Connect with us

Tương lai nào cho CDMA tại Việt Nam?

Tình huống thương hiệu

Tương lai nào cho CDMA tại Việt Nam?

Có lẽ thời điểm cáo chung của các mạng di động CDMA tại Việt Nam đã gần điểm, nhưng một tương lai mới cho nền tảng này thì lại quá mơ hồ cả với người trong cuộc.

Thoái trào CDMA – nhà mạng bất đắc dĩ “đem con bỏ chợ”

Qua 8 năm bùng nổ của thị trường viễn thông tính từ năm 2004, CDMA Việt đã có lúc “nổ” hoành tráng với sự ra mắt của các nhà mạng, tạo cán cân 3 chọi 3 giữa nền tảng CDMA và GSM.

Khoảng thời gian tươi đẹp nhất của các nhà mạng CDMA chính là từ năm 2005 đến 2007, giai đoạn mà các nhà mạng GSM vẫn đang trong quá trình chạy đà cũng như cuộc đua phá giá cước di động chưa được châm ngòi.

S-Fone, cái tên tiên phong của mạng CDMA đã từng làm rung chuyển thị trường với gói cước Forever Couple (miễn phí cuộc gọi từ 2 số máy cặp đôi với chi phí chỉ từ 800 ngàn đồng gồm cả máy điện thoại), mà ngay thời điểm đó chưa nhà mạng nào dám làm, cũng như chưa có chế tài của Bộ Thông tin – Truyền thông về việc siết khuyến mại.

Một lãnh đạo nhà mạng này thời điểm đó đã cho biết: “Lượng thuê bao tăng đột biến từ 200% đến 500%/ngày, có lúc khách hàng muốn mua máy và đăng ký gói cước phải chờ từ 3 đến 7 ngày mới được nhận máy và kích hoạt”.

Sau S-Fone, HT Mobile – tiền thân của Vietnamobile hiện nay cũng có những bước đi khá mạnh bạo cùng những gói cước ưu đãi tương tự. Tuy nhiên, vì chính sách giá cước trần vào thời điểm đó, cũng như thị phần chưa thể hiện sự khống chế rõ ràng của các nhà mạng GSM như hiện nay, nên mức cước của HTMobile dù có rẻ nhưng vẫn không đủ “hấp lực” để thu hút thuê bao.

 

Thoái trào

Dấu hiệu suy tàn của mạng CDMA được báo trước bởi cuộc “binh biến” tại HT Mobile dẫn tới việc thay đổi 180 độ sang công nghệ GSM, cũng như bắt buộc phải “bán khách” cho S-Fone vào Quý II năm 2008.

Vietnamobile thì mất khách, S-Fone tiếp nhận khách một cách khiên cưỡng bởi các thuê bao từ HT Mobile (cũ) chuyển sang đa phần chỉ là những khách hàng “thời vụ”, chuyển sang S-Fone để hưởng ưu đãi, khuyến mại chứ không gắn bó lâu dài để tạo thành doanh thu bền vững cho nhà mạng này.

Sau đợt tái cơ cấu ấy, HT Mobile mất hơn 2 triệu thuê bao nhưng SFone cũng chẳng được lợi gì và như vậy có nghĩa là số thuê bao ấy đã nhảy mạng sang các nhà mạng công nghệ GSM.

Câu chuyện của EVNTelecom lại là một thực tế khác. Thời điểm ra mắt, giới công nghệ rỉ tai nhau về viễn cảnh “Ở đâu có điện, ở đó có sóng EVNTelecom”. Quả thực, vấn đề sóng và chất lượng mạng những năm 2007, 2008 là một thực tế khá nan giải ngay cả đối với những nhà mạng GSM lớn. Vì vậy, khi EVNTelecom ra mắt, người ta trông chờ nhiều vào một mạng di động sóng ổn định, độ phủ cao và tất nhiên là giá cước rẻ.

Điểm sáng nhất mà EVNTelecom làm được chính là việc phát triển thuê bao E-Com – một dạng điện thoại cố định không dây với độ phủ rộng. Cạnh tranh, thậm chí có lúc đè bẹp cả mạng Homephonecủa Viettel lúc bấy giờ còn non trẻ. Giá cước thấp, chính sách tặng máy cho doanh nghiệp khá hợp lý cùng độ linh hoạt của sóng, không bị giới hạn của vùng như các dòng máy Homephonekhiến E-Com trở thành chiếc điện thoại ưa chuộng trên các xe ôtô.

Tuy nhiên, đến ngày hôm nay, một thực tế hài hước là những thuê bao E-Com đang trở thành những gánh nặng của EVNTelecom, hay hiện tại là Viettel Telecom thời hậu sáp nhập. Nếu như các thuê bao di động có thể dễ dàng chuyển đổi từ 2G CDMA sang 3G UMTS với tương thích về hạ tầng và thiết bị đầu cuối thì các thuê bao E-Com, hoặc đang là những thuê bao nợ cước khó đòi của những doanh nghiệp giờ thậm chí còn không tồn tại, hoặc đang làm khó Viettel trong việc chuyển đổi sang Homephonehay một dạng dịch vụ viễn thông khác bởi sự không tương thích về hạ tầng cũng như không còn phù hợp để phát triển thành dịch vụ viễn thông riêng.

Một thực tế bi hài của EVNTelecom chính là việc sóng mạng tưởng như “vô đối” nhờ sở hữu hạ tầng trạm, cột dày đặc thì cuối cùng việc sử dụng băng tần 450MHz lại trở thành thảm hoạ khi bị can nhiễu, dẫn tới sóng yếu và lẫn tạp âm, gây cản trở tới cuộc thoại.

