Connect with us

Doanh nghiệp vẫy vùng thời lạm phát: Thà một lần đau

Tin trong nước

Doanh nghiệp vẫy vùng thời lạm phát: Thà một lần đau

Trước sức ép gia tăng đầu vào, khó khăn về đầu ra, sản xuất kinh doanh của nhiều DN gặp khó khăn. Trong khi nhiều DN chọn cách chấp nhận tạm ngừng sản xuất chờ thời thì các DN khác lại chủ động tiết kiệm, đổi mới công nghệ, sắp xếp lại quy trình để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả.

Thậm chí, có DN chấp nhận từ bỏ nhiều dự định phát triển kinh doanh, bán bớt những tài sản đang có để tập trung phát triển một vài thế mạnh để phát triển. Trước mắt, đó là giải pháp tạm thời để đối phó với khó khăn nhưng những thay đổi nhỏ đó chính là bước khởi đầu cho quá trình tái cơ cấu DN.

Tiết kiệm và đổi mới

Đầu năm 2011, DN đối mặt với một đặt tăng giá đầu vào kỷ lục. Bên cạnh tăng giá nguyên liệu trên thị trường thì việc dồn dập tăng giá điện, xăng dầu… cộng với việc tăng lãi suất lên cao đã khiến cho nhiều DN điêu đứng và phải tìm cánh thích ứng. Tuy nhiên, thay vì cắt giảm nhân công, giảm sản xuất nhiều DN đã mở hướng mới bằng cách tiết kiệm và đổi mới công nghệ.

Công ty TNHH Tân Thế Kỷ (Đống Đa – Hà Nội) đã đầu tư kinh phí để thay đổi thiết bị máy móc nhằm giảm nhiên liệu, tận dụng tối đa nguyên liệu. Đại diện công ty cho biết, DN đã đầu tư hàng chục triệu USD để nhập trang thiết bị hiện đại nhất nhằm đổi mới công nghệ theo hướng tiết kiệm tối đa lượng điện năng sử dụng.

Trong khi đó, Công ty TNHH Thực phẩm Yng Shin tại cụm công nghiệp Thanh Oai – Hà Nội cho biết, giá điện tăng, DN phải trả trên chục triệu đồng tiền điện. Để giảm thiểu tối đa chi phí, công ty xem xét để huy động nhân công tập trung sản xuất vào giờ có mức giá điện thấp nhất. Đồng thời, sẽ có biện pháp để đổi mới công nghệ để tiết giảm tiêu thụ điện năng.

Bài toán tận dụng giá điện giờ thấp điểm để sản xuất cũng được Công ty Cổ phần Đại Đồng Tiến tận dụng. Bên cạnh đó, để đối phó với giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, công ty vừa đầu tư một dây chuyền hiện đại trên 1 tỉ để hạn chế tiêu hao năng lượng, cũng như tiết kiệm nguyên vật liệu.

Cùng với đầu tư công nghệ, sắp xếp lại sản xuất theo một quy trình tối ưu là cách dễ thực hiện mà DN có thể áp dụng thành công. Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết, hiện nay, dù đầu vào tăng mạnh nhưng khó có thể tăng giá sản phẩm cho dù giá nguyên liệu đầu vào tăng. Bởi vậy, giảm chi phí sản xuất là điều mà DN nào cũng phải tìm cách thực hiện. Rạng Đông chọn cách tăng năng suất lao động, gia tăng giá trị thặng dư trong sản phẩm để tồn tại.

DN nào không đủ sức chống chọi thì sẽ khó thoát khỏi việc thu hẹp sản xuất, sa thải lao động. Bởi vậy cho dù giảm lãi trong ngắn hạn nhưng những DN này cũng đang tìm cách để mở rộng thị phần từ cơ hội này. Và hiện tại các DN này đã lên kế hoạch mở rộng thị trường về nông thôn.

Trong khi đó, đại diện Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà, ngành thép đang “đụng” phải nhiều bất lợi từ tỷ giá tăng cao, giá điện, than, xăng dầu, lương nhân công đều tăng. Riêng chi phí điện đã chiếm hơn 8% giá thành sản xuất, do đó công ty phải bằng mọi giá tối ưu hóa chi phí sản xuất bằng cách sắp xếp và tiết kiệm sản xuất.

Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa cho rằng,với 90% DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ, sức chịu đựng yếu, nên buộc phải “sống chung” với mặt bằng giá mới hoàn toàn không dễ. Có nhiều DN năng động tìm mọi cách để thích nghi được với hoàn cảnh mới bằng cách chuyển hưởng trong đầu tư, quản lý và sản xuất. Điều này không chỉ cho phép DN tồn tại trong giai đoạn khó khăn mà có thể mở ra một cơ hội để phát triển mới.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: “Giá điện, xăng tăng đương nhiên sẽ tác động đến giá thành sản phẩm và giảm lợi nhuận DN. Nhưng để tồn tại, DN buộc phải đổi mới công nghệ, sắp xếp sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.”

Trải qua nhiều năm khó khăn do khủng hoảng thế giới và lạm phát ở trong nước, DN Việt Nam chịu rất nhiều khó khăn nhưng đối với nhiều chuyên gia đó như là một kỳ sát hạch. Những DN nào được thử thách, biết thích nghi để tồn tại sẽ có cơ hội phát triển cao hơn. Cơ hội lớn nhất cho DN trong khủng hoảng chính là cơ hội nhận thức và điều chỉnh lại mình nhằm phát triển tốt hơn.

