Tình huống thương hiệu
Hội chứng thực phẩm sạch
Tình trạng mất an toàn vệ sinh, cùng sự bất an trước hàng Trung Quốc, người tiêu dùng tại TP HCM tìm đến những thực phẩm gắn mác “sạch”.Ma trận gạo sạch
Mặt hàng gạo gần đây được không ít các doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng thực phẩm rầm rộ đưa ra thị trường với “ma trận” quảng cáo hoa mỹ “sạch, an toàn”. Đây là mặt hàng chưa có những bê bối về an toàn thực phẩm, nhưng cũng chưa có vùng sản xuất lúa nào tuyên bố trồng lúa sạch.
Tại thị trường TP.HCM, một số doanh nghiệp như Hòa Phát, Gạo Sạch, Hưng Lâm, Viễn Phú… đang đẩy mạnh việc mở rộng bán lẻ gạo sạch khắp các quận, huyện, trong đó có doanh nghiệp đã mở được hàng chục cửa hàng, đại lý bán lẻ. Gạo sạch, theo lời quảng cáo của các doanh nghiệp là được sản xuất với quy trình hiện đại trên vùng đất hoàn toàn mới, chưa hề được canh tác, vẫn giữ nguyên được tính hoang sơ, không tồn dư hóa chất và kèm theo các chỉ số về dinh dưỡng, hoạt chất sinh học, đường huyết… có khả năng hỗ trợ phòng ngừa các loại bệnh như tiểu đường, ung thư, tim mạch, thiếu máu…
Bao bì, định lượng của gạo sạch cũng hết sức đa dạng. Từ loại đóng túi 5, 10, 15, 20kg với bao bì được chăm chút đẹp mắt đến những loại không được đóng gói, nhãn mác nhưng cũng được rao là gạo sạch. Giá gạo sạch có loại lên đến 50.000-60.000 đồng/kg. Tại cửa hàng Ogannik (P.Thảo Điền, Q.2, TP HCM) còn bán cả loại gạo được giới thiệu là trồng theo phương pháp hữu cơ từ Lào về, với giá lên tới 75.000 đồng/kg.
Rau sạch, đắt mấy cũng mua
Để tránh rau Trung Quốc, nhiều người tiêu dùng tìm đến các cửa hàng bán rau sạch với mong muốn mua được các loại rau củ quả an toàn dù chấp nhận trả giá “chát”. Chị Uyên, nhà ở khu dân cư Khang Điền, quận 9, cho biết chị thường mua rau, quả tại một cửa hàng bán rau sạch ở quận 2 với giá có khi đắt hơn gấp 3-4 lần rau cùng loại bán tại các chợ. Dù đắt, nhưng chị bảo yên tâm vì nguồn gốc rau quả ở đây được niêm yết rõ ràng, và nhất là rau không chất bảo quản, không thuốc trừ sâu.
Còn theo chị Nga, ở khu dân cư Tân Hải Minh, quận Thủ Đức thì việc tìm đến với rau, quả có gắn mác sạch ở xóm chị đang dâng lên như một trào lưu. Phần lớn các bà nội trợ trong xóm này chỉ mua rau, quả, thịt cá tại các cửa hàng có gắn mác sạch, với quan niệm giá càng cao càng yên tâm độ sạch.
Tại một cửa hàng rau quả sạch ở P.Thảo Điền, Q.2, giá bán 1kg rau xà lách hiện hơn 120.000 đồng/kg, cá biệt có những loại rau lên tới hơn 200.000 đồng/kg, cao gấp 4-5 lần giá bán tại các chợ, siêu thị. Các loại rau, củ thông thường như: đậu que, đậu bắp, cà chua, cà rốt tại đây giá luôn cao hơn 4 – 5 lần so với giá bán tại các chợ, siêu thị, dù nguồn gốc của những loại rau bày bán tại đây xuất phát từ Đà Lạt. Theo lý giải của nhân viên của hàng, sở dĩ các loại rau củ ở đây đắt là vì được canh tác bằng các chất hữu cơ, hoàn toàn không có sự can thiệp bởi các chất hóa học. Rau trồng trong các nhà kính, có giàn cách đất hoặc trồng tại đất có màng phủ.
