Connect with us

Xe máy “Tàu” ngày ấy, bây giờ

Tình huống thương hiệu

Xe máy “Tàu” ngày ấy, bây giờ

Hơn 10 năm trôi qua đã vẽ nên bức tranh thú vị mà các loại xe máy có xuất xứ từ Trung Quốc là nhân vật trung tâm. Từng một thời tung hoành ngang dọc và rồi sự mất hút của các loại xe máy “Tàu” lại diễn ra chóng vánh đến hụt hẫng.

Phá bĩnh và… mở đường

Đầu thập niên 2000, những chiếc xe máy Trung Quốc (mà nhiều người vẫn quen gọi là xe “Tàu”) bắt đầu du nhập vào Việt Nam. Hai thương hiệu nổi tiếng nhất và có vai trò mở đường là Loncin và Lifan.

Khi mới xuất hiện trên thị trường, những chiếc xe máy mang thương hiệu Loncin với kiểu dáng nhang nhác (thực tế là nhái gần như hoàn toàn) những chiếc Wave hay Dream của Honda đã thổi một luồng gió mới vào thị trường xe máy Việt Nam. Những chiếc xe này có giá bán khoảng 12-14 triệu đồng. Tiếp bước ngay sau đó là Lifan, những chiếc xe này thậm chí còn có giá bán thấp hơn, chỉ nhỉnh trên mức10 triệu đồng chút ít.

Nếu so với hiện nay, mức giá này không phải là thấp. Nhưng tại thời điểm ấy, khi mà giá bán của những chiếc xe Honda, Suzuki hay Yamaha đều phổ biến từ 20 – 30 triệu đồng, vài mẫu xe còn ở mức giá cao hơn, thì thực sự những chiếc xe “Tàu” thực sự đã tạo nên một cú sốc trên thị trường xe máy Việt Nam lúc bấy giờ.

Đáng chú ý là cho đến tận lúc này, những người dân đã từng mua và sử dụng xe “Tàu” vẫn thừa nhận một thực tế rằng: xe “Tàu” thời ấy chất lượng chẳng thua kém gì những chiếc Honda chính hiệu. Có người chỉ vào góc nhà và nói, “tôi vẫn giữ chiếc Loncin đời đầu kia, chẳng hỏng hóc gì, cứ thế thay dầu đổ xăng, năm bảo dưỡng một lần là vẫn chạy tốt”.

Bởi lẽ đó, những năm đầu thập niên 2000, xe “Tàu” đã làm mưa làm gió trên thị trường: xuất hiện đầy rẫy các cửa hàng, người mua kẻ bán nhộn nhịp; trở thành phương tiện phổ biến với anh viên chức, chị công nhân đến bác xe ôm đầu ngõ, cô hàng xén ngoài chợ…

Sau sự mở đường của xe “Tàu” chính hiệu lại đến những chiếc xe kiểu “hồn Trương Ba, da hàng thịt”, những thương hiệu xe máy do các doanh nghiệp nội địa xây dựng. Loncin, Lifan, Lisohaka, Sufat hay T&T…, tất cả đã cùng nhau tạo dựng một trào lưu xe máy giá rẻ.

Đó cũng là thời kỳ cực vượng của những nhà kinh doanh xe “Tàu”, một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe nhái từ đủ các loại linh kiện, phụ tùng có từ nhiều nguồn khác nhau.

Quãng thời gian đó, không khó để tìm thấy những doanh nhân, doanh nghiệp gia đình đi lên từ xe máy giá rẻ mà chính họ từng phải ngày đêm kỳ cạch ngồi cầm máy, tuốc-nơ-vít để bắt vặn, lắp ráp từng chiếc xe; không khó để chứng kiến sự hồ hởi, nhộn nhịp và ăn nên làm ra tại các làng nghề kim khí ở Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) hay Nam Định.

Từ cuộc xâm nhập của xe “Tàu” đến trào lưu xe giá rẻ đã tạo nên những tác động mạnh mẽ đến thị trường và ngành công nghiệp xe máy Việt Nam. Mà bản chất, trào lưu đó đã gây sức ép đến các hãng xe máy lớn và nổi tiếng lúc bấy giờ, hầu hết là các thương hiệu đến từ Nhật Bản.

Trong cuộc chơi mà xe “Tàu” là kẻ khởi xướng, có lẽ Honda khi ấy là hãng xe chịu nhiều tổn thất nhất. Với các hãng xe lớn, có lẽ xe “Tàu” chính là kẻ phá bĩnh đáng ghét nhất. Song trong một thị trường có quá nhiều tiềm năng như Việt Nam mà khi đa phần người tiêu dùng đều vui vẻ chấp nhận và thậm chí cảm ơn những chiếc xe “Tàu”, những chiếc xe giá rẻ mà không quan trọng hóa vấn đề xuất xứ, thương hiệu, các hãng xe lớn đã buộc phải lao vào cuộc chơi.

