Tình huống thương hiệu
Thêm một thương hiệu Việt rời thương trường
Ngày 18/2 vừa qua, Marico, công ty hàng tiêu dùng nhanh của Ấn Độ, đã mua 85% cổ phần của Công ty Hàng tiêu dùng Quốc tế (ICP). Đây là sự kiện M&A (sáp nhập và mua lại) đáng chú ý nhất trong những ngày đầu năm.Được xem là điển hình trong nền kinh tế cạnh tranh với sự phát triển và xây dựng thương hiệu ấn tượng, được sáng lập và dẫn dắt bởi những người trẻ có trình độ cao và quản lý doanh nghiệp theo hướng hiện đại, nhưng ICP lại rời bỏ đấu trường một cách chóng vánh ngay cả khi những thách thức phải đối đầu chưa thực sự khốc liệt.
ICP – hy vọng một thương hiệu Việt
Thành lập năm 2001, đến năm 2002, ICP tung ra sản phẩm nước rửa rau quả Vegy, nước vệ sinh nhà cửa Ocleen. Đến năm 2003, ICP tung ra sản phẩm dầu gội đầu Xmen và gặt hái thành công rực rỡ vào những năm 2004-2007. ICP mở rộng các nhóm ngành chính, gồm: vệ sinh nhà cửa, chăm sóc cá nhân, mỹ phẩm, và thực phẩm.
ICP nhận được đầu tư từ hai quỹ quốc tế: Mekong Enterprise Fund II vào tháng 10/2006 với khoản đầu tư 6,25 triệu USD, tương ứng với mức sở hữu 21%; và khoản đầu tư 9,6 triệu USD của Bankinvest vào tháng 7/2008 cũng có mức sở hữu là 21%.
Qua hai lần bán cho nhà đầu tư chiến lược, ICP trở thành một công ty hấp dẫn vì đã tạo được niềm tin cho nhà đầu tư, đồng thời cũng phải chịu áp lực mạnh mẽ trong việc nhanh chóng gia tăng lợi nhuận và giá trị đầu tư của hai quỹ này.
Mức kỳ vọng tăng trưởng ròng khoảng 30%/năm của nhà đầu tư hẳn là áp lực rất lớn cho ICP, vì nhóm sản phẩm “bò sữa” liên quan đến chăm sóc thân thể cho nam như Xmen, Xmen boss, Dr.men, Hattrick, Teen X… khó có thể đảm trách nhiệm vụ mà nhà đầu tư kỳ vọng vì phân khúc thị trường này cũng đã đến mức gần bão hòa (tốc độ tăng trưởng giảm) và áp lực cạnh tranh mạnh mẽ đến từ Clear Men, Romano, Oxy, Nivea… cùng với các sản phẩm nhập khẩu.
Trong vòng hai năm, từ 2007-2008, ICP đã liên tục thăm dò các cơ hội thị trường mới như: thời trang nam giới (2007) với X series, thời trang trẻ em Happy Kids, phân phối nước giải khát Orangina (2008), tung ra trà thảo dược Teafres (2008), nhưng đều thất bại.
Mặc dầu những thất bại trên không gây ra áp lực lớn về tài chính, nhưng cũng cho các chủ sở hữu những cảnh báo trong việc tạo ra những thương hiệu “bò sữa” là một thách thức thực sự cho năng lực của ICP vì khi tiền nhiều hơn, kinh nghiệm dồi dào hơn, bộ máy nhân lực thiện chiến hơn, cơ hội thị trường to lớn hơn thì thất bại có vẻ lại chóng vánh hơn.
ICP cũng không bỏ qua ngành mỹ phẩm béo bở khi thâm nhập thị trường bằng L’Ovite Paris, Q’Girl New York từ năm 2008, nhưng nhóm ngành mỹ phẩm này còn là một dấu hỏi lớn cho ICP nếu muốn nói đến thành công.
Nhìn vào thực trạng ICP, bài toán mở mang lãnh địa là cấp thiết hơn tất cả. Với mức tăng trưởng ngành trên 30%/năm, quy mô thị trường lên đến 20.000 tỷ đồng/năm, lại chưa có áp lực cạnh tranh mạnh và ngoài Massan thì phần lớn các “tay chơi” trong ngành đều không tên tuổi, đã làm cho ngành thực phẩm trở nên vô cùng hấp dẫn đối với ICP.
