Connect with us

WonderBuy phá sản, cuộc sàng lọc bắt đầu

Tình huống thương hiệu

WonderBuy phá sản, cuộc sàng lọc bắt đầu

Sự kiện WonderBuy tuyên bố phá sản đã gióng lên lời cảnh báo về một cuộc sàng lọc trên thị trường bán lẻ điện máy.

Tuyên bố phá sản là điều không mong muốn và chúng tôi đang cố gắng vượt lên trên dư luận để hướng đến giải pháp tái cấu trúc và làm hồi sinh WonderBuy với hình ảnh hoàn toàn mới sau khoảng 6 tháng nữa. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất nó cũng có thể chết lâm sàng”, ông Phan Thanh Hà, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện máy – Máy tính – Viễn thông Hợp Nhất, chủ sở hữu thương hiệu WonderBuy, cho biết.

Tái sinh hay chết lâm sàng

Ông Hà xác nhận, tính đến ngày 10.6.2011, WonderBuy đã lỗ 52 tỉ đồng gồm 9 tỉ đồng tiền cọc thuê mặt bằng, 20 tỉ đồng hàng hóa và số còn lại là tiền thuê mặt bằng tại số 27 Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP.HCM.

Với vốn đầu tư ban đầu khoảng 3 triệu USD, chiến lược của WonderBuy được xây dựng trên mô hình chuẩn của các siêu thị bán lẻ điện máy châu Á và cả Việt Nam. Đó là mô hình 3C gồm máy tính (Computer), điện tử tiêu dùng (Consumer Electrics) và thiết bị viễn thông (Communication) với tỉ lệ lần lượt là 50%, 40% và 10%. WonderBuy còn dự định mở thêm 2 cửa hàng nữa trong năm nay tại TP.HCM, đồng thời đưa chữ C thứ 4 vào mô hình là Content gồm cung cấp nội dung số như games, nhạc, sách điện tử. Đội ngũ nhân sự của WonderBuy cũng được chuẩn bị khá kỹ với số lượng không nhỏ thu hút về từ Siêu thị điện máy Nguyễn Kim.

Ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tư vấn Robenny tại Việt Nam, cho rằng 2 nguyên nhân chính dẫn WonderBuy đến phá sản là thời điểm gia nhập thị trường không phù hợp và giá thuê mặt bằng quá đắt. Tổng doanh thu sau 1 năm hoạt động vẫn không đủ bù chi phí.

Những khó khăn của kinh tế thời gian qua đã khiến WonderBuy gục ngã. “Chúng tôi đã lên kế hoạch cho thuê văn phòng khoảng hơn 50% diện tích sau vài tháng hoạt động để bù vào chi phí mặt bằng và những lúc kinh doanh xuống thấp. Tuy nhiên, kế hoạch này bị phá sản, phân khúc văn phòng ngày càng xuống dốc do các doanh nghiệp thu hẹp hoạt động vì bất ổn kinh tế, ông cho biết. Được biết, Công ty Cổ phần Đầu tư IMG cho thuê mặt bằng với giá 25 USD/m2/tháng và mỗi tháng WonderBuy phải trả khoảng 2,5 tỉ đồng tiền thuê. Gần đây do kinh doanh xuống dốc, WonderBuy đã thu gọn diện tích thuê nên tiền mặt bằng giảm còn khoảng 2,2 tỉ đồng/tháng. Đến cuối tháng 5, do WonderBuy không còn khả năng chi trả số tiền thuê mặt bằng tháng 5, tháng 6 cùng với điện, nước lên tới hơn 4,5 tỉ đồng nên IMG ra “tối hậu thư” yêu cầu thanh toán vào hạn chót là ngày 13.6.2011, nếu không phải dời toàn bộ hàng hóa và trả lại mặt bằng. Ngoài ra, số tiền cọc 9 tỉ đồng của WonderBuy cũng bị mất theo quy định trong hợp đồng.

Đến ngày 24.5, WonderBuy đã nộp hồ sơ bảo hộ phá sản lên Tòa án Nhân dân TP.HCM. Theo lý thuyết, WonderBuy sẽ tạm ngưng hoạt động từ 3-6 tháng để giãn nợ, tìm địa điểm kinh doanh mới đồng thời duy trì thương hiệu cũ. Tuy nhiên, theo ông Hà, 2 giải pháp có thể xảy ra đối với WonderBuy là “tái sinh” hoặc sẽ “chết lâm sàng”.

