Tình huống thương hiệu
Vạch trần chiêu trò ‘lừa dối’ của các ông chủ mỳ gói
Thay vì quảng cáo công dụng của mỳ ăn liền ngon, bổ, rẻ... các nhà sản xuất tập trung "đánh" vào lòng trắc ẩn hay dọa người tiêu dùng về những hợp chất có hại khi sử dụng sản phẩm của nhà sản xuất khác.Ngày nào cũng vậy, từ những khung giờ ít người xem nhất như từ 7h -10h, 13h – 17h hay cho đến những khung giờ hút khách như 11h-12h, 18h – 22h… đều dễ dàng nhận thấy hàng loạt các quảng cáo được đan xen trong các chương trình TV.
Ngay cả một cô bé, cậu bé 4-5 tuổi cũng thuộc lòng những mẩu quảng cáo như: “Mẹ chọn là nhất”, “Mỳ Omachi, rất ngon mà không sợ nóng… Nước tương Chinsu không có chứa 3-MCPD nên an toàn cho cả nhà” thì đủ thấy mức độ truyền tải của các thông điệp quảng cáo rộng rãi đến thế nào. Thế nhưng, sự thật từ những gì quảng cáo so với trên thực tế thì được bao nhiêu phần trăm?
“Cú lừa ngoạn mục từ lòng trắc ẩn” của mỳ gấu đỏ
Đoạn clip quảng cáo “Gấu đỏ gắn kết yêu thương” được chiếu trên TV vài tuần trước đã khiến bao khán giả phải rớt nước mắt vì quá thương cảm.
Clip dài 30 giây xuất hiện hình ảnh cậu bé Tuấn – bệnh nhân ung thư với nụ cười hồn nhiên, mở cánh cửa bệnh viện chào tạm biệt mọi người để về nhà đã khiến hàng triệu con tim độc giả rung động. “Đó là ký ức về câu chuyện vui của bệnh nhân tên Long, về nụ cười ấm áp của cô y tá Mai, sự ân cần, hóm hỉnh của bác sĩ Quang. Tuy nhiên, với bố mẹ Tuấn, ngày ra viện lại là ký ức buồn vì họ không đủ kinh phí để tiếp tục điều trị cho con”, đoạn quảng cáo có đoạn.
Khi nghe cụm từ “những trẻ em nghèo như Tuấn được chữa bệnh” vang lên, hàng triệu khán giả xem truyền hình tin rằng, nhân vật Tuấn là có thật. Câu chuyện cảm động đang phát trên sóng truyền hình của cả nước kia là hoàn toàn không bịa đặt. Hơn nữa, bác Long, cô y tá Mai, bác sĩ Quang là những nhân vật củng cố hơn niềm tin ấy của người xem.
Chẳng đắn đo, nhiều bà nội trợ đã đua nhau đi mua mỳ Gấu đỏ, với hy vọng đóng góp nhỏ bé của mình có thể đến được với những em nhỏ đang mắc căn bệnh ung thư như Tuấn.
Tuy nhiên, vài ngày gần đây, nhiều người được phen sửng sốt khi phát hiện ra mỳ Gấu đỏ đã thuê “diễn viên” để mua nước mắt của khách hàng. Không chỉ vậy, mới đây có nguồn tin còn cho hay, bệnh nhân được mỳ Gấu đỏ tài trợ 100% vẫn phải nộp 5.000.000đ viện phí.
Nhiều người từng mua Gấu đỏ ủng hộ chương trình “Gắn kết yêu thương” sau phút ngỡ ngàng là những bức xúc không tả xiết. Điều này lập tức tạo ra hiệu ứng không mấy tích cực về clip quảng cáo.
Nhìn tổng quát thì thông điệp của mỳ Gấu đỏ rất đáng trân trọng. Đáng quý là tấm lòng các doanh nghiệp dù kinh doanh vẫn nghĩ đến trách nhiệm cộng đồng. Tuy nhiên, không ít người cho rằng nhãn hàng Gấu đỏ đang lợi dụng lòng trắc ẩn, tình thương của cộng đồng nhằm mục đích kiếm tiền.
Điều này càng khiến cho người ta có cớ để nghi ngờ khi thực tế nhãn hàng mỳ Gấu đỏ chỉ trích 10 đồng trong giá trị một gói mỳ được bán ra cho việc giúp đỡ trẻ em bất hạnh.
