Connect with us

Sách vào thế tam quốc

Tình huống thương hiệu

Sách vào thế tam quốc

Vài năm trước, Nhiều người thán phục khi thấy ông chủ của hệ thống nhà sách Nguyễn Văn Cừ giàu lên nhanh chóng, đi lại trên chiếc xe bóng bẩy. Không chỉ mình ông mà nhiều chủ nhà sách cũng giàu lên nhanh chóng. 

Đó là thời điểm hoàng kim của những ông chủ nhà sách. Giờ mọi chuyện đã khác. Những ngày vui của ngành sách đã là chuyện của ngày xưa.

Nhà xuất bản, may thì hòa vốn

Nhà Xuất bản Trẻ là cái tên lừng lẫy trong ngành sách. Mở màn cho thành công đầu tiên của Nhà Xuất bản Trẻ chính là cuốn sách Dạy con làm giàu. Cuốn sách này đã mang về cho Nhà Xuất bản Trẻ lợi nhuận vượt mong đợi. Tiếp đó, cuốn Harry Porter cũng mang về cho họ lợi nhuận khá cao. Cuốn sách ban đầu được in với số lượng 5.000 cuốn và liên tục tăng số lượng tái bản lên 10.000, rồi 100.000 bản.

Tuy nhiên, những cuốn sách như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết trong số lượng sách được in hàng năm của Nhà Xuất bản Trẻ, số lượng in tái bản đều không nhiều nên lợi nhuận không được cao. Nhiều nhà xuất bản khác đang bị thua lỗ.

“Nguyên nhân là do phần chiết khấu cho nhà phân phối sách quá lớn và nhà xuất bản bị nhà sách chiếm dụng vốn trong thời gian dài”, bà Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Trẻ, cho biết.

Trong cơ cấu xuất bản một cuốn sách, chi phí in chiếm 20%, tiền nhuận bút hay còn gọi là chi phí tác quyền sẽ được tính 10-15%, tùy vào từng thỏa thuận và tỉ lệ sách bán ra. Trong khi đó, đơn vị phát hành sẽ tính chiết khấu khoảng 40-55%.

Nếu trả tiền ngay thì nhà sách lấy hoa hồng 55%, nhà xuất bản thu 35% tiền mặt và 10% sẽ được nhà sách trả bằng hình thức sách cũ đổi sách mới. Trong trường hợp, nhà xuất bản chấp nhận ký gửi thì nhà sách chỉ lấy hoa hồng 40%. Tuy nhiên, nhà xuất bản thường bị nhà sách chiếm dụng vốn từ 3-4 năm mới trả.

Trước đây, 1 năm Nhà Xuất bản Trẻ ký gửi nhà sách Fahasa khoảng 15-16 tỉ đồng nhưng thường bị chiếm dụng 8-10 tỉ đồng trong vòng 3 năm. Như vậy, vô hình trung nhà xuất bản phải chi tiền mặt xuất bản sách trong khi nhà sách lại trả bằng hàng hóa, hoặc chờ bàn hết sách mới trả tiền. Trong cuộc chơi này, nhà xuất bản rõ ràng đã bị thiệt.

Nếu nhà xuất bản không chịu mức chiết khấu này thì chỉ có nước bỏ kho vì hiện nay hệ thống nhà sách lớn tại Việt Nam chỉ có Fahasa và Phương Nam. Còn lại chủ yếu là những nhà sách nhỏ như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ cũng chỉ tiêu thụ số lượng sách ít. Cũng vì mức chiết khấu cao nên nhà xuất bản chỉ còn lại 5% lợi nhuận, sau khi trừ mọi chi phí.

Theo bà Nguyệt, sách dịch thường được ưa chuộng hơn. Vì vậy, một đầu sách mua bản quyền nước ngoài thường mất tốn 1.000 USD. Muốn hòa vốn thì nhà sách phải in 3.000 cuốn. Nếu sách không bán được thì coi như lỗ. Nếu sách được tái bản thì chỉ khoảng 1.000-2.000 cuốn. Như vậy, chi phí in sẽ bị đội lên cao. Nhà xuất bản phải cắt giảm tiền nhuận bút mới có thể giữ nguyên giá bìa. Cuốn sách nào tái bản với số lượng nhiều thì nhà xuất bản mới có lãi.

Gần đây, một nhà xuất bản (giấu tên) đã phải bán giấy phép kinh doanh do bị chiếm dụng vốn quá lớn và thua lỗ một năm trung bình 200 triệu đồng. Bà Nguyệt cho rằng Nhà Xuất bản Trẻ là một trong những doanh nghiệp có hệ thống nhà sách riêng nên mới trụ lại đến nay.

