Connect with us

Phép màu tiếp thị đằng sau Harry Potter

Tình huống thương hiệu

Phép màu tiếp thị đằng sau Harry Potter

Đặt dưới lăng kính tiếp thị và thương hiệu, câu chuyện về thành công của cậu bé phù thủy Harry Potter cũng hấp dẫn không kém những cuộc phiêu lưu ma thuật mà cậu trải qua trong từng trang sách và từng thước phim. Đây là câu chuyện đáng để nghiền ngẫm cho những nhà tiếp thị và doanh nghiệp.

Có 5 yếu tố chính quyết định thành công của thương hiệu Harry Potter và các doanh nghiệp nhỏ có thể áp dụng. Dù có thể bạn sẽ không đạt được cột mốc lợi nhuận hàng tỉ đô từ thương hiệu như Harry Potter, nhưng vận dụng những yếu tố này trong chiến lược tiếp thị cũng đủ để bạn xây dựng cho mình thành công bền vững.

1. Sản phẩm tốt

Tiếp thị và phương thức kinh doanh khôn khéo có thể giúp bạn bán một sản phẩm hạng xoàng nhưng chỉ trong một mức độ giới hạn. Nếu kỳ vọng của khách hàng không được đáp ứng, họ sẽ không quay lại và thôi rỉ tai nhau về sản phẩm của bạn. Về bản chất, Harry Potter là một bộ sách hay, lôi cuốn và luôn thỏa mãn được mong đợi của đọc giả. Bạn cần một sản phẩm như vậy, nếu muốn thành công.

2. “Sự lôi cuốn cảm tính”

… hay còn gọi là “đam mê” của khách hàng. Thiếu mất yếu tố này, một sản phẩm, doanh nghiệp hoặc thương hiệu khó có thể trở thành “hiện tượng” như Harry Potter.

Để khiến khách hàng mê sản phẩm, công ty hoặc thương hiệu, bạn cần một sản phẩm tốt luôn đáp ứng được nhu cầu người dùng và sản phẩm này phải thỏa mãn được 3 chữ S xây dựng lòng trung thành khách hàng. Đó là tạo cảm giác stability (ổn định), sustainability (bền vững) và security (an toàn). Nếu “sự lôi cuốn cảm tính” này không tồn tại, thành công sẽ đến và đi trước khi bạn kịp chạm đến ngưỡng “hiện tượng” như Harry Potter.

3. Word of mouth (tiếp thị truyền miệng) và Online buzz (loan tin trên mạng)

Nếu hỏi 100 người nhờ đâu họ biết đến Harry Potter, và phần lớn (nếu không muốn nói là tất cả) sẽ nói với bạn họ được người khác giới thiệu, như bạn bè, người thân, hay đồng nghiệp.

Biết cách tận dụng sức mạnh của Internet như đòn bẩy để xây dựng một chiến dịch word-of-mouth là điều tối quan trọng nếu bạn muốn thành công tương tự. Người hâm mộ luôn mong muốn nhiều hơn từ thương hiệu Harry Potter, và Internet trở thành chốn lý tưởng để cộng đồng Harry Potter giao lưu, kết bạn và cùng trải nghiệm thương hiệu theo cách riêng của mình. Tác giả J.K. Rowling và nhà xuất bản ở Mỹ từng định gởi thư yêu cầu chấm dứt hoạt động đến các blog, fan sites và các tác giả viết và vẽ ăn theo thương hiệu, nhưng họ đã từ bỏ ý định này khi nhận thấy tiềm năng to lớn từ việc để người hâm mộ tự làm chủ mọi cuộc đối thoại, trao đổi trên mạng và cùng trải nghiệm thương hiệu. Đôi lúc bạn cần biết cách từ bỏ quyền muốn kiểm soát mọi thứ và để cho cuộc đối thoại diễn ra tự nhiên.

4. “Úp mở” và tiếp thị không ngừng

Khi người tiêu dùng ở trong trạng thái hồi hộp chờ đợi, mỗi chiến thuật tiếp thị thương hiệu (dù trực tiếp hay gián tiếp) đều có thể xây dựng dựa trên chiến thuật tiền nhiệm cho đến khi sự kỳ vọng “sôi sục” đến đỉnh điểm.

Bật mí một vài thông tin, tổ chức chương trình khuyến mãi, thi tài và dựng lên bức màn bí mật bao quan sản phẩm mới của thương hiệu có thể tạo ra hiệu ứng truyền miệng đủ để đẩy doanh số bán hàng lên mức cao nhất có thể.

Đội ngũ tiếp thị của Harry Potter không ngừng hoàn thiện kỹ năng tiếp thị trường kỳ theo kiểu “úp mở” xuyên suốt cả bộ sách. Apple cũng là một thương hiệu bậc thầy trong việc vận dụng chiến thuật trên để đẩy mạnh doanh số. Bạn có thể kết hợp yếu tố này trong kế hoạch tiếp thị để tạo sự háo hức cho sản phẩm.

5. Xây dựng một thương hiệu thống nhất và tiết chế

Một khi khách hàng đã trung thành và yêu mến thương hiệu, tuyệt đối không nên để bất cứ điều gì làm ảnh hưởng đến thương hiệu hay phản bội niềm tin này. Nói cách khác, bạn phải luôn đáp ứng kỳ vọng của khách hàng tại mọi điểm tiếp xúc với thương hiệu, nếu  không khách hàng sẽ thất vọng và tìm đến một thương hiệu khác nhất quán hơn. Khi đứng trước vô số cơ hội mở rộng thương hiệu Harry Potter, J.K. Rowling đã học cách tiết chế  để giữ gìn thương hiệu mà bà dày công tạo dựng và yêu quý. Bà từ chối nhiều hợp đồng hàng lưu niệm, và không chấp nhận cho Harry Potter xuất hiện trong chương trình Happy Meal của McDonald’s. Nhờ vậy, thương hiệu Harry Potter luôn đáp ứng được lòng tin tưởng của đọc giả và không ngừng lớn mạnh. Bạn cũng cần giữ mức độ nhất quán và tiết chế như thế trong kế hoạch marketing của mình để giữ cho cam kết thương hiệu luôn rõ ràng trong tâm trí khách hàng.

Harry Potter là minh chứng hoàn hảo cho quy luật thương hiệu căn bản nhất: chính người tiêu dùng xây dựng thương hiệu, không phải doanh nghiệp. Nhà tiếp thị có thể giữ vai trò định hướng, nhưng suy cho cùng, chính khách hàng mới là người trải nghiệm thương hiệu, biến nó thành của riêng họ và trở nên gắn bó, yêu quý, trung thành và sẵn sàng ủng hộ nó, chính họ mới là người thật sự tạo nên sự thành bại cho thương hiệu. Hãy để khách hàng trải nghiệm thương hiệu của bạn, và như thế, bạn sẽ khơi mào cho thành công như thương hiệu Harry Potter từng làm.

Trần Nguyễn An Nhiên – DNA Branding – www.dna.com.vn

Theo Susan Gunelius

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

3 × five =

To Top