Connect with us

Tình huống thương hiệu

F1 trở lại

Các sự kiện CEO thoái vị gần đây cho thấy, nhiều cuộc chuyển giao quyền lực quản lý giữa các thế hệ lãnh đạo trong doanh nghiệp Việt Nam đã khó thành bởi nhiều nguyên nhân.

Sau nhiều đồn đoán, cuối cùng ông Trương Đình Anh cũng từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT sau hơn 18 tháng đảm nhận và sự quay trở lại ghế nóng của Chủ tịch Trương Gia Bình khi ông này đã đến tuổi 56. Thời điểm trị vì ngắn ngủi của Trương Đình Anh, người đàn ông sinh năm 1970, đại diện cho thế hệ lãnh đạo thứ 2 còn trẻ và đầy tham vọng, hiện rõ với những đổi thay chiến lược và tái cấu trúc.

Tuy nhiên, sự kỳ vọng của cổ đông để có được những con số kinh doanh ngoạn mục đối với Đình Anh có lẽ vẫn chưa thỏa mãn. Biểu hiện là lợi nhuận trước thuế của FPT đạt 2.515 tỉ đồng, tăng hơn 24% so với năm 2010, đạt 104% kế hoạch đầu năm, nhưng chỉ bằng 96% so với kế hoạch bị điều chỉnh giữa năm. Sau đó, tiếp đến 2 quý đầu năm 2012, doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất của FPT đạt 11.465 tỉ đồng và 1.205 tỉ đồng, cũng chỉ bằng 37% và 40% kế hoạch cả năm. Trong đó, 2 mảng mang lại doanh thu lớn nhất cho FPT là phân phối và tích hợp hệ thống đều có doanh thu và lợi nhuận giảm so với cùng kỳ 2011.

Công cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo không thành công và quay lại vị trí xuất phát điểm không chỉ có ở FPT mà diễn ra ở nhiều doanh nghiệp khác của Việt Nam trong vài năm trở lại đây.

Có thể kể đến là Tập đoàn Hoa Sen. Dù doanh nghiệp không quá lớn, nhưng vụ thất bại trong chuyển giao quyền lực ở Tập đoàn Hoa Sen lại ầm ĩ và tốn kém không ít giấy mực của báo chí. Và nếu như thời gian nắm quyền của ông Trương Đình Anh là 18 tháng thì thời gian tại vị của ông Phạm Văn Trung tại Tôn Hoa Sen chỉ là 18 ngày.

Chưa có thống kê chính xác nào về thời gian nắm quyền ít nhất của một CEO Việt Nam, nhưng nếu có thì con số 18 ngày có lẽ là chuyện xưa nay hiếm.

Xa hơn một chút, câu chuyện về chuyển giao quyền lãnh đạo tại Tổng Công ty Giấy Sài Gòn, cũng làm cho giới kinh doanh bàn tán không ít. Chỉ trong 3 năm, có tới 2 tổng giám đốc ra đi.

Không chỉ thất bại trong việc chuyển giao quyền lực cho các CEO nội, một số doanh nghiệp lựa chọn các CEO ngoại như là một giải pháp nhằm sử dụng khả năng quản trị quốc tế. Tuy nhiên cũng không nhiều trường hợp thành công.

Thực hiện tư duy đột phá để đưa doanh nghiệp lên tầm khu vực, năm 2008, ông Võ Quốc Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Đồng Tâm mời ông Etienne Lucien Laude, người Pháp về làm Tổng Giám đốc Công ty. Ông Laude trước đó là Giám đốc Chất lượng Hệ thống Tiêu chuẩn Kỹ thuật khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tập đoàn Schneider Electric. Thế nhưng, đến năm 2010, ông Etienne Lucien Laude đã thôi việc tại Đồng Tâm.

Không rõ ràng như các trường hợp như vừa nêu, nhưng câu chuyện tại ACB theo giới quan sát là cũng tương tự. Là người sáng lập ra Ngân hàng Á Châu và là Tổng Giám đốc đầu tiên của ACB, ông Trần Mộng Hùng đã dẫn dắt ACB không ngừng phát triển trong suốt giai đoạn đầu phát triển. Đến tháng 3.2008 ông rút khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị và thay vào đó là ông Trần Xuân Giá.

