Connect with us

Masan Beverage: Cờ thế của Masan

Tình huống thương hiệu

Masan Beverage: Cờ thế của Masan

Sau hàng loạt thương vụ mua lại VinaCafé, Vĩnh Hảo và mới đây là Bia Phú Yên, Masan đã thành lập riêng bộ phận ngành hàng đồ uống Masan Beverage. Không chỉ nhảy vào những lĩnh vực có tiềm năng, mà Masan đang tạo thế để chiếm lĩnh thị trường hàng tiêu dùng nhanh.

Đại diện của Masan giải thích cho việc thành lập ngành hàng giải khát Masan Beverage như sau: Thị trường giải khát Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mẽ với sức tiêu thụ đang tăng. Vì vậy, nếu tăng nhận biết thương hiệu qua quảng cáo, tập trung hơn vào vấn đề sức khỏe, nhu cầu về sự tiện lợi trong cuộc sống hiện đại và các kênh phân phối được mở rộng hơn, cơ hội thành công sẽ rất lớn.

Theo một báo cáo của tổ chức Business Monitor International, tốc độ tăng trưởng kinh doanh NGK trong 5 năm từ 2013 đến 2017 sẽ có mức tăng khoảng 20% khi thu nhập đầu người dân tăng lên, chất lượng cuộc sống được cải thiện. Còn theo nghiên cứu của Euromonitor, quy mô thị trường đồ uống Việt Nam có giá trị khoảng 54.000 tỷ đồng.

Đại diện Masan Beverage cũng cho biết: “Cùng với sự thành công của mô hình kinh doanh đã được kiểm chứng ở thị trường thực phẩm, chúng tôi sẽ tận dụng nền tảng này để xây dựng vị trí dẫn đầu trong ngành đồ uống. Việc có được cả Vĩnh Hảo và Vinacafé giúp chúng tôi có sức mạnh tích hợp để tiết kiệm chi phí và khẳng định vị thế vững mạnh trong thị trường giải khát”.

Được biết, để đa dạng hóa danh mục sản phẩm, Masan sẽ phát triển thêm nhiều sản phẩm mới như đồ uống không cồn, trà, nước có gas, nước trái cây, nước tăng lực… Theo đánh giá, Masan sẽ phát triển thị trường mới dựa vào lợi thế mạng lưới phân phối rộng, thừa hưởng từ Masan Consumer, lên đến 176.000 điểm bán hàng.

Đặc biệt, để tập trung vào ngành hàng giải khát, Masan mới chiêu mộ một nhân vật khá nổi tiếng trong ngành là ông Lê Trung Thành về làm giám đốc điều hành cho ngành hàng đồ uống. Ông Thành trước đây làm Tổng giám đốc của Nutifood sau khi rời khỏi vị trí Phó tổng giám đốc PepsiCo.

Không thể phủ nhận lợi thế của Masan là sở hữu hệ thống phân phối lớn nhiều hơn cả hai “đại gia” là Vinamilk và Unilever (nhánh thực phẩm). Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, Masan sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn. Bởi, ngành hàng giải khát tuy có tiềm năng, thị trường còn rộng, nhưng việc xâm nhập để chiếm giữ những thị phần cao như kỳ vọng không phải dễ.

Nhìn vào bản đồ phân chia thị phần ngành hàng giải khát từ năm 2010 đến nay có thể thấy, 10 doanh nghiệp hàng đầu này đã giảm thị phần nắm giữ từ 96,67% vào năm 2010 xuống còn 75,64% vào năm 2012. Ngay cả Coca – Cola cũng giảm từ 16,33% năm 2010, xuống còn 10,50% năm 2012.

Bên cạnh đó, với chiến lược thâu tóm nhiều lĩnh vực, mở rộng nhiều ngành hàng mới, xem ra Masan đang tự làm giảm khả năng cạnh tranh thay vì gia tăng lợi thế như kỳ vọng.

Qua tìm hiểu, 6 tháng đầu năm 2013, doanh thu của Masan đạt 4.270 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý II/2013 doanh thu thuần của Masan Group đạt 2.736 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp đạt 1.111 tỷ đồng, tăng 7,1%.

Riêng Vinacafé Biên Hòa (VCF) đã đạt doanh thu nửa đầu năm 2013 là 843 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty này lại chỉ đạt 52 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ. Công ty Masan Consumer sản xuất các sản phẩm Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi, Wake Up có lợi nhuận sau thuế nửa đầu 2013 đạt 931 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân được đánh giá là do Masan Consumer và các công ty con đã tăng cường đầu tư vào xây dựng thương hiệu để củng cố vị trí dẫn đầu và đồng thời đầu tư vào phát triển và mở rộng ngành hàng mới.

Tuy nhiên, theo báo cáo của ACNielsen, trong 6 nhóm thuộc lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, đồ uống có mức tăng trưởng cao nhất với 15% về lượng và 28% về giá trị, cao hơn cả các sản phẩm từ sữa, thực phẩm, thuốc lá…

Vì thế, theo phân tích của giám đốc một quỹ đầu tư tại TP.HCM, không chỉ nhảy vào những lĩnh vực có tiềm năng trong tương lai, mà việc bổ sung ngành hàng nước uống, Masan muốn tạo thế chân kiềng vững chắc trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng nhanh. “Tất nhiên, tham vọng của một tập đoàn như Masan không phải là vị trí số hai”, vị này cho biết.

Để thâm nhập rộng hơn trong thị trường đồ uống và nước giải khát, Masan còn mua lại Nhà máy Bia Phú Yên và gần đây đã bắt đầu quảng cáo rầm rộ. Giá trị giao dịch của thương vụ này ước tính 12 triệu USD (252 tỷ đồng) bao gồm các khoản nợ. Việc mua lại một công ty bia sẽ giúp Masan thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng này.

Tuy nhiên, việc chọn Bia Phú Yên khá khác biệt so với các thương vụ đầu tư trước đây của Masan. Trong khi Vinacafe Biên Hòa, Vĩnh Hảo và Cám Con Cò là những công ty lớn trong ngành thì với công suất 50 triệu lít/năm, Bia Phú Yên lại là công ty tương đối nhỏ so với các nhà sản xuất khác cùng ngành.

Ngoài ra, cũng có những lo ngại Masan không dễ chiếm một vài % thị phần bia trước quá nhiều đối thủ lớn. Bởi thương hiệu Bia Phú Yên không có tên tuổi, thương hiệu bia mới ra thì còn quá mới. Bài học Vinamilk khi nhảy vào lĩnh vực bia vẫn còn đó, ngay cả khi chi mạnh cho quảng cáo, tiếp thị.

Mặc dù vậy, lãnh đạo Masan cũng khẳng định rằng, ngành bia là ngành quan trọng chiếm gần một nửa ngành đồ uống, đây cũng là ngành nằm trong kế hoạch xem xét, đánh giá để lên kế hoạch thực hiện của Tập đoàn.

Thêm vào đó, theo thông lệ, ngành bia là ngành đồ uống theo khẩu vị địa phương và thuộc về các doanh nghiệp trong nước. Theo dự trù của mình, Masan tin tưởng rằng trong tương lai, Masan sẽ dẫn đầu thị trường Việt Nam trong ngành này.

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

fifteen − three =

To Top