Connect with us

Nhượng quyền thương hiệu: Đường vòng Wrap and Roll

Tình huống thương hiệu

Nhượng quyền thương hiệu: Đường vòng Wrap and Roll

Từng là Hoa khôi thể thao đầu tiên của Việt Nam, bà chủ Kim Oanh của thương hiệu Wrap and Roll lại chọn nước ngoài là điểm đến đầu tiên để nhượng quyền, thay vì từ trong nước trước như tiền lệ.

Nhượng quyền ra nước ngoài đối với Wrap and Roll là một chặng đường nhiều cam go mà chủ thương hiệu, dù đã chuẩn bị kỹ càng, vẫn không thể hình dung hết.

Wrap and Roll, chuỗi nhà hàng kinh doanh các món cuốn truyền thống Việt Nam, ra đời cách đây 5 năm. Đến năm 2011, Wrap and Roll, với 9 nhà hàng tự mở, bắt đầu thực hiện nhượng quyền. Điều thú vị là thương hiệu nhà hàng này chọn nước ngoài là điểm đến đầu tiên để nhượng quyền, thay vì từ trong nước trước như tiền lệ.

Thương vụ Úc: Cương quyết bảo vệ tên gọi

Con số chính xác của thương vụ nhượng quyền không được tiết lộ, nhưng bà chủ Nguyễn Thị Kim Oanh của chuỗi nhà hàng này đánh giá là khá tốt. Theo ý kiến của bà Kim Oanh, sở dĩ bà chọn hướng nhượng quyền ra nước ngoài trước là do doanh nghiệp Việt Nam còn chưa quen với nhượng quyền trong lĩnh vực kinh doanh hàng ăn uống. Do vậy, không dễ giải quyết những đòi hỏi từ các người mua nhượng quyền và những phát sinh trong quá trình đồng hành triển khai hệ thống.

Sau 5 năm hoạt động, bà Oanh nhận được nhiều lời đề nghị hợp tác nhượng quyền từ nước ngoài. Một số công ty nước ngoài bày tỏ ý định chỉ mua lại công thức các món ăn hoặc đòi thay đổi tên và mua nhượng quyền với giá thấp. Cuối cùng, bà quyết định chọn đối tác đến từ Úc. Theo bà, Úc là quốc gia dễ chấp nhận những làn sóng văn hóa ẩm thực khác nhau trên thế giới. Sydney đang dần trở thành trung tâm của các mô hình kinh doanh hàng ăn uống thời thượng tại châu Á với sự giao thoa Đông Tây đặc sắc.

Đối tác mua nhượng quyền độc quyền Wrap and Roll tại đây không bắt buộc phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng. Theo bà Oanh, đối tác chỉ cần có năng lực và tầm nhìn kinh doanh là có thể triển khai tốt nội dung nhượng quyền, bởi nếu họ có quá nhiều kinh nghiệm trong ngành nhà hàng, sẽ khó tránh khỏi việc 2 bên tranh luận không dứt về chuyên môn mà kết quả chẳng đi đến đâu.

Tuy nhiên, đối tác cho rằng Wrap and Roll mới chỉ phát triển 5 năm, còn non trẻ nên đã liên tiếp đưa ra đòi hỏi. Ban đầu, các đối tác đề nghị bà đổi tên Wrap and Roll vì theo họ, tên này nghe không hấp dẫn. Bà Oanh tỏ ra cứng rắn trong vấn đề này và cuối cùng đã đạt được sự đồng thuận. Tiếp đó, đối tác không muốn sử dụng logo thương hiệu Wrap and Roll vì cho rằng cấu trúc và màu sắc không ổn. Hình ảnh thương hiệu Wrap and Roll tại Việt Nam là các vòng tròn màu xanh chuối và vàng cuộn tròn và nối nhau có chứa chữ mà theo đối tác Úc là gây khó khăn khi đọc.

