Connect with us

Mượn sức HAGL, Nutifood thành ông lớn

Tình huống thương hiệu

Mượn sức HAGL, Nutifood thành ông lớn

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã chính thức hợp tác với Nutifood và Vissan để phát triển đàn bò lên gần 300.000 con.

Đầu tuần qua, HAGL đã hoàn tất ký kết hợp tác đầu tư với Công ty Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan). Đây là lần đầu tiên 3 doanh nghiệp Việt Nam cùng hợp tác đầu tư vào một dự án nông nghiệp quy mô hơn chục ngàn tỉ đồng.

Theo đó, HAGL sẽ đảm nhiệm khâu chăn nuôi, 2 đối tác Nutifood và Vissan sẽ cam kết thu gom thịt – sữa cung ứng ra thị trường. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL, kỳ vọng sẽ phát triển đàn bò 236.000 con (gồm cả giống lấy sữa và giống cho thịt) và có thể tăng lên đến 300.000 con nếu điều kiện thuận lợi.

Vissan từ lâu đã là một trong những doanh nghiệp đầu ngành ở lĩnh vực chế biến thực phẩm tươi sống, nên việc công ty này hợp tác và bao tiêu thịt bò của HAGL là không quá bất ngờ. Tuy vậy, cái bắt tay giữa Nutifood và HAGL thực sự rất đáng chú ý.

Nutifood bắt tay Hoàng Anh Gia Lai

Cuối năm ngoái, khi trả lời câu hỏi của NCĐT rằng liệu Nutifood có thể làm gì để thay đổi cục diện ngành sữa Việt Nam hay không, tân Chủ tịch Trần Thanh Hải của Nutifood đã cho rằng: “Nutifood đã để vuột mất cơ hội. Với sức mạnh của Vinamilk, TH True Milk hay FrieslandCampina hiện tại, chúng tôi chắc chắn không thể theo kịp”.

Thế nhưng trong buổi trao đổi riêng với NCĐT ngay sau khi ký kết với HAGL, ông Hải rất hồ hởi khi nói về những bước phát triển tiếp theo của Nutifood. “Cơ hội là quá lớn và chúng tôi không thể không đón nhận”, đại diện Nutifood khẳng định.

Cơ hội mà ông Hải nói đến chính là việc Nutifood được HAGL chọn làm đơn vị bao tiêu toàn bộ lượng sữa từ dự án chăn nuôi bò sữa và bò thịt do tập đoàn này làm chủ đầu tư với số vốn 6.300 tỉ đồng. Dự kiến tổng đàn là 236.000 con, trong đó 120.000 con bò sữa và 116.000 con bò thịt.

Để dễ so sánh, Vinamilk tuy là doanh nghiệp đầu tàu ngành sữa Việt Nam nhưng hiện chỉ có trong tay 8.818 con bò và có kế hoạch tăng lên 25.500 con trong vài năm tới. Còn TH True Milk dù là tay chơi mới đáng chú ý nhưng cũng mới có đàn bò 35.000 con và dự định nâng lên 100.000 con. Để phát triển đàn bò có số lượng như công bố, HAGL cho biết sẽ sử dụng diện tích đất ban đầu khoảng 4.000 ha, trong đó 3.400 ha trồng cỏ và 600 ha để xây dựng hạ tầng phục vụ chăn nuôi.

Tuy nhiên, nuôi bò sữa để kinh doanh là chuyện không hề đơn giản. Mới đây khi nói về lĩnh vực nuôi bò, Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên cho rằng đây là một lĩnh vực nhiều rủi ro và không phải ai làm cũng thành công. Theo bà Liên, chăn nuôi bò đòi hỏi vốn lớn và lâu dài, còn nếu dùng vốn vay để nuôi sẽ rất nguy hiểm vì khả năng hoàn vốn lâu mà lãi thì biến động thất thường.

Rõ ràng, ngay cả với những doanh nghiệp lớn như Vinamilk mà nuôi bò kinh doanh còn lỗ thì việc Nutifood nhảy vào nuôi bò sữa chắc chắn sẽ không dễ thành công. Thế nhưng, khi Nutifood bắt tay với HAGL, đó lại là một câu chuyện khác.

