Connect with us

“Vua” cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ: Khi là người dẫn đầu…

Tình huống thương hiệu

“Vua” cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ: Khi là người dẫn đầu…

Những số liệu của các công ty nghiên cứu thị trường đã khẳng định, G7 đang là nhãn hiệu cà phê hòa tan số 1 trên thị trường. Liệu ngôi vị cà phê này có làm thỏa mãn người trong cuộc? Trò chuyện với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nguyên.

– Thưa ông, cảm nghĩ của ông ra sao khi Nielsen công bố kết quả đo lường bán lẻ thị phần cà phê hòa tan 2011, theo đó Trung Nguyên đang dẫn đầu với G7 chiếm 38%; Vinacafe 31%; Nescafé 27% (box). Thêm vào đó, Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cũng đưa ra nhận xét cà phê hòa tan G7 là nhãn hiệu được người tiêu dùng Việt Nam yêu thích?

Chúng tôi rất vui, nhưng không cảm thấy bất ngờ vì trải qua 9 năm trong tuổi đời non trẻ, G7 đã và luôn được đón nhận những tình cảm đặc biệt của người tiêu dùng cũng như giới truyền thông. Sản phẩm có chất lượng thứ thiệt, chọn lựa từ những hạt cà phê tốt nhất của những vùng nguyên liệu hàng đầu thế giới, đáp ứng được đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng là điều kiện tiên quyết và cốt lõi. Nhưng một phần nữa, chúng tôi hiểu rằng G7 luôn được ủng hộ và tin dùng, vì đó còn là sự lựa chọn của những người Việt với tình cảm đồng bào hết sức đặc biệt cũng như những khách hàng nước ngoài có thiện cảm với thương hiệu Việt Nam.

– Số liệu của Nielsen cũng cho thấy, thị phần cà phê hòa tan của G7 tiếp tục tăng trong quý 1/2012 lên 40%; Nescafe 31% và Vinacafe còn 26% (box). Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến những thay đổi này?

Có hai nguyên nhân chính rất quan trọng đã tác động tới kết quả này: Thứ nhất, đó là việc người tiêu dùng Việt Nam ngày càng trở nên thông minh hơn, sành cà phê hơn trong quyết định chọn lựa loại cà phê thứ thiệt. Thứ hai, sau nhiều năm nỗ lực, người tiêu dùng Việt Nam đã hiểu được tinh thần sản phẩm của chúng tôi – một sản phẩm đại diện cho khát vọng và tinh thần đua tranh của thương hiệu Việt Nam với nước ngoài và việc lựa chọn tiêu dùng sản phẩm G7 chính là thể hiện sự đồng cảm đối với những nỗ lực đó.

– Nhà máy cà phê hòa tan của Trung Nguyên đã chạy hết công suất chưa? Với tăng trưởng tốt như hiện nay, Trung Nguyên có dự kiến đầu tư mới?

Tất cả các nhà máy cà phê hòa tan của Trung Nguyên đều đã chạy hết công suất và dù vậy, vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của thị trường. Xin chia sẻ thêm, hệ thống 5 nhà máy cà phê của chúng tôi đã và đang được hoàn thiện, trong đó có hai nhà máy cà phê hòa tan G7, được đầu tư trên 2.200 tỷ đồng với những dây chuyền thiết bị và công nghệ hiện đại nhất thế giới. Chúng tôi hợp tác với công ty FEA – Ý đặt hàng thiết kế riêng công nghệ trích ly cho duy nhất Trung Nguyên, trích ly ở nhiệt độ thấp dưới 1.000 độ C nhằm đảm bảo giữ hương vị cà phê tốt nhất. Với công nghệ này, Trung Nguyên lấy những gì tinh túy nhất của cà phê chỉ với 20% chất tan tự nhiên có trong cà phê (các thương hiệu khác trên thế giới vì lý do lợi nhuận sẽ lấy đến 50%) để tạo nên cà phê hòa tan.

– Với những kết quả như trên, Trung Nguyên có đặt cho mình chỉ tiêu cao hơn trong năm nay? Định hướng của Trung Nguyên để giữ vững vị trí dẫn đầu trên thị trường cà phê hòa tan?

Chúng tôi luôn đặt ra cho mình những mục tiêu thách thức. Mục tiêu doanh thu hàng năm của chúng tôi là tăng gấp đôi, năm này gấp đôi năm trước. Để giữ vững vị trí dẫn đầu trên thị trường này, ngoài việc tập trung vào sản phẩm cốt lõi là G7, chúng tôi cũng tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, mang tới cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn như các sản phẩm cà phê hòa tan G7 Capuccino theo phong cách Ý, cà phê hòa tan Passiona có bổ sung Collagen và thảo mộc được sự đón nhận rất tốt của thị trường… Ở Trung Nguyên, tốc độ ra đời sản phẩm mới trung bình là 3 tháng/sản phẩm, đó là nhờ vào tình yêu, lòng đam mê cà phê cũng như sự nỗ lực không ngừng của người Trung Nguyên.

