Connect with us

Nhật ráo riết thâu tóm

Tin quốc tế

Nhật ráo riết thâu tóm

Nhờ lợi thế đồng yên mạnh và dòng tiền mặt dồi dào, các doanh nghiệp Nhật đang ráo riết đi thâu tóm các đối thủ ở nước ngoài.

Quay trở lại cuối thập niên 1980, các doanh nghiệp Nhật đã làm mưa làm gió trên thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) nước ngoài với các thương vụ nổi đình nổi đám như vụ mua lại Columbia Pictures của Mỹ. Nhưng suốt 2 thập niên tăng trưởng kinh tế ì ạch, cơn sốt này đã dịu lại mãi cho đến vài năm gần đây.

Năm ngoái, các thương vụ M&A ra nước ngoài của doanh nghiệp Nhật đã đạt con số kỷ lục, tới 84 tỉ USD (so với chỉ 8,5 tỉ USD cách đây 10 năm), trải dài nhiều lĩnh vực từ hàng hóa, nước giải khát, cho đến quảng cáo, dược phẩm. Với dòng tiền mặt dồi dào và lợi thế đồng yên mạnh, hãng nghiên cứu Dealogic dự báo các cuộc thâu tóm sẽ còn mạnh mẽ hơn trong năm nay.

Cơn sốt M&A

Thâu tóm các đối thủ ở nước ngoài được các doanh nghiệp Nhật xem là cách để đối phó với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ lớn đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và cũng để thoát ly khỏi nền kinh tế trì trệ trong nước.

Điều này thể hiện khá rõ ở thị trường bia nội địa. Nhu cầu trong nước đối với bia và các loại nước giải khát đã giảm mạnh gần 20 năm qua. Trong thời gian này, lượng bia bán ra từ 5 hãng bia hàng đầu của Nhật đã giảm đến 22%. Điều này đã buộc họ phải đi thâu tóm để tiếp cận các thị trường tiềm năng.

Kirin, hãng bia lớn nhất Nhật về doanh số bán, đã cam kết vào năm 2009 rằng sẽ tăng gần gấp đôi doanh số bán ở nước ngoài lên 30% vào năm 2015. Để làm được điều này, Kirin đã mua lại Lion Nathan, National Foods, San Miguel Brewery tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Schincariol, hãng bia lớn thứ hai của Brazil.

Trong lĩnh vực dược phẩm, hoạt động M&A cũng không kém phần náo nhiệt. Năm ngoái, hãng dược Takeda đã bỏ ra tới 9,6 tỉ euro mua lại Nycomed (Thụy Sĩ). Trước đó, năm 2008, hãng này đã mua lại Millennium Pharmaceuticals với giá 8,8 tỉ USD. Astellas, một hãng dược khác của Nhật, cũng ráo riết thâu tóm cho bằng được OSI, một công ty công nghệ sinh học của Mỹ, với giá 4 tỉ USD (năm 2010).

Trong khi đó, để nắm bắt nhu cầu đang ngày càng tăng về tài nguyên, từ thực phẩm cho đến nhiên liệu, các công ty thương mại Nhật cũng đang tìm kiếm cơ hội.

Marubeni, tập đoàn thương mại lớn của Nhật, đã làm ầm ĩ trên các mặt báo vào tháng 5.2012 khi mua lại Gavilon, nhà xuất khẩu ngũ cốc Mỹ, với giá tới 5,6 tỉ USD (bao gồm cả nợ). Đây là thương vụ M&A nước ngoài lớn nhất của Nhật từ đầu năm đến nay.

“Các doanh nghiệp Nhật đang nhận thấy thị trường nội địa đang đi xuống. Và nếu họ muốn tăng trưởng, chỉ còn cách vươn ra thế giới”, Yuichi Jimbo, đứng đầu bộ phận ngân hàng đầu tư của Citigroup Global Markets tại Tokyo, nhận xét.

Một lý do khác khiến các doanh nghiệp Nhật quyết tâm M&A còn là vì trận động đất, sóng thần năm ngoái và sau đó là thảm họa rò rỉ phóng xạ hạt nhân. Những thảm họa này đã đẩy Nhật vào tình cảnh khốn đốn. Điều này cho thấy họ đã quá lệ thuộc vào châu Á về doanh số bán, dịch vụ thuê ngoài và sản xuất. Trận lũ lụt tại Thái Lan, vốn đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực của doanh nghiệp Nhật, cũng làm cho họ càng nhận thức rõ hơn về điều này.

“Chúng tôi đã chứng kiến một sự thay đổi trong tư tưởng của nhiều doanh nghiệp Nhật và một nhu cầu bức thiết phải đa dạng hóa các thị trường và chuỗi cung ứng. Cùng với lợi thế về đồng yên mạnh, điều này đã khiến cho các thương vụ thâu tóm ra nước ngoài trở nên đặc biệt hấp dẫn”, Jonathan Rouner, đứng đầu bộ phận M&A châu Mỹ tại ngân hàng Nhật Nomura, nói.