Lần này, bà Oanh không chấp nhận thay đổi hoàn toàn, chỉ chấp nhận dàn lại các vòng tròn chữ thành hàng ngang nhưng vẫn giữ nguyên quy cách kiểu chữ và màu sắc và hình ảnh logo cũ vẫn ẩn phía sau. Bà cũng dự định áp dụng logo này cho việc làm mới hình ảnh nhận diện của hệ thống tại Việt Nam trong thời gian tới. “Những sự thay đổi, tranh luận của chúng tôi khiến thương vụ này kéo dài gần một năm mới hoàn tất”, bà cho biết.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực đơn tại Úc cũng khiến bà phải tốn nhiều công sức. Các món ăn của nhà hàng này không thể thiếu nước chấm như một thành phần chủ đạo. Nước chấm có loại được làm từ nước mắm và có cả loại làm từ tương và thịt gia cầm xay trộn vào. Trong khi đó, thị trường Úc lại rất khó khăn trong việc nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến gia cầm từ Việt Nam. Điều này khiến bà Oanh phải sang Thái Lan tìm nhà sản xuất nước chấm, nhưng kéo theo là chi phí rất cao.

Cuối cùng, bà quyết định đặt Cholimex, một công ty sản xuất nước chấm gia vị có tiếng tại Việt Nam để pha chế nước chấm thô (không trộn thịt), sau đó xuất qua Úc và đối tác sẽ bổ sung thêm thịt theo công thức của Wrap and Roll. Đó là chưa kể đến việc đối tác Úc đề nghị nước chấm có nguồn gốc từ mắm phải nhạt hơn để phù hợp với người tiêu dùng Úc và bà Oanh kiên quyết giữ nguyên công thức (thực tế đã được người Úc chấp nhận như bà cho biết).

Wrap and Roll đặt tại Shop 5004, retail level 5, Westfield Sydney City, một trung tâm thương mại sang trọng tại Sydney, nơi có hơn 20 quầy ẩm thực đến từ nhiều quốc gia trên thế giới và tập trung đông đúc giới kinh doanh và văn phòng. Đó là lý do để bà tin rằng, việc mở rộng Wrap and Roll tại Úc là tiềm năng. Nhưng sâu xa hơn, chính việc mở rộng cũng là cách để giảm thiểu rủi ro của một thương hiệu còn bé nhỏ ở một quốc gia khác tại một thị trường rộng lớn và chuyên nghiệp như Úc.

Còn nhớ một thương hiệu cà phê Việt Nam khi nhượng quyền qua Campuchia, ban đầu rất thành công, nhưng chỉ sau 1 năm, đối tác Campuchia đã cho ra đời thương hiệu riêng nhưng làm theo phong cách của đối tác Việt Nam và dĩ nhiên, thương hiệu được nhượng quyền Việt Nam trước đó bị xóa bỏ.

Đối với Wrap and Roll, bà Oanh cho biết đối tác cam kết sẽ mở rộng hệ thống tại Úc ngay trong năm tiếp theo kể từ thời điểm nhượng quyền. “Những ngày đầu mở nhà hàng tại Úc, tôi đã quan sát cách người Úc thưởng thức các món cuốn này. Họ tỏ ra thích thú với nước mắm của Việt Nam. Và tôi tin các đối tác nhượng quyền của mình sẽ nhanh chóng mở rộng được thương hiệu này. Dĩ nhiên, là người bán nhượng quyền, tôi từng đưa người sang Úc huấn luyện mọi thứ và chắc chắn trong tương lai, tôi sẽ còn tiếp tục hỗ trợ đối tác để họ có thêm niềm tin mà phát triển thương hiệu của mình”, bà Oanh nói.

