Connect with us

Kinh Đô và cuộc chơi mới

Tình huống thương hiệu

Kinh Đô và cuộc chơi mới

Đứng ở vị thế “bên bị mua” trong thương vụ với Mondelēz International, nhưng tại cuộc họp Đại hội cổ đông bất thường của Công ty Cổ phần Kinh Đô được tổ chức vào ngày 1.12 vừa qua, các cổ đông của Công ty vẫn tỏ vẻ yên tâm với những lá phiếu vàng và thưởng thức sản phẩm của chính Kinh Đô được đặt tại sảnh một cách hài lòng. 

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đồng Tâm cũng xuất hiện trong cuộc họp trên với tư cách cổ đông. Dường như, bầu “Thắng” cũng không có điều gì phải bận lòng về cuộc họp bất thường này.

Nội dung của cuộc họp xoay quanh 3 vấn đề chính: nâng tỉ lệ sở hữu của Kinh Đô đối với Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật (Vocarimex) từ 24% lên 51%; bán 80% mảng bánh kẹo hiện có của KDC cho nhà đầu tư nước ngoài Mondelēz International; và mua lại 30% tổng lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường làm cổ phiếu quỹ. Tất cả các nội dung trên đều đã được thông qua tại cuộc họp.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietinbank, hiện nay, các doanh nghiệp nội địa đang thống lĩnh thị trường bánh kẹo trong nước với 70% thị phần. Trong đó, Kinh Đô dẫn đầu với 28% thị phần. Theo sau là một số các tên tuổi khác như Công ty Cổ phần Bibica (8%), Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Hà (6%) và Công ty Cổ phần thực phẩm Hữu Nghị (3%). Thứ tự này đã được thiết lập và duy trì trong nhiều năm.

Như vậy, khi đang giữ một vị thế khá chắc chắn và gần như không có đối thủ, Kinh Đô lại quyết định rời bỏ “đỉnh cao” trong ngành bánh kẹo vốn gắn liền với quá trình hoạt động của Kinh Đô trong suốt 21 năm qua. Thay vào đó, dầu ăn, mì gói và một ngành thực phẩm mới sẽ là cuộc chinh chiến tiếp theo của đại gia đình Kinh Đô.

Kế hoạch sử dụng vốn của Kinh Đô 

Tốc độ tăng trưởng ngành bánh kẹo 2009-2018 

Với tác động của những hiệp định thương mại, người tiêu dùng Việt Nam đang tiến gần đến cơ hội được thưởng thức những sản phẩm mà trước đây chỉ được “ngắm nhìn”, trong đó bao gồm cả những sản phẩm bánh kẹo. Mặc dù ngành bán lẻ theo lộ trình mở cửa WTO đã được thực thi từ đầu năm 2009, nhưng do chi phí vận chuyển mà sản phẩm của những thương hiệu lớn vẫn chưa thể đến tay đa số người tiêu dùng. Tính đến thời điểm hiện tại, 30% thị phần của ngành bánh kẹo đang được các công ty nước ngoài nắm giữ, có thể kể tên một vài ông lớn như Tập đoàn Kraft Foods của Mỹ hoặc Natabi của Indonesia.

Tuy nhiên, lộ trình đến đầu năm 2015 là mốc mở cửa cho những ngành hàng liên quan đến sản xuất và cung cấp thức ăn và đồ uống. Khi đó, với giả thuyết những nhà máy sản xuất bánh kẹo được chuyển sang Việt Nam sẽ khiến cho khoảng cách từ giá cả đến túi tiền người tiêu dùng được rút ngắn, Kinh Đô chắn chắn sẽ phải cạnh tranh với những người khổng lồ khác, kể cả với Mondelēz International.

Trong những năm gần đây, Kinh Đô và các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo khác dù vẫn tiếp tục đầu tư vào công nghệ và trang thiết bị sản xuất, nhưng sức hấp dẫn của ngành lại càng bị co hẹp, khiến biên lợi nhuận sẽ tiệm cận về mức trung bình của thế giới theo quá trình toàn cầu hoá. Ông Trần Quốc Việt, Phó Tổng Giám đốc của Kinh Đô cũng đã đưa ra nhận định về khả năng tăng trưởng chỉ còn rơi vào khoảng 5-8% của ngành bánh kẹo Việt.

Đối với riêng trường hợp của Kinh Đô, với vốn điều lệ hiện tại lên đến 2.567 tỉ đồng và đang nắm giữ 28% thị phần bánh kẹo, đây rõ ràng là một công ty quá lớn để có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh.

Ðể giải quyết bài toán tăng trưởng trong khi sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, ban lãnh đạo của Kinh Đô đã đưa ra lời giải một cách gọn gàng bằng việc chuyển nhượng mảng bánh kẹo cho chính đối thủ tiềm năng trong tương lai. Tất nhiên, bán với mức giá hời khi Kinh Đô đang nắm trong tay những thế mạnh của một doanh nghiệp bánh kẹo dẫn đầu thị trường về quy mô sản xuất, mẫu mã chất lượng sản phẩm và kênh phân phối.

Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch của Kinh Đô vẫn với phong thái ung dung vui vẻ thường nhật chia sẻ, “Không phải rút lui đâu, mà là nắm bắt cơ hội vàng để thực hiện bước chuyển hướng chiến lược đột phá sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm và cũng cố nguồn lực, KDC đang rất sẵn sàng cho những điều mới mẻ” khi được hỏi về lý do chuyển nhượng mảng bánh kẹo cho Mondelēz International.

