Connect with us

Sao vội bỏ cuộc chơi

Tình huống thương hiệu

Sao vội bỏ cuộc chơi

Zingdeal đóng cửa liệu có phải mô hình mua theo nhóm không còn hấp dẫn hay sự ra đi này là một sự toan tính có chủ ý của công ty mẹ VNG?

Công ty Cổ phần VNG (tức VinaGame trước đây) vừa thông báo ngừng mọi hoạt động của website bán hàng theo nhóm Zingdeal từ ngày 8.2, sau 15 tháng kinh doanh. VNG chỉ cho biết chung chung rằng quyết định đóng cửa Zingdeal là nhằm phát triển hơn nữa hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam. Thông tin website mua sắm cộng đồng Zingdeal đóng cửa khá bất ngờ trong thời điểm dịch vụ mua theo nhóm đang nở rộ và làm dấy lên mối nghi ngờ: Phải chăng mô hình mua theo nhóm không thực sự hấp dẫn?

Gia nhập thị trường từ cuối năm năm 2010, Zingdeal là em út trong gia đình VNG hùng hậu gồm mạng xã hội Zing Me, trang tin tức Zing News, trang âm nhạc Zing Mp3 và các trang trò chơi trực tuyến “đặc sản” của VNG. Hệ thống truyền thông này tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể cho Zingdeal. Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất của website mua hàng theo nhóm dealcuatui.com, năm 2011, Zingdeal chỉ đạt được doanh thu hơn 6,6 tỉ đồng và xếp thứ 9 về thị phần trên thị trường mua theo nhóm vốn đang cạnh tranh khốc liệt.

Thị trường mua theo nhóm hiện có khoảng 97 website, tranh nhau miếng bánh còn khiêm tốn do người tiêu dùng mới tiếp cận hình thức này chưa lâu. Trong khi đó, mô hình kinh doanh kiểu nhặt bạc cắc này lại cần số vốn đầu tư không nhỏ và thời gian hòa vốn khá dài.

Ông David Trần, Giám đốc Điều hành Công ty Nhommua.com, cho biết bài toán chi phí đối với mô hình mua theo nhóm là không đơn giản, trong đó không chỉ chi phí marketing chiếm tỉ trọng cao mà chi phí quản lý, nhân sự cũng gây áp lực đến doanh thu. NhomMua.com dù là con của MJ Group vừa nhận được khoản đầu tư 60 triệu USD từ các quỹ nước ngoài nhưng dự kiến phải mất 5 năm mới đạt ngưỡng hòa vốn.

Tuy nhiên, giới đầu tư công nghệ không thể bỏ qua trường hợp của Muachung.vn, website mua hàng duy nhất tại Việt Nam có lợi nhuận tính đến thời điểm hiện nay. Và Muachung làm được điều này chỉ sau 1 năm rưỡi hoạt động.

Bí quyết của Muachung nằm ở hệ thống marketing hoành tráng. Là con của Tập đoàn Truyền thông VC Corp, Muachung được thụ hưởng hệ thống truyền thông rộng khắp với khoảng 17 website khác nhau. Hệ thống này dàn trải trong nhiều lĩnh vực từ tờ báo mạng có lượng truy cập cao như DanTri cho đến các kênh thông tin đình đám như CafeF.vn, Kenh14.vn, Afamily.vn, mạng xã hội TamTay.vn… Các trang này đã giúp Muachung giảm chi phí marketing xuống còn một nửa.

Nếu xem Muachung là mô hình chuẩn cho hình thức mua theo nhóm hiện nay thì Zingdeal không thua kém mức chuẩn này bao nhiêu, nhờ sự hỗ trợ đắc lực từ các anh em trong nhà VNG. Do vậy, cũng như Muachung, nếu Zingdeal tồn tại thì con đường tìm đến lợi nhuận có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Thế nhưng, thời gian không phải là vô hạn đối với Zingdeal. Cách đây 2 năm, trong một bài phỏng vấn với tạp chí Forbes Asia, Chủ tịch VNG Lê Hồng Minh cho biết sẽ niêm yết cổ phiếu VNG trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq (Mỹ) hay Hồng Kông trong vòng 2-3 năm nữa. Nếu tuyên bố của ông Minh là đúng thì VNG đang chạy nước rút thực hiện kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài.

Bên cạnh đó, so với tổng doanh thu khoảng 2.800 tỉ đồng của VNG năm 2011 (theo ước tính của giới đầu tư công nghệ), doanh thu mà Zingdeal mang lại là quá nhỏ. Rõ ràng, để có được bảng thành tích đẹp trước khi lên sàn, việc cắt bỏ một mảng kinh doanh quá nhỏ lại chưa sinh lời như Zingdeal có lẽ là giải pháp tốt cho VNG, giúp nâng giá trị doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư nước ngoài một khi xuất ngoại niêm yết.

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

five × 1 =

To Top