Connect with us

Hàng Việt trong cuộc đua giành lại thị trường nội địa

Tình huống thương hiệu

Hàng Việt trong cuộc đua giành lại thị trường nội địa

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" triển khai từ năm 2009 được coi là giải pháp quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển thị trường trong nước bền vững.

Tuy nhiên, việc thực hiện Cuộc vận động đang gặp nhiều thách thức do hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tiêu thụ sản phẩm giảm sút, hàng tồn kho cao. Bộ Công Thương đã thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả khả quan thì công tác phát triển thị trường trong nước thời gian qua còn những hạn chế.

“Lỗi” hệ thống phân phối?

Hàng Việt đã đáp ứng được một phần nhu cầu của thị trường và đã dần chiếm ưu thế trong lòng người Việt. Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Công Thương, các chương trình phủ sóng hàng Việt còn thiếu tính bền vững, chưa tạo lập được kênh phân phối vững chắc tại địa bàn nông thôn, khu vực chiếm tới 70% doanh số hàng tiêu dùng nhưng chưa được khai thác nhiều. Cùng với đó, việc quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp hiện nay còn yếu khiến tính cạnh tranh của một số loại hàng Việt còn thấp.

Sở Công Thương Hà Nội cũng nhìn nhận, hàng Việt có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hiện chỉ được bày bán chủ yếu tại các hệ thống bán buôn, bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại – vốn là nơi được kiểm soát chặt chẽ các quy định về chất lượng và xuất xứ hàng hóa. Trong khi đó, tại các vùng nông thôn là thị trường tiêu dùng tiềm năng thì số lượng các siêu thị chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nên hàng hóa được phân phối chủ yếu ở mạng lưới chợ. Tuy nhiên, đa phần các sản phẩm hàng Việt được phân phối tại đây chủ yếu là hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, còn các nhóm sản phẩm như may mặc, đồ điện tử, gia dụng… tỷ lệ hàng Việt khá thấp.

Siêu thị Intimex với hơn 90% là hàng Việt nhưng theo đại diện của doanh nghiệp này thì khâu yếu trong nghiên cứu thị trường để sản xuất sản phẩm phù hợp với người Việt Nam và cách thức tổ chức trong phân phối sản phẩm ra thị trường chính là những nút thắt khiến cho hàng Việt dù có chất lượng tốt cũng khó đến được tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, việc cạnh tranh với hàng ngoại cùng với tâm lý “sính ngoại” của người dân vẫn đang là bài toán muôn thuở của các doanh nghiệp. Mặc dù có đến gần 90% lượng hàng Việt, trong đó có gần 70% là hàng thực phẩm và thực phẩm chế biến được phân phối trong hệ thống siêu thị Fivimart của Công ty cổ phần Nhất Nam, nhưng thực tế vẫn còn nhiều “khiếm khuyết” để các sản phẩm mang thương hiệu Việt có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết: Hàng thuần Việt hiện nay rất khó cạnh tranh với hàng hóa của các công ty đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam cũng như hàng nhập ngoại. Hiện nay, nếu nhà phân phối ưu tiên bán hàng của các tập đoàn đa quốc gia thì hàng thuần Việt không còn có chỗ đứng, thậm chí “cứ đi vào siêu thị rồi lại bị quăng ra”.

Cần xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp

Việt Nam với dân số khoảng 90 triệu dân và được đánh giá là thị trường tiềm năng, nhưng nhiều chuyên gia nhìn nhận, mảnh đất được coi là “màu mỡ” này vẫn chưa được khai thác đúng mức. Hàng Việt dù đã gần hơn với người tiêu dùng nhưng nạn hàng giả, hàng nhái vẫn hoành hành và doanh nghiệp đôi khi còn gặp nhiều trở ngại khi đến với vùng sâu, vùng xa.

Giám đốc một doanh nghiệp phân phối hàng hóa đã thổ lộ: “Chúng tôi rất muốn hỗ trợ cho chính sách nhưng với điều kiện cơ sở hạ tầng như hiện nay, việc đưa hàng về nông thôn chưa thực sự hấp dẫn bởi lợi nhuận từ những chuyến này không cao, mà doanh nghiệp muốn tồn tại được thì phải có lợi nhuận. Chính vì vậy, để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, phải xây dựng được cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển thị trường nội địa”.

