Connect with us

Vì sao Tri lỗ?

Tình huống thương hiệu

Vì sao Tri lỗ?

Công ty Nước Giải khát Sài Gòn (TRI) vẫn cắm đầu đi trên con đường lỗ dường như vô tận. Đã có những băn khoăn, nghi ngờ về động thái của các cổ đông lớn ở TRI.

Sau 3 năm tròn lỗ ròng, cuối cùng Công ty Nước Giải khát Sài Gòn (TRI) cũng tự nguyện xin Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) được hủy niêm yết. Trước đó, với kết quả lỗ 2 năm liên tiếp, TRI bị HoSE tạm ngừng giao dịch từ ngày 25.3.2010. Đến 22.6.2010, sau khi báo cáo nguyên nhân cũng như phương án khắc phục với Sở, cổ phiếu TRI mới được giao dịch lại.

Lỗ dai dẳng

Cổ phiếu TRI chính thức giao dịch trên HoSE vào cuối tháng 12.2001. Ngành nghề kinh doanh chính của TRI là chế biến thực phẩm, sản xuất sữa đậu nành, nước ép trái cây và nước giải khát các loại. Hai cổ đông lớn của TRI hiện nay là Tập đoàn Uni President của Đài Loan chiếm 43,56% cổ phần và Tập đoàn Kinh Đô (KDC) chiếm khoảng 30% cổ phần.

Hoạt động kinh doanh của TRI những năm đầu sau khi lên sàn khá tốt. Nhưng từ quý IV/2008, TRI liên tiếp lâm vào cảnh thua lỗ. Tính từ quý IV/2008 đến quý III/2011, TRI chỉ có lãi trong quý II/2010, còn lại đều lỗ. Đỉnh điểm là năm 2008 với khoản lỗ 145 tỉ đồng và 3 quý đầu năm 2011, khoản lỗ đã lên hơn 262 tỉ đồng.

Theo giải trình của TRI, Công ty thua lỗ là do giá vốn hàng bán tăng cao. Trong khi đó, Công ty không phát triển sản phẩm mới trong nhiều năm cũng khiến doanh thu nhiều lần không đạt kế hoạch. Bên cạnh đó, trong năm 2007-2008, Công ty phải đầu tư xây dựng 2 nhà máy nước giải khát tại Bình Dương và Hưng Yên. Sang năm 2009, mức lỗ có giảm xuống, còn hơn 86 tỉ đồng. Khi ấy, TRI giải thích nguyên nhân là Công ty đầu tư xây dựng lại hệ thống bán hàng, marketing và giải quyết các vấn đề còn lại của năm trước.

Ngoài ra, TRI còn đối mặt với tình trạng nợ nhiều và khả năng trả thấp. Năm 2008, tổng nợ của TRI là hơn 322 tỉ đồng nhưng vốn chủ sở hữu lại âm hơn 5 tỉ đồng. Năm sau đó, tổng nợ giảm được khoảng 10 tỉ nhưng so với vốn chủ sở hữu lại cao gấp 5 lần. Tỉ lệ này là 2 lần ở năm 2010. Theo báo cáo tài chính, Công ty không đầu tư vào bất động sản và khoản trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn không nhiều. Như vậy, việc lỗ lã và nợ nần chồng chất có nguyên nhân chính từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Cổ đông lớn có trục lợi từ TRI?

Sau khi lỗ liên tục trong 2 năm 2008 và 2009, TRI thể hiện quyết tâm tái cấu trúc bằng việc bán bớt cổ phần tại các công ty con. Tháng 6.2010, TRI bán 30% cổ phần tại công ty con là Tribeco Bình Dương và 80% tại Tribeco Miền Bắc. Kế đó, trong tháng 7.2010, TRI bán nốt 6% cổ phần còn lại tại Tribeco Bình Dương. Việc bán cổ phần mang về khoản tiền gần 43 tỉ đồng và được TRI tính vào lợi nhuận quý II/2010. Sau đó TRI vẫn lỗ cho đến nay.

