Connect with us

Tập đoàn gia đình lũng đoạn kinh tế Hàn Quốc

Tin quốc tế

Tập đoàn gia đình lũng đoạn kinh tế Hàn Quốc

Chính phủ Hàn Quốc đang tìm mọi cách nhằm giảm quyền lực và ảnh hưởng của các “chaebol” - vốn được coi là luôn triệt tiêu cạnh tranh, lợi dụng quan hệ cấp cao và giao dịch “ngầm” để làm lợi cho các cổ đông trong gia đình.

Nền kinh tế và thị trường chứng khoán Hàn Quốc đang bị hàng chục tập đoàn gia đình có tài chính hùng hậu thống trị. Trong đó, nổi bật nhất là ba đại gia Samsung Electronics, Hyundai Motor và LG Electronics.

Những tập đoàn này được gọi theo tiếng Hàn là chaebol (“chae” là “sở hữu” và “mumbol” là “gia đình quyền quý”). Một số người coi các chaebol là những công ty chà đạp lên tính cạnh tranh, bợ đỡ chính quyền và tiến hành nhiều giao dịch “ngầm” để làm lợi cho các cổ đông là thành viên gia đình.

Những năm qua, chính phủ Hàn Quốc đã liên tục thắt chặt rồi lại nới lỏng các điều luật đối với chaebol. Tuy nhiên, hiện nay, các tập đoàn này ngày càng bị kiểm soát bởi nhiều quy định và thuế phí để buộc họ có trách nhiệm hơn, đồng thời tăng cường tính minh bạch trong hoạt động.

Tuy nhiên, ông Shaun Cochran – trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc tại CLSA Châu Á – Thái Bình Dương lại cho rằng những điều luật này khó có thể tiến xa khi cuộc bầu cử tổng thống tháng 12 đang tới gần. Ông nói: “Các tập đoàn này chắc chắn sẽ làm mọi cách để bảo toàn vị thế. Vì vậy, hiệu quả của những việc này cần phải xem xét kỹ”.

Chaebol bắt đầu lớn mạnh từ những năm 1960 khi chính phủ Hàn Quốc khuyến khích các công ty tăng cường xuất khẩu để thúc đẩy kinh tế. Sự hỗ trợ của chính phủ dưới dạng các khoản vay, đảm bảo và giãn thuế đã cho phép các công ty tăng trưởng và gia nhập nhiều thị trường xuất khẩu. Đây chính là công thức đã đưa Hàn Quốc ra khỏi nghèo đói.

Tuy nhiên, việc mở rộng quá lớn và dựa chủ yếu vào nợ đã làm cho nhiều công ty gia đình bị suy yếu và phá sản trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997. Ông Edmund Harriss – Giám đốc Guinness Atkinson Asia Focus cho biết: “Trong những năm 97, 98, rất nhiều chaebol đã phải chịu rủi ro lớn. Họ mở rộng sang quá nhiều lĩnh vực và rồi sụp đổ”.

Các công ty còn sống sót thì cố gắng giảm nợ và tập trung vào cải thiện chất lượng sản phẩm. Vì thế, ngày nay, hàng chục chaebol vẫn còn tồn tại. Các tập đoàn này có cấu trúc rất phức tạp và thường áp dụng kiểu sở hữu vòng tròn. Trong đó, các thành viên gia đình nắm cổ phần của một công ty trong tập đoàn. Sau đó, công ty này lại nắm cổ phần của đơn vị khác cùng một mẹ. Vì thế, tất cả các công ty trong chaebol đều có mối liên hệ rất chặt chẽ.

Tuy nhiên, vấn đề là các chaebol này đang lũng đoạn rất nhiều ngành kinh tế và hầu như triệt tiêu cạnh tranh. Họ thường xuyên được hỗ trợ bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phần lớn những công ty này đều ngoài vòng kiểm soát do không niêm yết, và hiếm khi có chỗ đứng trong thị trường dưới quyền lực và ảnh hưởng của các chaebol. Dù sự thật là họ tạo việc làm cho một lượng tương đối lớn nhân công của Hàn Quốc.

Một vấn đề nữa của chaebol là việc các nhà đầu tư rất khó khăn trong việc phân tích nguồn tài chính nâng đỡ các công ty niêm yết thuộc chaebol. Dù vậy, rất nhiều người vẫn coi chaebol là những kênh đầu tư hấp dẫn.

Nick Beecroft – nhà phân tích danh mục đầu tư châu Á tại T. Rowe Price cho biết: “Một số tập đoàn đã chứng tỏ họ quản trị doanh nghiệp rất tốt và các công ty con được niêm yết cũng tạo ra lợi nhuận thần kỳ trong những năm gần đây, đặc biệt là với những ông lớn như Samsung hay Hyundai”.

Gần đây, chính phủ Hàn Quốc đã thông qua luật “thuế thừa kế” để tránh việc các thành viên trong tập đoàn lách luật thừa kế hiện hành. Đồng thời, nước này cũng điều chỉnh lại luật thương mại để thắt chặt các quy định về báo cáo giao dịch nội bộ.

Michael Oh – Giám đốc danh mục đầu tư tại Matthews Korea Investors cho biết các thay đổi này đã cải thiện tính minh bạch rất nhiều. Ông nói rằng nhiều chaebol đã bắt đầu chỉ định hội đồng quản trị khi chính phủ làm cho việc cải tổ thành công ty cổ phần trở nên dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng là một trong những nước châu Á đầu tiên áp dụng Tiêu chuẩn công bố Tài chính quốc tế để tăng tính minh bạch cho nhà đầu tư.

Ashish Swarup – Giám đốc Quỹ khám phá các thị trường mới nổi tại Fidelity Investment cho biết: “Trong quá khứ, các chaebol không thật sự quan tâm nhiều đến quyền lợi của cổ đông thiểu số. Nhưng tôi nghĩ, hiện nay, ít nhất việc này cũng có chút tiến triển khi các chaebol đang từng bước giảm việc sở hữu chéo các công ty khác nhau và tăng cường tính minh bạch trong việc phân bổ vốn trong tập đoàn”.

Theo vnexpress

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

eleven − 1 =

To Top