Connect with us

Khi Apple chịu xuống nước

Tình huống thương hiệu

Khi Apple chịu xuống nước

Để lấy lòng khách hàng dịch vụ quảng cáo di động iAd, Apple đã chịu nhân nhượng. Để lấy lòng khách hàng dịch vụ quảng cáo di động iAd, Apple đã chịu nhân nhượng.

Huyền thoại quá cố Steve Jobs tung ra dịch vụ quảng cáo di động iAd vào tháng 7.2010 nhằm bán quảng cáo qua các ứng dụng trên thiết bị di động của Apple như iPhone, iPad và iPod. Ông kỳ vọng rằng iAd sẽ thu hút ngày càng nhiều khách hàng đến với Apple hơn so với dịch vụ AdMob đang được ưa chuộng của Google.

Tuy nhiên, cho đến nay, dịch vụ này đã không mang lại kết quả như mong đợi khi thị phần của Apple trên thị trường quảng cáo di động bị sụt giảm. Theo khảo sát của hãng nghiên cứu IDC (Mỹ), vào năm ngoái, Apple đã cùng Google nắm giữ vị trí số 1 trên thị trường quảng cáo hiển thị di động Mỹ, với 19% thị phần. Thế nhưng, năm nay, Apple đã rớt xuống vị trí thứ ba, với chỉ 15% thị phần (tương đương 95 triệu USD trên tổng doanh thu 630 triệu USD của toàn thị trường) sau Google (24%) và hãng quảng cáo di động độc lập Millennial Media. Phát ngôn viên của Apple từ chối bình luận về điều này.

Phí dịch vụ quá cao

Mặc dù doanh thu quảng cáo hiển thị di động của Apple đã giảm mạnh chỉ còn chiếm 15% tổng doanh thu của toàn thị trường, nhưng không hẳn dịch vụ iAd là một sự thất bại. Trên thực tế, một số nhà làm marketing cho biết, họ rất hài lòng với kết quả của chiến dịch quảng cáo iAd và sẽ gia hạn hợp đồng quảng cáo với Apple. Chẳng hạn, Unilever gần đây đã đồng ý ký tiếp hợp đồng iAd với Apple trong năm tới, trong đó có việc tung ra chiến dịch iAd tại các thị trường đang phát triển.

Unilever – tập đoàn đã mua 13 chiến dịch quảng cáo iAd cho các nhãn hàng gồm xà phòng Dove, kem Ben & Jerry – cho biết người tiêu dùng Mỹ đã dành ra một khoảng thời gian “đáng ngạc nhiên” vào các mẫu quảng cáo này, so với mức trung bình 68 giây trên các thiết bị di động.

Lý do chính khiến iAd bị chê, theo các nhà làm marketing, là giá dịch vụ quá cao. Trong khi đó, dịch vụ AdMob của Google lại được tính phí phải chăng hơn và có mặt ở nhiều loại thiết bị khác nhau, chứ không như Apple (chỉ người sử dụng thiết bị Apple mới xem được quảng cáo).

Có thể thấy Google và các nhà cung cấp dịch vụ khác gia tăng được thị phần trong năm nay là nhờ họ đã đưa ra cách tính phí khá linh hoạt và được phân chia thành nhiều cấp. Theo một nhà điều hành quảng cáo (không muốn nêu tên), họ tính phí từ 4-12 USD/1.000 lần hiển thị quảng cáo, tùy vào loại quảng cáo. Nếu là quảng cáo theo kiểu làm video hay quảng cáo cao cấp hơn có nhắm đến đối tượng cụ thể thì mức phí sẽ cao hơn các mẫu quảng cáo banner đơn thuần.

Thị trường quảng cáo hiển thị trên thiết bị di động tại Mỹ năm 2011

 

Nhân nhượng

Để cứu lấy thị phần đang mất vào tay dịch vụ AdMob và các đối thủ khác, Apple đã thực hiện một số thay đổi. Hãng đã cởi mở hơn trong việc thương thảo mức cam kết chi tiêu mà hãng yêu cầu đối với các nhà quảng cáo. Theo một nguồn tin thân cận, ban đầu Apple yêu cầu các nhà làm marketing cam kết bỏ ra ít nhất 1 triệu USD vào các chiến dịch quảng cáo di động trên iPhone hay iPad, iPod. Con số này sau đó được giảm xuống còn 500.000 USD. Nhưng nay, Apple đưa ra con số tối thiểu chỉ là 400.000 USD.

Apple cũng linh hoạt hơn trong việc đưa ra chính sách định giá. Thay vì tính phí trên mỗi lần người sử dụng nhấp vào một mẫu quảng cáo, Apple sẽ đặt ra mức trần đối với việc tính phí. Cụ thể, các nhà quảng cáo nay sẽ trả 10 USD/1.000 lần hiển thị quảng cáo và trả 2 USD mỗi lần quảng cáo đó được (người sử dụng) nhấp vào.

Ngoài ra, để thu hút nhiều nhà quảng cáo hơn, Apple đang xây dựng một chương trình đào tạo về lĩnh vực marketing di động. Chương trình này được thực hiện cùng với hãng truyền thông OMD để giới thiệu các khách hàng quảng cáo tổng quan về ngành marketing di động.

Trong những tuần gần đây, khoảng 30 nhà điều hành marketing cấp cao từ các công ty như PepsiCo, Clorox và J.C. Penney, đã thăm trụ sở của Apple ở Cupertino (Mỹ), tham gia các buổi làm việc với nhà thiết kế cũng như nhóm làm ra sản phẩm của Apple.

Điều này đã cho thấy Apple đang học theo cách tiếp cận của các hãng công nghệ khác. Việc mời các nhà làm marketing đến thăm trụ sở xưa nay là chiến thuật được các hãng công nghệ tại Thung lũng Silicon sử dụng, đặc biệt là các hãng phải sống nhờ vào quảng cáo như Google, Yahoo! và Facebook.

Tuy nhiên, chỉ như vậy vẫn không đủ. Một thách thức lớn mà Apple phải đối mặt, theo chuyên gia phân tích Karsten Weide thuộc IDC, là do Công ty chỉ bán quảng cáo xuất hiện trên các thiết bị của mình (tức chỉ người sử dụng thiết bị của Apple mới xem được quảng cáo) nên các nhà làm marketing buộc phải mua quảng cáo từ các đối thủ của Apple để tiếp cận nhiều khách hàng hơn.

Thách thức của Apple không chỉ có thế. Trên thực tế, việc nhân nhượng các nhà quảng cáo cũng là cách gián tiếp để gia tăng lòng trung thành của các nhà phát triển ứng dụng của Apple, nhất là trong bối cảnh các nhà phát triển ứng dụng ngày càng trở nên hứng thú hơn với việc phát triển phần mềm cho các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android của Google. Nhiều nhà phát triển ứng dụng cho biết, dịch vụ iAd tạo ra lượng doanh thu quá ít cho họ (các nhà phát triển ứng dụng sẽ được trả tiền dựa vào số lần người sử dụng xem các mẫu quảng cáo). David Barnard, nhà sáng lập công ty ứng dụng di động App Cubby, cho biết ông chỉ kiếm được 320 USD từ iAd trong 30 ngày qua.

Như vậy, sứ mệnh của iAd rất quan trọng. Đó là thu hút nhiều nhà quảng cáo hơn, để từ đó làm tăng doanh thu cho các nhà phát triển ứng dụng. Có như vậy mới có thể giữ chân được họ.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

seventeen + five =

To Top