Tâm tư của vị giám đốc trên cũng là ý kiến của nhiều đơn vị, nhà quản lý khi bàn thảo các giải pháp phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (hệ thống siêu thị Fivimart) cho rằng: Muốn kích thích doanh nghiệp phát triển hệ thống phân phối ngoài vấn đề thuế, phí, thì những hỗ trợ về mặt bằng cũng là điều kiện quan trọng để phát triển hệ thống phân phối. Tuy nhiên, hiện nay, các chính sách cho phát triển thương mại vẫn chưa được quan tâm và đó cũng là lý do khiến hạ tầng thương mại nội địa vẫn chưa phát triển.

Theo bà Lê Ngọc Đào – Phó GĐ Sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở một số lĩnh vực, ngành nghề vẫn chưa xây dựng được thương hiệu uy tín đối với người tiêu dùng làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong nước. Cùng với đó, việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, điều quan trọng là phải có cơ chế hỗ trợ để xây dựng các cửa hàng tiện lợi, hệ thống phân phối, đặc biệt là ở nông thôn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, điều quan trọng hơn cả là bản thân các doanh nghiệp sản xuất và phân phối cần có sự kết nối chặt chẽ, từ đó cùng hỗ trợ nhau trong việc tiêu thụ sản phẩm, tăng sự hiện diện của hàng Việt tại thị trường nội địa.

Phát triển thị trường trong nước

Bộ Công Thương đang xây dựng Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam để trình Chính phủ phê duyệt nhằm tích cực tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì sự phát triển của nền kinh tế. Mục tiêu tổng quát của Đề án là phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt thông qua công tác tuyên truyền, quảng bá; hỗ trợ đào tạo, tư vấn và tổ chức, quản lý phân phối hàng Việt trong nước có thế mạnh giúp doanh nghiệp và hàng Việt tiếp cận rộng hơn, sâu hơn, bền vững hơn tới người tiêu dùng cả nước.

Từ mục tiêu trên, dự thảo Đề án đã đề ra các giải pháp để phát triển thị trường trong nước. Trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước hỗ trợ các doanh nghiệp Việt, hàng Việt hướng về thị trường trong nước và người tiêu dùng Việt. Cần xây dựng kết nối nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối trong nước cũng như có chính sách hỗ trợ cụ thể để mở rộng độ bao phủ hàng hóa, tăng hiện diện của hàng Việt trên khắp cả nước. Nhà nước cũng cần hỗ trợ và có các chương trình hỗ trợ quảng bá thương hiệu và đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; ưu tiên phát triển thị trường trung và dài hạn cho thị trường nội địa; khuyến khích vận động các cơ quan Nhà nước ưu tiên dùng hàng Việt trong mua sắm.

Với vai trò chủ trì xây dựng dự thảo Đề án, Bộ Công Thương đã đề xuất 12 chương trình cụ thể để thực hiện các giải pháp, như: Xây dựng kênh truyền thông về tuyên truyền quảng bá riêng về hàng Việt; Tuần hàng Việt trên khắp cả nước; Chương trình nhân rộng chuỗi cửa hàng bình ổn thị trường bán hàng tiêu dùng; Xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng…

Theo đánh giá của bà Vũ Thị Kim Hạnh, đây là một trong những phương án khá sát với nhu cầu và khá khả thi. Tuy nhiên, Đề án cần quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất và kinh doanh hàng Việt. Bởi khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa là hàng sản xuất ra rất khó có chỗ đứng vững chắc trong các siêu thị.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định: Tinh thần chung của Đề án là phát triển thị trường trong nước nhưng vấn đề quan trọng nhất ở đây chính là tập trung phát triển hệ thống phân phối hàng hóa. Là đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo Đề án, Bộ Công Thương sẽ sắp xếp cho phù hợp với mục tiêu của Đề án để dự án sớm được phê duyệt và triển khai.

Theo Tin Tức 

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

3 − 2 =

To Top