Connect with us

Hàng nội thất: Tiến 1, lùi 1

Tình huống thương hiệu

Hàng nội thất: Tiến 1, lùi 1

Sức mua tại các siêu thị nội thất giảm từ 40 - 50%, nên nhiều siêu thị treo bảng giảm giá, khuyến mãi đến 80%, nhưng các thương hiệu nội thất trong và ngoài nước như Phố Xinh, Nhà Xinh, IndexLiving Mall, Chi Lai, Hà Nam, Phố VIP, Uma, Nhà Đẹp... vẫn tiếp tục lên kế hoạch gia tăng số lượng siêu thị và mở rộng thương hiệu.

Bên co, bên nở

Sau nhiều năm tăng trưởng và mở rộng ồ ạt, các chuỗi siêu thị nội thất đang chững lại vì sức mua giảm.

Tạm dừng mở rộng

Đại diện một siêu thị nội thất cho biết, chi phí h tháng cho 5 siêu thị nội thất tại TP.HCM đã lên tới cả tỷ đồng. Chỉ tính riêng chi phí mặt bằng, trung bình mỗi ngày, một cửa hàng ngốn từ 30 – 50 triệu đồng. Đối với siêu thị có diện tích khoảng 200m2 đã lên đến hơn 200 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, theo khảo sát, trong tình hình kinh tế chưa khởi sắc, sức mua chậm, chỉ có một số cửa hàng lớn, có vị trí đắc địa, sản phẩm đa dạng mới có khách, còn lại phần lớn đều trong tình trạng thưa vắng.

Chị Nguyễn Thị Lan, đại diện cửa hàng nội thất trên đường Nguyễn Thị Minh Khai: “So với trước đây, doanh số bán hàng giảm khoảng 50%. Nếu cách đây vài ba năm, hầu như lúc nào cũng có đơn hàng cho các sản phẩm nội thất cao cấp, gỗ tự nhiên, giá ít nhất cũng từ 100 triệu đồng trở lên, thì nay hy hữu lắm mới có được hợp đồng”.

Nhân viên siêu thị nội thất Phố VIP cũng cho biết, siêu thị đang áp dụng chương trình khuyến mãi giảm giá từ 30 – 50% và bao phí vận chuyển. Trong giai đoạn này, Công ty không đặt vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu mà chỉ muốn đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng, tạo việc làm cho nhân viên.

Theo ông Dương Quốc Nam, chủ Siêu thị nội thất Phố Xinh, đồ gỗ, hàng trang trí nội thất không phải là nhu cầu thiết yếu và cũng không phải là mặt hàng dễ bán. Vì vậy, mô hình Phố Xinh đang đi hiện nay là mô hình đại siêu thị “một điểm bán” (one stop shopping) với hàng trăm mặt hàng phục vụ khách hàng có thu nhập trung bình từ 7 triệu đồng/tháng.

Lợi thế của mô hình này là khách hàng đến một điểm có thể mua được đủ các mặt hàng trang trí nội thất, đồng thời được phục vụ đủ dịch vụ như thiết kế, lắp ráp, bảo hành, vận chuyển. Ngoài ra, mỗi cửa hàng sẽ có khoảng 10 Giám đốc Sáng tạo chuyên thiết kế các mẫu mã hàng nội thất phù hợp với xu hướng văn hóa, thời tiết, thị hiếu của từng vùng miền.

Năm 2010, Phố Xinh đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để nâng cấp các siêu thị, tăng chất lượng dịch vụ, thường xuyên tung ra các chương trình khuyến mãi như giảm giá, có khi đến 50%.

Nhờ vậy, vào những năm thấp điểm, doanh thu của Phố Xinh vẫn ổn, đơn cử quý I/2011, Phố Xinh đạt tăng trưởng doanh thu cao hơn khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, năm 2013 và 9 tháng 2014, do sức mua giảm tới 50% nên doanh thu có phần giảm sút.