Có người còn làm phép tính vui: mỗi ngày ăn một gói, ta mất ba năm để gửi tới các em 10.000 đồng. Nếu muốn góp 100.000 đồng, số năm ăn mỳ Gấu đỏ phải là 30 năm liên tục. Còn để góp một triệu đồng, chúng ta phải ăn mỳ Gấu đỏ tới 300 năm.
Hơn nữa, 10 đồng làm từ thiện đó được trích ra từ túi của khách hàng hay lợi nhuận của doanh nghiệp thì còn rất mịt mờ. “Theo quan điểm cá nhân tôi, đúng là mỳ Gấu đỏ đưa ra thông điệp: ăn một gói mỳ là bạn đã góp 10 đồng cho bệnh nhân ung thư, thông điệp đó đánh mạnh vào lòng trắc ẩn của khách hàng nhưng cuối cùng chỉ quyên góp 10 đồng. Có thể nói với thông điệp thì quá lớn nhưng đóng góp thì có phần chưa tương xứng với sự kêu gọi đó…mà có chăng 10 đồng đó được trích từ tiền của doanh nghiệp hay là số tiền mà khách hàng phải trả thêm khi mua sản phẩm mỳ Gấu đỏ?”, ông Trần Tuấn Anh, chuyên gia marketing, giảng viên ĐH Hà Nội đánh giá.
Còn PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái (nguyên giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH KHXH&NV – ĐHQGHN) thì thẳng thắn đánh giá: “Xem trong đoạn clip quảng cáo trên thì nhãn hàng Gấu đỏ đang tự lộ ra sự lố bịch của mình”.
Sự “lố bịch” của nhãn hàng Gấu đỏ theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chính là việc làm marketing và truyền thông quá thành công với chiêu trò, thông điệp mạnh mẽ nhưng trong thực tế thì ngược lại.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, nhãn hàng Gấu đỏ đã tự làm mình trở nên “lố bịch”. Ngay trong đoạn clip nhãn hàng Gấu đỏ không có chút hình ảnh giới thiệu về sản phẩm. Những thông tin người tiêu dùng cần biết về một sản phẩm như: giá trị dinh dưỡng, đặc điểm nhận biết của sản phẩm không hề xuất hiện.
Sự thật về tiêu chí “3 không” của mỳ gấu yêu
Khi clip quảng cáo Mỳ Gấu đỏ Kết nối yêu thương gây tranh cãi trong cộng đồng về việc kiếm lợi bằng cách đánh vào lòng trắc ẩn của người tiêu dùng chưa nguôi thì Công ty Cổ phần Thực phẩm Á châu lại tung ra thị trường sản phẩm mới – mỳ ăn liền Gấu Yêu, được quảng cáo là “3 không”: không sử dụng phẩm màu, chất bảo quản và chất điều vị… cùng với việc nhấn mạnh đây là sản phẩm mỳ “dành cho trẻ em”.
Tuy quảng cáo là không sử dụng chất bảo quản, nhưng ngay trên chính bao bì sản phẩm có thể quan sát thấy sự hiện diện của hai thành phần muối phosphate (451i, 452i).
Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm – ĐH Bách khoa Hà Nội, chất 451i có tên khoa học là Pentasodium triphosphate, thường được sử dụng như chất bảo quản trong hải sản, thịt, gia cầm, thức ăn chăn nuôi… Còn 452i là Sodium polyphosphate còn được dùng để thay thế hàn the trong sản xuất thực phẩm.
Theo quyết định số 3742/2001/QĐ-BYT của Bộ Y tế quy định danh mục các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong thực phẩm thì hai chất này cũng được ghi rõ là cũng có chức năng bảo quản, điều vị, ổn định thực phẩm. Vậy phải chăng sản phẩm mỳ ăn liền Gấu Yêu cố tình sử dụng những phụ gia thực phẩm có công dụng tương tự để lập lờ về thành phần của sản phẩm?
Ngoài ra, theo kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Khoa học công nghệ sắc ký Hải Đăng phân tích mẫu gia vị trong gói mỳ này thì hàm lượng hai chất Disodium Inosinate và Disodium Guanylate là 8,38g/kg và hàm lượng bột ngọt (monosodium glutamate) là 0,49%.
