Connect with us

Ngành ngân hàng Việt Nam trước cuộc ‘đại tu’ lớn

Tin trong nước

Ngành ngân hàng Việt Nam trước cuộc ‘đại tu’ lớn

Thông điệp được phát đi liên tiếp trong những ngày qua của Ngân hàng Nhà nước báo hiệu một cuộc thanh lọc trong các tổ chức tín dụng sẽ diễn ra rốt ráo trong năm 2012.

Là một trong 3 nội dung chính của tái cơ cấu nền kinh tế, câu chuyện thanh lọc ngân hàng, tuy không mới, nhưng luôn nhận được xem là đề tài nóng hổi bởi tầm ảnh hưởng của nó đến thị trường tài chính, cộng đồng doanh nghiệp cũng như mỗi người dân.

Nói như Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ở Việt Nam đang diễn ra tình trạng vừa thừa, vừa thiếu ngân hàng. “Nếu xét về góc độ tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp thì thiếu, nhưng nếu xét về những nhiễu nhương mà các ngân hàng gây ra cho nền kinh tế thì quá nhiều”, Tiến sĩ Thành phân tích.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2010, Việt Nam có tổng cộng 52 ngân hàng thương mại được cấp phép hoạt động. Nếu tính cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài (50) thì con số này lên tới trên 100. Đó là chưa kể đến hệ thống các công ty tài chính, quỹ tín dụng trung ương và cơ sở…

Bài toán thanh lọc ngân hàng yếu, “bồi bổ” cho những cá thể khỏe vốn đã được đặt ra vào giữa năm 2007 khi hàng chục bộ hồ sơ xin thành lập nhà băng tới tấp bay về Ngân hàng Nhà nước. Vấn đề này một lần nữa được xới xáo lại vào đầu năm 2010 khi các ngân hàng bước vào lộ trình tăng vốn theo yêu cầu của Chính phủ. Tuy vậy, câu chuyện chỉ thực sự lên đến đỉnh điểm trong những ngày này, khi Quốc hội bước vào kỳ họp với những toan tính cho kế hoạch 2011 – 2015, trong đó tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc ngân hàng được đặc biệt quan tâm.

Báo cáo trong phiên khai mạc Quốc hội ngày 20/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định ngay trong năm 2012, Chính phủ sẽ tiến hành tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, theo hướng giảm nhanh số lượng các ngân hàng và tổ chức tín dụng yếu kém, đồng thời tăng hợp lý về quy mô, tạo điều kiện cho các ngân hàng có khả năng phát triển.

Tuyên bố này, cùng với thông điệp tái cơ cấu, khuyến khích mua bán, sáp nhập nhà băng được Ngân hàng Nhà nước liên tiếp phát đi trong những ngày gần đây đang báo hiệu những thay đổi lớn trong hệ thống ngân hàng trong năm tới.

Nếu căn cứ vào những phác thảo được đại diện Chính phủ nêu ra thì việc tái cơ cấu sẽ bắt đầu từ việc giảm nhanh số lượng những ngân hàng mà cơ quan quản lý cho là yếu kém.

“Giảm số lượng không phải là mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra nhưng sẽ là hệ quả tất yếu khi thanh lọc ngân hàng hiện nay”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa – Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định. Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng cho biết, ở góc độ cá nhân, ông ủng hộ quan điểm giảm nhanh số ngân hàng bởi “lượng đổi thì chất đổi”.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, bên cạnh vấn đề số lượng, trong quá trình tái cơ cấu cần đặt yếu tố an toàn hệ thống lên hàng đầu, cùng với việc đề ra phương án cụ thể nhằm giải quyết các khoản nợ, tài sản xấu. “Người gửi tiến rất nhạy cảm với những thông tin thay đổi. Do đó, dù tái cơ cấu như thế nào thì vẫn phải đảm bảo cho toàn bộ hệ thống hoạt động ổn định, bình thường”, Tiến sĩ Thành khẳng định.

Chia sẽ qua điểm này, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – Lê Đức Thúy cho rằng, tái cơ cấu ngân hàng là cần thiết được bàn đến. Tuy vậy, đây cũng là một việc nhạy cảm, cần những bước đi khôn ngoan. Theo ông, không nên ảo tưởng gì nhiều về việc cần tạo ra các ngân hàng lớn hơn mạnh hơn.

Vấn đề trước mắt là giải quyết sự lành mạnh về tài chính, ngăn chặn tình trạng nợ xấu đang diễn ra trong hệ thống để nó không đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát. “Một số ngân hàng có thể được cứu vì lợi ích chung”, chuyên gia này gợi ý. Cũng theo ông Thúy, từ cơ sở này, các ngân hàng sẽ được đặt lên bàn cân cân độ yếu mạnh, xấu tốt để có cách quản lý phù hợp, sau đó, mới tính đến sáp nhập hay mua bán.

Bên cạnh việc quản lý ở tầm vĩ mô, theo nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, quá trình tái cơ cấu ở mỗi ngân hàng phải đi liền với tăng cường quản trị nội bộ. “Không có chuyện khoán cho cấp dưới huy động được một tỷ thì cho bao nhiêu tiền, rồi lãi suất cưa đôi với người gửi tiền… Kiểm soát được cái đó mới tránh được những rủi ro về đạo đức, mới lành mạnh hóa được chất lượng tín dụng”, chuyên gia này nêu ý kiến.

Về phần mình, các ngân hàng thương mại – đối tượng chịu ảnh hưởng chính của tái cơ cấu hiện vẫn khá “kín tiếng” xung quanh câu chuyện này. Tiếp xúc với VnExpress.net, đa số ý kiến cho biết sẽ chấp hành nghiêm túc nếu đây là chủ trương của cơ quan quản lý, nhưng hy vọng quá trình này sẽ diễn ra một cách minh bạch, rõ ràng và công bằng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị một ngân hàng thương mại thuộc nhóm G12 tại Hà Nội cho rằng, việc để tồn tại khoảng 100 ngân hàng, tổ chức tín dụng đến hôm nay là không bình thường. Những hoạt động không đồng nhất của các đơn vị này phần nào làm náo loạn thị trường, ảnh hưởng đến chính sách điều hành từ Nhà nước. “Việc sắp xếp lại lẽ ra phải tiến hành từ cách đây vài năm và chỉ nên để cho 18 – 20 ngân hàng tồn tại là vừa”, vị chủ tịch này nói.

Theo vnexpress

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

three × five =

To Top