Connect with us

Kinh doanh trung tâm Anh ngữ: Rủi ro 1, lợi nhuận 50

Tình huống thương hiệu

Kinh doanh trung tâm Anh ngữ: Rủi ro 1, lợi nhuận 50

Chỉ với 3 tỷ đồng là đã có thể thành lập một trung tâm Anh ngữ với khoảng 15 phòng học đầy đủ trang thiết bị với tỷ suất lợi nhuận từ 20 - 50%.

Trong thị trường giáo dục có khoảng 170 dự án FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng số vốn đăng ký hơn 468 triệu USD, đào tạo ngoại ngữ chỉ là một miếng bánh nhỏ. Số các trung tâm ngoại ngữ có vốn FDI tại TP.HCM là xấp xỉ 60 và tại Hà Nội là 40. Nhưng trong một dịch vụ có lợi nhuận có thể lên tới 50% thì không có giới hạn nào có thể ngăn cản được số lượng các nhà đầu tư.

Rủi ro 1, lợi nhuận 50

Chỉ với 3 tỷ đồng là đã có thể thành lập một trung tâm Anh ngữ với khoảng 15 phòng học đầy đủ trang thiết bị với tỷ suất lợi nhuận từ 20 – 50%.

Cách đây 15 năm, sự xuất hiện của Trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS) đã là một hiện tượng. Trong bối cảnh các trung tâm Anh ngữ của các trường đại học lúc nào cũng đầy ắp học viên và giáo trình chỉ quanh quẩn ở English Streamline thì việc cung cấp những phòng học chỉ trên dưới 20 học viên, giáo trình lẫn phương pháp giảng dạy đều mới thì việc học viên đổ về các VUS cũng là điều dễ hiểu.

Hiện tượng này nhanh chóng trở thành cú hích, để rồi sau đó, hàng loạt trung tâm Anh ngữ trong lẫn ngoài nước lần lượt ra đời. “Nhu cầu học Anh ngữ ở Việt Nam đang rất cao do nhu cầu hòa nhập với thế giới ngày càng bức thiết”, ông Phạm Anh Khoa, Giám đốc Điều hành Yola Institute nhận định.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập, làm việc trong nước, theo ông Khoa, 5 năm trở lại đây, xu hướng du học đang tăng rất cao. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu năm 2010 – 2011, số lượng người Việt du học ở nước ngoài chỉ khoảng 98.000 thì trong năm học 2011 – 2012, số du học sinh Việt Nam đã lên đến hơn 106.000.

Con số này góp phần không nhỏ vào lượng người đến các trung tâm Anh ngữ. Tâm lý là phụ huynh muốn chuẩn bị trước vốn ngoại ngữ cho con em mình từ nhiều năm trước khi du học nên các trung tâm Anh ngữ càng trở nên đắt khách, đặc biệt là các trung tâm ngoại ngữ có vốn nước ngoài với lợi thế và chất lượng giảng dạy và chứng chỉ quốc tế.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến tháng 2/2013 cho thấy, lĩnh vực giáo dục và đào tạo hiện có khoảng 170 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký hơn 468 triệu USD, trung bình một dự án khoảng 2,8 triệu USD. Trong đó, số trung tâm ngoại ngữ có vốn FDI tại TP.HCM là xấp xỉ 60 và tại Hà Nội là 40.

Nhu cầu cao như thế, việc các nhà đầu tư hướng đến các trung tâm Anh ngữ cũng là tất yếu. Ông Khoa tiết lộ: “Chỉ với 3 tỷ đồng là đã có thể thành lập một trung tâm Anh ngữ với khoảng 15 phòng học đầy đủ trang thiết bị trên mặt bằng khoảng 500 m2”. Trong đó, khoảng 20% chi phí đầu tư cho mặt bằng, phần còn lại là sửa chữa, cải tạo cùng trang thiết bị dạy học.

Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Thế Bảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hệ thống Trường Việt Mỹ (VASS), khẳng định, đầu tư vào giáo dục tại Việt Nam nói chung và giảng dạy ngoại ngữ nói riêng vẫn là ngành đầu tư rủi ro thấp so với những lĩnh vực khác như kinh doanh bất động sản, chứng khoán, xuất nhập khẩu, sản xuất…

“Cuộc chiến” của những cái tên lớn

Các trung tâm Anh ngữ nước ngoài đang đẩy cuộc cạnh tranh lên một quy mô mới. Sức ép cạnh tranh này lý giải sự “biến mất” nhanh chóng Trung tâm Anh ngữ TVN Center ở Hà Nội hay hệ thống Trung tâm Anh ngữ Alpha ở TP.HCM.

