Connect with us

Những khoảng trống cần lấp đầy

Tin trong nước

Những khoảng trống cần lấp đầy

Kênh phân phối hàng Việt Nam về nông thôn trên địa bàn tỉnh mới chỉ do các cá nhân buôn bán nhỏ lẻ, manh mún; trong khi đó, nhu cầu của người dân là rất lớn.

Sau 2 năm triển khai chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhận thức và thói quen của người tiêu dùng tỉnh Lạng Sơn nói riêng và của cả nước nói chung đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Hiện nay, trong suy nghĩ, tâm niệm của người dân, cũng như du khách khi đến với Lạng Sơn, nơi này không còn là “Thiên đường của hàng Trung Quốc”; Thay vào đó hàng Việt Nam đã được người dân nông thôn vùng sâu, vùng xa đón nhận nhiều hơn. Nhưng, để hàng Việt đẩy lùi hàng ngoại vẫn cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền cũng như các doanh nghiệp. 



Sức lan tỏa của hàng Việt

Tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh – Văn Lãng nơi tập trung các trung tâm thương mại từng là “Thiên đường mua sắm” hàng Trung Quốc của nhiều du khách, từ đầu năm đến nay, số hộ đóng cửa hàng, bỏ kinh doanh ngày một tăng. Theo Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, tại Tân Thanh trong số khoảng hơn 1.000 hộ đăng ký kinh doanh, đến thời điểm này có trên 400 hộ xin nghỉ, đóng cửa hàng. Trong đó có 238 hộ kinh doanh là người Trung Quốc, thì hiện cũng chỉ còn hơn 100 hộ bám trụ lại.

Bà Vi Thị Bích Kỳ, chuyên viên thương mại của Trung tâm phát triển cửa khẩu Tân Thanh (Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng cho biết, nguyên nhân các hộ xin nghỉ kinh doanh là do hàng hóa ế ẩm, khách mua ít; nhiều mặt hàng trong nước giờ đã có chỗ đứng và đánh bật hàng ngoại nhập như: Hoa quả, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia, quần áo may sẵn.

Một chủ cửa hàng với thâm niên trên mười năm buôn bán đồ điện tử tại đây thừa nhận: Bây giờ giá hàng Trung Quốc với hàng Việt Nam chênh lệch không đáng kể nên khách hàng không còn dùng nhiều hàng Trung Quốc. Vì vậy, lượng khách ít đi và lượng hàng tiêu thụ giảm tới hơn 40% so với trước đây.

Ngay trong thành phố Lạng Sơn, người dân không còn thói quen “cần gì thì ra chợ Đông Kinh” hay những trung tâm buôn bán hàng ngoại sầm uất như chợ Kỳ Lừa (…). Những nơi này giờ gần như chỉ là địa điểm tham quan bởi phần nhiều du khách đến đây chủ yếu là để thỏa chí tò mò đối với hàng ngoại.

Thay vào đó, theo khảo sát của phóng viên TTXVN tại Lạng Sơn, tất cả các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, lượng hàng Việt Nam chiếm từ 70% đến 90%. Chị Lê Thị Hà, quản lý siêu thị Lasvilla trên đường Bà Triệu khẳng định: Siêu thị của chúng tôi chỉ có duy nhất một gian hàng chuyên về nội thất Quảng Châu – Trung Quốc, còn lại các sản phẩm Việt Nam chiếm tới 90%. Hàng Việt Nam hiện nay rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại, cũng như chất lượng, giá cả, nên rất phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam.

Đặc biệt, trong những chuyến đi công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa giáp biên giới như Trùng Khánh, Thụy Hùng – huyện Văn Lãng, (cách trung tâm tỉnh trên 100 km); Đào Viên – huyện Tràng Định (cách trung tâm tỉnh gần 200 km). Tuy ô tô có thể vào đến trung tâm xã hơn một năm nay, nhưng đường đất vẫn còn lầy lội, nếu gặp trời mưa thì chỉ còn cách “cuốc bộ”. Vậy mà ngay tại những nơi này, thật ngạc nhiên khi được tận mắt chứng kiến các em nhỏ vui đùa, trên tay là những gói bim bim, sữa hộp… 100% “Sản xuất tại Việt Nam”. Khi ghé vào một quán nước tại Na Hình (xã Thanh Long – huyện Văn Lãng), nơi có cặp chợ đường biên chuyên xuất nhập khẩu hàng nông sản, chúng tôi được chủ quán niềm nở mời chào các loại nước uống đóng chai do Việt Nam sản xuất, rồi cả bia Hà Nội, thuốc lá Thăng Long… đủ cả, đặc biệt là giá của các mặt hàng này cũng chỉ ngang bằng với thành phố.

Những “khoảng trống” cần lấp đầy

Tuy trong hai năm gần đây, người dân vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã được tiếp cận với hàng Việt nhiều hơn. Nhưng kênh phân phối hàng Việt Nam về nông thôn trên địa bàn tỉnh mới chỉ do các cá nhân buôn bán nhỏ lẻ, manh mún; trong khi đó, nhu cầu của người dân là rất lớn.

Những phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” được tổ chức trong thời gian gần đây đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng với chủng loại hàng hóa phong phú, chất lượng đảm bảo. Nhưng những chuyến hàng Việt về nông thôn chỉ diễn ra trong thời gian ngắn vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân với hàng Việt ngày càng gia tăng.

Thực tế đã chứng minh, thị trường nông thôn là mảnh đất “màu mỡ” của hàng Việt. Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn còn e ngại khi mở các kênh phân phối hàng Việt cho thị trường này vì coi đó là thị trường nhỏ lẻ, manh mún, sức mua thấp nên không mấy mặn mà. Như vậy, vô hình chung các doanh nghiệp đã bỏ trống cả một thị trường rộng lớn, tạo cơ hội cho các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ, chất lượng thấp tấn công và chiếm lĩnh trong thời gian dài. Chính người tiêu dùng nông thôn đang phải chịu nhiều thiệt thòi trong việc được tiếp cận và sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng tốt. Vì vậy, một nghịch lý đối với hàng Việt Nam vẫn đang tồn tại, đó là “nơi cần thì thiếu, nơi đã bão hòa thì khó cạnh tranh”.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

two × 5 =

To Top