Tin trong nước
Thị trường dầu ăn Việt Nam: Đánh đồng thuế suất – doanh nghiệp nội khó khăn
Giá nhập khẩu rẻ cộng với thuế nhập khẩu 0% đã giúp nhiều mặt hàng dầu ăn xuất xứ từ Malaysia, Singapore, Indonesia... ồ ạt vào Việt Nam, khiến không ít doanh nghiệp nội địa như “ngồi trên đống lửa”.Theo báo cáo mới đây, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp trong nước mới chiếm khoảng 14% thị phần kinh doanh dầu ăn.
Đã khó càng thêm khó
Khi kinh tế suy thoái, hầu bao của người tiêu dùng bị thắt chặt thì vấn đề giá trở thành mối quan tâm hàng đầu khi mua sắm. Thuế suất nhập khẩu 0% đối với dầu ăn nhập ngoại đã mở thêm cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng. Song, việc đưa ra quyết định quá đột ngột, quá nhanh, không có lộ trình chuẩn bị khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất dầu ăn trong nước đã khó càng thêm khó.
Ông Đinh Quốc Hưng – Phó tổng giám đốc kinh doanh Vocarimex chia sẻ rằng, đối với các nước như Indonesia, Malaysia…, họ đều có chính sách bảo hộ cho hàng sản xuất trong nước, nếu nhập khẩu dầu thô sẽ phải đóng thuế cao hoặc có quota hạn ngạch, còn Việt Nam thì cả dầu thô và dầu thành phẩm đều được đánh thuế suất bằng 0 như nhau. Ông Hưng cũng chia sẻ thêm, công ty ông đã đầu tư kinh phí khá lớn để trang bị nhà máy và thiết bị sản xuất dầu, đến nay chưa khấu hao được chi phí đầu tư. Vì vậy, việc áp dụng thuế suất bằng 0 vào thời điểm này khiến chúng tôi bị ảnh hưởng rất lớn. Hơn nữa, do chúng tôi nhập dầu thô về sản xuất dầu tinh, nên trước đây, với thuế suất nhập khẩu dầu thô là 3% và dầu tinh là 5%, chúng tôi sẽ lấy phần chênh lệch thuế bù vào chi phí sản xuất. Còn với thuế suất đánh đồng như hiện nay, chúng tôi không có ưu đãi gì để bù vào sản xuất nên giá thành sẽ cao hơn dầu nhập khẩu – ông Hưng chia sẻ.
Với lợi thế giá nhập khẩu so với giá dầu nội địa nên lượng dầu nhập khẩu tăng chóng mặt qua các năm và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Thế nhưng, có một thực tế là tuy nhập khẩu với mức giá siêu rẻ nhưng người tiêu dùng lại không hề được hưởng lợi do giá bán lẻ những loại dầu nhập khẩu này vẫn đắt ngang với giá dầu nội địa. Theo tìm hiểu của PV trên thị trường giá dầu ăn nhập khẩu cũng có mức dao động từ 38.000 – 45.000 đồng/lít ví dụ như: dầu Sailing boat, Knife của Singapore, Fimifie của Malaysia, Tropical của Indonesia… Trong khi đó, các nhãn hiệu dầu ăn sản xuất trong nước như Thực vật Tường An, Neptune, Meizan… cũng chỉ dao động từ 33.000 – 45.000 đồng/lít.
Vẫn còn tiềm năng lớn
Nói như vậy, không có nghĩa các doanh nghiệp dầu ăn nội địa sẽ mất sân chơi và yếu thế hoàn toàn trên thị trường. Bởi lẽ, có một thực tế là không chỉ thị trường Việt Nam biết đến thương hiệu dầu ăn Otran của công ty cổ phần VinaCommodities mà đã có tới 6 nước trên thế giới bao gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Myanmar, Lào, Bangladesh và Ghana biết đến nhãn dầu ăn này. Đại diện lãnh đạo công ty, ông Trần Văn Toàn cho biết, nhu cầu tiêu dùng dầu ăn tại Việt Nam là rất lớn và nhu cầu tiêu thụ dầu thực vật trong tương lai sẽ tăng mạnh, dự kiến năm 2020 mức tiêu thụ sẽ tăng lên 16,2 – 17,4 kg/người/năm và năm 2025 dự kiến là 18,6-19,9 kg/người/năm. Thế nhưng, điểm yếu nhất của ngành này là trên 90% nguyên liệu phải nhập khẩu, các nguồn nguyên liệu trong nước chủ yếu là dầu mè, dầu lạc và cám gạo. Cho đến nay, các công ty cung ứng dầu ăn vẫn phải nhập dầu thô về trích ly và đóng chai, nhập dầu tinh luyện về pha chế và đóng chai hoặc là nhập khẩu nguyên chai về cung ứng tại thị trường Việt Nam.
Theo quy hoạch phát triển ngành dầu ăn Việt Nam đến năm 2025, Việt Nam sẽ sản xuất và tiêu thụ 1.680 – 2.130 ngàn tấn tinh luyện, 320 – 520 ngàn tấn dầu thô và xuất khẩu đạt 80 ngàn tấn dầu các loại. Theo vị đại diện công ty dầu thực vật Bình An, khó khăn của các doanh nghiệp dầu ăn trong nước hiện nay không phải là không có nhà máy chế biến mà bài toán khó nhất chính là phải cân nhắc, tính toán đến vùng nguyên liệu.
Theo DĐDN