Connect with us

Slogan mới của du lịch Việt: Thiếu tự tin, thừa khác biệt

Tình huống thương hiệu

Slogan mới của du lịch Việt: Thiếu tự tin, thừa khác biệt

Một chiến dịch, một logo (biểu tượng), một slogan (tiêu đề) mới với tên gọi "Vietnam - A Different Orient" (Việt Nam - Sự khác biệt Á Đông). Liệu chiến dịch này có phải là bước nhảy vọt mà ngành công nghiệp du lịch của Việt Nam đang mong đợi?

Ông Tim Russell, Giám đốc Điều hành Công ty Come&Go Vietnam, một người Anh đã gắn bó lâu năm với nền du lịch Việt Nam, gửi tới Diễn đàn Kinh Việt Nam bài phân tích về logo và slogan mới này. VEF trân trọng giới thiệu với độc giả.

Về slogan A Different Orient

Thoạt nhìn, nó giống như một sự cải biến lớn từ The Hidden Charm (Vẻ đẹp tiềm ẩn). Việc sử dụng những từ như “different” (khác biệt) và “orient” (Á Đông) gợi lên sự huyền bí và khác biệt của Việt Nam, những đặc điểm thu hút nhiều sự chú ý từ khách du lịch. Với bất kỳ ai từng đến các địa điểm du lịch phát triển hơn như Thái Lan hay Malaysia, Việt Nam hoàn toàn khác.

Nhưng điều tôi lo ngại về slogan này là nó nghe không được tự tin cho lắm. Những người hàng xóm châu Á của Việt Nam không ngại ngần thổi chiếc kèn trumpet riêng của họ – Incredible India, Amazing Thailand, Malaysia Truly Asia, Cambodia Kingdom of Wonder, WOW Philippines – và trong khi slogan mới ít có tính thất bại như The Hidden Charm, nó vẫn không hoàn toàn thể hiện sự chắc chắn. Việt Nam sôi động, thú vị, đầy màu sắc, hạnh phúc và hỗn độn. Tất cả những từ này gợi nhiều cảm hứng và liên tưởng hơn là chỉ có “khác biệt”, từ có cả ý nghĩa tiêu cực và tích cực.

Tệ hơn, một ý nghĩ đằng sau slogan này là hầu hết khách du lịch đến Việt Nam vì văn hóa và để khám phá. Cách tiếp thị sai lầm này đang góp phần vào tỷ lệ rất thấp khách du lịch quay trở lại Việt Nam. Khách du lịch trở lại một địa điểm nhiều lần vì bãi biển, cuộc sống về đêm hay các hoạt động giải trí. Một lần nữa, thị trường du lịch này lại bị phớt lờ. Thái Lan rất thành công khi khai thác vào thị trường này, đến mức gần 50% du khách quay trở lại Thái ít nhất một lần. Việt Nam chưa nhìn nhận nó là một vấn đề lớn, nhưng đây thực sự là một vấn đề rất lớn.

Thứ hai là về logo

Không giống logo sử dụng cho The Hidden Charm, không ai nghi ngờ đây là sản phẩm của những nhà thiết kế chuyên nghiệp. Nó tạo dấu ấn riêng khi được đặt cạnh các logo của các thị trường du lịch châu Á khác. Nó sống động, bắt mắt và đặc biệt và nhìn nó sẽ thật tuyệt vời ở trên áp phích du lịch, triển lãm thương mại, quần áo và các mặt hàng khuyến mại. Với tư cách là một chuyên gia về du lịch, người đang cố gắng đẩy mạnh du lịch Việt Nam và thường xuyên tham dự các triển lãm thương mại, tôi thấy thật thú vị khi có một logo mà tôi có thể trưng bày không chút bối rối.

Chỉ có một sự hạn chế với logo này – đó là màu sắc. Vì một số lý do nào đó, logo sử dụng phần lớn màu xanh nước biển – màu sắc mà ít người nhìn thấy sẽ liên tưởng đến Việt Nam. Và nó còn có các vệt màu xanh lá cây, màu tím, màu vàng và màu đỏ, như thể các nhà thiết kế không thể quyết định phối màu thế nào và đơn giản là đồng ý sử dụng hết các màu này. Rõ ràng là có một vài điều logic giải thích việc này.

Theo các nhà thiết kế, màu xanh nước biểu thể hiện vùng nước xanh của Việt Nam; màu xanh lá đại diện cho đồng lúa và rừng núi; màu tím được cho là biểu tượng của Việt Nam, hoa sen; màu vàng tượng trưng cho kiến trúc thuộc địa (vẫn còn một ít tồn tại đến ngày nay); và màu đỏ lấy từ lá cờ Tổ quốc. Bây giờ nó có thể có ý nghĩa với một loại các chuyên gia về nhãn hiệu ngồi quanh bàn trong một cuộc họp, nhưng người theo dõi bình thường nhiều khả năng sẽ nghĩ “Cờ Việt Nam màu đỏ… đồng quê chủ yếu là màu xanh lá… tại sao logo lại có màu xanh nước biển?”

Với xu hướng tương tự, phông chữ sử dụng ở logo có những đoạn hơi cong trong các ký tự để phản chiếu di sản quốc gia và lịch sử văn hóa”. Theo tôi dự đoán, đây là mặt hạn chế khi sử dụng các chuyên gia về nhãn hiệu. Họ hầu hết mất khả năng suy nghĩ như người bình thường và cho rằng khi chúng ta nhìn một dòng màu tím, ngay lập tức chúng ta nghĩ đến hoa sen trong khi điều chúng ta thực sự đang nghĩ đến là “tại sao logo này lại có màu tím? “

Mặc cho những hạn chế đó, tôi phải nói rằng chiến dịch mới là một cải tiến đáng kể so với các nỗ lực trước đây. Nó có thể không nắm bắt sự sôi động, hỗn độn và thú vị của Việt Nam nhưng nó thu được một số màu sắc và sự khác biệt. Và quan trọng hơn, đây là một bước tiến lớn từ hình ảnh thiếu chuyên nghiệp trước kia và chắc chắn nó sẽ đóng góp lớn vào việc phát triển hình ảnh thương hiệu của Việt Nam. Sau cùng, đó là A Different Orient và đó là lý do ngày càng nhiều người đến Việt Nam.

Tim Russell (Lan Dung dịch)

Theo Vef

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

four × 2 =

To Top