Điển hình là Honda. Với vị thế của một nhà sản xuất đang chiếm thị phần số một, có lợi thế về nguồn lực và công nghệ, liên doanh đến từ xứ sở mặt trời mọc đã gia nhập sân chơi xe máy giá thấp với dòng sản phẩm đầu tiên là Wave Alpha. Và cũng kể từ đó đến nay, Honda đã luôn trở thành thương hiệu dẫn đầu ngay tại phân khúc xe giá thấp.

Chính sự tham gia của “ông lớn” Honda đã tạo nên một thị trường xe máy giá thấp thực thụ. Đã có những nhận định rằng, nếu không có xe “Tàu”, nếu không có sự tham gia của Honda và sau đó là nhiều hãng xe khác như SYM, CPI, Suzuki hay Yamaha dù ở các mức độ khác nhau, thì đến nay, chưa chắc người dân Việt Nam đã được dùng những chiếc xe máy giá thấp. Thậm chí nếu so sánh về giá trị, chưa cần tính tới vàng, thì những chiếc xe máy có tầm giá dưới 20 triệu đồng hiện nay còn rẻ hơn rất nhiều so với những chiếc Loncin hay Lifan “đời đầu” của hơn 10 năm về trước.

Từ góc nhìn khác, xe “Tàu” và trào lưu xe giá rẻ của những năm đầu thập niên trước còn có công lớn khi khởi sự cho ngành công nghiệp hỗ trợ xe máy.

Nhờ trào lưu xe giá rẻ, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp và gia đình làng nghề kim khí đã đi lên từ mức độ gia công linh – phụ kiện chất lượng “hầm bà lằng” để trở thành những nhà cung cấp phụ trợ lớn hiện nay. Đó cũng là điều góp phần giúp những chiếc xe máy mang các thương hiệu nổi tiếng có được tỷ lệ nội địa hóa cao, ví dụ nhiều mẫu xe hiện nay của Honda Việt Nam đã đạt được tỷ lệ nội địa hóa lên đến trên 90%. Với một thị trường 3 triệu xe/năm, khi có được tỷ lệ nội địa hóa lớn như vậy, giá xe máy không thể không rẻ. Cuộc cạnh tranh thực sự và khốc liệt cũng đã bắt đầu và ngày càng khốc liệt.

Nhìn rộng ra, chính trào lưu đó đã có vai trò thúc đẩy cho ngành công nghiệp xe máy Việt Nam phát triển để trở thành một trong những trung tâm công nghiệp xe máy lớn trên thế giới.

 

“Quy ẩn” về chốn gian nan

Bây giờ, để tìm thấy những chiếc xe “Tàu” thực thụ tại các thành phố lớn hẳn không phải là việc dễ. Họa hoằn lắm mới thấy vài người còn ngồi trên những chiếc xe giá rẻ một thời để thồ hàng, hoặc vài anh thợ hồ lượn lờ qua lại bằng những chiếc “xế nổ” bành bành lắm khi đã rơi rụng vài phụ tùng, ống xả thì mối mọt tan nát, vài chiếc xe “nghèo” đến trơ khung.

Có chăng, khái niệm xe “Tàu” hay xe giá rẻ bây giờ ở đô thị hay kể cả nhiều vùng nông thôn cũng đã khác xưa. Những cái tên như Loncin hay Lifan đã gần như mất hút hoàn toàn, thay vào đó là vài thương hiệu xe có vẻ đỡ “Tàu” hơn, cao cấp hơn, chẳng hạn là xe Đài Loan, xe do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, lắp ráp.

Cách đây vài năm, thỉnh thoảng còn tìm thấy trên các con phố kinh doanh xe máy ở Hà Nội vài cửa hàng trưng bày những chiếc xe có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc. Dù mức giá bán lẻ đã được xem là không thể rẻ hơn, chỉ 5-8 triệu đồng mỗi chiếc, nhưng các cửa hàng này cho biết cả tháng giỏi lắm cũng chỉ bán được một vài xe.

Và đến bây giờ, xe “Tàu” đã hầu như không còn “đất sống” tại các vùng đô thị. Khi các hãng xe lớn cùng lao vào cuộc chơi xe giá thấp, thì những yếu tố về chất lượng, công nghệ, mẫu mã sản phẩm và thương hiệu đã giúp những Honda Wave Alpha, Yamaha Sirius với mức giá nằm giữa khoảng 10-20 triệu đồng dồn ép xe “Tàu” vào chốn gian nan.

Sự lựa chọn giữa những chiếc xe có thương hiệu và chất lượng ổn định với những chiếc xe dù giá chỉ bằng 1/3 nhưng nay hỏng, mai sửa đã không còn là việc khó khăn đối với phần đông người tiêu dùng.

