Connect with us

Tribeco: Sập đủ bẫy, anh hùng thành ‘phế nhân’

Tình huống thương hiệu

Tribeco: Sập đủ bẫy, anh hùng thành ‘phế nhân’

Được 2 “ông lớn” ngành giải khát chống lưng nhưng Tribeco không những không thoát lỗ mà còn bị “ông lớn” ngoại thâu tóm.

Thiếu tiếng nói chung

Công ty cổ phần nước giải khát Sài Gòn (Tribeco) là một trong những ví dụ điển hình cho câu chuyện doanh nghiệp Việt bị ông lớn ngoại thâu tóm. Nhưng điểm khác của Tribeco chính là trong thương vụ kéo dài nhiều năm nay, không chỉ có 2 cái tên mà 3 cái tên đã xuất hiện.

Cái tên đầu tiên phải kể đến chính là ông lớn ngành bánh kẹo Việt Nam Kinh Đô. Từ cuối năm 2005, dư luận đã xôn xao với tin đồn Kinh Đô thâu tóm Tribeco. Khi bắt đầu thương vụ này, Kinh Đô đặt rất nhiều niềm tin vào Tribeco. Thậm chí, Kinh Đô còn có ý định mua tới 55% cổ phần Tribeco.

Trao đổi với báo chí khi ấy, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kinh Đô chia sẻ ông nhận thấy ngành nước giải khát như nước trà, nước trái cây… có tiềm năng phát triển mạnh vì phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Với Việt Nam khí hậu nhiệt đới, nắng nóng nên nhu cầu nước giải khát rất lớn.

Mặt khác, ngành bánh kẹo mang tính thời vụ cao, thời điểm tháng 4-5 sản phẩm tiêu thụ chậm, nhưng với nước giải khát thì lại là cao điểm tiêu thụ. Chính vì muốn hài hòa sản xuất nên Kinh Đô đầu tư vào Tribeco. Ở góc độ khác, nếu lập doanh nghiệp mới sẽ mất  nhiều thời gian cho việc xây dựng thương hiệu, mở thị trường, quảng bá sản phẩm.

Rất tự tin vào thương vụ này nên ông Nguyên khẳng định, đầu tư vào Tribeco thì có thể bỏ qua giai đoạn đầu và ông nghĩ trong một thời gian ngắn, có thể đưa Tribeco lên một bước phát triển mới, cao hơn. Cụ thể, dự kiến doanh số Tribeco sẽ tăng mỗi năm trên dưới 30% và sau ba năm sẽ tăng 100%.

Tuy nhiên, chỉ sau đó khoảng 1,5 năm, Kinh Đô phải đối mặt với một ông lớn khác. Đó là Uni – President – tập đoàn chuyên sản xuất thực phẩm nước giải khát hàng đầu của Đài Loan. Ban đầu, Uni – President chỉ sở hữu 15% cổ phần Tribeco, thấp hơn số cổ phần mà Kinh Đô nắm giữ.

Thế nhưng, chưa đầy 3 năm sau, Uni-President đã nắm giữa 43,6% cổ phần Tribeco. Trong khi đó, lượng sở hữu của Kinh Đô chỉ là 35%, thấp hơn nhiều so với con số 55% kỳ vọng ban đầu mà Kinh Đô công bố.

Ai cũng nghĩ, được hai ông lớn chống lưng, Tribeco sẽ thoát khỏi khó khăn. Nhưng thực tế không phải như vậy. Khó khăn của Tribeco ngày càng tăng thêm kể từ khi hai ông lớn xuất hiện. 

Giám đốc của một công ty chứng khoán lớn nhận xét ngành thực phẩm có tỷ lệ sinh ở mức cao, khoảng 30-45%. Do vậy, ông không loại trừ khả năng, có thể do 2 cổ đông lớn không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến cả 2 đều bỏ mặc sự phát triển của Tribeco.

Giám đốc điều hành một công ty chuyên tư vấn về M&A lâu năm cho rằng, trong thương vụ TRI, Kinh Đô chưa phát huy được hết thế mạnh của mình. Vì chỉ nắm 35% cổ phần, thấp hơn so với Uni-President nên Kinh Đô không đủ quyền tác động đến chiến lược kinh doanh của TRI, dẫn đến hoạt động kinh doanh không đi cùng hướng.

Sau này, chính ông Trần Lệ Nguyên cũng thừa nhận: “Kinh Đô gặp khó khăn trong vấn đề góp ý điều hành chiến lược”.


Sập đủ bẫy trong kịch bản thâu tóm

Khi Kinh Đô góp vốn, Tribeco mở rộng sản xuất kinh doanh và vẫn tràn đầy kỳ vọng. Tới năm 2007, kỳ vọng được tăng cao khi Uni-President trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này. Nhưng chỉ sau 1 năm Uni-President đặt chân vào Tribeco, doanh nghiệp này đã đối mặt với chuỗi quý thua lỗ dài.

