Connect with us

Giấc mơ 20 tỷ USD cho cà phê Việt

Tin trong nước

Giấc mơ 20 tỷ USD cho cà phê Việt

Cà phê hòa tan G7 của Trung Nguyên lần đầu tiên lên kệ hàng tại siêu thị ở Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu kỷ nguyên “xuất khẩu tinh” của cà phê Việt Nam.

Cơ hội cho thương hiệu Việt

Vượt qua 20 tiêu chí kiểm định khắt khe của các đơn vị kiểm định quốc tế, cà phê hòa tan G7 của Trung Nguyên đã chính thức có mặt trong hệ thống siêu thị Cosco của Mỹ và Tập đoàn bán lẻ hàng đầu châu Á E-Mart (Hàn Quốc) từ tháng 10/2011.

Ông Nguyễn Nguyên, Trợ lý Ban tổng giám đốc Trung Nguyên chia sẻ: “Đến hết năm 2011, chúng tôi có đơn hàng 100 container cho Cosco và 15 container cho E-Mart. G7 là thương hiệu cà phê đầu tiên của Việt Nam tại Cosco, song được người tiêu dùng Mỹ, đặc biệt là cộng đồng người Mỹ gốc Á, đón nhận rất tích cực nhờ sự khác biệt so với tất cả các loại cà phê hòa tan khác trên thị trường”.

Bên cạnh đó, Trung Nguyên cũng hy vọng, sự kiện G7 vào được hệ thống siêu thị của Mỹ và Hàn Quốc sẽ tạo đà để sản phẩm này thâm nhập các thị trường khác. Hiện đơn vị này đang nghiên cứu các sản phẩm theo xu hướng tiêu dùng mới để tiếp tục chinh phục thế giới sau khởi đầu tích cực tại thị trường Mỹ và Hàn Quốc của G7.

Thông tin G7 vào được hệ thống siêu thị bán lẻ hàng đầu của Mỹ, Hàn Quốc khiến nhiều người ngỡ ngàng. Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho biết: “Tôi không biết Trung Nguyên làm thế nào để có thể đưa G7 vào được hệ thống siêu thị bán lẻ lớn tại Mỹ. Làm được việc này là quá tốt, bởi nó sẽ mở đường cho các sản phẩm cà phê hòa tan Việt Nam và một số nông sản khác vững tin chinh phục các thị trường khó tính”.

Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương), đơn vị đang hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam kết nối trực tiếp với các hệ thống bán lẻ của châu Âu cho rằng, việc kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp sản xuất với hệ thống siêu thị là một cách làm hay để hàng Việt Nam phát triển thương hiệu.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng, kinh nghiệm chinh phục thị trường Mỹ của cà phê hòa tan G7 là một gợi ý tốt giúp ngành cà phê Việt Nam chuyển từ hình thức “xuất khẩu thô” sang “xuất khẩu tinh”. Nếu chuyển đổi thành công, 15 năm tới, giá trị xuất khẩu cà phê sẽ tăng 10 lần so với hiện nay, đạt khoảng 20 tỷ USD.

“Vượt rào” chất lượng chỉ là bước khởi đầu

Cà phê G7 của Trung Nguyên vượt qua nhiều rào cản thẩm định khắt khe để trực tiếp vào hệ thống siêu thị hiện đại của Mỹ, Hàn Quốc là minh chứng sống động nhất khẳng định chất lượng cà phê Việt Nam nói riêng, nông sản Việt Nam nói chung, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu khắt khe của những thị trường khó tính nhất.

Trên thực tế, phải sau 10 năm có mặt trên thị trường Bắc Mỹ, thiết lập nhóm cộng tác cao cấp tại Mỹ, đến nay, sản phẩm của Trung Nguyên mới trực tiếp vào được hệ thống siêu thị hiện đại này.

Sở dĩ làm được điều này là vì, trong Chiến lược “Chinh phục thế giới” của mình, Trung Nguyên đã phân lớp rõ ràng các phân nhóm thị trường và kênh tiêu thụ cụ thể tại các quốc gia để có các thế trận liên hoàn thích hợp. Trong đó, Chiến lược sản phẩm bao gồm cà phê hòa tan, cà phê rang xay truyền thống và nhóm cà phê hiện đại dành cho các thị trường, nhằm vừa đảm bảo đảm bảo sự khác biệt, vừa đón trước xu hướng thị trường.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Nguyên cho rằng, vượt qua khâu thẩm định chỉ là bước đầu của quá trình đưa hàng vào hệ thống siêu thị Mỹ.

“Theo ý kiến của tôi, nếu nắm vững tiến trình và nội dung kiểm định, có chuẩn bị toàn diện thì doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ và quy mô khá có thể vượt qua. Tuy nhiên, vượt qua kiểm định hoàn toàn không có nghĩa là đã thâm nhập được vào hệ thống bán lẻ hiện đại tại Mỹ. Điều quan trọng là sẽ làm gì sau khi vượt qua các kiểm định này”, ông Nguyên nói.

Chia sẻ ý kiến này, ông Đào Trần Nhân, Tham tán công sứ Việt Nam tại Mỹ cho biết thêm, cà phê Việt Nam hoàn toàn có thể vào được hệ thống siêu thị của Mỹ, song cần lưu ý rằng, hệ thống siêu thị càng lớn thì giá sản phẩm càng phải rẻ và chất lượng phải tốt. “Một đặc điểm nữa của thị trường Mỹ mà doanh nghiệp cần lưu ý là, với những sản phẩm mới, người tiêu dùng có thể trả lại trong vòng 90 ngày, nếu không hài lòng với sản phẩm”, ông Nhân nhấn mạnh.

Đánh giá cao những nỗ lực của Trung Nguyên, song Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, Trung Nguyên phải cải tiến sản phẩm hơn nữa cho phù hợp với từng thị trường, bởi thực tế cho thấy, tiêu thụ cà phê hòa tan của Trung Nguyên ở Trung Quốc rất tốt, nhưng ở thị trường EU, Mỹ lại khó, do người dân các nước này có thói quen sử dụng cà phê pha bằng máy.

Theo Báo Đầu Tư

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

fifteen − 2 =

To Top