Connect with us

Người kế nhiệm gỗ Đức Thành

Tình huống thương hiệu

Người kế nhiệm gỗ Đức Thành

Từ ngoài nhìn vào, nhiều người từng dự báo, Lê Hồng Thắng, tân Tổng Giám đốc Gỗ Đức Thành, khó để vượt qua được cái bóng quá lớn của vị Tổng Giám đốc tiền nhiệm, bà Lê Hải Liễu, cũng là chị ruột của ông Thắng. 

Thế nên, suốt buổi trò chuyện, ông Thắng tránh nói đến chiến lược quản trị, lèo lái con tàu Gỗ Đức Thành ra sao, mà chỉ chia sẻ những nỗ lực đã làm trong năm qua từ ngày ngồi vào ghế thuyền trưởng Gỗ Đức Thành. Ông nói, giữ tốt uy tín thương hiệu là điều được ưu tiên trong thời gian đầu.

Xoay trong bão

Không ít người trong giới kinh doanh từng biết tới những quyết định táo bạo, thậm chí liều lĩnh của bà Liễu. Chẳng hạn như năm 2009, khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất lao đao. Thay vì giảm công nhân, dừng sản xuất, bà Liễu lại dự trữ thêm nhiều nguyên liệu (với mức giá tốt và nhiều ưu đãi), mạnh dạn chuyển qua chăm sóc tốt thị trường nội địa để đón đầu sau khủng hoảng.

Kết quả là năm 2009, Đức Thành lãi 30,8 tỉ đồng sau thuế với tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 26,6%… Giai đoạn 2009-2011, Gỗ Đức Thành vẫn hoạt động ổn định và đảm bảo mức tăng trưởng doanh thu đều đặn với ROE từ 26-29%. Đó cũng chính là áp lực của ông Thắng khi thay thế bà Liễu.

Kết thúc năm tài chính 2012, doanh thu thuần của Đức Thành đạt trên 231 tỉ đồng, tăng 5,3% so với năm 2011. Ông Thắng nói, để có kết quả kinh doanh này, 1 năm qua, ông phải chạy đến bở hơi tai.

Thị trường châu Âu có nhiều biến động, ông lên kế hoạch thâm nhập và khai phá những thị trường mới, ngách và nhỏ ở châu Á, vốn ít chịu ảnh hưởng khủng hoảng như Nhật, Singapore… Năm 2012, tỉ trọng xuất khẩu sang thị trường châu Á là 62%, cao gần gấp đôi thị trường châu Âu (33%).

Khi không khí giữa Nhật và Trung Quốc căng thẳng, ông Thắng nhận định đó là thời cơ cho mình. “Giao thương giữa Nhật và Trung Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng chính trị. Đây là dịp tốt để mình đẩy mạnh chăm sóc khách hàng Nhật”, ông Thắng chia sẻ.

Kết quả là trong năm 2012, doanh thu từ thị trường Nhật đã tăng 27,7% so với năm 2011 (46 tỉ đồng so với 36 tỉ đồng), đóng góp một khoản thu không nhỏ cho Công ty (20% trên tổng doanh thu xuất khẩu).

Với những thị trường láng giềng như Lào, Campuchia, các đối tác cung cấp nguyên phụ liệu cho Đức Thành cũng bắt đầu xúc tiến hoạt động xuất khẩu cho các công ty về gỗ ở đây. “Điều này chứng tỏ đã có nhu cầu về những mặt hàng này bên các nước đó. Tại sao mình không tranh thủ”.

Ông Thắng bắt đầu đưa hàng qua Lào, Campuchia thăm dò và cho nghiên cứu thị trường kỹ hơn để đưa ra những dòng sản phẩm phù hợp với thị trường, trước khi các đối thủ ở nước sở tại kịp bung hàng.

Với mặt hàng đồ chơi gỗ, các nhà sách tại Lào, Campuchia sau khi bán đắt hàng đã liên kết với các trường mẫu giáo, tiểu học bên đó tiến hành đặt hàng Gỗ Đức Thành với những sản phẩm chuyên biệt tiếng Lào, tiếng Campuchia.

