Connect with us

Hiroaki Nakanishi đã vực dậy Hitachi thế nào

Tình huống thương hiệu

Hiroaki Nakanishi đã vực dậy Hitachi thế nào

Khi Hiroaki Nakanishi trở thành Chủ tịch Hitachi vào tháng 4.2010, các tập đoàn điện tử Nhật đang rơi vào thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử 102 năm của ngành, với 4 năm bị thua lỗ tổng cộng gần 1.000 tỉ yen (12,5 tỉ USD).

Cho đến nay, nhiều hãng điện tử vẫn còn vật lộn với những khoản lỗ lớn trong mảng sản phẩm tiêu dùng và chịu tác động bởi đồng yen mạnh. Nhưng Hitachi – nhà sản xuất hàng điện tử lớn nhất Nhật với 121 tỉ USD doanh số bán hằng năm và 900 công ty con, sản xuất mọi thứ từ nhà máy điện hạt nhân cho đến nồi cơm điện – thì không. Tập đoàn đã có năm thứ hai đạt mức lợi nhuận kỷ lục. Cụ thể, ngày 10.5, Hitachi cho biết lợi nhuận ròng đã tăng 45%, đạt 347,18 tỉ yen (4,35 tỉ USD) trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31.3.2012.

Kết quả này là sự lội ngược dòng ngoạn mục so với mức lỗ lên tới 9,9 tỉ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2009, mức lỗ hằng năm lớn nhất trong lịch sử một công ty sản xuất của Nhật. Các nhà đầu tư rất phấn khởi trước sự hồi sinh mạnh mẽ của Hitachi. Giá cổ phiếu của Tập đoàn đã tăng tới 39% kể từ khi Nakanishi trở thành Chủ tịch, trong khi chỉ số Nikkei 225 giảm tới 19% trong cùng thời kỳ.

Sự trỗi dậy của Hitachi được đánh giá là ngoạn mục nhất trong lịch sử doanh nghiệp Nhật. Ông Nakanishi chính là người đã làm nên kỳ tích đó.

Lãi/lỗ hằng quý của Hitachi

Đặt mục tiêu biên lợi nhuận 10%

Sự trỗi dậy của Hitachi cũng cho thấy thực trạng ảm đạm của ngành điện tử Nhật. Những thiết bị điện tử dùng trong gia đình – một thời là biểu tượng cho sức mạnh của ngành sản xuất Nhật – đã không còn tạo ra lợi nhuận. Với nền văn hóa doanh nghiệp Nhật luôn bám với cội nguồn, khiến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhiều khi cũng cảm thấy khó mà thực hiện những thay đổi triệt để. Sony Corp, chẳng hạn, đã thua lỗ từ việc bán tivi trong 8 năm qua nhưng vẫn cố tìm cách vực dậy bộ phận này, hơn là từ bỏ. Mới đây, Công ty đã tuyên bố mức lỗ kỷ lục 456,7 tỉ yen trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2012, mức lỗ 4 năm liên tiếp và là mức tồi tệ nhất trong lịch sử 66 năm của Tập đoàn.

Nhưng Nakanishi thì đã can đảm đoạn tuyệt với quá khứ. Khi lên nắm quyền, ông đã không ngần ngại chia tách các bộ phận liên quan đến mảng tiêu dùng như điện thoại di động, linh kiện, phụ tùng máy tính và tivi màn hình phẳng để tập trung vào mảng cơ sở hạ tầng có khả năng sinh lợi cao hơn như các dự án nhà máy điện, xây dựng đường ray, nhà máy xử lý nước. Các mảng tiêu dùng dự kiến sẽ chiếm chưa tới 10% doanh thu của Hitachi trong năm tài chính này – gần bằng phân nửa tỉ trọng của cách đây 1 năm. Trong khi đó, các mảng liên quan đến cơ sở hạ tầng sẽ chiếm tới 2/3 tổng doanh thu năm nay và gần 80% lợi nhuận của Tập đoàn.

Sau khi định hướng lại các bộ phận quan trọng, bước tiếp theo của Nakanishi là thực hiện một chương trình cắt giảm chi phí đầy tham vọng. Ông cho biết đã rút ra điều này từ một trận thua đau từ thời ông còn phụ trách mảng năng lượng và công nghiệp của Tập đoàn (khi đó, Takashi Kawamura là Chủ tịch của Hitachi, giai đoạn tháng 4.2009-4.2010). Thời gian đó, ông đấu thầu một dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, thế nhưng hợp đồng lại rơi vào tay một nhóm công ty của Hàn Quốc, do thua về giá. “Phải nhìn nhận một thực tế là Hitachi rất yếu kém. Và chúng tôi còn phải học hỏi nhiều”, ông nói.