– Trở thành người dẫn đầu trên thị trường cà phê hòa tan, áp lực lớn nhất của ông là gì?

Mỗi doanh nghiệp có một triết lý kinh doanh và có cách thức riêng để theo đuổi và thực hiện điều đó. Với Trung Nguyên, chúng tôi chưa bao giờ coi cà phê chỉ đơn thuần là một đồ uống. Như tôi đã từng chia sẻ, chúng tôi muốn mượn những gói cà phê để truyền tải đi thông điệp về khát vọng đua tranh và gây dựng được thương hiệu toàn cầu của các sản phẩm Việt Nam. Để làm được điều này, sản phẩm cốt lõi của chúng tôi cần phải đảm bảo giá trị thứ thiệt và chúng tôi nhất thiết phải thành công. Đây chính là áp lực lớn nhất! Chúng tôi đã là thương hiệu cà phê số 1 tại Việt Nam, nhưng điều này chưa đủ!

– Gần đây Masan Consumer mua 50,11% cổ phần của Vinacafe, theo ông điều này sẽ tác động ra sao đến thị trường cà phê hòa tan khi Vinacafe cũng chiếm một thị trường lớn; Masan lại có nhiều tiềm lực về kinh doanh, tiếp thị?

Với sự tham gia của các tay chơi mới, thị trường sẽ sôi động hơn và mọi hoạt động cạnh tranh lành mạnh đều nên khuyến khích. Những biện pháp marketing, những chiêu trò tiếp thị… là quan trọng trong cạnh tranh, nhưng không có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của thương hiệu hay sản phẩm, dù có thể giúp doanh nghiệp thành công trong ngắn hạn. Vấn đề cốt lõi vẫn phải là sản phẩm thứ thiệt, có giá trị thực – sản phẩm của những chuyên gia đầu ngành. Bên cạnh đó còn là tấm lòng, là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với ngành kinh tế, với xã hội, với quốc gia, cộng đồng… Tôi tin rằng, mọi thứ đều sẽ trở về giá trị thật của nó và chân lý luôn thuộc về người tiêu dùng!

– Nescafe có lợi thế về thương hiệu toàn cầu lâu năm. Vậy Trung Nguyên có tham vọng với G7 trên thị trường quốc tế? Theo ông, đâu là khả năng lớn nhất để G7 chinh phục thị trường?

Ngay từ khi ra đời, chúng tôi đã đặt cho G7 một mục tiêu lớn: Đó là khát vọng chinh phục thị trường toàn cầu. G7 không chỉ chinh phục được những thị trường lớn nhất, khắt khe nhất như nhóm 7 nước lớn của thế giới, giờ đây, G7 còn được xuất khẩu tới gần 60 quốc gia trên toàn cầu.

Ở thời điểm này, G7 chính là “lá bài” đầu tiên trên con đường chinh phục thị trường thế giới của chúng tôi. Sở dĩ chúng tôi có những lý do để tin tưởng vào điều này vì số người dùng cà phê đang ngày càng tăng lên ở các nước uống trà truyền thống như Ấn Độ, Trung Quốc… Tại các thị trường khổng lồ đang thay đổi nếp uống này, hầu như họ đều bắt đầu với cà phê hòa tan. Tại các thị trường biên mậu với Trung Quốc và các nước trong khu vực, G7 trở thành đại sứ cà phê của Việt Nam và ngày càng được ưa chuộng.

Niềm tin lớn nhất của chúng tôi vào khả năng chinh phục thị trường toàn cầu ở chỗ chúng tôi có được triết lý kinh doanh sâu sắc làm nền tảng cho mọi hoạt động kinh doanh của mình. Một thương hiệu không thể thành công nếu thiếu đi triết lý kinh doanh, một thương hiệu đã thành công nhưng dần xa rời triết lý kinh doanh của họ cũng sẽ dẫn tới những thất bại trong tương lai không xa. Chúng tôi tuy có xuất phát điểm thấp hơn, các điều kiện về tài lực, vật lực… đều kém hơn so với nhiều thương hiệu toàn cầu khác trên thế giới, nhưng chúng tôi có được thứ mà chúng tôi gọi là Tinh thần cà phê với mục tiêu Kết nối tất cả những người yêu và đam mê trên thế giới, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, quốc tịch, thành phần… Khi con đường lựa chọn đã đúng, giờ là lúc để hành động thôi!

Theo Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

9 + fifteen =

To Top