hơn 2.500 phòng khách sạn dự kiến sẽ được đưa ra thị trường tại Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang và Đà Nẵng trong năm nay và khoảng thêm 3.700 phòng nữa trong năm 2012.
Ông Nguyễn Minh Sơn, chủ một doanh nghiệp khách sạn mini ở Q.1, TP.HCM, nhận xét: “VNAT đặt mục tiêu thu hút tới 5,5 triệu khách quốc tế trong năm nay nhưng tôi tin con số thực đạt sẽ chỉ khoảng 4 triệu là may, hoặc chỉ khoảng 3,1 triệu như năm 2010. Như vậy, nguồn cung phòng khách sạn chắc chắn sẽ thừa và sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành”.
Theo DNSG