Tình huống thương hiệu
Nhà sáng lập KakaoTalk: sự nghiệp từ hai bàn tay trắng
Có tuổi thơ đầy khó khăn nhưng Kim Bum-Soo, nhà sáng lập KakaoTalk đã nỗ lực vươn lên để xây dựng sự nghiệp. Nếu thương vụ sắp tới thành công. anh sẽ trở thành 1 trong 10 tỷ phú giàu nhất Hàn Quốc.Kim Bum-Soo được biết đến là nhà sáng lập ra Kakao Talk – công ty dịch vụ tin nhắn hàng đầu của Hàn Quốc. Thông qua ứng dụng này, người dùng có thể chơi game, chia sẻ hình ảnh, video tới bạn bè, gửi những biểu tượng ngộ nghĩnh. Kim chính thức ra mắt KakaoTalk vào năm 2010 và ngay lập tức trở nên phổ biến đối với 93% người dùng smartphone tại Hàn Quốc, tương đương gần 75% trong tổng số 50 triệu dân số của quốc gia này.
Điều đáng nói là, Kakao đang lên kế hoạch sáp nhập với Daum, công ty Internet lớn thứ hai tại Hàn Quốc sẽ IPO trên sàn giao dịch chứng khoán vào ngày 1/10 tới. Nếu thương vụ sáp nhập này thành công, Kim sẽ sở hữu 40% cổ phần của công ty sau sáp nhập (giá trị thị trường ước tính là 8,5 tỷ USD). Như vậy, giá trị tài sản của Kim sẽ rơi vào khoảng 3,4 tỷ USD, biến anh này trở thành một trong 10 tỷ phú giàu có nhất tại Hàn Quốc.
Vào tháng 4, một tháng trước khi thương vụ sáp nhập giữa Kakao và Daum chính thức được công bố, Forbes châu Á đã ước tính số tài sản của anh Kim Bum-Soo là 960 triệu USD.
Eric Kim, thành viên hội đồng quản trị của Kakao nhận xét: “Kim là một doanh nhân chu đáo và xuất sắc, anh ấy đang thực hiện nhiệm vụ cá nhân của mình là đưa Kakao trở thành nền tảng giao tiếp toàn cầu”.
Trong khi Kakao đang nhắm mục tiêu lan rộng ra toàn cầu, không ai có thể phủ nhận thành công vượt bậc của nó tại quê nhà. Hàng tháng, KakaoTalk có hơn 50 triệu người dùng trực tuyến, trong đó có 3/4 là người Hàn Quốc. Những người này đã từ bỏ thói quen gửi tin nhắn văn bản phiền hà và chuyển sang sử dụng KakaoTalk.
Quan trọng hơn, KakaoTalk đã phát triển thành một nền tảng nơi người sử dụng có thể dành thời gian chơi game, mua sắm và cả mạng xã hội. Điều này tạo ra một công ty công nghệ sinh lợi cao trong một đất nước chỉ đứng sau Mỹ và Nhật Bản về doanh thu người sử dụng ứng dụng của hệ điều hành Android (theo thống kê của AppAnnie).
Tổng thể, KakaoTalk hiện có 158 triệu người đăng ký với một lượng khách hàng không nhỏ tới từ Nhật Bản, các nước Đông Nam Á và Mỹ.
Joseph Chung, một chuyên gia phân tích đến từ Woori Investment & Securities cho biết: “Việc Kakao chiếm được ưu thế tại Hàn Quốc như hiện nay là nhờ sự tiên tri và tầm nhìn nhanh nhạy của Kim vào thời điểm bắt đầu khởi nghiệp. Những năm 2009, khi điện thoại thông minh bắt đầu phổ biến tại Hàn Quốc Kim đã nhanh chóng nắm bắt được cơ hội phát triển một ứng dụng tin nhắn có thể thay thế cho tin nhắn văn bản phiền phức SMS.
Chính vì vậy, vào tháng 3/2010, Kim đã ra mắt Kakao và hoàn toàn miễn phí cho người dùng, khác hẳn so với đối thủ tới từ Mỹ là WhatsApp với mức phí hàng năm là 99 cent. Ngoài ra, mục tiêu mà Kim hướng đến là tạo ra một ứng dụng phục vụ trực tiếp cho người Hàn Quốc. Kim và các đồng nghiệp cũng nhanh trong tạo ra các ứng dụng tiện ích cho Kakao đặc biệt là các trò chơi khiến người dùng ngày một trở nên phụ thuộc vào dịch vụ này.
Dù đường hướng phát triển đúng đắn nhưng nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ về việc liệu Kakao có thể tạo ra được lợi nhuận hay không. Tuy nhiên, Kim đã không nản chí mà tiếp tục phát triển thêm các trò chơi xã hội giống với những mô hình thành công ở Mỹ như Zynga và Facebook.
Bằng chứng là kết quả công bố cho thấy Anipang, một trò đố vui và phiên bản Candy Crush trên nền tảng Kakao đã mang lại 64% doanh thu cho toàn công ty. Ngoài ra, doanh thu của Kakao đạt 200 triệu USD vào năm 2013 và lợi nhuận đạt 52 triệu USD khiến nó trở thành một trong số ít những công ty tin nhắn di động thu được lợi nhuận.