Trọng chất lượng

Điểm hấp dẫn nhất trong kinh doanh trung tâm Anh ngữ là hiệu suất lợi nhuận khá cao. Một nhà đầu tư trong lĩnh vực này chia sẻ, con số này thấp nhất là 20%. Nếu hoạt động tốt, hiệu suất lợi nhuận có thể chạm đến ngưỡng 50%.

Số liệu cho thấy, vào những năm 1990, lợi nhuận của Anh văn Việt Mỹ có thể lên tới 30%, đến những năm 2000, mức lợi nhuận còn khoảng 20%, và từ những năm 2010 trở lại đây, mức lợi nhuận là 10 – 15%. Đây cũng là quy luật tất yếu khi ngày càng có nhiều trung tâm mới mở và người học có nhiều chọn lựa hơn, công với suy thoái kinh tế.

TS.Hồ Thiệu Hùng, thành viên sáng lập Trường Ngoại ngữ Không Gian ví von: “Chiếc chăn này vẫn còn rộng lắm và không anh nào kinh doanh trong lĩnh vực này bị hở chân cả”. Tuy nhiên, đặc thù của ngành này, để đảm bảo thành công thì điều cốt lõi không nằm ở giá trị đầu tư mà là nhân lực.

Theo ông Phạm Anh Khoa, các trung tâm Anh ngữ thời gian qua phát triển bùng nổ nhưng lượng giáo viên trong nước thì không thể nào đào tạo kịp tốc độ đó. Tương tự, lượng giáo viên nước ngoài đến Việt Nam làm việc cũng không đủ để đáp ứng. Do đó, việc tìm kiếm nhân lực phục vụ cho trung tâm Anh ngữ trở thành một cuộc chiến thực sự.

Hơn cả chi phí cho cơ sở vật chất, để vận hành trung tâm Anh ngữ, chi phí cho nhân sự chiếm lớn nhất, sau đó mới đến marketing. “Chúng tôi phải tận dụng mạng lưới du học sinh ở Mỹ để tìm kiếm nhân lực thích hợp”, ông Khoa chia sẻ.

Chung hoàn cảnh, ông Andrew Hollins, CEO Trung tâm Anh ngữ ACET, thừa nhận, vấn đề nhân lực chính là thử thách lớn nhất phải đối mặt hiện nay. Bản thân ACET vừa phải đào tạo, vừa phải thông qua đối tác UTS: Insearch để chuẩn bị nhân lực cho mình. Điển hình như việc trao đổi thường xuyên với đội ngũ học thuật tại UTS: Inseach thông qua các buổi hội thảo về đào tạo.

“Đồng thời các nhà quản lý của ACET cũng được tập huấn tại Sydney nhằm định hướng và đào tạo về chương trình giảng dạy mới. Và đây là một trong những cách mà chúng tôi đầu tư vào nhân lực để tạo lợi thế cạnh tranh”, ông Andrew cho biết.

Thành lập tháng 7/2005, cho đến nay, VASS đã phát triển hệ thống trường học với đầy đủ các cấp học với hơn 500 học sinh và gần 4.000 sinh viên đang theo học. Theo TS. Nguyễn Thế Bảo, chính vì đầu tư vào lĩnh vực dạy ngoại ngữ có hiệu quả và ít rủi ro nên vẫn có sức hút rất lớn, nhưng cũng đồng nghĩa với việc cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Bên cạnh nhà đầu tư trong nước, ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Khách hàng (người học) vì vậy mà có nhiều sự lựa chọn hơn nên đòi hỏi phải đầu tư nghiêm túc hơn. Bằng chứng là tình trạng đầu tư kiểu “mì ăn liền”, chỉ chú trọng đến lợi nhuận đang dần bị đào thải và nhiều trung tâm đã mất chỗ đứng trên thị trường.

Áp đảo quy mô

Bà Nguyễn Thu Nga, Giám đốc Điều hành Trường Ngoại ngữ Rise, thừa nhận, đầu tư trường ngoại ngữ không hề dễ, nhất là hiện nay có nhiều trung tâm đang mở rộng. Các trung tâm lớn như Hội đồng Anh, VASS, Apollo, ILA… đều đang có những đầu tư lớn và mở rộng. Trung tâm dạy Anh văn nổi tiếng nhất và cũng có học phí cao nhất tại TP.HCM là Hội đồng Anh (British Council).

Mặc dù trước nay giữ tiêu chí là trao đổi văn hóa và nhận hỗ trợ từ Chính phủ Anh nhưng trước nhu cầu của người học, Hội đồng Anh cũng mới mở thêm hai trung tâm đào tạo tại TP.HCM và Hà Nội. Trong khi đó, ngày 14 và 15/4, Apollo đã khai trương hai cơ sở tại Hà Nội và TP.HCM.