Tính từ quý 4/2008 tới cuối năm 2011, Tribeco lỗ lũy kế tới 300 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu. Theo thông báo của Tribeco tại đại hội cổ đông, 7 tháng đầu năm 2012, Tribeco lỗ tiếp gần 100 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến cuối tháng 7/2012 lên đến 412 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 126 tỷ đồng.


Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, một trong các chiêu mà công ty nước ngoài thường xuyên sử dụng để hất cẳng đối tác Việt nhằm thâu tóm liên doanh chính là việc “tạo điều kiện” cho liên doanh thua lỗ triền miên. Có nhiều cách khiến doanh nghiệp lỗ, trong đó phổ biến nhất là tăng chi phí qua khuyến mại, tăng lương nhân viên.

Có thể thấy, Tribeco sập bẫy theo đúng kịch bản này. Trong các văn bản giải trình lý do thua lỗ, Tribeco thường xuyên nêu nguyên nhân là giá vốn hàng bán tăng cao, tăng chi phí khuyến mại, tăng lương cho nhân viên để thu hút nhân tài.

Một chuyên gia chứng khoán phân tích không loại trừ khả năng cổ đông lớn thực hiện thủ thuật chuyển giá, vốn. Đây là chiêu hay được các công ty nước ngoài có công ty con ở nước khác áp dụng.

Chuyên gia này cho biết đã có trường hợp công ty mẹ thành lập công ty con ở nước khác, sau đó, công ty con sẽ bán sản phẩm giá thấp ra thị trường, một phần bán về cho công ty mẹ. Kết quả là công ty con sẽ bị lỗ dẫn đến không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà nước. Còn công ty mẹ thì mua được hàng giá rẻ và bán với giá bằng giá thị trường nước ngoài để hưởng lãi riêng.

Thất bại nặng nề khi đầu tư tài chính cũng là một trong các nguyên nhân khiến Tribeco lỗ thê thảm. Sai lầm chiến lược này không phải do Uni-President mà do Kinh Đô tư vấn.

Bên cạnh đó, một nhân viên cũ của Tribeco từng chia sẻ công ty bị chính đội ngũ nhân sự người Việt chủ động phá vì bất mãn với cách quản lý quá khắt khe của những ông chủ Đài Loan.

Kết quả là từ một công ty nổi tiếng tại Việt Nam, tới năm 2012, Tribeco trở nên “thoi thóp”. Trong đại hội cổ đông thường niên diễn ra cuối tháng 6/2012 của Tribeco, toàn bộ người của Kinh Đô đã đồng loạt từ nhiệm, nhường chỗ cho người của Uni-President.

Ngày 24/8/2012, Tribeco đã tổ chức đại hội bất thường để xin ý kiến cổ đông thông qua việc giải thể công ty. Tới đầu tháng 9, mọi hoạt động của Tribeco Sài Gòn do Tribeco Bình Dương tiếp nhận. Như vậy, Tập đoàn Đài Loan nay đang kiểm soát toàn bộ thương hiệu nước giải khát Việt Nam. Uni-President Việt Nam nắm quyền chi phối và sở hữu 100% Tribeco Bình Dương.

Nỗ lực trở lại, có thành công?

Sau khi giải thể, Tribeco gần như ngừng hoạt động. Tribeco chỉ “nóng” lên trong giới truyền thông với câu chuyện bị thâu tóm.

Tuy nhiên, sau gần 1 năm im hơi lặng tiếng, Tribeco đang dần trở lại với hai sản phẩm được quảng cáo rộng rãi trên đài truyền hình Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm này chưa thực sự tạo được tiếng vang vì chúng không có nhiều khác biệt so với sản phẩm cùng loại đã định hình được thương hiệu trên thị trường.

Ví dụ, nữa đậu nành Trisoy có rất nhiều đối thủ lớn như Goldsoy của Vinamilk, Soya Number One của Tân Hiệp Phát, sữa đậu nành Fami, sữa đậu nành Vinasoy.

Sản phẩm trà bí đao Tribeco cũng không khả dĩ hơn khi mới ra thị trường đã đụng độ nhiều “đá tảng” như trà bí đao Wonderfarm, trà bí đao của Tân Hiệp Phát, trà bí đao Thạch Bích,…

Ngoài ra, công ty còn một số sản phẩm cũng chưa gây được nhiều tiếng vang như trà ngon 100, tăng lực X2 dâu, chanh,…

Trong thời gian hồi sinh lại tên tuổi, Tribeco đã đánh dấu sự quay trở lại bằng hàng loạt những quảng cáo tuyển dụng đăng tải trên nhiều website tuyển dụng. Dường như Tribeco đang rất nỗ lực cho sự trở lại này. Có lẽ Tribeco vẫn cần nhiều thời gian hơn nữa.

Theo VTC

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

seventeen − 11 =

To Top