Các điều kiện hiện nay cũng đang rất thuận lợi cho các cuộc chinh phạt của doanh nghiệp Nhật. Ngoài lợi thế đồng yên mạnh, các công ty Nhật đang rủng rỉnh tiền hơn bao giờ hết.

Theo Ngân hàng Trung ương Nhật, lượng tiền mặt mà các doanh nghiệp nước này nắm giữ đã lên tới 215.000 tỉ yên tính đến cuối tháng 3.2012. Trong khi đó, họ lại đang thừa hưởng mức lãi suất cực kỳ thấp từ các tổ chức cho vay Nhật.

Đã vậy, Chính phủ nước này còn dành ra tới 10.000 tỉ yên trong dự trữ ngoại hối để cung cấp các khoản vay giá rẻ cho các thương vụ M&A nước ngoài.

Cuộc chơi có chiến lược

Mặc dù ráo riết M&A nhưng các công ty Nhật cũng rất thận trọng, nhằm tránh chi tiêu quá mức như trước đây.

Còn nhớ vào đầu thập niên 2000, NTT DoCoMo, nhà khai thác dịch vụ di động, đã trả số tiền rất lớn để sở hữu số cổ phần nhỏ trong các công ty nước ngoài từ AT&T Wireless cho đến KPN Mobile. Tuy nhiên, sau đó Hãng đã buộc phải ghi giảm giá trị các khoản đầu tư này tới gần 13 tỉ yên (166 triệu USD).

“Vào thập niên 1980, mua chỉ là để mua mà thôi. M&A khi ấy là một khái niệm mới mẻ tại Nhật. Nhưng bây giờ họ đã rút kinh nghiệm và trở nên cẩn trọng hơn khi đàm phán để có được giá tốt nhất, lợi ích cao nhất”, ông Jimbo, Citigroup Global Markets, nhận xét.

Các công ty Nhật cũng học được rằng sở hữu cổ phần nhỏ ít khi mang lại giá trị lớn. Shoichi Nakamoto, Giám đốc Tài chính của Dentsu, hãng quảng cáo lớn nhất Nhật, cho biết hầu như Công ty không đạt được giá trị gì khi chỉ sở hữu 15% cổ phần trong Publicis, hãng quảng cáo lớn thứ ba thế giới. Vì thế Dentsu đã bán lại số cổ phần này vào đầu năm nay, kết thúc mối quan hệ hợp tác kéo dài 9 năm với Publicis.

Đó cũng là lý do vì sao Dentsu hiện ra giá 4,9 tỉ USD để mua lại 100% quyền kiểm soát Aegis, một đơn vị quảng cáo của Anh.

Các doanh nghiệp Nhật cũng ngày càng kỹ lưỡng trong việc chọn lọc và tiếp cận đối tượng thâu tóm. Japan Tobacco (JT) là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong thực hiện M&A ra nước ngoài và lối tiếp cận đầy chiến lược của đơn vị này được xem là tiêu biểu cho cách M&A của doanh nghiệp Nhật hiện nay.

Chẳng hạn, trước khi thâu tóm tập đoàn thuốc lá của Anh Gallaher với giá 15 tỉ USD vào năm 2007, JT đã nghiên cứu công ty này trong 3 năm liền. Đến khi công bố thương vụ thì JT cũng đã vạch xong kế hoạch hợp nhất sáp nhập rõ ràng.

Có một thực tế là các công ty Nhật có xu hướng trả giá cao hơn cho các thương vụ thâu tóm ở nước ngoài, trong khi kết quả thu về đôi khi lại không tương xứng. Theo nghiên cứu của ông Naomi Fink, đứng đầu bộ phận Chiến lược Nhật tại Ngân hàng Đầu tư Jefferies, hệ số ROE (lợi nhuận/vốn) của các vụ M&A nước ngoài sau 3 năm lại thấp hơn cả ROE của các vụ thâu tóm trong nước.

Tuy nhiên, theo Shoichi Niwa thuộc Recof, tổ chức tư vấn M&A tại Tokyo, dù phải trả một cái giá cao hơn thị trường hoặc gặp khó khăn trong việc nắm quyền quản lý, doanh nghiệp Nhật vẫn sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đạt được mục tiêu toàn cầu hóa của mình qua M&A.

Hiện nay, mục tiêu này dường như trở nên bức thiết hơn đối với Nhật. “Mất đi vị trí là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào tay Trung Quốc không có ý nghĩa gì nhiều. Nó chỉ mang tính biểu tượng. Nhưng điều đó vẫn tồn tại trong đầu người dân, doanh nghiệp nhật”, ông Jimbo nói.

Nhật có thể chẳng bao giờ địch lại Trung Quốc về GDP nhưng quốc gia này không bằng lòng khi thấy vị thế là cường quốc kinh tế toàn cầu của mình bị vuột khỏi tay.

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

5 × three =

To Top