Trước đó, ngày 31/3, Apollo đã khai trương một cơ sở tại Đà Nẵng. Với ba cơ sở mới này, Apollo nâng tổng số cơ sở đào tạo tại Việt Nam lên con số 9. Điều này cũng cho thấy, Apollo đánh giá rất cao tiềm năng phát triển trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.

“Đây cũng là nỗ lực của Apollo nhằm đem lại các chương trình Anh ngữ đạt tiêu chuẩn quốc tế đến gần hơn với học viên Việt Nam”, ông Khalid Muhmood, đồng sáng lập Apollo cho biết.

Để tồn tại, DN nào cũng cố gắng có chiến lược đầu tư lâu dài, thậm chí phải chấp nhận chưa thể thu lợi nhuận trong vài năm đầu. “Chúng tôi đang rất thận trọng trong việc mở rộng mà tập trung đầu tư cho các phương pháp dạy và học mới.

Địa điểm học là yếu tố quyết định đến chất lượng học và hiệu quả kinh doanh mà tìm kiếm mặt bằng trong giai đoạn này cũng không dễ”, bà Nga chia sẻ. Không chỉ có Rise thận trọng, ACET, VASS… cũng đang tập trung phát triển chương trình đào tạo.

Ngoài các chương trình đào tạo theo giáo trình để lấy chứng chỉ Anh ngữ quốc tế IELTS, TOEFT… ACET đang “đánh” vào mảng đào tạo tiếng Anh theo chương trình cho học sinh trung học. Ông Andrew Hollins cho biết, chương trình mới của ACET đang được học sinh đón nhận khá nhiệt tình.

Việc “bản địa hóa” chương trình đào tạo cho thấy quyết tâm chinh phục thị trường của đơn vị FDI này. Bên cạnh đó, ACET cũng đang đầu tư thêm một cơ sở nữa, nâng tổng số cơ sở của đơn vị này lên 4 trung tâm.

Tương tự, với lợi thế thời gian đầu tư dài, VASS nay đã “phủ sóng” từ bậc học mầm non, tiểu học, trung học… VASS vừa mới triển khai chương trình ESEDO, một giải pháp học ngoại ngữ toàn diện dựa trên phần mềm học tiếng Anh online EDO của Viện Khảo thí Hoa Kỳ (ETS).

“Và một khi đã xây dựng hệ thống VASS và chương trình đào tạo hoàn chỉnh, từ năm 2013 trở đi, chúng tôi sẽ tập trung mở rộng mạng lưới và cơ sở. Dự kiến mỗi năm chúng tôi sẽ mở rộng tối thiểu từ hai đến ba trung tâm mới với suất đầu tư khoảng 200.000 USD đến 500.000 USD (từ 4 – 10 tỷ đồng) cho mỗi trung tâm, tùy vị trí và quy mô lớp học của các trung tâm mới này”, ông Nguyễn Thế Bảo khẳng định.

Ông Phạm Anh Khoa nhận định, thời điểm hiện nay tuy đối mặt với suy giảm kinh tế nhưng thuê mặt bằng đang thuận lợi. Như vậy, đầu tư giai đoạn này để đón đầu làn sóng học viên mới, sẽ giúp DN thuận lợi hơn trong tương lai.

Theo kế hoạch, Yola sẽ ra mắt thêm một trung tâm Yola English, chuyên đào tạo Anh văn kết hợp kỹ năng, tạo nền tảng cho học viên từ nhỏ để sau này sang nước ngoài học, tránh được tình trạng thiếu kỹ năng như hiện nay. Và trong hai năm tới, dự kiến Yola sẽ phát triển thêm ba trung tâm nữa ở TP.HCM.

Ông Khoa tiết lộ: “Yola đang có ý định “Bắc tiến”. Chúng tôi đang nghiên cứu thị trường và nhận thấy rằng, nhu cầu học Anh ngữ ở Hà Nội vẫn chưa được đáp ứng đủ”.

Vừa mở rộng chương trình, vừa mở rộng quy mô lẫn số lượng…, rõ ràng các “ông lớn” trong lĩnh vực kinh doanh trung tâm ngọai ngữ đang cố gắng đẩy cuộc cạnh tranh nên một cấp độ mới.

Trong cuộc cạnh tranh này, sẽ sớm qua thời các trung tâm ngoại ngữ mọc như nấm sau mưa, chỉ còn những trung tâm thật sự có chất lượng cao.

Theo DNSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

20 − sixteen =

To Top