Khoảng tháng 6/2009, ICP “thôn tính” một công ty thực phẩm đã có 27 tuổi đời tại Việt Nam là Thuận Phát với mức vốn sở hữu 67% để chính thức bước chân vào lĩnh vực thực phẩm.
Và mặc dầu chưa chính thức tạo được dấu ấn trên thương trường sau hơn một năm thâm nhập, nhưng ICP lại tiếp tục tăng mức sở hữu Thuận Phát lên đến 89% vào tháng 12/2010 như một cam kết mạnh mẽ cho việc bước chân vào ngành thực phẩm. Như vậy, cho đến thời điểm bị mua lại bởi Marico, ICP đã chính thức hiện diện trong bốn lĩnh vực kinh doanh.
Marico thời hậu ICP
Còn quá sớm để nói về ICP thời kỳ Marico. Tuy nhiên, những thách thức không hề nhỏ đang chờ Marico khi buộc phải giải quyết bài toán hiện tại của ICP.
Một cái tên đến từ Ấn Độ chắc hẳn sẽ không dễ dàng tạo chân đế cho dòng sản phẩm chăm sóc thân thể khi người tiêu dùng Việt Nam vốn tinh tế trong sử dụng sản phẩm loại này, lại chỉ thừa nhận những quốc gia có nền công nghiệp thời trang đến từ châu Âu như Pháp, Ý.
Cũng sẽ là một thách thức cho Marico vì tuy đến từ xứ sở nổi danh với cà ri, nhưng chắc sẽ rất khó thuyết phục được các bà nội trợ Việt Nam khi làm nước mắm, tương chao, sa tế…
Ngoài ra, với áp lực kỳ vọng tăng trưởng 30%/năm, doanh số lên đến 32 triệu USD trong năm 2012, hẳn là “ghế nóng” cho vị giám đốc điều hành đến từ Ấn Độ khi mà chỉ duy nhất một nhóm sản phẩm mang thương hiệu Xmen đang teo tóp và hàng loạt sản phẩm đang nằm ở ô dấu hỏi hay phải thanh lý.
ICP, một bài học thành công đáng trân trọng khi được hình thành và phát triển bởi những người trẻ có học hành căn bản (một trong hai đồng sáng lập có học vị tiến sĩ) và ứng dụng khoa học quản lý tân thời một cách căn bản từ truyền thông tiếp thị, mở rộng thương hiệu, tìm nguồn vốn từ quỹ đầu tư, mua bán – sáp nhập, gia công (outsourcing) sản xuất, nhượng quyền thương hiệu…
Tuy nhiên, vòng đời của ICP lại ngắn ngủi so với các thương hiệu dân doanh Việt Nam thế hệ đầu sau thời kỳ mở cửa như: Trung Nguyên, Đồng Tâm, Kinh Đô…
Nhìn vào thực tiễn hôm nay, tuy có những bước đi chệch choạc theo dạng thử và sai, nhưng ICP vẫn là một công ty mạnh nếu biết cấu trúc lại theo hướng bồi đắp nền móng cho những sản phẩm chủ lực, phát triển chắc chắn, đồng thời bớt hoang phí tiền bạc cho những hoạt động bề nổi.
Một chiến lược cải tổ toàn diện ICP dẫu có triển vọng trong tương lai đôi khi cũng khó thành hiện thực với một nhà đầu tư luôn mong muốn hiện thực hóa lợi nhuận (Mekong Enterprise Fund II), còn một chủ sở hữu khác (Bankinvest) thì khó lòng kiên nhẫn hơn với những quyết định thử và sai cùng với sự rệu rã của những cổ đông.
Hẳn chỉ có người trong cuộc mới biết đích xác lý do, chỉ mong giả định “bán ICP để gầy lại ICP mới như trường hợp Dạ Lan” là sai như là một an ủi cho thế hệ sáng lập doanh nghiệp rất được kỳ vọng làm nên chuyện thần kỳ mang tên “thương hiệu Việt Nam”.
Theo TBKTSG