“Nếu chúng tôi nuôi bò thì chắc chắn sẽ không một nơi nào trên thế giới này bằng”, Chủ tịch HAGL tự tin tuyên bố.

Theo bầu Đức, trong chăn nuôi bò thì thức ăn chiếm tỉ trọng rất lớn trên giá thành, trong khi HAGL đang nắm trong tay lợi thế này từ nguồn phụ phẩm trồng trọt, sản xuất mía đường, bắp, cọ dầu… Bên cạnh đó, với diện tích trồng cỏ lên đến 3.400 ha, thuận lợi nguồn nước và áp dụng công nghệ chăn nuôi của Israel, quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại, đại diện HAGL cho rằng dự án này hoàn toàn có thể đạt hiệu quả như mong đợi.

Bắt tay với HAGL, Nutifood sẽ đầu tư nhà máy chế biến sữa tươi 100% với công nghệ và thiết bị hiện đại nhập khẩu từ Đức, Thụy Điển. Tổng vốn đầu tư của dự án này là 5.000 tỉ đồng và chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu 2014-2015, Nutifood sẽ xây dựng nhà máy với vốn đầu tư gần 3.500 tỉ đồng, công suất 290 triệu lít sữa tươi/năm. Giai đoạn 2 sẽ được đầu tư trong những năm kế tiếp với số vốn 1.500 tỉ đồng nhằm nâng công suất nhà máy sữa lên 500 triệu lít sữa tươi/năm.

“Tháng 9 tới Nutifood sẽ khởi công xây dựng nhà máy sữa tại Khu Công nghiệp Trà Đa, tỉnh Gia Lai. Nhà máy nằm trong khuôn viên 7 ha và cách trang trại bò sữa của HAGL khoảng 40 km. Dự kiến giữa năm 2016 nhà máy này sẽ cho ra lô sữa tươi đầu tiên”, ông Hải, Chủ tịch Nutifood, cho biết.

Tham vọng của Nutifood 

Trước thời điểm bắt tay với HAGL, thị phần của Nutifood trong ngành sữa nước vẫn khá khiêm tốn. Theo báo cáo của Tiến sĩ Tống Xuân Chinh (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) công bố vào năm 2013 về thị trường sữa nước, Vinamilk là đơn vị dẫn đầu với 40-50% thị phần. Kế đó là Dutch Lady, Sữa Mộc Châu, IDP và Hanoimilk. Nutifood chỉ nằm trong số các công ty sữa còn lại với tổng thị phần khoảng 15%.

Tuy nhiên, với quy mô của dự án mà Nutifood đang kết hợp với HAGL thực hiện, chắc chắn công ty thực phẩm này sẽ trở thành một thế lực mới ở thị trường sữa tươi Việt Nam. Xa hơn, Nutifood còn có khả năng tác động không nhỏ đến cả thị trường sữa bột, bởi một khi sữa tươi không sản xuất hết thì có thể chế biến thành sữa bột.

Hãy nhìn vào những con số. Số lượng bò sữa của HAGL khi đạt đến mức tối đa theo kế hoạch ban đầu là 120.000 con đã tương đương với 70% của tổng đàn bò sữa Việt Nam năm 2013, 170.000 con. Khi đó, kết hợp cùng với công suất nhà máy Nutifood đạt đỉnh 500 triệu lít/năm, thị phần của công ty này ở thị trường sữa nước và sữa bột chắc chắn sẽ thay đổi rất lớn.

“HAGL làm cái gì thì cái ấy phải ở vị trí số một. Và nếu HAGL số một về bò sữa thì Nutifood cũng sẽ là số một về sản xuất sữa”, bầu Đức khẳng định.

Dù vẫn có người cho rằng bầu Đức hay nói quá, nhưng có một sự thật rằng ông Chủ tịch HAGL thường thực hiện được những lời tuyên bố của mình. Gần đây nhất, với chiến lược đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao, HAGL đã cho ra đời những sản phẩm như cao su, mía đường có giá thành chỉ bằng một nửa so với giá trong nước.

“Nếu giá thành sữa trong nước hiện nay là 13.000 đồng/lít thì sữa của HAGL sẽ là 6.000-7.000 đồng/lít. Với Nutifood, nếu chúng tôi không hỗ trợ họ được về thị trường thì cũng sẽ hỗ trợ họ về giá”, đại diện HAGL cho biết.