Điều mới mẻ mà ông Thành nhắc đến, trước mắt, chính là dầu ăn và mì gói. “Mới nhưng không mới, vì chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành thực phẩm rồi”, ông Thành bổ sung.

Dù bán đi mảng bánh kẹo, nhưng với 370 triệu USD trong tay, Kinh Đô vẫn cứ là một ông lớn nhưng sân chơi của họ thì đã hoàn toàn thay đổi. Tuy nhiên, với một số tiền lớn trong tay, Kinh Đô cũng đang phải chịu sức ép “tiêu tiền” cũng lớn không kém. Khoản tiền còn lại sau khi hoàn tất các kế hoạch đầu tư là 8.411 tỉ đồng và KDC dự tính sẽ dùng để phục vụ cho các thương vụ M&A trong tương lai. Chi tiết cụ thể về ngành và thời điểm đầu tư vẫn chưa được tiết lộ, nhưng trước mắt, rủi ro về mất giá và rủi ro đầu tư sai ngành phát sinh từ số tiền hiện hữu trên là có khả năng xảy ra.

Những thông tin được tiết lộ trên các trang báo về chuyện Kinh Đô hướng đầu tư sang những ngành hàng mì gói, dầu ăn và cà phê đã bắt đầu xuất hiện từ nhiều tháng trước. Tuy nhiên, cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường vừa qua, trong khi quyết định dấn thân vào dầu ăn thông qua việc nâng tỉ lệ sở hữu Vocarimex lên 51% được khẳng định, và sản phẩm mì gói “Đại gia đình” của Kinh Đô được tung ra thị trường trước đó 1 tuần, thì Kinh Đô đã không còn nhắc đến chuyện hợp tác cùng Phil Deli.

Thông qua việc nâng tỉ lệ sở hữu Vocarimex lên 51%, Kinh Đô nghiễm nhiên đứng đầu thị trường dầu ăn một cách nhanh chóng với các nhãn hàng đã quá quen thuộc của Vocarimex như Cái Lân, Tường An, Golden Hope, Tân Bình… Ðây là 4 thương hiệu lần lượt chiếm 4 vị trí cao nhất về thị phần dầu ăn; và Vocarimex gần như độc quyền trong sân chơi của mình.

Thế nhưng, cũng giống như Kinh Đô, Vocarimex rơi vào trường hợp quá lớn để có thể phát triển. Mặc dù dầu ăn là sản phẩm được sử dụng hằng ngày theo thói quen nấu nướng của người Việt, nhưng đây lại là sản phẩm tương đối dễ sản xuất dẫn đến khả năng lấp đầy nhu cầu thị trường cao, dư địa cho thị trường không còn nhiều. Thậm chí, với hơn 80% thị phần mà Vocarimex đang nắm giữ, bài toán tăng trưởng một lần nữa lại đeo bám Kinh Đô, và còn “khó” hơn khi Kinh Đô hoàn toàn không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Nếu xét một cách tổng quát thì dầu ăn mới là trận chiến chính thức của Kinh Đô, còn mì gói chỉ là một “thú vui” rẽ ngang khi Kinh Đô muốn tận dụng nguồn nguyên liệu dầu ăn có sẵn vốn 1 trong 2 nguyên liệu chính để sản xuất mì gói.

Với mì gói, cuộc chiến này cam go hơn khi một loạt những đối thủ đã có tên tuổi trên thị trường như Acecook Việt Nam, Masan, Asian Food, Vifon, thậm chí là Saigon Vewong, đơn vị hiện đang gia công mì gói cho Kinh Đô. Lấy trường hợp của Masan làm ví dụ. Gia nhập thị trường mì gói từ năm 2007 với nhiều phân khúc khác nhau, Masan chi khá mạnh tay cho truyền thông. Cộng với thế mạnh về hệ thống phân phối rộng lớn, đơn vị này đã chiếm được 16,5% thị phần mì gói. Nhưng rồi, trong một lần tiếp xúc báo giới, Masan cũng phải thừa nhận thị trường mì gói đã đến lúc bão hoà, và họ phải nhòm ngó sang những ngành hàng thực phẩm khác.

Điểm cộng của Kinh Đô khi tham gia thị trường này nằm ở nguyên liệu đầu vào (chủ yếu là bột mỳ và dầu ăn) khi Công ty đã có sẵn nguồn cung dầu ăn trong nội bộ và hệ thống phân phối rộng. Tuy nhiên, nếu tính đường dài thì thị trường mì gói sẽ phải co hẹp lại khi nền kinh tế đi lên, nhu cầu về thực phẩm tươi từ nguồn gốc hữu cơ cũng được nâng cao.

Như vậy, cơ hội đột phá của Kinh Đô có lẽ sẽ đến từ một ngành hàng mới. Nếu trước đây vài tháng, ngành hàng này đã được xác định là cà phê thì hiện tại, Kinh Đô vẫn còn dè dặt chưa “dám” tiết lộ. Sự lựa chọn mà Kinh Đô đưa ra gồm rượu, nước giải khát, rau củ, thủy sản và các loại hạt đóng gói. Trong số đó, có lẽ rau củ và thủy sản sẽ là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư, bởi ngành thủy sản và ngành nông nghiệp đang đón những làn sóng đầu tư mạnh mẽ.

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

four + six =

To Top