Tương tự, cuối tháng 12/2011, Tập đoàn nội thất Index Interfurn Thái Lan cũng đã vào Việt Nam với siêu thị Index Living Mall đầu tiên tại Q.4, TP.HCM theo mô hình nhượng quyền. Với quy mô 7.000m2 với hơn 100.000 mặt hàng điện gia dụng, đồ trang trí nội thất, Index Living Mall cũng hoạt động theo mô hình siêu thị one stop shopping.

Theo bà Trang Kathy Phú, Giám đốc Điều hành Index Living Mall, mô hình siêu thị này có khá nhiều lợi thế và nhiều điểm khác biệt so với các siêu thị nội thất khác, như: sản phẩm đa dạng; nhiều mẫu mã, mua sắm tiện lợi vì “đến một nơi có thể mua tất cả những gì cần cho gia đình”.

Đặc biệt, siêu thị có không gian trưng bày, mô phỏng theo một căn nhà, tạo ra ý tưởng cho khách hàng trong việc chọn lựa sản phẩm, dịch vụ thiết kế 3D miễn phí giúp khách hàng dễ dàng chọn được sản phẩm phù hợp.

Hầu hết các đồ nội thất ở đây đều dễ lắp ráp, giá bán lại phải chăng vì hàng nhập khẩu từ Thái Lan thuế suất chỉ 5% (trong khi hàng nhập từ Trung Quốc thuế cao hơn), thời gian vận chuyển cũng nhanh hơn nhập từ các nước khác, siêu thị lại liên tục có chương trình khuyến mãi giảm đến 50%…

Tuy nhiên, Index Living Mall vẫn lường trước những khó khăn, do thương hiệu còn quá mới tại Việt Nam. Bên cạnh đó, người tiêu dùng vẫn giữ thói quen thích sử dụng đồ gỗ, thích đặt hàng sản xuất theo ý riêng…

Theo cam kết của Công ty Cao Phong, đơn vị nhận nhượng quyền Index Living Mall tại Việt Nam, kế hoạch đến năm 2015, Index Living Mall sẽ mở 5 siêu thị tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

Nhưng với sức mua còn yếu, Index Living Mall vẫn chưa thực hiện cam kết dù hiện nay siêu thị đã có 3 chi nhánh tại TP.HCM. Song, các chi nhánh này hiện chỉ chiếm một đến hai tầng trong siêu thị điện máy Chợ Lớn.

Theo phân tích của các doanh nghiệp cùng ngành, việc Index Living Mall mở siêu thị đi theo hệ thống Siêu thị điện máy Chợ Lớn là một cách đi khôn ngoan, vì đó là cách tiết kiệm chi phí mặt bằng, hơn nữa việc tìm mặt bằng mở siêu thị có diện tích lớn từ 5 – 7.000m2 ở những khu vực đông dân cư và trung tâm hiện cũng không dễ và nếu có thì chi phí duy trì mặt bằng quá lớn cũng rất dễ… lỗ. Vì vậy, theo đại diện của Index Living Mall, siêu thị này vẫn đang dừng lại ở con số 4, chưa dám mở thêm.

Ở phân khúc nội thất cao cấp, dù mới chỉ có một cửa hàng tại TP.HCM, bốn cửa hàng tại Hà Nội nhưng Kims fullhouse, công ty 100% vốn nước ngoài chuyên nhập khẩu và độc quyền phân phối sản phẩm nội thất cao cấp từ Hàn Quốc, cũng đang ngưng kế hoạch mở rộng cửa hàng về phía Nam.

Hãng nội thất mang phong cách Thụy Điển UMA sau khi khai trương thêm một siêu thị tại Q. Phú Nhuận, TP.HCM với diện tích 700m2 và một siêu thị nữa tại Dĩ An, Bình Dương, nâng số cửa hàng hiện diện ở Việt Nam lên 9, tuy nhiên, đến thời điểm này, đại diện Uma cũng cho biết: “Công ty đang tạm ngưng kế hoạch mỗi năm mở thêm 2 siêu thị và vài cửa hàng nhỏ trong khu dân cư như dự kiến”.