Nhà sách có dễ ăn?

Với hệ thống phát hành rộng và là 2 hệ thống nhà sách lớn trên thị trường, nhà sách Fahasa và Phương Nam được coi là có quyền lực nhất và hấu hết nhà xuất bản nào cũng muốn được bán sách cho 2 đơn vị này.

Hiện nay, Fahasa đang có hệ thống 60 nhà sách tại hơn 30 tỉnh thành trong cả nước. Tổng doanh thu năm 2012 của Fahasa đạt 1.517 tỉ đồng, tăng 7% so với năm 2011. Lợi nhuận đó phần lớn có được là nhờ chiết khấu 55% hoa hồng của nhà xuất bản.

Tuy nhiên, không phải ai cũng lãi. Vào tháng 2 vừa qua, nhà sách Phương Nam đã phải đổi tướng. Bà Phan Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty đã mời ông Stanley Gunn, quốc tịch Úc, Nam Phi về điều hành nhà sách Phương Nam. Nguyên nhân là do Phương Nam đang thua lỗ. Cụ thể, trong năm 2012, doanh thu thuần của Phương Nam âm 16,8 tỉ đồng. Khoản nợ 70 tỉ đồng với Nhà Xuất bản Kim Đồng vẫn chưa trả được.

Đó là do Phương Nam đã dùng khoản vốn chiếm dụng để đầu tư kinh doanh ngoài ngành.

Hơn nữa, nhà sách cũng đang bị chôn vốn. Một cuốn sách thông thường in 2.000-3.000 cuốn nhưng tỉ lệ bán không nhiều dẫn đến tồn kho lớn. Theo bà Nguyệt, ở Việt Nam những người có thu nhập trên 10 triệu đồng sẵn sàng bỏ ra 10% để mua sách. Có điều, những người thu nhập 10 triệu đồng ở Việt Nam chưa nhiều.

Bên cạnh đó, tỉ lệ sách in lậu quá nhiều cũng là một trong những nguyên nhân khiến số lượng sách bán ra tại các nhà sách giảm. Một cuốn sách giá niêm yết trong các nhà sách 150.000 – 300.000 đồng thì ngoài thị trường sách in lậu giá chỉ 70.000 – 100.000 đồng, phù hợp hơn với túi tiền người Việt Nam.

Một yếu tố khác ảnh hưởng lớn đến các nhà sách là tốc độ phát triển quá nhanh của internet. Thực tế, mảng văn học trong nước hiện đang phát triển dựa vào sự phát triển của công nghệ và intenet. Nhiều cây bút trẻ đang dùng blog của mình để làm kênh PR, quảng cáo sách. Có thể kể đến một số tác giả trẻ như Trang Hạ, Tâm Phan, Gào…đã nổi lên nhờ internet. Tâm Phan tự viết sách, tự PR, tự giới thiệu, đến nay đã bán thành công cuốn thứ ba.

Tìm kiếm mô hình mới

Trong bối cảnh đó, các nhà sách buộc phải tìm kiếm hướng đi mới. Phương Nam đã tự tìm bản thảo, sau đó liên kết với nhà xuất bản, chọn phương thức trình bày sách để có giá và chất lượng tốt nhất, sau đó tự phát hành, thậm chí tổ chức họp báo phát hành sách.

Tuy nhiên, mô hình kinh doanh sách đang tỏ ra hứa hẹn hơn và qua đó vẫn cứ là mối đe dọa với các nhà phát hành sách truyền thống. Hiện nay, thị trường sách online đang được khá nhiều quỹ đầu tư cho hệ thống này. Quỹ Đầu tư IDG đã bỏ vào trang bán sách online Vinabook 500.000 USD. Năm 2012, Tiki chính thức nhận được đầu tư từ Quỹ CyberAgent trực thuộc CyberAgent Inc, một trong những công ty dịch vụ trực tuyến lớn nhất tại Nhật. Đây sẽ là một kênh phát triển trong vài năm tới, ông Trần Ngọc Thái Sơn, Tổng Giám đốc Tiki.vn nhấn mạnh.

Các nhà sách online đang ăn bớt thị phần của nhà sách truyền thống. Tuy nhiên, đó lại là cơ hội cho các nhà xuất bản, giúp họ bớt lệ thuộc vào kênh phát hành thông thường. Họ có thể bắt tay với kênh phát hành mới này, thay vì chỉ biết tuồn sách vào các nhà sách để bị chôn vốn rất lâu.

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 × three =

To Top