Chính việc nắm giữ số cổ phần lớn và công ty được định giá cao nên dù đã nhượng quyền điều hành Kakao cho 2 đồng CEO là Lee Jae-Beom và Sirgoo Lee nhưng Kim vẫn giữ vai trò chủ tịch của công ty này.
Xây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng
Kim Bum-Soo lớn lên trong một gia đình nghèo tại làng Dam-yang, Hàn Quốc. Gia đình anh có tới 8 người và cùng phải sống trong một phòng ngủ nhỏ. Tuy nhiên, bằng nỗ lực của mình, Kim đã tìm ra lối thoát trong cuộc sống khi thi đậu đại học quốc gia Seoul. Trong thời điểm khó khăn đó, Kim cho biết anh đã phải đi gia sư và thậm chí nhịn ăn đề dành tiền nộp học phí.
Sau khi hoàn thành bằng đại học và thạc sỹ trong lĩnh vực kỹ sư công nghệ, Kim đã làm việc cho tập đoàn Samsung trong vòng 6 năm và rời khỏi đây vào năm 1998 để thành lập công ty game trực tuyến là Hangame. Sau đó, anh đã sáp nhập công ty này với một công ty internet khác ở Hàn Quốc là Naver vào năm 2000 với cái tên NHN. NHN sau đó đã trở thành một trong những công ty thống trị trong mảng tìm kiếm và cổng web hàng đầu tại Hàn Quốc.
Tại NHN, Kim giữ vai trò là CEO và một số vị trí lãnh đạo khác và rời khỏi đây vào năm 2007 sau những xung đột với đồng sáng lập Naver là Lee Hae-Jin về đường lối kinh doanh. Sau thử nghiệm một loạt thí nghiệm web 2.0, Kim đã chuyển hướng sang Kakao sau khi nhìn thấy sự trỗi dậy của điện thoại thông minh.
Osuke Honda, một trong những người đầu tiên đầu tư vào KakaoTalk kể lại: “Một lần tôi hỏi Kim: ‘Anh đã muốn làm điều này đến mức nào? Nếu Facebook đến và đưa ra lời đề nghị 1 tỷ USD, anh nghĩ sao? Kim nói: ‘Tôi muốn biến Kakao trở nên lớn hơn cả NHN'”.
Khó khăn phía trước
Thành công là vậy nhưng KakaoTalk hiện đang phải đối mặt với chính đối thủ đến từ công ty cũ của Kim là NHN mang tên Line. Ứng dụng này ra đời 1 năm sau khi KakaoTalk chính thức ra mắt. Tuy nhiên, đáng tiếc là sau những chế giễu của người dùng KakaoTalk rằng Line là kẻ “bắt chước” thì ứng dụng này hiện tại đã gần sánh ngang với Kakao tại Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, Line trở thành ứng dụng tin nhắn thống trị tại Nhật Bản và gây ra ảnh hưởng lớn trên toàn cầu. Nó đã đạt 470 triệu người dùng đăng ký vào mùa hè năm nay và tài sản của Lee (ông chủ NHN) đã cán mốc 1 tỷ USD vào năm nay. (Năm 2013, NHN tách thành NHN Entertainment và Naver Corp, và Line, một bộ phận của Naver đã IPO thành công với giá trị thị trường là 10 tỷ USD).
Chính bởi vậy, khả năng của KakaoTalk để mở rộng sang các thị trường khác đang tiếp tục bị giới hạn bởi nhiều đối thủ cạnh tranh như WhatsApp hay WeChat, tất cả đều đang dốc sức tìm kiếm thị trường mới nổi tiếp theo. Như vậy, đứng trên một phương diện nào đó, Kakao vẫn chưa thành công trong việc tìm ra một thị trường mới nơi có thể tái tạo sự cuồng tín sản phẩm của họ như đã từng làm được tại Hàn Quốc.
“Kakao đang cố gắng mở rộng người dùng tại các nước Đông Nam Á nhưng Line và WeChat đang chiếm ưu thế hơn, mạnh hơn”, Chung nói. Chuyên gia này cũng cho rằng dường như Kakao đang nỗ lực bổ sung thêm nhiều tính năng cho người dùng hiện tại.
Thật vậy, công ty này đã tung ra sản phẩm mới và nhiều ý tưởng để khiến KakaoTalk có thể thâm nhập vào khắp nơi trong cuộc sống của người dùng. Năm ngoái, công ty đã đưa ra các ứng dụng âm nhạc và phong cách với nhiều ưu đãi về quần áo dành cho người dùng. Ngoài ra, tháng trước, công ty này cũng chính thức gia nhập lĩnh vực thanh toán game di động với KakaoPay và việc kết hợp với ứng dụng taxi Uber đang được chờ đón trong tương lai gần. Với tỷ phú Kim mà nói, “vũ trụ” di động vẫn đang rất mở rộng.
Theo Infonet/Forbes