Lợi thế mở chuỗi

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp có chuỗi bán lẻ và độ phủ địa bàn rộng sẽ có lợi thế về thương hiệu và dễ dàng hợp tác với các nhà sản xuất trong và ngoài nước. Đó là lý do, dù khó khăn nhưng các công ty không ngừng gia tăng sự hiện diện trên thị trường thông qua chuỗi cửa hàng bán lẻ.

Năm 2011, với lượng hàng tồn khá nhiều, nhưng hệ thống nội thất Chi Lai vẫn mở nhiều cửa hàng tại các địa điểm trên đường Điện Biên Phủ, Q.3 và xa lộ Hà Nội, Q.2. Năm 2013, Công ty đã mở thêm cửa hàng tại Q. Phú Nhuận, nâng tổng số cửa hàng tại TP.HCM lên 6.

Chiến lược mở chuỗi của Chi Lai nhằm mục đích vừa kinh doanh các mẫu nội thất mới, vừa giải phóng hàng tồn và… tăng sự hiện diện thương hiệu. Đầu năm 2014, Phố Xinh cũng mở thêm một đại siêu thị nội thất ở Long Biên nâng tổng số siêu thị của Phố Xinh tại Hà Nội lên 4 và tổng cộng cả TP.HCM, Đà Nẵng là 7.

Riêng cửa hàng trên đường Lê Lợi bị đóng cửa và một siêu thị tại Q.2 chưa được triển khai theo kế hoạch. Ông Dương Quốc Nam giải thích: “Không phải do chiến lược Công ty thay đổi mà do mặt bằng Lê Lợi đang bị dự án Metro thi công gây khó khăn và mặt bằng tại Q.2 chưa thương lượng được.

Hiện Phố Xinh vẫn đang chuẩn bị đầu tư chuỗi đại siêu thị nội thất, mỗi siêu thị có diện tích khoảng 20.000m2 ở khu vực ngoại ô như Q.2, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn với tổng vốn đầu tư từ 300 – 400 tỷ đồng. Cuối năm nay sẽ khai trương siêu thị mới tại Q.7″.

Nội thất Nhà Xinh, thương hiệu của Công ty Xây dựng Kiến trúc AA, cũng đã mở rộng chuỗi bán lẻ từ 5 lên 7 cửa hàng, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 25 – 30% đối với mảng bán lẻ nội thất trong năm 2013 – 2014.

Cuối tháng 5/2014, Nhà Xinh đã mở thêm một showroom tại ngã tư đường Hai Bà Trưng và Trần Cao Vân, TP.HCM. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, chuỗi siêu thị bán lẻ của Nhà Xinh được nâng cấp thành trung tâm thiết kế, gồm các loại dịch vụ giá trị gia tăng đi kèm như thiết kế, bảo trì, phát hành tài liệu hướng dẫn về kiến thức nội thất. Mỗi trung tâm sẽ có diện tích tối thiểu từ 2.500m2.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, việc xây dựng kênh phân phối bài bản là điều kiện tiên quyết để thành công của các doanh nghiệp kinh doanh nội thất, nhưng chỉ có doanh nghiệp thực sự tâm huyết tiềm năng thị trường và trường vốn mới làm được.

Chỉ các doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính mạnh mới dám đầu tư để khuếch trương chuỗi bán lẻ vào thời điểm sức mua chậm, nhưng hệ thống chuỗi cũng mang đến cho các doanh nghiệp nhiều cơ hội để mở rộng hợp tác kinh doanh, phát triển thương hiệu.

Ông Dương Quốc Nam cho biết, sau một thời gian tìm hiểu năng lực cũng như uy tín thương hiệu, hãng nội thất Furniture Industries Ashley (Mỹ) đã ký hợp tác đầu tư với Phố Xinh với tổng giá trị 10 triệu USD.

Theo kế hoạch, trong năm 2014, Phố Xinh sẽ mở 3 trung tâm phân phối sản phẩm cho Ahsley theo mô hình chuỗi cửa hàng (home store) với các mô hình thiết kế sẵn, khách hàng chỉ việc chọn lựa theo sở thích, quy mô mỗi trung tâm khoảng 2.000m2.