Sau gần 1 năm thâm nhập, doanh thu từ 2 thị trường này đạt khoảng 1-1,2 tỉ đồng. Con số không lớn nhưng cho thấy tín hiệu tốt từ một thị trường mới.

Để tránh rơi vào vòng lẩn quẩn không có đơn hàng – sợ lỗ doanh nghiệp phải tăng giá bán – ít người mua – lại không có đơn hàng và lỗ, ông Thắng cùng Hội đồng Quản trị Gỗ Đức Thành đã quyết định không tăng giá bán. Đây là cách Đức Thành tự cứu mình trong khi nhiều doanh nghiệp khác đang tự sát bằng cách đẩy giá bán lên cao theo giá nguyên phụ liệu.

Để vẫn có lợi nhuận trong khi nguồn nguyên phụ liệu đầu vào đều tăng giá, chi phí nhân công cũng tăng cao thì vấn đề cốt lõi nằm ở khâu sản xuất. Có lẽ đó cũng là lý do bà Liễu đã chọn ông để gửi vàng khi lui về hậu trường.

Doanh thu, lợi nhuận gỗ Đức Thành qua các năm. Đơn vị: tỉ đồng. Nguồn: báo cáo Thường niên 2012 Gỗ Đức Thành

Đều đều thăng tiến?

Công ty gia đình, nhận chuyển giao quyền lực từ chị khi tuổi đời còn khá trẻ (37 tuổi), rất dễ là cái cớ để người ta bàn tán việc ông Thắng nhậm chức Tổng Giám đốc Gỗ Đức Thành như ngồi vào mâm cỗ đã dọn sẵn.

Trước khi đưa ông Thắng lên giữ vị trí chủ chốt trong Công ty, ông Lê Ba, cha của Thắng và là nhà sáng lập Gỗ Đức Thành, dường như đã có tầm nhìn từ trước và sau này đến lượt bà Liễu đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Tốt nghiệp kỹ sư cơ khí động lực năm 1998, chân ướt chân ráo rời giảng đường Đại học, ông Thắng đã được cha giao cho trọng trách nặng nề, Giám đốc Chi nhánh Tây Nguyên ngay từ năm 1999, khi Đức Thành liên doanh sản xuất tại đây.

Đã có lúc ông tủi thân đến phát khóc trước ý nghĩ, mình là con út, sinh ra giữa Sài Gòn, quen sung sướng mà bị cha đày lên rừng. Nhưng qua 4 năm làm việc tại đây, ông dần hiểu ra tâm nguyện của cha khi chọn cách cho va chạm thực tế để dạy dỗ mình.

Đến năm 2003, khi đã am hiểu tường tận về cây cao su, từ chỗ cây sinh trưởng phát triển thế nào đến việc cắt miếng gỗ sao cho đẹp, không lãng phí, ông Thắng về Sài Gòn đảm nhận vị trí Phó Giám đốc thường trực. Cứ thế, ông tiến dần lên các vị trí Giám đốc Sản xuất, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối sản xuất.

Trong thời gian này, ông Thắng hiểu rõ lãi hay lỗ đều từ khâu sản xuất mà ra. Trong khi sản phẩm của Đức Thành đa dạng, nay khách hàng đặt sản phẩm này, mai đặt sản phẩm khác nên dây chuyền, quy trình sản xuất bị thay đổi liên tục. Hạn chế lãng phí gỗ và tận dụng tốt nguồn gỗ phế liệu là chiến tích của ông trong năm 2012.

So với năm 2011, doanh thu năm 2012 của Đức Thành có tăng, song lợi nhuận lại giảm 10,4%. Đây là bài toán khó cho nhà kinh doanh, cụ thể là nhà quản trị. Ông Thắng thừa nhận, đó là sai sót mà ông phải khắc phục trong năm nay với kế hoạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận được đặt ra khá khiêm tốn nhưng chắc chắn: 5-7%.

Đây cũng là năm ông cố gắng thực hiện kế hoạch kinh doanh đã vạch ra từ năm trước nhưng chưa thực hiện được. Đó là đưa ra những dòng sản phẩm mới từ nguyên liệu gỗ ván ép để có thể tranh thủ được mọi lỗ hổng của thị trường mà ông thấy mình còn có thể chen chân vào được.

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

13 − 2 =

To Top