Theo tài liệu Sinh hóa ứng dụng của PGS.TS. Đồng Thị Thanh Thu – ĐH Khoa học tự nhiên thì hai chất điều vị Disodium Guanylate và Disodium Inosinate cùng với bột ngọt sẽ tạo ra một chất có vị ngọt gấp nhiều lần so với bột ngọt thông thường, hay còn gọi là siêu bột ngọt.
Đây là những phụ gia thực phẩm thuộc nhóm chất điều vị trong danh mục những phụ gia thực phẩm được phép sử dụng của Bộ Y tế. Vậy cớ sao mỳGấu Yêu phải lấp liếm về thành phần này trong sản phẩm bằng việc công bố không sử dụng chất điều vị?
Không chỉ vậy, công ty này còn tiến hành một chiến dịch PR trên một loạt trang báo lớn, kể cả ấn bản báo giấy và báo điện tử nhằm đả kích các sản phẩm có chứa ba nhóm chất phụ gia phẩm màu, chất bảo quản, chất điều vị và mỳ chính.
Núp bóng dưới các bài viết với nội dung Tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm dành riêng cho trẻ, Những phụ gia hại sức khỏe trẻ nhỏ hay Tiêu chuẩn an toàn vệ sinh trong thực phẩm dành cho bé, nội dung chính của những bài PR này là đưa những thông tin tiêu cực về ba nhóm chất bảo quản, phẩm màu và chất điều vị tới sức khỏe của trẻ nhỏ.
Phần quan trọng nhất trong những bài viết này là “lời khuyên”: Những bà mẹ nên chủ động lựa chọn các loại thực phẩm không chứa các chất phụ gia như không phẩm màu, không chất điều vị và không chất bảo quản.
Hẳn Công ty Á châu không biết rằng những chiêu bài PR như thế này chỉ có thể đánh lừa người tiêu dùng, chứ không thể qua mặt được những chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm. Và sẽ phải trả lời thế nào nếu trẻ em biết rằng, một số người lớn đang lừa dối mình để hưởng lợi?
Mỳ Tiến Vua: Gậy ông đập lưng ông
Không khó để phát hiện ra rằng, có không ít quảng cáo kiểu mỳ Gấu Yêu đang thịnh hành hiện nay. Một công thức chung mà các thương hiệu thường áp dụng là so sánh và công bố những kết quả nghiên cứu ấn tượng nhằm khẳng định, sản phẩm của mình là duy nhất chất lượng, an toàn.
Một trong số đó là chiêu thức gây hoang mang của mỳ Tiến Vua. Ngay sau khi có đoạn quảng cáo với thông điệp “Mỳ Tiến Vua – Mỳ vì sức khỏe”, “Mỳ Tiến Vua không sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, không chứa Transfat (loại chất béo gây chứng đột quỵ, đau tim và bệnh mạch vành)” được phát trên truyền hình, khán giả ngay lập tức có cảm giác lo sợ về việc ăn phải loại mỳ có chứa chất Transfat và mỳ Tiến Vua của công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan mới là loại tốt cho sức khỏe.
Tuy không có con số chính thức về lượng sản phẩm bán ra sau khi có đoạn quảng cáo trên nhưng nếu tổng hợp ý kiến của độc giả cũng như khách hàng trên các báo và diễn đàn, có thể thấy ngay thái độ yên tâm và việc sẵn sàng “móc” hầu bao ra mua mỳ Tiến Vua như thế nào.
Điều đáng nói, không chỉ quảng cáo, mà trong mục thành phần ghi trên bao bì của mỳ Tiến Vua, hàm lượng Transfat được ghi là 0g (Hàm lượng Transfat ghi nhãn theo quy định số 86 FR 41434 của cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA).
Với cách ghi này, người tiêu dùng Việt Nam rất dễ hiểu là mỳ Tiến Vua không chứa chất Transfat. Tuy nhiên, người tiêu dùng sau đó “ngã ngửa” khi kết quả kiểm định mẫu mỳ Tiến Vua cho thấy hoàn toàn ngược lại với thông điệp đoạn quảng cáo đưa ra.
Cụ thể, theo kết quả phân tích mẫu số 10071105/107315 của Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Sắc Ký Hải Đăng (thành phố Hồ Chí Minh) thì trong một gói mỳ Tiến Vua, tỷ lệ chất Transfat là 0,097%, chứ không phải là zero, tức là hoàn toàn không có như đã quảng cáo.