Điều khiến người tiêu dùng hiện nay e ngại xe giá rẻ nhất chính là ở chất lượng, từ đó đe dọa đến an toàn giao thông của người sử dụng. Theo tìm hiểu từ “dân” sửa xe chuyên nghiệp, những hỏng hóc thường gặp nhất của xe máy giá rẻ là bộ vi mạch tích hợp (IC), hệ thống điện và kể cả bộ ly hợp… Đây là những bộ phận mà nếu bị hỏng bất kỳ khi xe đang vận hành, nhất là trên đường quốc lộ, sẽ rất dễ dẫn đến tai nạn mà người cầm lái khó có thể xử lý kịp.

Vấn đề tâm lý tiêu dùng cũng là một yếu tố tác động mạnh mẽ. Khi đời sống kinh tế lên cao, nhu cầu “chưng diện” không còn chỉ bó hẹp vào quần áo, giày dép, thì những chiếc xe máy mang thương hiệu nổi tiếng đương nhiên là lựa chọn ưu tiên.

Rõ ràng, khi thị trường đã có quá nhiều lựa chọn, các dòng sản phẩm và thương hiệu phong phú trong khi mặt bằng giá đã đáp ứng vừa túi tiền của đa số người dân thì xe “Tàu” buộc phải thoái ẩn, trả lại sân chơi cho những “ông lớn”.

Vậy, xe máy “Tàu” bây giờ về đâu?

1 trâu 5 “xế”

Bị đẩy ra khỏi đô thị, xe máy “Tàu” bắt đầu trôi dạt về các vùng nông thôn. Nhưng rồi, cuộc đấu với các loại xe giá thấp của Honda hay SYM, CPI cũng dần ép xe “Tàu” vào chỗ thua cuộc. Cuối cùng, kẻ phá bĩnh một thời của thị trường xe máy bắt buộc phải dồn về miền núi, vùng cao.

Nếu như xe “Tàu” hiện nay vắng bóng ở đô thị bao nhiêu thì nó lại xuất hiện ở các tỉnh vùng cao, đặc biệt là các huyện, xã giáp biên giới bấy nhiêu.

Có mặt ở những địa bàn mà “dân phượt” thường khám phá như Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê (Hà Giang), Bắc Hà, Si Ma Cai (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái) hay Than Uyên, Sìn Hồ (Lai Châu), các cửa hiệu bán xe máy có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn nhộn nhịp, ăn nên làm ra. 

Mặc dù các loại xe nổi tiếng, kể cả xe tay ga đắt tiền như Honda Air Blade, Yamaha Nouvo hay Suzuki Hayate đã không còn là của hiếm nhưng đây vẫn là “đất vàng” của xe máy Trung Quốc. Những chiếc xe Loncin, Lifan, Medal và cả những nhãn hiệu mà người viết chưa từng gặp luôn trung thành với các kiểu dáng truyền thống “nhái” từ Honda như Wave, Dream và đặc biệt, thịnh hành nhất là Win.

Có lẽ, với người vùng cao, nhất là dân sinh sống tại các bản lưng núi, thì ngoài ngựa, không loại phương tiện nào phù hợp hơn là xe máy… “Tàu”.

Với người dân thành phố hay miền xuôi, có thể chất lượng của những chiếc xe máy này là một “vấn đề” lớn, nhưng với người vùng cao, miễn xe “chạy” được là… được.

Theo cách nghĩ thông thường, những chiếc xe “Tàu” nếu đi ở đô thị hay đồng bằng, ngoài ý nghĩa về thẩm mỹ thì sự kém chất lượng cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình vận hành, sử dụng. Nhưng khi đi ở đường đồi núi với mặt đường theo kiểu “off-road” thì sự phân biệt là rất khó. Quan trọng hơn, xe có thể chở đồ, có thể vượt địa hình bất chấp điều kiện nào mà chủ nhân của nó không phải bận tâm lắm đến chuyện hư hại, sửa chữa hay thậm chí là bỏ đấy để tậu một chiếc xe mới.

Có lần, khi tác giả cuốc bộ vào trung tâm xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) thì gặp một thanh niên H’Mong đang lúi húi chọc ngoáy chiếc xe. Hỏi “sửa xe à?”, anh trả lời hồn nhiên “ngày nào chả sửa”. Lại hỏi “sao không mua cái xe xịn mà đi cho đỡ sửa”. Chàng thanh niên thật thà rằng, “đi đường núi thì xịn cũng hỏng, tao mua cái xe này gần 5 triệu ngoài huyện, hỏng hẳn thì mua cái mới. Tao bán một con trâu là đủ mua 5 cái thế này”.

Đúng là với thời giá bây giờ, khi một con trâu trưởng thành có mức giá bán trên 20 triệu đồng, thì sự “tự tin” của anh thanh niên H’Mong kể cũng dễ hiểu. Mà với nhiều hộ gia đình ở vùng cao, chuyện một nhà sở hữu đàn trâu hàng chục con cũng không phải là trường hợp hiếm gặp.

Xem ra, bài toán tiêu dùng của người vùng cao đối với loại mặt hàng đã thất thế ở miền xuôi này rất có hợp lý.

Theo vneconomy

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

7 + eleven =

To Top