Nhượng quyền ra Bắc và thách thức văn hóa

Wrap and Roll là một trong số những điển hình kinh doanh ẩm thực hiện đại được nâng cấp từ truyền thống. Kinh doanh nhà hàng là ngành mang lại tỉ suất lợi nhuận cao nếu làm đúng cách. Tuy nhiên, rủi ro không phải là nhỏ, chẳng hạn như vấn đề kiểm soát chất lượng thức ăn, đào tạo nhân sự, bếp núc và yếu tố mặt bằng. “Tất cả những gì Wrap and Roll có được là sự nỗ lực và kiên nhẫn của chúng tôi. Kinh doanh nhà hàng không thể thành công một sớm một chiều”, bà Oanh bộc bạch.

Việc nhượng quyền đến Úc là mở đầu cho kế hoạch nhượng quyền của Wrap and Roll tại Việt Nam và các nước khác. Bà Oanh cho biết, bà đang thương thảo với một số công ty để tìm kiếm, lựa chọn đối tác phù hợp. “Quan điểm của tôi là người mua nhượng quyền phải thực sự yêu thương hiệu họ mua và có sự cam kết lâu dài. Nếu chỉ nghĩ rằng mua là để kinh doanh làm giàu đơn thuần thì sẽ rất khó làm”, bà nói.

Việc nhượng quyền còn đòi hỏi yếu tố văn hóa. Khi nhượng quyền cho đối tác Úc, bà sử dụng nguồn rau ở nước sở tại cho phù hợp khẩu vị người Úc. Ở Việt Nam cũng vậy. Xuất thân từ miền Bắc, bà hiểu rằng, người Bắc dù dễ chấp nhận sự phục vụ thiếu chuyên nghiệp hơn từ các nhà hàng (bởi văn hóa hàng quán lề đường còn rõ nét) nhưng vẫn là những người tiêu dùng kỹ tính và khắt khe với chất lượng món ăn và cả dịch vụ. Họ cũng có thói quen sử dụng một thương hiệu lâu dài khi đã thấy chất lượng ổn định. “Chúng tôi đang rất cẩn thận khi nhượng quyền ra phía Bắc. Chúng tôi mong muốn góp phần thay đổi văn hóa dịch vụ chưa được tốt cho lắm ở ngoài đó”, bà Oanh chia sẻ.

Với thương vụ nhượng quyền ra phía Bắc, bà Oanh muốn tạo những điều kiện thuận lợi, ưu đãi cho đối tác thị trường nội địa với mong muốn nhà hàng đầu tiên sẽ được khai trương vào quý IV/2011. Hiện nay, hệ thống Wrap and Roll tại TP.HCM đã có 5 nhà hàng và 4 quầy thức ăn tại các khu ẩm thực thuộc những trung tâm thương mại lớn.

Ở miền Bắc, bà cho biết phía nhận nhượng quyền sẽ phải đảm bảo tốc độ phát triển ngang bằng với miền Nam và chỉ thiết lập mô hình các nhà hàng tại các quận trung tâm và các trung tâm thương mại lớn dựa theo sự thay đổi về thói quen tiêu dùng tại đây.

Dù mới phát triển 5 năm, bà Kim Oanh vẫn ý thức một nhà hàng muốn tạo sự hấp dẫn liên tục cho thực khách cần phải củng cố và thay đổi theo từng giai đoạn. “Chúng tôi nhắm tới việc cải tạo hình ảnh thương hiệu thông qua nhận diện và chất lượng dịch vụ và sẽ linh động hơn trong việc cung cấp các sản phẩm ẩm thực cho khách hàng. Và dĩ nhiên, sự đổi mới phải luôn trong khuôn khổ của thị hiếu hiện thời. Thế mạnh của chúng tôi là các món cuốn của Việt Nam rất dinh dưỡng và đa dạng nên có thể dễ được mở rộng và làm mới”, bà nói.

Được biết, bà Kim Oanh từng là Hoa khôi thể thao đầu tiên của Việt Nam (năm 1993) và là một trong số ít người đẹp đăng quang chọn kinh doanh làm sự nghiệp chính.

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

17 + nineteen =

To Top