Trước tình trạng đó, nhiều cổ đông của TRI băn khoăn không hiểu 2 cổ đông lớn Uni President và KDC đang đóng vai trò gì ở TRI? Việc TRI lỗ trong năm 2008 có thể chấp nhận được, vì đó là thời điểm khó khăn chung của nền kinh tế. Thế nhưng Công ty vẫn lỗ triền miên sau đó, khi các điều kiện kinh doanh đã được cải thiện.

Theo ông Phạm Thứ Triệu, Giám đốc Khối Tư vấn Doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán Thăng Long, tỉ lệ sinh lời của ngành hàng thực phẩm luôn ở mức cao, vào khoảng 30-45%. Do vậy, ông không loại trừ khả năng, có thể do 2 cổ đông lớn không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến cả 2 đều bỏ mặc sự phát triển của TRI. Cả KDC và Uni President đều có cùng lĩnh vực kinh doanh với TRI là sản xuất kinh doanh thực phẩm.

Bên cạnh đó, giá vốn hàng bán tăng cao do TRI giải trình khiến lợi nhuận liên tục âm. Do vậy, ông Triệu cho rằng, không loại trừ khả năng cổ đông lớn thực hiện thủ thuật chuyển giá, vốn hay được các công ty nước ngoài có công ty con ở nước khác áp dụng. Đã có trường hợp công ty mẹ thành lập công ty con ở nước khác, sau đó, công ty con sẽ bán sản phẩm giá thấp ra thị trường, một phần bán về cho công ty mẹ. Kết quả là công ty con sẽ bị lỗ dẫn đến không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà nước. Còn công ty mẹ thì mua được hàng giá rẻ và bán với giá bằng giá thị trường nước ngoài để hưởng lãi riêng.

Vẫn có lời giải

Doanh nghiệp khi rơi vào giai đoạn khó khăn thường đi theo 2 con đường: phá sản hoặc cứu chữa để vực dậy doanh nghiệp. Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên tư vấn Tài chính doanh nghiệp, đối với TRI, còn nhiều yếu tố để các cổ đông có quyền hy vọng khả năng hồi sinh từ bờ vực thẳm. Sản phẩm của Công ty vẫn được khách hàng đánh giá tốt, không chê bai về chất lượng. Bên cạnh đó, TRI cũng không thuộc loại làm ăn gian dối hay kiểu tạo doanh thu ảo như vụ Công ty Dược Viễn Đông vừa qua. Thương hiệu TRI dù sao vẫn còn chỗ đứng nhất định trên thị trường. Vì vậy, ông Hiển cho rằng, vấn đề của TRI vẫn là bài toán có lời giải.

Để thoát khỏi tình trạng hiện tại, trước mắt TRI cần phải chữa bệnh sớm. Tuy nhiên về lâu dài, theo ông Triệu, Công ty Chứng khoán Thăng Long, cần giải tỏa khúc mắc, nếu có, giữa 2 cổ đông lớn KDC và Uni President. Nếu có khúc mắc mà không giải quyết được, ông Triệu cho rằng các bên thỏa thuận mua lại cổ phần của bên kia hoặc bán lại cho bên thứ ba.

Khi đề cập đến vấn đề này, ông Hiển cho rằng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, các yếu tố quyết định là ý đồ của các bên khi đầu tư vào TRI, quan điểm về tài sản tại doanh nghiệp này và mức độ chấp nhận đánh cược khi ở lại TRI đến mức độ nào.

Trong khi những nguyên nhân lỗ của TRI tỏ ra khó hiểu thì trên sàn chứng khoán, cổ phiếu TRI cũng tồn tại nhiều bất thường. Mặc dù Công ty thua lỗ triền miên nhưng giá cổ phiếu này thường xuyên tăng trần. Đáng nói là mỗi lần khớp lệnh, khối lượng giao dịch của cổ phiếu này chỉ đạt vài chục đến vài trăm đơn vị, với giá trị từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng mỗi phiên.

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

sixteen − fifteen =

To Top