Connect with us

Hàng VN Mỹ: Chấp nhận ngõ hẹp hay tìm vào cửa lớn?

Tình huống thương hiệu

Hàng VN Mỹ: Chấp nhận ngõ hẹp hay tìm vào cửa lớn?

Đến nhiều nơi ở Mỹ, hai cảm xúc trái ngược khi tìm hiểu sự hiện diện của hàng Việt Nam. Vui khi vào bất kỳ cửa hàng, siêu thị do người Việt Namhay người Hoa làm chủ thấy vô số hàng Việt Nam.

Tiếc khi trong những hệ thống siêu thị, đại siêu thị có tiếng của Mỹ, hàng do Việt Nam sản xuất quá ít ỏi và phải nấp dưới thương hiệu nước ngoài.

Chỉ mới đến ngõ

Hơn 1 triệu người Việt Nam đang sống tại Mỹ là lực lượng tiêu thụ đáng kể, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm. Người Việt Nam sống ở Mỹ hiện giờ muốn ăn bất cứ món ăn Việt nào cũng có, không đủ thời gian thì ra các nhà hàng, thích nấu nướng tại nhà thì ra các chợ hoặc siêu thị mua thực phẩm về chế biến.

Trong các chợ do người Việt làm chủ, không thiếu loại rau củ quả tươi nào đã quen thuộc với người Việt Nam, kể cả những loại rất bình dân như rau muống, rau lang, rau dền…; có đủ những loại khô, mắm, nước chấm, gia vị đặc trưng như mắm nêm, tương bần, mắm ruốc chà… được ưa chuộng của các vùng miền Việt Nam; có cả những loại trái cây mà người nước ngoài không quen hương vị thì nói là “không chịu nổi mùi” như mít, sầu riêng.

Về thực phẩm chế biến công nghiệp, những nhãn hiệu Việt Nam nhan nhản trên những sản phẩm bánh tráng, mì ăn liền, mì vắt, hủ tiếu, phở, bún khô, nước mắm, nước tương, cà phê, bột làm bánh…, thấy mà vui.

Vui hơn nữa khi được nghe chính những chủ chợ là người Hoa cũng nói tỷ lệ hàng Việt Nam mà họ nhập sang ngày càng tăng nhiều so với hàng nhập từ Trung Quốc hay một số nước châu Á khác vì tầm ảnh hưởng của ẩm thực Việt Nam đang lan nhanh ở Mỹ.

Số liệu thống kê từ hải quan ghi nhận từ năm 2003 đến nay, Mỹ luôn là thị trường giành vị trí quán quân về tiêu thụ hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam.

Năm 2012, Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ khoảng 20 tỉ USD, tăng 16,19% so với năm 2011, chiếm 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, đứng đầu trong các thị trường xuất siêu của Việt Nam.

Quý I/2013, xuất khẩu vào Mỹ trên 4,74 tỉ USD, tiếp tục tăng 16,74% so cùng kỳ. Theo dự báo, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ có thể đạt 22,5 tỉ USD trong năm nay.

Những số liệu trên nghe đáng phấn khởi và càng khẳng định sự hiện diện nhiều hơn hàng Việt Nam ở Mỹ. Tuy vậy đáng tiếc là thực tếở Mỹ, hàng Việt Nam chỉ mới có mặt nhiều ở những chợ nhỏ, đơn lẻ của người Việt và người Hoa, chủ yếu là thực phẩm.

Còn trong những hệ thống siêu thị, đại siêu thị như Walmart, Kroger, Costco…, hàng do Việt Nam sản xuất quá ít ỏi trong vô vàn hàng hóa có xuất xứ từ nhiều nước và nếu có thì không với chính nhãn hiệu Việt Nam, mà phải nấp dưới thương hiệu nước ngoài, ngay cả với những mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu hàng tiêu dùng xuất khẩu sang Mỹ như hàng may mặc, giày dép, đồ gỗ, thủy sản, túi xách.

Tìm vào cửa lớn: có cam phận ẩn danh?

Hỏi các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng sang Mỹ nguyên nhân của tình trạng trên, phần lớn đều nhìn nhận họ chưa tiếp cận được các hệ thống siêu thị lớn của Mỹ. Hàng thực phẩm xuất khẩu qua các chợ của người Việt hay người Hoa cũng hầu như do nhà nhập khẩu nhận thấy nhu cầu tại Mỹ mà tìm về Việt Nam mua hàng.

Điều này bộc lộ hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm hiểu thị trường và tiếp thị, mặc dù những quy định về vệ sinh thực phẩm, an toàn tiêu dùng của hàng hóa cũng như các thủ tục khi xuất khẩu vào thị trường này doanh nghiệp đã có kinh nghiệm.

Tiếp xúc với những người tiêu dùng Mỹ, họ đưa ra nhận xét: việc tranh thủ người Việt Nam định cư tại Mỹ làm đại lý phân phối hay trực tiếp bán lẻ tới cộng đồng người Việt Nam là cần thiết, nhưng số lượng hàng hóa tiêu thụ không thể nhiều và không đa dạng.

Trong khi các hệ thống phân phối lớn của Mỹ có mặt không những ở khắp nước Mỹ mà còn mở rộng ra các nước khác, kinh doanh đa dạng ngành hàng, thỏa nhu cầu nhiều đối tượng, nên số lượng tiêu thụ lớn gấp vài chục lần.

Ý kiến đó đáng để suy nghĩ vì trong tình hình kinh tế thế giới chưa hết khó khăn, các nước xuất khẩu gặp khó vì bị áp thuế và bị các thị trường lớn sử dụng rào cản kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, thì việc xuất khẩu qua các kênh siêu thị bán lẻ lớn ở Mỹ là một hướng giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường lớn này.

Tập đoàn bán lẻ Kroger của Mỹ đã có cuộc gặp trao đổi với một số doanh nghiệp Việt Nam vào giữa tháng 5 vừa qua.

Ông Tim Kelbel, phó chủ tịch phụ trách nhãn hiệu doanh nghiệp và nguồn cung toàn cầu của Kroger cho biết tập đoàn này dự kiến sẽ mua trực tiếp từ Việt Nam đồ gỗ, quần áo, thực phẩm, hải sản, gạo, tiêu, cà phê, hạt điều, rau quả đóng hộp, dừa, hương liệu gia vị…

Walmart – tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới với doanh số trên 400 USD/năm – cũng đã có giấy phép mua hàng tại Việt Nam, đang được doanh nghiệp quan tâm.

Yêu cầu của những nhà phân phối lớn trên là hàng hóa phải đạt tiêu chuẩn được công nhận trên toàn cầu như HACCP, Global GAP và các yếu tố về trách nhiệm xã hội, môi trường.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho biết có thể đáp ứng được những yêu cầu đó sau nhiều năm làm ăn với quốc tế; nhưng bằng cách nào, con đường nào để hàng Việt Nam được hiện diện trong các siêu thị lớn?

Đáng mừng là nhiều doanh nghiệp Việt chọn con đường chính thống, ghi “made in Việt Nam”, tên nhà sản xuất trên sản phẩm để vừa tăng số lượng và chủng loại hàng vừa tạo ấn tượng tốt cho người tiêu dùng Mỹ về hàng xuất xứ Việt Nam bằng chất lượng.

Còn về lâu dài, rõ ràng là chúng ta chưa tận dụng hết quan hệ ngoại giao, các hiệp định thương mại… giúp doanh nghiệp trong nước ghi dấu ấn ở thị trường có lượng tiêu thụ hàng hóa lớn này.

Theo DNSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

3 × one =

To Top