Những tuyên bố lần này của bầu Đức về mối lương duyên với Nutifood sẽ cần thêm thời gian để kiểm chứng. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất Nutifood đang đối mặt không phải là số lượng đàn bò hay công suất sản xuất, mà chính là khả năng hấp thụ của thị trường.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, mức tiêu thụ sữa dạng nước tính theo đầu người tại Việt Nam tuy có tăng nhanh qua từng giai đoạn, nhưng hiện vẫn còn rất thấp so với khu vực và thế giới. Cụ thể, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở nước ta đã tăng từ 0,5 lít/năm vào năm 1990 lên 15 lít năm 2013. Nhưng nếu so với các quốc gia lân cận thì vẫn còn quá khiêm tốn. Ví dụ, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Trung Quốc hiện là 25 lít/năm, Thái Lan 35 lít/năm, Singapore 40 lít/năm và Ấn Độ 45 lít/năm.

Lường trước vấn đề này, Nutifood cũng đã lên kế hoạch xuất khẩu sữa nước thành phẩm trong trường hợp nhu cầu của thị trường chưa bắt kịp tốc độ sản xuất.

“Không phải ngẫu nhiên Nutifood chọn đặt nhà máy ở tỉnh Gia Lai. Đây là khu vực ngã 3 của Đông Dương, rất thuận lợi để Nutifood đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Lào và Campuchia trong kế hoạch phát triển”, Chủ tịch Trần Thanh Hải của Nutifood cho hay.

Dù vậy, theo đại diện Nutifood, xuất khẩu vẫn chỉ là chiến lược dài hơi thể hiện tầm nhìn xa của Công ty. Trước mắt, thị trường trong nước vẫn là mục tiêu chủ đạo của Nutifood. Xét riêng thị trường sữa nước, hiện các công ty sữa tại Việt Nam chỉ mới đáp ứng được chưa đầy 30% nhu cầu. Phần còn lại phải nhập khẩu sữa bột để hoàn nguyên lại thành sữa nước.

“Một mình TH không thể làm ra sữa tươi đáp ứng nhu cầu cho tất cả người dân Việt Nam. Vì thế, TH rất mong sự cạnh tranh lành mạnh để có lợi cho người tiêu dùng”, bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk phát biểu trong một hội nghị diễn ra 2 năm trước. Và giờ đây mong đợi của bà đã trở thành hiện thực.

Bất ngờ trở thành một đối thủ mới đáng gờm trong ngành sữa, nhưng Nutifood không phải là cái tên quá xa lạ. Trước khi hụt chân vào cuối những năm 2000, công ty này từng có giai đoạn tăng trưởng rất nhanh và lọt vào danh sách 4 nhà sản xuất sữa hàng đầu Việt Nam, theo hãng nghiên cứu thị trường Nielsen.

Từ khi về làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nutifood, ông Trần Thanh Hải đã cùng với vợ là bà Trần Thị Lệ, Tổng Giám đốc Nutifood, tái cấu trúc để Công ty quay lại quỹ đạo tăng trưởng.

Năm ngoái, doanh thu của Nutifood đạt 2.574 tỉ đồng, tăng gần 100% so với năm 2012. Theo kế hoạch, Công ty đặt mục tiêu đạt 4.500 tỉ đồng doanh thu trong năm nay. Ông Hải cũng được xem là người đưa ra những quyết định quan trọng giúp thương hiệu Nutifood được biết đến nhiều hơn. Một trong số đó chính là việc tài trợ 20 tỉ đồng cho Học viện Bóng đá HAGL và cùng bầu Đức đứng ra tổ chức giải Bóng đá Tứ Hùng (Nutifood Cup).

Chính từ những quyết định này, ông Hải đã tạo được một mối nhân duyên với bầu Đức để rồi từ đó mang đến một cơ hội vô cùng lớn cho Nutifood. “Kinh nghiệm lâu năm trong ngành sữa của Nutifood kết hợp với thế mạnh sẵn có của HAGL sẽ đảm bảo khả năng thành công cho dự án này. Chúng tôi tự tin trước viễn cảnh hợp tác của đôi bên”, đại diện Nutifood kết luận. 

Theo NCĐT 

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

3 × 1 =

To Top