Connect with us

Từ Vietnam Idol nghĩ về tiếp thị trên mạng xã hội

Quảng bá thương hiệu

Từ Vietnam Idol nghĩ về tiếp thị trên mạng xã hội

Chưa bao giờ cái tên Uyên Linh Idol lại được lan tỏa nhiều như vậy. Nó khiến các nhà tiếp thị, kinh doanh ở Việt Nam phải nghĩ về việc sử dụng công cụ tiếp thị trên Mạng xã hội như thế nào?

Sự lan truyền chóng mặt

Dẫu Việt Nam Idol đã khép lại từ cuối năm 2010, nhưng sức “nóng” của Uyên Linh Idol vẫn tiếp tục lan tỏa như virus. Nếu như gõ cái tên Uyên Linh Idol trên Google, sẽ có đến 1.700.000 kết quả tìm kiếm. Và con số này chắc chắn còn chưa dừng lại ở đó. Còn nếu tìm trên Youtube, có đến 1.100 clip sẵn sàng cho bạn xem lại những gì gắn với cái tên Uyên Linh. Người ta háo hức đi mua CD single đầu tiên của Uyên Linh và truyền nhau trên mạng “mua đi làm quà tặng bạn bè”. Không chỉ vậy, những trang web, trang mạng xã hội lại tiếp tục “dắt” người tìm đến nhiều trang web, trang mạng, trang blog khác nhau để cùng chia sẻ, bình luận những điều mà mọi người cùng quan tâm về thần tượng âm nhạc này của họ. Uyên Linh Idol, cái tên đã trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng mạng chỉ trong thời gian ngắn, chính là một ví dụ sinh động về sức mạnh của truyền thông, sức mạnh của mạng xã hội.

Làn sóng ngầm?

Năm 2010 vừa bước qua cũng là năm đặc biệt, có thể được xem là “Năm của mạng xã hội” khi Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook, được tạp chí Time chọn là “Nhân vật của năm” (Person of the Year 2010). Mark được vinh danh vì đã tạo ra một hệ thống để kết nối và chia sẻ, đã làm “thay đổi cách sống” của 550 triệu người sử dụng trên toàn thế giới, bởi mỗi ngày sẽ có thêm 700.000 người mới gia nhập Facebook (theo Time).

Có thể nói không ngoa là, cùng với những phương tiện truyền thông quen thuộc trước đây, mạng xã hội đang khẳng định vai trò quan trọng của nó đối với cuộc sống của số đông trong cộng đồng. Đây là xu hướng tăng lên và chưa hề dừng lại.

Con số các trang mạng xã hội hoạt động hiện nay ước tính khoảng 200, trong đó Facebook – hình thành từ năm 2004 – trở thành trang mạng xã hội lớn nhất trên toàn thế giới. Ngoài ra, những mạng xã hội nổi tiếng trên thế giới khác là Twitter, Friendster, MySpace, LinkedIn, Hi5, Bebo, Orkut… cũng có số thành viên lên đến hàng chục, hàng trăm triệu người. Khi trở thành thành viên của mạng xã hội, bạn được khuyến khích tạo một “chân dung” (profile) về bản thân, tải lên hình ảnh, viết blog để chia sẻ và nhận ý kiến từ người khác. Bạn có thể tìm các thành viên khác cùng sở thích, quan tâm, thu thập và chia sẻ danh sách các đầu mối liên lạc. Lập hội, tải phim trực tiếp, diễn đàn thảo luận là những hoạt động rất sôi nổi trên một số mạng xã hội. Gần đây, mạng xã hội còn kết hợp với điện thoại di động, giúp các thành viên gắn kết với những tính năng tương tự như trên, thông qua điện thoại di động.

Những ưu thế hấp dẫn của mạng xã hội rất dễ nhận thấy trong lĩnh vực chia sẻ thông tin giữa các Cá nhân trong các cộng đồng khoa học, cộng đồng trong nhà trường, cộng đồng y khoa, bệnh nhân, hội những người có cùng sở thích… Một ví dụ khác có thể đánh giá hiệu quả của mạng xã hội là sự kiện National Equality March (cuộc diễu hành kêu gọi sự đối xử bình đẳng với những người đồng tính) vào 11/10/2009 ở Washington DC. Cộng đồng này đã kêu gọi sự tham gia tình nguyện và huy động được 200.000 người, chuẩn bị và tổ chức với chi phí thấp hơn rất nhiều so với những lần trước đó, chính nhờ vào việc thành lập blog NEM, và liên kết nó với các mạng xã hội Facebook, Twitter và YouTube.

Thêm một công cụ cho marketing

Đứng trước xu hướng phát triển của mạng xã hội, người ta đã bắt đầu nghĩ đến vai trò của nó trong lĩnh vực kinh doanh và marketing. Trở lại thời điểm tháng 11/2006, qua nghiên cứu của một trong những công ty lớn nhất thế giới về tư vấn và chiến lược truyền thông là KnowledgeStorm Inc. và Universal McCann về B2B (Business-to-Business, tức quan hệ giữa các đối tác kinh doanh), 77 % câu trả lời ở thời điểm này là không hoặc rất ít có tương tác với mạng xã hội. Lý do? Lời giải đáp là họ không thấy sự liên quan hoặc là không hiểu mạng xã hội là gì! Nhưng đến cuối năm 2007, tình hình đã khác. Trong những nhận xét về xu hướng mạng xã hội với B2B, Jody Nimetz đã tổng kết các lợi ích mạng xã hội mang lại cho doanh nghiệp có thể gồm: Tạo sự nhận biết về thương hiệu; công cụ quản lý trên mạng về danh tiếng của công ty; Tuyển dụng; Tìm hiểu về những kỹ thuật mới và về đối thủ cạnh tranh; Công cụ cung cấp thông tin để có thể can thiệp các xu hướng có thể xảy ra trong tương lai.