Toàn bộ quá trình lựa chọn giống, trồng, chăm sóc đến phòng trừ sâu bệnh cho các lọai rau này dựa theo các cơ chế sinh học của rau. Nhân viên này còn tiết lộ, trước đây khách của cửa hàng có đến 97% là người nước ngoài, chỉ có 3% là khách nội địa, nhưng nay khách nội địa đã tăng lên hơn 20%.
Đến trào lưu cà phê sạch
Nắm bắt được tâm lý của dân ghiền cà phê bất an trước tình trạng pha, trộn đậu nành, bắp và các loại hóa chất vào cà phê đã bị phanh phui gần đây, nhiều quán cà phê thi nhau trưng mô hình cà phê sạch, thậm chí là siêu sạch. Theo lý giải của các quán này, cà phê sạch được rang xay tại quán, và khách uống sẽ nhìn được hạt không lẫn các loại hóa, tạp chất. Với lý giải này, rất nhiều quán cà phê bày thêm máy xay, cà phê hạt ra giữa quán như một vật bảo chứng với khách.
Không chỉ các quán lớn, nhiều quán vỉa hè chuyên cà phê “kho”- loại pha sẵn, cũng trưng bảng bán cà phê sạch. Mặt hàng này cũng nở rộ với đội xe chở đi bán dạo, tiếp thị đến tận tay khách hàng với nhiều hình thức. Anh Thư, nhân viên kinh doanh của một công ty truyền thông ở quận Tân Bình khẳng định: 2 tháng nay chỉ uống cà phê rang xay tại chỗ của các quán cà phê sạch chứ không uống ở bất cứ quán nào khác, dù có là quán quen.
Ai kiểm chứng hàng sạch
Thực tế các loại thực phẩm sạch hiện nay như rau quả, thịt cá, gạo…chỉ do các doanh nghiệp tự gắn mác, chưa có sự kiểm chứng, khẳng định của cơ quan có chức năng, song lại đắt hàng bởi trào lưu của người tiêu dùng.
Theo GS-TS. Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, sản phẩm gạo hiện nay cũng có một số tiêu chuẩn sạch dựa vào chu trình canh tác, thu hoạch như: VietGap, GlobalGap, Organic … Nhưng ở Việt Nam diện tích lúa được canh tác theo các tiêu chuẩn này mới gần 20.000 ha, cho năng suất khoảng 120.000 tấn lúa (60.000 tấn gạo ) mỗi năm. GS Bửu cho rằng đây là một lượng nhỏ, rất khó để có thể các nhà kinh doanh bán đại trà.
Một chủ đại lý gạo khá lớn ở quận 11 tiết lộ, thực tế sự đa dạng của gạo trên thị trường hoàn toàn nằm trong tay các cửa hàng, đại lý. Để có một loại gạo mới chỉ cần đem hai loại gạo trộn với nhau. Nếu muốn ra gạo ngon thì cho tỉ lệ gạo ngon nhiều, gạo dở ít và ngược lại, tùy nhu cầu của khách hàng, và thường từ 2 loại gạo khác nhau có thể tạo ra được 2- 3 loại gạo mới. Anh này ví dụ: gạo Đài Loan chỉ có một loại, nhưng tại các cửa hàng lại có Đài Loan 1, 2, 3 hay Đài Loan đặc biệt.
Còn theo chủ một quán cà phê trên đường Võ Thị Sáu, quận 3, hình thức xay cà phê tại quán chỉ là chiêu để “hù” khách không hiểu. Thực tế, việc tẩm, ướp, trộn tạp chất đã được thực hiện trong quá trình rang trước đó mà khách hàng không thể nhận ra được. “Cà phê uống được hiện nay bình thường phải 160.000-180.000 đồng/kg, nhiều loại lên đến 200.000-210.000 đồng/kg, trong khi nhiều nơi đến chào quán tôi chỉ 110.000 đồng/kg nhưng xưng là cà phê sạch, nguyên chất. Người chỉ cần biết một chút về đặc tính loại thức uống này khi nếm thử vị là nhận ra ngay”, anh này cho biết.
Theo Zing