Vì thế, sau khi trở thành Chủ tịch Hitachi, ông đã rà soát lại tổng thể cơ cấu chi phí của Tập đoàn và cắt giảm mạnh tay tất cả những khoản chi bất hợp lý để cạnh tranh với các đối thủ có thể dự thầu giá rẻ hơn trong những dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài. Và lần đầu tiên, Hitachi đã thuê những chuyên gia tư vấn bên ngoài để nghiên cứu điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ. Công ty hiểu được rằng các đối thủ toàn cầu như IBM và GE luôn chuẩn bị tốt nguồn lực cũng như thuê ngoài các dịch vụ ở các quốc gia có giá rẻ hơn để tiết giảm chi phí.

Đó là lý do tháng 3 vừa qua, ông đã tung ra sáng kiến tiết kiệm 450 tỉ yen chi phí trong vòng 4 năm tới. Hitachi dự kiến sẽ tăng cường mua vật liệu từ thị trường nước ngoài, chẳng hạn, nơi có giá rẻ hơn trung bình 40% so với tại Nhật. Ông cũng đang tìm cách tiết kiệm chi phí từ việc thuê bất động sản ở Mỹ, nơi Tập đoàn đang thuê hơn 100 văn phòng cho 28 chi nhánh của mình.

Về nhân sự, trong năm qua, Hitachi đã giảm tới 10,5% lực lượng lao động, xuống còn 323.540 người (trong phần lớn thập kỷ qua, Hitachi luôn đứng đầu hàng ngũ các công ty đại chúng Nhật về số lượng nhân viên). Con số này dự kiến sẽ tiếp tục giảm. Đây là một nỗ lực lớn của Nakanishi trong bối cảnh sa thải nhân viên là việc khó khăn về luật pháp và văn hóa doanh nghiệp Nhật.

Một mục tiêu lớn khác mà Nakanishi đặt ra cho Hitachi là tăng gấp đôi biên lợi nhuận vào năm 2015 lên mức gần 10%. Theo ông, mức lợi nhuận này sẽ giúp mang lại nguồn tài chính đủ để Tập đoàn có thể trở thành một tay chơi tầm cỡ trên thị trường quốc tế.

Mục tiêu đạt 10% biên lợi nhuận của Nakanishi không phải là to tát so với các tập đoàn quốc tế như GE, Siemens hay IBM, vì các công ty này đều có biên lợi nhuận 2 con số. Nhưng đối với một tập đoàn Nhật, đó là điều hiếm hoi. Bởi lẽ xưa nay, các tập đoàn Nhật chỉ chăm bẵm vào việc tăng trưởng doanh thu hơn là khả năng sinh lời. NEC Corp, Toshiba, Fujitsu và hầu hết các hãng điện tử lớn của Nhật đều có biên lợi nhuận chưa tới 5% (nếu hoạt động có lãi). Còn ở Hitachi, trong năm tài chính gần nhất, biên lợi nhuận hoạt động chỉ là 4,3%.

Không do dự

Kể từ khi được thành lập vào năm 1910, Hitachi đã là xương sống công nghệ và công nghiệp Nhật. Các thiết bị xây dựng của Hitachi đã góp phần làm nên những tòa nhà cao tầng trên cả nước, các hệ thống điện của Hãng thì cung cấp năng lượng cho các tòa nhà văn phòng và nhà máy, còn thiết bị gia dụng lại có mặt trong khắp các gia đình Nhật. Vào cuối thập niên 1980, khi nền kinh tế Nhật trở nên hùng mạnh, Hitachi cũng vậy. Và khi nền kinh tế Nhật suy yếu, Hitachi cũng thế. Vào năm 2004, Nakanishi – người đầu quân cho Hitachi vào năm 1970 sau khi tốt nghiệp Đại học Tokyo (ông cũng có bằng thạc sĩ khoa học máy tính từ Đại học Stanford) – được chỉ định điều hành các cơ sở nước ngoài đang gặp khó khăn của Tập đoàn.

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của ông là tìm ra lý do vì sao bộ phận ổ đĩa cứng lại bị thua lỗ. Hitachi đã mua lại HDD từ IBM với giá 2,05 tỉ USD vào năm 2002 và sáp nhập nó với bộ phận đĩa của mình. Thế nhưng kể từ đó, bộ phận này đã không tạo ra lợi nhuận.