Trong vài năm gần đây, mối quan tâm đến mạng xã hội trong lĩnh vực kinh doanh cũng tăng lên không ngừng. Các ứng dụng mạng xã hội đã dần rõ nét về tầm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Là công cụ quản lý quan hệ khách hàng, bán hàng và dịch vụ, quảng cáo bằng banner hoặc các bài viết, các mạng xã hội giúp liên kết mọi người một cách dễ dàng trên qui mô toàn cầu với chi phí thấp hơn so với các chi phí marketing khác. Khái niệm brand networking xuất hiện, dùng để chỉ những mạng xã hội nhiều tính năng (blog, diễn đàn, game, tạo phong trào, tổ chức sự kiện…) do doanh nghiệp tự thiết lập, là nơi tạo dựng quan hệ với khách hàng bằng cách kết nối khách hàng với hình ảnh sản phẩm thông qua cung cấp những nội dung liên quan, yếu tố tham gia, và hệ thống xếp hạng, chấm điểm, cho ý kiến phản hồi về sản phẩm và dịch vụ. Một ứng dụng khác là tuyển dụng nhân tài, mà mạng xã hội nổi tiếng phổ biến trong giới doanh nhân là LinkedIn với hơn 40 triệu thành viên trên 200 quốc gia là một điển hình.

Mặc dù quảng cáo vẫn được đáp ứng “cực tốt” tại Việt Nam (truyền hình vẫn là kênh thông tin quan trọng nhất hiện nay), bạn có nghĩ khách hàng sẽ ngày càng cẩn trọng và giảm bớt tin tưởng vào quảng cáo? Chiến lược marketing truyền thống theo cách đẩy (push) sẽ dần không còn hiệu quả như trước đây (hay hiện nay). Trong khi đó, khách hàng muốn kết nối với bạn bè và gia đình sẽ hướng đến mạng xã hội, nơi chia sẻ mối quan tâm và sự tin cậy. Tương tác với khách hàng, tạo niềm tin, sẽ là chìa khóa thành công cho các chiến lược marketing trong tương lai. Internet, bao gồm mạng xã hội, là một công cụ quyền năng mà không quá tốn kém, giúp doanh nghiệp nhanh chóng “chạm” tới số đông, tới cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Sâu hơn, mạng xã hội còn giúp doanh nghiệp tiếp cận được đúng đối tượng khách hàng mà họ nhắm đến.

Đừng là người đến sau

Tại Việt Nam, gần đây báo Tuổi Trẻ đã ghi nhận xu hướng mới “Rộn ràng thành lập hội trên Facebook” với hàng triệu người (90% dưới 30 tuổi) sử dụng Facebook ở Việt Nam kết nối với nhau qua việc lập nhóm.

Nghiên cứu mới đây về người tiêu dùng Việt Nam của công ty TNS trong năm 2010 cũng cho thấy một bức tranh thú vị: 45% người dân sử dụng Internet, đưa Việt Nam đứng hạng 17 trên thế giới tính theo tỉ lệ sử dụng; Internet đã đứng thứ 3, chỉ sau truyền hình và báo in (tỉ lệ online đã cao gần xấp xỉ việc xem báo in). Chưa hết, người Việt dùng khoảng 16 giờ/tuần để lên mạng, và xu hướng này còn tiếp tục tăng thêm. Một nửa cộng đồng online có tham gia mạng xã hội và “sẵn sàng” tiếp nhận thông tin về thương hiệu khi online, tức là những doanh nghiệp có thể nghĩ đến việc vươn đến những khách hàng mục tiêu trong số 15 triệu khách hàng Việt Nam (có “chân dung”) nếu chấp nhận “đầu tư” vào marketing trên mạng xã hội. Trong tình hình hiện nay, có lẽ sự kết hợp giữa các phương tiện truyền thông truyền thống (truyền hình, báo…) và mạng xã hội sẽ là phương thức marketing khôn ngoan đối với các nhà kinh doanh.

Đó cũng là lý do vì sao các trường đào tạo đã không ngừng bổ sung những khóa đào tạo như: “Tiếp thị online” hay ” Tiếp thị trong thời đại truyền thông xã hội”…

Đừng là “người đến sau” và hãy nghĩ đến khả năng tự tạo ra cộng đồng mạng thích hợp cho sản phẩm và doanh nghiệp của mình. Vấn đề tìm hiểu nhu cầu khách hàng thông qua các mạng xã hội để có định hướng phát triển và tiếp thị cho những sản phẩm có thể không còn là một tùy chọn mà sẽ trở thành một việc bắt buộc trong một tương lai không xa đối với nhiều doanh nghiệp.

Theo vef

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

eleven − seven =

To Top