Trước đó 3 năm, vào tháng 6.2005, ông Lý Xuân Hải đã được Hội đồng Quản trị đưa lên làm Tổng Giám đốc thay cho ông Phạm Văn Thiệt và thiết lập tổ chức được một một bộ máy quản trị điều hành mà thời đó, theo ông Trần Mộng Hùng là an tâm.

Kể từ đó đến nay, ACB luôn đạt mức tăng trưởng cao với khả năng sinh lời được thể hiện qua chỉ tiêu lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) luôn ở mức trên 30% (ngoại trừ năm 2010 tỉ lệ này là 28,9%). Cá biệt như năm 2007 tỉ lệ này lên tới 53,8% hay năm 2006 là 46,8%. Từ năm 2006 đến 2011, tổng tài sản của ACB cũng tăng gấp hơn 6 lần (từ 44.347 tỉ đồng lên 281.019 tỉ đồng).

Sự phát triển của ACB tưởng chừng như sẽ hưng thịnh dưới thời ông Lý Xuân Hải và ông Trần Xuân Giá. Tuy nhiên, khi vụ việc ông Nguyễn Đức Kiên và ông Lý Xuân Hải vỡ lở, thì mô hình quản trị mà ACB dày công dưới thời kỳ của người kế nhiệm bắt đầu được xem xét. Biểu hiện rõ nhất là tháng 9 vừa qua, cùng lúc 3 thành viên Hội đồng Quản trị ACB công bố từ nhiệm, như đặt một dấu hỏi lớn cho bước đi tiên phong, tôn trọng trí tuệ, sự độc lập, khách quan trong công tác quản trị tại ACB. Vụ việc liên quan đến chuyện ông Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc ACB) ủy thác cho 19 nhân viên nhận 718 tỉ đồng của Ngân hàng để gửi vào một ngân hàng khác.

Để thay thế cho các nhân vật trên, Hội đồng Quản trị ACB đã tạm bầu 3 chức danh mới, trong đó chính con trai cổ đông sáng lập Trần Mộng Hùng là Trần Hùng Huy được đặt ở vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng này.

Câu hỏi đặt ra là vì sao các cuộc chuyển giao quyền lực lại ít thành công? Trước hết, trong phần nhiều các trường hợp, một lý do chính là cái bóng của thế hệ F1 vẫn quá lớn mà thế hệ F2 không thể vượt qua. Hoặc cũng có thể là không được vượt qua.

Ở FPT, lý do ông Trương Đình Anh nêu trong đơn xin từ nhiệm là vì những khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành giữa ông và Hội đồng Quản trị. Tuy nhiên khi bình luận về ý kiến này ông Trương Gia Bình nói rằng, “đây là lần đầu tiên tôi nghe Đình Anh nâng cao quan điểm đến mức đó”.

Theo ông Bình, thành công tại FPT trong 24 năm qua gắn với thành công của mỗi thành viên. Và FPT tin vào giá trị đồng đội và làm việc tập thể. Tinh thần đồng đội đó đòi hỏi người lãnh đạo phải biết lắng nghe, có tính thuyết phục với mọi người, bên cạnh khả năng quyết định một cách quyết liệt.

“Thực tiễn Trương Đình Anh đã làm được điều này ở đơn vị do mình phát triển, nhưng gặp vô vàn khó khăn khi lên điều hành ở quy mô tập đoàn, khi phải lãnh đạo cả những đơn vị không do mình trực tiếp xây dựng, trong những lĩnh vực không thuộc thế mạnh của mình. Tôi nhìn nhận đó là sự khác biệt, còn Đình Anh có thể xem là bất đồng quan điểm”, ông Bình nói.

Mặc dù nguyên nhân được lý giải rõ ràng như vậy, nhưng trong giới kinh doanh nhiều người vẫn biết rằng, cái bóng của ông Trương Gia Bình vẫn là quá lớn ở FPT. Và câu chuyện cái bóng này thể hiện rõ nhất ở lòng tin của nhà đầu tư với ông Trương Gia Bình.

Ngày 27.9.2012 sau khi thông tin ông Bình quay trở lại điều hành cổ phiếu của FPT đã tăng 2,7% lên 38.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, theo tính toán, nếu nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trong suốt thời gian ông Trương Đình Anh làm Tổng Giám đốc sẽ lỗ 1.000 đồng/cổ phiếu.

