Tình huống thương hiệu
Coccoc mà đấu Google…
Coccoc là dự án công cụ tìm kiếm thuần Việt mới ra mắt và được bàn tán khá nhiều gần đây. Đó là dự án do 3 lập trình viên Việt Nam tốt nghiệp Đại học Moscow sáng lập và được các đối tác lớn rót tiền đầu tư.Trong số đó có nguồn đầu tư từ Yandex (công ty đã đánh bại Google và trở thành số 1 tại Nga), Mail Group (công ty internet lớn lớn thứ bảy thế giới về lượng truy cập) Digital Skies Technologies (Quỹ đầu tư đã đầu tư 200 triệu USD vào Facebook). Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thanh Bình, đồng sáng lập của Coccoc, họ đang sở hữu những nhân sự ngành IT giỏi nhất Việt Nam.
Coccoc cũng tuyên bố họ có khả năng tìm kiếm về địa điểm tốt nhất Việt Nam với cơ sở dữ liệu hơn 500.000 địa điểm tại 171 thành phố và thị xã thuộc 60/63 tỉnh thành, lượng cập nhật dữ liệu các trang web đuôi .vn gấp đôi Google.
Trên cơ sở đó, Coccoc gây ấn tượng với thông điệp truyền thông khắp các báo mạng rằng sẽ đánh bại Google về tìm kiếm tiếng Việt và địa điểm tại Việt Nam và xa hơn là Đông Nam Á. Dự kiến tới năm 2017, Coccoc sẽ đầu tư thêm khoảng 100 triệu USD để thực hiện tham vọng của mình.
Ông Bình tin rằng Coccoc có cơ hội vì “Việt Nam là một thị trường rất nhỏ đối với Google nên họ sẽ không tập trung quá nhiều nguồn lực làm sản phẩm cho Việt Nam”.
Nói về đối thủ mới từ Việt Nam, ông James McClure, Giám đốc Quốc gia – thị trường mới nổi Nam và Đông Nam Á của Google, cho biết: “Google chào đón mọi sự cạnh tranh, vì nhờ đó chúng tôi mới có thể phát triển tốt hơn hiện tại. Hy vọng là người được lợi trong những cuộc chiến này sẽ là người dùng”. Ông cũng nhấn mạnh Google sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh hoạt động quảng cáo trên các thiết bị di động chứ không phải là tìm kiếm địa điểm như Coccoc.
Từ góc độ giới trong ngành ở Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Thương mại Điện tử của VC Corp, cho rằng 100 triệu USD cho một công cụ tìm kiếm của Việt Nam là con số quá ổn. Thêm nữa, Coccoc chọn ngách tìm kiếm địa điểm cũng là hướng đi khôn ngoan và có cơ hội thành công.
Tuy nhiên, ông cho rằng Coccoc nên tập trung phát triển, tránh đối đầu trực tiếp với Google và không truyền thông sẽ đánh bại hãng số 1 thế giới này. “Chưa có một người dùng nào than phiền về Google cả, do vậy họ không cần ai phải đánh bại Google, không cần công cụ khác thay thế, mà ngược lại, họ lại có mối lo ngại Google sẽ bị cấm như Trung Quốc đã làm”, ông nói.
Ông Tuấn cho rằng, theo quy tắc Pareto, người ta sẵn sàng chấp nhận 80% điều không hay của bạn nếu bạn có 20% điều làm người ta thích thú. Ngược lại, nếu bạn không có 20% điều làm người ta thích thú thì người ta sẽ ghét luôn 80% điều còn lại mặc dù không đến nỗi nào. Và như vậy, lẽ ra Coccoc.com nên tập trung vào cái 20% này để thông điệp cho người dùng rằng “bạn dùng Google không chưa đủ, mà phải dùng thêm tôi để có được cái bạn muốn tốt nhất”.
Ông Bình, Coccoc.com, tin rằng đánh bại Google trên thị trường bản địa là hoàn toàn khả thi mà không cần nhờ tới yếu tố gì khác. “Đối với chúng tôi ý nghĩ sẽ vận động Chính phủ để cấm Google tại Việt Nam là một điều cực kỳ hài hước. Chúng tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ hành động cạnh tranh thiếu lành mạnh đến như vậy. Google tại Nga có chất lượng vượt xa chất lượng của Google tiếng Việt, tuy nhiên các kỹ sư Nga vẫn có thể làm ra một sản phẩm có chất lượng tốt hơn Google. Tại Nga, Google chỉ có khoảng 20% thị trường”. Ông cũng cho biết mục tiêu của Coccoc là chiếm 5% thị trường Việt Nam trong năm nay.
Tuy vậy, Coccoc cũng nên nhớ những bài học về những thất bại của các công cụ tìm kiếm Việt Nam. Cuối năm 2007, website tìm kiếm tiếng Việt monava.vn ra đời và tuyên bố sẽ lấy 2 triệu khách hàng của Google. Họ được Nguyễn Hoàng Group hứa đầu tư tới 500.000 USD song sau đó đã biến mất khỏi thị trường, tên miền cũng không được ai mua lại. Xalo.vn và socbay.com cũng tuyên bố đầu tư hàng triệu USD nhưng không cạnh tranh nổi với Google và đến nay xalo.vn đã trở thành cổng thông tin điện tử, game, từ điển trực tuyến, còn socbay chỉ có một số dịch vụ tìm kiếm chuyên biệt như tìm kiếm tin tức, nhạc và từ điển. Thị trường chỉ còn lại Google với vị trí thống lĩnh, thu về doanh thu khủng mỗi năm.
Vậy nên, ông Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc VNG, đã từng nói: “Chúng tôi coi việc cạnh tranh với các sản phẩm quốc tế là một sự lãng mạn lớn của những người làm kỹ thuật”.
Theo NCĐT