Connect with us

Sữa đặc có bị khai tử?

Tình huống thương hiệu

Sữa đặc có bị khai tử?

Thị trường tăng trưởng chậm, người tiêu dùng quay lưng, nhà sản xuất không còn chú trọng. Phải chăng ngày khai tử những hộp sữa đặc thân thuộc với nhiều thế hệ người Việt đã tới?

Giống như sữa bột, sữa chua và sữa nước, sữa đặc từng làm nên những cuộc cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà sản xuất, nổi bật nhất là Vinamilk và Friesland Campina Việt Nam (Dutch Lady). Theo Euromonitor International, năm 2009 Vinamilk có vị thế độc tôn khi chiếm 79% thị phần với 2 nhãn hiệu Ông Thọ và Phương Nam.

Trong khi đó, Friesland Campina tham gia thị trường muộn hơn nhưng cũng chiếm 21% thị phần với 3 nhãn hiệu Cô gái Hà Lan, Hoàn Hảo và Trường Sinh. Hiện nay đã xuất hiện thêm Vixumilk với nhãn hiệu Daily nhưng phát triển còn khá èo uột. Do đó, thị trường sữa đặc hiện nay không sôi động như các dòng sản phẩm sữa khác.

Tốc độ tăng trưởng chậm dần

Ông Trần Thời Đại, Phó phòng Khai thác nguồn hàng Hapromart Hà Nội, cho biết, so với những năm trước đây, lượng tiêu thụ các sản phẩm sữa đặc có đường tại hệ thống siêu thị Hapro đã giảm đáng kể.

Tương tự tại hệ thống siêu thị Big C, hiện tổng mức tiêu thụ sản phẩm này tại Hà Nội và TP.HCM rơi vào khoảng 300.000 hộp/tháng, còn tại chi nhánh ở các tỉnh lẻ khoảng 250.000 hộp/tháng. Đó là thông tin do bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Đối ngoại của Big C cung cấp.

Cách đây 4 năm, lượng sữa đặc do các công ty trong nước sản xuất đạt 312 triệu hộp/năm, trong khi các công ty nước ngoài sản xuất tại Việt Nam đạt 92 triệu hộp/năm. Tốc độ tăng trưởng trung bình của dòng sữa đặc là 10%/năm. Nhưng trong giai đoạn 2009-2014, tốc độ tăng trưởng chỉ khoảng 3%, thấp nhất trong các chủng loại sữa. Nguyên nhân là phần lớn người tiêu dùng thành thị đã chuyển qua dùng sữa tươi thay cho sữa đặc.

Và như vậy thị trường sữa đặc đã tăng trưởng chậm, bão hòa, không còn hấp dẫn và không có sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu nữa.

Thị phần tính theo doanh thu các sản phẩm sữa toàn thị trường Việt Nam năm 2009

 

Tình trạng trên khiến cho Vinamilk và Friesland Campina phải thay đổi chiến lược, tập trung nguồn lực để sản xuất các chủng loại sản phẩm sữa bột và sữa tươi.

Đối với Friesland Campina Việt Nam, khi thị trường đang nóng, Hãng đã tung ra 3 nhãn hiệu sữa đặc là Cô gái Hà Lan, Hoàn Hảo và Trường Sinh để cạnh tranh với Vinamilk và chiếm 21% thị trường. Tuy nhiên, nỗ lực mới dừng lại ở đó, không thấy có động thái nào mới lạ hơn.

Vinamilk cũng vậy. Hãng này chia sẻ với báo chí rằng trong vòng 3 năm tới không có kế hoạch mở rộng sản xuất sản phẩm sữa đặc. Từ năm 2007 trở về trước sản phẩm này có mức tăng trưởng doanh thu bình quân 22,7%/năm nhưng hiện đã bị giảm đáng kể. Năm 2009 giảm xuống 13%, đến 2010 còn 8% và dự kiến năm 2011 chỉ tăng trưởng khoảng 5%.

Hướng tới phân khúc thị trường mới

Tuy vẫn khẳng định không mở rộng song trên thực tế, Vinamilk đang có những bước đi rất âm thầm mà quyết liệt. Một nguồn tin nội bộ cho hay, Vinamilk sẽ không cắt giảm mà vẫn duy trì tổng công suất hiện tại và đầu tư dây chuyền sản xuất có công suất 260 triệu hộp/năm, dự kiến sẽ nâng công suất lên 290 triệu hộp/năm. Tháng 10.2010, Vinamilk cũng đã hoàn thành việc mở rộng và nâng công suất nhà máy sữa Tiên Sơn (Tiên Du, Bắc Ninh) với tổng vốn đầu tư 380 tỉ đồng, công suất sữa đặc đạt 85 triệu hộp/năm, chủ yếu phục vụ thị trường phía Bắc.

Vinamilk cho biết Hãng sẽ củng cố độ phủ hệ thống phân phối trực tiếp và gián tiếp tới các hộ gia đình vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Ngoài ra, Vinamilk còn mở rộng thị trường xuất khẩu qua các nước Trung Đông, Campuchia, Lào, Philippines. Trong những năm qua, các thị trường này đã đem về 10% doanh số cho Vinamilk.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Habubank, động thái của nhà sản xuất Vinamilk là bước đi rất âm thầm để giữ vững thị phần đã có, thậm chí có thể sẽ mở rộng thêm thị phần khi Friesland Campina Việt Nam bỏ rơi phân khúc này.

Các nhà kinh doanh cũng chia sẻ quan điểm trên. “Một điều chắc chắn rằng, sản phẩm không bị khai tử, chúng vẫn âm thầm sống tốt”, ông Trần Anh Quang, Phó Giám đốc Coopmart Hà Tĩnh, cho biết.

Ông Quang đưa ra hai cơ sở cho nhận định của mình. Thứ nhất, đây là một sản phẩm đã gắn với nhu cầu sinh hoạt hằng ngày và có vị thế tốt hơn 30 năm trên thị trường. Thứ 2, sản phẩm vẫn còn cơ hội chinh phục các phân khúc mới trong một thị trường gần 90 triệu dân. Trong đó, đáng kể nhất là phân khúc trung cấp và bình dân.

Cùng chung quan điểm trên, bà Trang, Big C, cho hay, ở tỉnh lẻ người dân vẫn dùng sữa đặc có đường nên trong thời gian tới, dự báo dòng sản phẩm này sẽ vẫn được tiêu thụ tốt. Nếu sản phẩm có sự thay đổi để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường về chất lượng, giá cả và tiện lợi hơn thì chắc chắn sẽ có chỗ đứng nhất định trên thị trường.

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

11 − two =

To Top