 

Tương lai u ám cho CDMA Việt

Thời gian gần đây, đã có hàng loạt câu hỏi được đặt ra cho việc nên chăng tiếp tục duy trì công nghệ mạng CDMA tại Việt Nam, nhất là sau thông tin SKTelecom rút vốn khỏi SFone năm 2009 và nhà mạng này cũng đang loay hoay chuyển công nghệ.

Tính tới thời điểm này, theo nhiều phỏng đoán thì thuê bao S-Fone chỉ đạt chưa tới 2 triệu và phần lớn tập trung tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, nơi mà chất lượng sóng và các dịch vụ chăm sóc khách hàng của nhà mạng này còn tồn tại.

Kịch bản đổ bể của EVNTelecom khiến người ta dễ suy diễn tới một viễn cảnh tương tự cho S-Fone, nhất là khi nhà mạng này hiện đang “đói vốn” cũng như chỉ còn một mình một trận địa tại thị trường Việt Nam.

Với việc sóng chỉ còn 1 vạch tại địa bàn Hà Nội và… không vạch ở gần 40 tỉnh thành cả nước, S-Fone khó có thể vực dậy được ngay cả khi dồn lực để tung ra một gói cước “siêu tỷ phú” hay “đại phú”. Có lẽ, những lời đồn đoán về việc S-Fone sáp nhập hoặc sang tên cho một đơn vị khác “mạnh gạo bạo tiền” sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian và năm 2012 sẽ sớm có câu trả lời.

Trong một diễn biến khác, Vietnamobile thời hậu chuyển đổi cũng đang loay hoay và vật lộn trong cuộc đua khốc liệt với “Tam đại gia” giữ thị phần khống chế Vina-Mobi-Viettel. Sau thương vụ mua bán EVNTelecom bất thành, việc phát triển hạ tầng 3G ở băng tần cao đang là một cửa khó đối với nhà mạng này khi mà giá cước khuyến mại cũng không thể cạnh tranh nổi với gói cước 3G cơ bản của “Tam đại gia” và nếu kéo dài thì không những không tạo dựng được lượng thuê bao, việc thua lỗ là điều khó tránh.

Về phần EVNTelecom, trong khi các thuê bao E-Phone đã “yên vị” khi đổi ngôi ngoạn mục sang Viettel, thậm chí còn “sung sướng” khi SIM đẹp lên giá thì E-Com lại là một vấn đề nan giải bởi nếu sang HomephoneViettel, các máy đầu cuối mà khách hàng đã sở hữu sẽ phải bỏ đi hết. Trong khi đó, hạn chót để chuyển đổi 31/3 đang tới gần.

 

Kịch bản có hậu nào cho CDMA Việt?

Sau chuỗi nhìn nhận, phân tích về thất bại của mạng CDMA, một câu hỏi lớn làm đau đầu các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế khi tham vấn lựa chọn công nghệ này đưa về Việt Nam những năm sơ khai của viễn thông di động. Rõ ràng là các nhà mạng CDMA tại thị trường nước ngoài như Bắc Mỹ, châu Á là rất thành công với những tên tuổi như Verizon Wireless hay SK Telecom, NTTDoCoMo.

Vậy nhưng, dù có được chiến lược đầu tư bài bản cùng nguồn vốn ban đầu khá “khủng” và kinh nghiệm của các nhà đầu tư nước ngoài, vì sao CDMA tại thị trường Việt Nam vẫn lâm vào thế bí và thoái trào?

Có lẽ vấn đề chính ở đây chính là tâm lý, tập quán của người sử dụng Việt Nam. Khi mà nhiều mạng CDMA buộc người dùng phải chọn gói cước và ký cam kết dùng một loại máy trong suốt quá trình sử dụng thì mạng GSM lại khá dễ dàng trong việc đổi SIM, đổi máy, đổi mạng – vốn là những yếu tố phù hợp với cách tiêu dùng của người Việt.

Kịch bản chính cho CDMA tại Việt Nam, hay chính xác hơn cho S-Fone có lẽ chẳng có nhiều. Hoặc nhà mạng này sẽ rút lui, trở thành nhà mạng ảo MVNO, mạng nội vùng hoặc sáp nhập, bán cái cho một đơn vị GSM sẽ là những bước đi khó tránh.

Trong một kịch bản khác, nếu đơn vị chủ quản của S-Fone đủ mạnh dạn thì có lẽ việc bê nguyên cơ sở hạ tầng CDMA sang một nước thứ 3 tại châu Phi hay Nam Mỹ biết đâu lại thu được hiệu quả?

Một giả thiết hy hữu khác là sự xuất hiện của một ông lớn như NTTDoCoMo hay Verizon Wireless đầu tư với vốn “khủng” cả tỷ USD vào Việt Nam thì lúc đó câu chuyện CDMA sẽ sang một hướng hoàn toàn khác. Hàng tá máy điện thoại đầu cuối đa dạng mẫu mã như Sharp SH, iPhone 4/4S được đem vào thị trường với những gói cước hấp dẫn, dịch vụ giá trị gia tăng độc đáo và công nghệ đẳng cấp sẽ tạo nên một thế cờ lật ngược của mạng CDMA trước GSM.

Nhưng giả thiết đó vẫn chỉ là chuyện cổ tích thời hiện tại, và trong một tương lai gần của năm 2012, mạng CDMA vẫn phải chấp nhận một thực tế phũ phàng là chỉ có thị phần dưới 1% tại Việt Nam.

Theo Vietnamnet

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

fifteen + fourteen =

To Top