Sau 2 tháng tìm hiểu, Nakanishi nhận thấy vấn đề nằm ở quản lý kém, dẫn đến chất lượng sản phẩm làm ra rất tệ. Gần 60% ổ đĩa cứng sau khi rời khỏi dây chuyền sản xuất là không thích hợp để sử dụng. Kết quả là các nhà sản xuất máy tính cá nhân đã không tin tưởng Hitachi.

Để vực dậy bộ phận này, Nakanishi tuyển dụng các nhà điều hành từ công ty đối thủ, tổ chức lại dòng sản phẩm và cơ sở sản xuất. Nhờ đó, bộ phận bắt đầu có lãi lại vào năm 2008. Sau đó, khi trở thành Chủ tịch của Hitachi, Nakanishi cho rằng bộ phận ổ đĩa cứng, vốn đang tạo ra biên lợi nhuận hơn 10%, không còn là một sản phẩm cốt lõi của Hitachi. Và ông đã quyết định bán bộ phận này và Western Digital (Mỹ) đã mua lại với giá lên tới 4,8 tỉ USD vào tháng 3 vừa qua.

Việc bán đi một bộ phận mà ông đã dày công chăm sóc trong nhiều năm qua và đặc biệt là một bộ phận đang sinh lợi cho thấy sự không do dự của Nakanishi. Ông cho biết, ngành ổ đĩa cứng, với tính chất thay đổi nhanh, không mấy phù hợp với một tập đoàn lớn.

Không chỉ bán đi bộ phận ổ đĩa cứng đang ăn nên làm ra, một động thái quyết liệt khác của ông là chia tách bộ phận màn hình phẳng. Trong nhiều năm trời, các nhà lãnh đạo của Hitachi không biết phải làm gì với bộ phận màn hình LCD. Họ không can đảm vứt bỏ nó, trong khi sản xuất màn hình LCD đòi hỏi phải có vốn lớn để phát triển công nghệ mới và đầu tư các dây chuyền sản xuất. Vì thế, những năm gần đây, bộ phận LCD vẫn cứ sống lay lắt. Còn Hitachi thì vẫn cứ do dự, không dám rót vốn đầu tư vào lĩnh vực mới.

Sau khi Nakanishi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch, sự do dự này không còn nữa. Vào giữa năm 2011, Hitachi đã quyết định chia tách bộ phận LCD và sáp nhập với các công ty màn hình LCD của Sony và Toshiba tạo thành một công ty gọi là Japan Display. Khi cuộc đàm phán thành lập công ty mới đi đến giai đoạn quyết định vào năm ngoái thì Nakanishi lại đang công du bên trời Âu. Không muốn bỏ lỡ thời gian, ông đã “ký” thỏa thuận cuối cùng qua điện thoại và email. Đây là điều bình thường đối với hầu hết các nhà điều hành toàn cầu, nhưng vẫn là chuyện hiếm hoi với người Nhật.

Nakanishi xác định nguồn thu chính hiện nay của Tập đoàn là đến từ thị trường nước ngoài. Trên thực tế, thị trường nước ngoài đang chiếm tới 57% tổng doanh thu và 2/3 lực lượng lao động của Tập đoàn. Bản thân ông cũng tích cực đi tìm kiếm hợp đồng ở nước ngoài. Tháng 6 năm ngoái, chỉ 3 tháng sau khi diễn ra thảm họa rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, ông Nakanishi đã gặp gỡ Thủ tướng Andrius Kubilius của Lithuania để thúc đẩy việc triển khai nhà máy điện hạt nhân do liên doanh của Hitachi với GE thực hiện. Đến cuối tháng 3.2012, Hitachi đã ký hợp đồng nhượng quyền với Bộ Năng lượng nước này để xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Visaginas.

Tháng vừa qua, Nakanishi đã nói trước 800 nhân viên mới rằng tương lai của Hitachi phụ thuộc vào việc Hãng chuyển mình trở thành một đối thủ toàn cầu. “Chỉ mỗi việc lấy sản phẩm và dịch vụ chúng ta đang bán ở Nhật đem sang bán cho khách hàng nước ngoài thì không đủ. Để thực sự hiểu được họ cần gì, các bạn không thể chỉ ngồi bàn giấy ở Nhật và nghiên cứu số liệu, mà phải đi sang tận nơi, học hỏi ngôn ngữ của họ và tự mình cảm nhận lấy”. 

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

fifteen + 3 =

To Top