Nhát cắt đau

Lạm phát bắt đầu từ tháng 5 đã giảm dần tốc độ tăng, dự báo tháng 6 rất khả quan khi chỉ số giá dự báo chỉ tăng dưới 1%. Trước tình hình có nhiều ý kiến lạc quan về chính sách chống lạm phát có hiệu quả, nhiều chuyên gia đã cảnh báo Chính phủ cần kiên trì chống lạm phát mạnh mẽ. Việc áp dụng các chính sách thắt chặt có thể sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của nền kinh tế. Nhưng thà một lần để tốt cho phát triển dài hạn đói với DN và cả nền kinh tế.

Có thể nhiều DN phải co hẹp sản xuất, giảm đầu tư thậm chí bán mình hay phá sản nhưng đó là điều tất yếu nếu muốn hướng tới tăng trưởng và phát triển chất lượng. Mới đây nhất, hàng loạt DN niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố kế hoạch bán tài sản của mình.

CTCP Hàng hải Hà Nội (MHC) thông báo tới các cổ đông về kế hoạch tiếp tục thanh lý nhiều khoản đầu tư như: Dự án Cảng tổng hợp số 2 Dung Quất (Quảng Ngãi) có vốn đầu tư  340 tỷ đồng và được triển khai giai đoạn một nhưng do các khó khăn về tài chính khiến việc thi công ngưng trệ. Do đó, MHC tính chuyện rao bán dự án.

Bên cạnh đó, MHC cũng tính chuyện bán phần vốn góp tại nhiều DN khác. Đây là một động thái mạnh mẽ khi hai năm gần đây công ty thua lỗ và với khó khăn 2011, tình hình không sang sủa hơn nếu DN không có biện pháp mạnh.

CTCP Hàng hải Đông Đô (DDM) mới đây đã lên danh sách nhiều tài sản: Tàu chở hàng khô Đông Phong, 2 tàu container chuyên dụng Đông Mai/Đông Du, 2 nền đất ở khu trung tâm Hà Nội và Nha Trang… CTCP Vận tải biển Vinaship (VNA) lên kế hoạch bán ít nhất 3 tàu Chương Dương, Hà Giang và Hưng Yên; CTCP Vận tải biển Việt Nam Vosco (VOS) chào bán 2 tàu hàng khô là Sông Tiền và Vĩnh Long…

Trong khi đó, hàng loạt DN bất động sản cũng đã phải bán tài sản, dự án để thoai lui như CTCP Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (HQC) đã có kế hoạch thoái vốn ở 6 công ty thành viên. CTCP Chương Dương (CDC) đang đàm phán với đối tác để chuyển nhượng Dự án Golden Land. CTCP Địa ốc Khang An (KAC) xúc tiến các thủ tục pháp lý để hoàn tất vụ chuyển nhượng Dự án KDC Tân Tạo A…

Lý do để bán các tài sản được đưa ra nhiều nhưng theo các công ty chứng khoán cho biết, đa số các DN bán tài sản đều có khó khăn về vốn, kinh doanh thua lỗ. Việc bán bớt một số tài sản để trả nợ và cơ cấu lại nguồn vốn và sản xuất là giải pháp không muốn cũng phải làm. Trong khi đó, đối với các DN bất động sản, tình hình thị trường hiện nay, bán bớt các dự án không hiệu quả để rút lui là cách khôn ngoan.

Theo công ty Chứng khoán Bản Việt, khá nhiều dự án đã được đổi chủ hoặc chuyển nhượng một phần đều với lý do là các DN rơi vào tình trạng “đói vốn”, đặc biệt là các DN có nhiều dự án đang triển khai dở dang, áp lực do thiếu tiền nên buộc phải bán tài sản để cứu mình qua giai đoạn khó khăn.

Nhiều chuyên gia từ Diễn đàn M&A Việt Nam 2011 cho rằng, áp lực chi phí lãi vay, triển vọng kinh doanh khó khăn buộc DN phải bán tài sản để trả nợ và hoạt động kinh doanh trì trệ không có khả năng tiếp tục triển khai dự án.Trước sức ép quá lớn như hiện nay, nhiều DN phải thu gọn dự án, bán tài sản để tái cấu trúc hoạt động sản xuất. Đồng thời, bán tài sản còn là giải pháp giúp DN chỉnh đốn lại tình trạng tài chính.

Trong giai đoạn phát triển kinh tế bùng nổ vừa qua, các DN có rất nhiều cơ hội để mở rộng hoạt động kinh doanh, điều đó càng được cổ vũ với sự dễ dàng trong huy động vốn từ ngân hàng và dân cư… để nhanh chóng mang lại lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, khi kinh tế khó khăn thì sự phát triển quá nhanh về chiều rộng không tập trung cho thế mạnh và năng lực của mình đã khiến DN gánh phải nhiều khó khăn.

Cắt giảm, bán bớt hay co hẹp… có thể là điều không muốn nhưng cần làm để tồn tài và lâu dài hơn là tập trung phát triển cho thế mạnh của mình. Đó chính là bước đầu tiên của một quá trình tái cơ cấu để vươn lên.

Theo vef

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

eighteen − one =

To Top