Hiện nay, kế hoạch tái sinh WonderBuy có thể không thành hiện thực vì việc bán cổ phần cho các đối tác chiến lược đã không thành công. Giải pháp vay ngân hàng cũng thất bại do khoản vay nhằm phục vụ hoạt động của một doanh nghiệp phá sản không được khuyến khích. “Mối quan hệ với HD Bank trước đây nay đã kết thúc, họ không cho chúng tôi vay để duy trì vốn lưu động. Như vậy, nếu kế hoạch tái sinh không thành thì có lẽ WonderBuy sẽ chết lâm sàng”, ông Hà nói. Trên thực tế, cái mất lớn nhất là uy tín trên thương trường. Hơn nữa, Điều 94 của Luật Phá sản năm 2004 nêu rõ các cổ đông chính của doanh nghiệp phá sản không được góp vốn thành lập doanh nghiệp mới trong vòng 3 năm sau đó.

Khởi động sàng lọc

Kết quả khảo sát mới đây của 2 công ty nghiên cứu thị trường GfK và Nielsen cho thấy doanh thu bán lẻ điện máy gia dụng của Việt Nam có thể đạt đến 4 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, hiện nay mới đạt khoảng 1,3 tỉ USD/năm, tương đương 40%, nghĩa là còn tới 60% nhu cầu vẫn chưa được khai thác. Vậy tại sao WonderBuy mới chỉ gia nhập thị trường được 1 năm đã lâm vào cảnh phá sản? Câu trả lời khá là đơn giản: tuy thị trường còn nhiều tiềm năng nhưng không phải là một cuộc dạo chơi và quá trình sàng lọc đã bắt đầu.

Hiện nay, thị trường hàng điện máy gia dụng Việt Nam chủ yếu được phân phối qua các kênh sỉ và lẻ với những thương hiệu quen thuộc như Tara, Nguyễn Kim, Đệ Nhất Phan Khang, Thiên Hòa, Chợ Lớn. Trong đó, Tara là doanh nghiệp phân phối sỉ đã có trên 15 năm hoạt động và mở thêm chuỗi siêu thị bán lẻ điện máy Best Carings tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông Lê Hồng Xuân, Tổng Giám đốc Best Carings đã quyết định rút lui khỏi mô hình bán lẻ vì xung đột quyền lợi giữa hình thức phân phối sỉ và lẻ đã lên đến đỉnh điểm.

Ông Đinh Anh Huân, Tổng Giám đốc Siêu thị điện máy Dienmay.com, cũng thừa nhận sức mua giảm mạnh từ sau Tết nên lượng tồn kho bị đẩy lên cao. Trong lúc người tiêu dùng giảm mua sắm thì các siêu thị điện máy lại liên tục mọc lên, đẩy cuộc chiến giành thị phần và sàng lọc ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên, ông Huân cho rằng cuộc chiến mới chỉ bắt đầu. “Từ kinh nghiệm của thị trường điện thoại di động, tôi có thể khẳng định phải mất 2-3 năm nữa thị trường mới có thể được xác lập rõ ràng. Khi ấy, mỗi tỉnh sẽ có vài nhà phân phối nhỏ còn cả nước thì cũng chỉ có 1-2 chuỗi bán lẻ lớn”, ông nói.

Thông tin trong ngành cho biết thương hiệu điện máy gia dụng Midea lớn nhất Trung Quốc và đứng thứ 3 thế giới đang xin giấy phép thành lập công ty phân phối 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời xây dựng nhà máy thứ 3 tại Khu công nghiệp VSIP 2 sau 2 nhà máy đã có tại Khu công nghiệp VSIP 1. Nếu đúng tiến độ Midea sẽ thiết lập và điều hành hệ thống phân phối sản phẩm của chính mình tại Việt Nam. “Đây là cách Midea đang làm ở Campuchia. Họ ký hợp đồng phân phối với chúng tôi trong hơn 10 năm qua nhưng bây giờ muốn lấy lại”, ông Chum Sam Ann, Tổng Giám đốc Công ty phân phối các sản phẩm Midea tại Campuchia, cho biết.

Như vậy, tuy cuộc chiến sàng lọc giữa các đơn vị kinh doanh điện máy mới chỉ bắt đầu nhưng sức nóng đang ngày càng lan tỏa và chỉ có những doanh nghiệp với chính sách tốt và tiềm lực tài chính mạnh mới có cơ vượt lên.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

two × 2 =

To Top