Connect with us

Con đường các mạng nhỏ đang đi

Tình huống thương hiệu

Con đường các mạng nhỏ đang đi

Ba nhà mạng lớn chiếm đến hơn 95% thị trường và ngày càng củng cố vị thế khiến cho cơ hội mở rộng thị phần của các mạng nhỏ ngày càng hẹp hơn.

Việc SK Telecom rút vốn khỏi S-Fone, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ nặng và sáp nhập vào Viettel, rồi Beeline bán lại cổ phần khăn gói ra đi cho thấy các nhà mạng nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn.

Nhìn lại bài toán kinh doanh

Trước khi rút khỏi Việt Nam, Beeline có khoảng 187.000 thuê bao, chiếm 0,17% thị trường. Chỉ số doanh thu bình quân của 1 thuê bao/tháng (ARPU) của Beeline đạt 0,7-0,9 USD/thuê bao. Do đó, doanh thu của Hãng chưa đến 2 triệu USD/năm. Trong khi đó chi phí duy trì trạm phát sóng trung bình là 10.000 USD/trạm/năm. Beeline có 4.000 trạm phát sóng nên chi phí duy trì lên đến 40 triệu USD/năm. Beeline còn phải trả cước kết nối cho nhà mạng khác nếu như thuê bao kết nối ngoại mạng. Bên cạnh đó còn có các chi phí marketing, quảng bá, vận hành, khấu hao đầu tư… Như vậy có thể thấy, Beeline đã bị lỗ nặng.

Một ví dụ khác là Vietnamobile, nhà mạng có số thuê bao đứng thứ tư thị trường. Theo thống kê trong Sách trắng Công nghệ Thông tin 2011, nhà mạng này có khoảng 3,5 triệu thuê bao và 5.200 trạm phát sóng. ARPU của Vietnamobile khoảng 2 USD/thuê bao, tính ra doanh thu mỗi năm khoảng 7 triệu USD. Trong khi đó, chi phí duy trì 5.200 trạm phát sóng đã là 52 triệu USD/năm.

Số liệu của Hãng Nghiên cứu Thị trường BMI (Anh) cho thấy, ARPU của Việt Nam giảm dần đều từ mức 6,5 USD/thuê bao/tháng năm 2007 xuống 6 USD (2008), 5,52 USD (2009). Chỉ số này có thể sẽ giảm còn 3,51 USD vào năm 2015. ARPU của 3 nhà mạng lớn trung bình đạt từ 5-7 USD/thuê bao. Trong khi đó, các mạng nhỏ chỉ có doanh thu khoảng 1 USD/thuê bao.

Theo ông Hoàng Mạnh Cường, Tổng Giám đốc CMC Telecom, hiện nay 80-90% doanh thu của các mạng di động đến từ các cuộc gọi. Do đó, chỉ số ARPU có thể đại diện cho doanh thu của mạng di động đó.

Có thể thấy, các mạng nhỏ đang đi quãng đường dài với lưng vốn ngày càng vơi. Một đại diện của Viettel cho rằng, với ARPU như các hãng nhỏ thì rất khó để tồn tại và phát triển. Ví dụ điển hình là việc Beeline đã rời Việt Nam do lỗ với mức doanh thu/thuê bao quá thấp.

Đầu tư để bán?

Ở những nước phát triển, một đơn vị muốn kinh doanh viễn thông di động phải thi tuyển và phải trả phí khoảng 10 USD/người dân. Tại các nước đang phát triển tương tự như Việt Nam, mức phí này khoảng 5 USD/người.

Ví dụ, một doanh nghiệp muốn đầu tư vào một nước có dân số 80 triệu dân thì riêng tiền mua tần số và giấy phép đăng ký kinh doanh đã mất 400 triệu USD. Khoản tiền đó phải nộp vào ngân sách nhà nước. Trong khi đó, đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp không tốn khoản tiền 400 triệu USD này. Họ chỉ phải bỏ tiền đầu tư để mua tần số, đầu số và mạng lưới hạ tầng.

Điều này khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài coi viễn thông di động Việt Nam là một miếng bánh ngon và thi nhau nhảy vào tranh giành. Ông Cường, CMC Telecom, phân tích, họ cứ đầu tư trước, nếu thành công thì tốt, còn thất bại thì coi như họ mất 400 triệu USD ban đầu như đi đầu tư tại các thị trường khác. Hơn nữa họ còn có chút tài sản có thể bán và gỡ vốn là tài nguyên về tần số, đầu số, cơ sở hạ tầng… “Như thế, tại sao họ không đầu tư vào Việt Nam”, ông Cường đặt câu hỏi.

Còn đối với các công ty viễn thông di động nhỏ tại Việt Nam hiện nay, ông Cường cho rằng, có lẽ họ sẽ phải đi theo con đường của EVN là sáp nhập hoặc bán cho nhà mạng khác. Dù lượng thuê bao ít, thị phần nhỏ, các nhà mạng vẫn còn tài nguyên lớn là tần số, cơ sở hạ tầng, giấy phép và đặc biệt là đầu số. Những đầu số đẹp như 099, 092, 095 của các nhà mạng nhỏ vẫn chưa được khai thác hết. Đó là một nguồn tài nguyên quý mà các mạng nhỏ sẽ bán được.

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

six + 18 =

To Top