Không chỉ liên quan đến chất Transfat, gần đây mỳ Tiến Vua của Masan lại một lần nữa khiến dư luận phải chú ý khi tung lên truyền hình đoạn clip quảng cáo mỳ Tiến Vua bò cải chua với sợi mỳ không phẩm màu độc hại E 102 (còn có tên gọi màu tổng hợp Tartranzine 102).
Trong khi đó, khi khảo sát trên thị trường, một số sản phẩm của Masan, trong đó có mỳ Tiến Vua (loại cũ) và một số loại khác đều chứa E 102 và ghi rõ ràng thành phần: Màu tổng hợp Tartranzine 102 (E 102).
Trả lời về vấn đề này, một lãnh đạo của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho hay, nói phẩm màu E102 là độc chất có hại cho sức khỏe là không thông tin đầy đủ. “Nếu loại phẩm màu này là độc chất, có hại cho sức khỏe người tiêu dùng thì Bộ Y tế đã cấm sử dụng chứ không để cho các công ty làm như hiện nay. Ngay cả công ty mới có sản phẩm mỳ gói không chứa E102 thì hiện tại họ vẫn sử dụng ở các sản phẩm khác”, lãnh đạo này nhấn mạnh.
Đặc biệt, thông tin từ Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng nêu rõ, phẩm mầu E102 được sử dụng đúng hàm lượng thì vẫn đảm bảo an toàn. Như vậy, việc quảng cáo của mỳ Tiến Vua không chỉ khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về việc sử dụng chất E102, mà hơn thế, việc quảng cáo một đằng, nhãn mác một nẻo đã khiến người tiêu dùng thêm hoang mang khi sử dụng các sản phẩm mỳ gói.
Không chỉ vậy, khi chất E102 được cơ quan về an toàn thực phẩm khẳng định không độc hại cho sức khỏe mà Masan lại quảng cáo như vậy thì làm cho người tiêu dùng không tin vào thông điệp được đưa ra nữa. Như vậy là quảng cáo mỳ Tiến Vua đã “tự tay bóp chính mình rồi”.
Mỳ khoai tây Omachi chỉ có… 5% khoai tây
Bên cạnh mỳ Tiến vua hay Gấu Yêu, sản phẩm mỳ khoai tây Omachi cũng được giới thiệu đến người tiêu dùng theo chiêu thức “marketing dựa trên sự sợ hãi”.
Với quảng cáo “mỳ Omachi được làm bằng khoai tây, rất ngon mà không sợ nóng”, Omachi của Massan được coi là chiến lược thành công và đã thu hút sự lựa chọn đông đảo của người tiêu dùng bởi nó tiếp tục tiếp tục “đánh vào nỗi lo bấy lâu của người tiêu dùng: ăn mỳ bị nóng.
Clip quảng cáo mỳ khoai tây Omachi của công ty Masan khẳng định rằng ăn mỳ khoai tây không lo bị nóng. Tuy nhiên, trong thành phần ghi sau gói mỳ cho thấy khoai tây chỉ chiếm tỷ lệ 50g/kg, tương đương… 5%.
Như vậy, thành phần chính của “mỳ khoai tây” Omachi vẫn là bột mỳ như mọi loại mỳ khác và thậm chí được coi là dòng mỳ “cao cấp”, nhưng vẫn có cả chất E102 và không ghi rõ tỷ lệ bao nhiêu.
Với cách quảng cáo “thổi phồng” sự thật như thế khiến nhiều người tiêu dùng phải tự hỏi, loại khoai tây làm mỳ Omachi liệu có phải là “thần dược” không khi chỉ có 5% khoai tây mà có thể giúp người sử dụng không lo bị nóng?
Hơn nữa, một bác sĩ ở Viện Dinh dưỡng thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khoai tây chiên (tinh bột) cung cấp nhiều năng lượng, ăn nhiều cũng sẽ gây nóng, đặc biệt vào những ngày hè và mỳ thì chắc chắn phải trải qua công đoạn chiên với dầu.
Cũng vì thế, yếu tố mỳ khoai tây “không sợ nóng” là không đúng sự thật. Thêm vào đó, trong thành phần mỳ Omachi chỉ có 5% từ khoai tây nhưng quảng cáo như là mỳ khoai tây thì không chính xác. Quảng cáo có sự mâu thuẫn như vậy sẽ làm cho người tiêu dùng bối rối không biết tin vào quảng cáo nào.
Theo Đất Việt