Connect with us

Mua theo nhóm: Hết thời ngon ăn

Tình huống thương hiệu

Mua theo nhóm: Hết thời ngon ăn

Vụ bê bối của nhommua.com chưa hết nóng thì dealsoc.vn lại châm thêm lửa với một bê bối khác. Trang mua chung này bị tố giật tiền của đối tác đã hợp tác và bán hàng trên dealsoc.vn. Và khi sự việc còn chưa giải quyết xong, Công ty All In One, chủ quản của dealsoc.vn, lại đóng cửa.

Thông tin bên lề về tình hình của nhommua.com, trang mua chung được đánh giá lớn nhất hiện nay, cộng với những vụ bê bối mới đã đẩy lòng tin của người dùng xuống mức thấp. Chúng cũng cho thấy tình hình kinh doanh không mấy khả quan của mô hình mới nổi này.

Giẫy chết

Khi mới du nhập vào Việt Nam, kinh doanh mua theo nhóm theo mô hình Groupon đã gây sốt với việc các trang web liên tục ra mắt, thiết lập thói quen mua hàng mới. Ông David Trần, nguyên CEO nhommua.com, từng kỳ vọng: “Mua hàng theo nhóm có nhiều cơ hội phát triển tại Việt Nam và đây là cách marketing hiệu quả, ít chi phí cho doanh nghiệp. Riêng nhommua.com có lợi thế là kinh nghiệm thị trường nước ngoài và vốn đầu tư mạnh nên đang nhắm đến vị trí dẫn đầu thị trường”.

Nhommua.com, sau khi nhận được 1 triệu USD đầu tư cho giai đoạn đầu từ Quỹ Rebate Networks (Đức), đã nhận thêm một phần trong số 60 triệu USD từ Quỹ IDG Ventures Việt Nam, Rebate Networks (Đức) và RuNet Global (Nga) rót vào MJ Group (công ty mẹ của nhommua.com).

Tuy nhiên, nhommua.com đã gây bất ngờ khi trang web này không thể truy cập được trong 2, 3 ngày liền. Rồi có tin đồn người sáng lập ra nó bị truy tố; nhân sự cao cấp thay đổi, nhân viên bị cho nghỉ việc hàng loạt. Hiện nay, vẫn còn xuất hiện các tin đồn về nhommua.com. Và tại địa chỉ TheFactAboutNhomMua, được cho là của Tom Trần, trên mạng xã hội Facebook, có đăng thông báo về việc sẽ họp báo nói rõ sự việc.

Có cả một đoạn video ghi cảnh Tom Trần tâm sự và bày tỏ thất vọng về những gì đang diễn ra tại nhommua. Nhưng sau đó lại có tin ông đã nhận gần 1 triệu USD tiền bán cổ phần và “không còn liên quan” gì đến nhommua.com nữa. Và rồi trang TheFactAboutNhomMua đã biến mất.

Sự việc nhommua.com chưa ngả ngũ thì đến lượt dealsoc.vn gây ra lùm xùm vì bị tố cáo quỵt tiền đối tác và bị một nhóm đối tác bao vây trụ sở đòi tiền. Trụ sở công ty này cũng đã đóng cửa, lý do đưa ra là “mâu thuẫn nội bộ”. Trước đó, deal.zing.vn, con cưng của VNG, cũng đột ngột đóng cửa khi chưa kinh doanh được bao lâu. Hiện nay, VNG vẫn kinh doanh thương mại điện tử, nhưng tập trung vào một mô hình khác là C2C (Consumer to Consumer) với trang web 123mua.vn.

Những trang mua chung lớn mỗi ngày luôn có hàng triệu lượt khách ghé thăm và hàng ngàn người trong số đó đã trở thành khách hàng. Tất nhiên, khi sự cố xảy ra, khách hàng là người gánh chịu hậu quả đầu tiên. Chị Nguyễn Thị Ngọc Yến, lễ tân một công ty tại Q.1, TP.HCM, cho biết đã mua voucher nhà hàng Au Lac Do Brazil trên nhommua.com, nhưng đã bị nhà hàng từ chối phục vụ, với lý do là còn phải chờ thương lượng với nhommua.com, sợ không thu được tiền từ đối tác. Tình trạng này đã được liên tục được phản ánh, phàn nàn trên các trang mạng xã hội, khiến lòng tin của khách hàng đối với nhommua.com sút giảm nghiêm trọng.

Hay tốt hơn?

Những biến cố của ngành kinh doanh mới nổi này khiến giới báo chí tốn không ít giấy mực. Nhưng nếu xét một cách công bằng, bất cứ ngành kinh doanh nào cũng có chuyện tương tự. Bên cạnh những vụ bê bối, giải thể, cũng có một số doanh nghiệp mới thâm nhập thị trường. Peace Soft, chẳng hạn, một công ty nổi tiếng về thương mại điện tử, đã tham gia thị trường mua theo nhóm với trang 1top.vn.

Bà Đào Thục Vân, đại diện truyền thông PeaceSoft, cho biết khi mua dịch vụ, sản phẩm từ trang 1Top.vn, người tiêu dùng sẽ được công ty hoàn tiền nếu nhà cung cấp không thực hiện đúng cam kết trên lượng hàng mà họ đã bán.

Ngoài ra, khách mua hàng mà chưa có nhu cầu sử dụng trong khoảng một tháng thì có thể bán lại cho trang web này với giá khoảng 70% giá mua ban đầu. Ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng Giám đốc Peace Soft, cho biết đây là thời điểm chín muồi để Công ty gia nhập thị trường này.

Theo Công ty Tư vấn McKinsey, mỗi người Việt trung bình chi khoảng 13 USD/tháng, tức khoảng 260.000 đồng, để mua hàng trực tuyến. Với thị trường hơn 80 triệu dân, doanh thu của thương mại điện tử sẽ không nhỏ. Tiềm năng phát triển mua theo nhóm là có thật. Hẳn vì vậy nên quanh vụ bê bối nhommua.com mới có nhiều tin đồn đến như vậy. Trong đó có tin một quỹ đầu tư đã tìm mọi cách hất cẳng nhà sáng lập để độc chiếm trang mạng đang chiếm đến 60% thị trường mua theo nhóm này.

Groupon.com, bản chính của mô hình mua chung, đã rất thành công, với lợi nhuận lên đến 500 triệu USD/năm và doanh nghiệp này được định giá khoảng 1,35 tỉ USD. Chủ của trang này đã từ chối những lời mời chào mua lại hàng tỉ đô từ những đại công ty, trong đó có cả Google.

Một chuyên gia nhận định, có lẽ đến hết năm 2012 vẫn chưa thể biết được mô hình này thành công hay không. Tuy nhiên, nhìn vào số trang mua theo nhóm tại Việt Nam đang giảm từ hơn 200 còn khoảng 70 như hiện nay, cũng có thể thấy đang có một cuộc thanh lọc lớn.

Chỉ trang nào được đầu tư dài hơi, bài bản, có định hướng, thì mới có thể tồn tại.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

2 × five =

To Top