Cái bóng vô hình cũng hiện rõ trong quá trình chuyển giao thất bại tại Công ty Giấy Sài Gòn. Theo ông Cao Tiến Vị, do ông muốn thay đổi mọi thứ quá nhanh khiến guồng máy không bắt kịp với các quyết định của tổng giám đốc. Và ngược lại, các tổng giám đốc cũng chưa thực sự phù hợp với hệ thống. “Tôi đã tôn trọng ý kiến của họ và chấp nhận những thay đổi về mặt con người, kể cả những người từng gắn bó lâu năm với tôi. Nhưng có lẽ họ còn quá mới để có thể tạo được lòng tin vững chắc trong nhân viên”, ông Vị thừa nhận.

Tệ hơn, những vụ lùm xùm như việc ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hoa Sen tố ông Phạm Văn Trung thiếu minh bạch, trong khi ông Trung lại nộp đơn lên tòa khởi kiện Hoa Sen ra tòa với lý do vu khống, bôi nhọ, xúc phạm danh dự ông cho thấy rõ bản chất câu chuyện chuyển giao quyền lực này.

Một đặc điểm chung sau các cuộc chuyển giao kể trên là sau khi quá trình chuyển giao thất bại, những nhà sáng lập lại quay về vị trí cũ.

Ông Trương Gia Bình quay lại vị trí mà ông rời xa từ 3 năm trước. Ông Võ Quốc Thắng và ông Cao Tiến Vị vẫn nắm vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc. Riêng ông Lê Phước Vũ dù không kiêm chức CEO nhưng nhiều người vẫn biết rằng, quyền lực chính ở Hoa Sen vẫn nằm trong tay ông.

Giải thích cho lý do quay lại vị trí CEO, ông Trương Gia Bình cho biết, do Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Cán bộ FPT đề xuất ông quay trở lại. “Tôi luôn muốn chuyển giao thế hệ nên đã chủ động rút khỏi vị trí điều hành từ năm 2009, mở đường cho thế hệ lãnh đạo kế cận. Bây giờ trở lại, tôi coi đó là trách nhiệm của người sáng lập lúc Tập đoàn khó khăn”, ông Bình nói.

Nói về quá trình điều hành sắp tới, ông Bình cho biết, “Tôi tin tưởng FPT hoàn thành kế hoạch đề ra và tôi sẽ nỗ lực hết sức để làm được điều đó”.

Sự trở lại của ông Bình, nói như trong bức tâm thư của ông gửi cho toàn bộ nhân viên FPT là để đảm bảo FPT tiếp tục phát triển ổn định và chuẩn bị tốt hơn cho sự chuyển giao một thế hệ lãnh đạo trong thời gian tới. Câu nói này cũng có ý nghĩa là, thế hệ lãnh đạo F2 mà cụ thể là Trương Đình Anh vẫn là một sự chuẩn bị chưa tốt. Dù thực tế, ông Trương Đình Anh là thế hệ lãnh đạo thứ 2 đã được FPT quy hoạch. Thất bại trong việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo F2 đầu tiên và có lẽ để có một thế hệ lãnh đạo tốt hơn ông Bình chắc phải cần thêm một thời gian lâu nữa ở FPT.

Dù không rõ ràng, nhưng nếu phân tích kỹ câu chuyện ở ACB cũng có thể xem là tương tự với FPT. Tuy không trực tiếp điều hành ACB nhưng với việc Trần Hùng Huy, một nhân vật sinh năm 1978 tiếp quản vị trí lãnh đạo cao nhất ACB, nhiều nhà phân tích tài chính cho rằng, dường như ông Trần Mộng Hùng đang trở lại tiếp quản ACB thông qua con trai của mình.

Mới đây trả lời trên báo chí, ông Hùng đã thể hiện quan điểm của mình là ngân hàng chỉ có thể quản lý tốt nếu đội ngũ lãnh đạo và nhân viên có tài năng, có bản lĩnh, có văn hóa và có đạo đức. “Vừa qua, từng thời điểm, dưới một số tác động của một vài cá nhân, kế hoạch phát triển ngắn hạn của ACB có thể bị chệch hướng chiến lược”, ông Trần Mộng Hùng thừa nhận. Tuy nhiên, tháng 3 năm sau, khi ACB đến kỳ đại hội cổ đông, câu chuyện nhà lãnh đạo lâu dài của ACB có lẽ mới rõ nét. 

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

seven + eleven =

To Top