Dự tính của hãng Ashley là sau nhà máy Long Biên – Hà Nội, năm 2015, Ashley sẽ mở thêm nhà máy ở Bình Dương, nâng số lao động từ 4.000 lên 10.000 người.

Đây cũng là kế hoạch của Hãng sau khi rút bớt lao động bên Trung Quốc. Ngoài Ashley, Phố Xinh cũng được nhiều đối tác nội thất, đồ trang trí nước ngoài ngỏ lời hợp tác phân phối độc quyền, nhờ vậy nguồn hàng tại siêu thị ngày càng phong phú và không bị đụng hàng.

Theo ông August Wingardh, Tổng giám đốc Chuỗi siêu thị nội thất UMA, việc mở rộng chuỗi của hàng là một lợi thế quan trọng giúp UMA nhanh chóng được người tiêu dùng biết đến.

“Với thương hiệu có tên tuổi và uy tín trên nhiều nước, Index Living Mall đang chiếm lợi thế với một số đối tác lớn trên thế giới chuyên cung ứng hàng điện máy và gia dụng, nhờ vậy mỗi ngày siêu thị vẫn có hàng ngàn lượt khách đến mua sắm và siêu thị vẫn đạt doanh thu ổn định”, đại diện Index Living Mall khẳng định.

Bịt “khoảng trống”

Trong khi Phố Xinh, Chi Lai, Nhà Đẹp, Index Living Mall… giành lợi thế ở phân khúc hàng nhập khẩu cao cấp, thì một số thương hiệu nội thất trong nước lại chuyển hướng sang phân khúc nội thất giá hạng trung.

Theo ông Trần Tuấn Hùng, Giám đốc Siêu thị nội thất Hà Nam, lợi thế của hàng nhập là có nhiều mẫu mã đẹp. Bán hàng nội thất nhập khẩu có lợi nhuận cao hơn hàng trong nước sản xuất. Tuy nhiên, những năm gần đây, do kinh tế khó khăn nên phân khúc hàng bình dân dành cho các gia đình có tiềm năng phát triển hơn.

Đó cũng là lý do chuỗi siêu thị nội thất và trang trí UMA (Thụy Điển) đã thành công khi chọn phân khúc này và tiếp theo rất nhiều doanh nghiệp trong nước đã mở siêu thị, tập trung đi theo phân khúc giá hạng trung.

Thời điểm UMA vào Việt Nam, thị trường nội thất Việt Nam hầu hết đều bán hàng ngoại nhập, chưa có một đơn vị chính thống cung cấp hàng hóa trong quy trình khép kín (từ sản xuất, thiết kế, kiểm định chất lượng, giá trực tiếp từ nhà sản xuất đến người dùng cuối…).

Trong khi đó, người tiêu dùng thế hệ trẻ mang theo xu hướng tiêu dùng nội thất mới, thiên về phong cách, thích thay đổi, mang dấu ấn cá nhân. Vì vậy, tuy phải thắt lưng buộc bụng, song nhu cầu mua sắm vật dụng cho gia đình vẫn cao, nhất là giới trẻ đang có xu hướng dọn ra ở riêng.

Nắm bắt nhu cầu này nhưng các nhà sản xuất nội địa lại không chú ý nên tạo ra khoảng trống để hàng nhập khẩu tràn vào và UMA đã tìm được cơ hội. Chiến lược của UMA chỉ đơn thuần là thiết kế, đặt hàng từ các nhà sản xuất nội địa hạn chế nhập khẩu “vì điều này làm cho giá thành sản phẩm tăng lên, người dùng khó tiếp cận”.

Ông August Wingardh cũng cho rằng: “Thành công đến với UMA là nhờ chúng tôi biết khách hàng muốn gì và UMA đã tạo giá trị cộng thêm cho sản phẩm bằng tư vấn thiết kế, đặc biệt mang lại một mô hình siêu thị không chỉ đơn thuần là cửa hàng bán đồ nội thất mà còn rất nhiều loại sản phẩm khác phù hợp với nhiều lứa tuổi. Hiện, 80% sản phẩm của UMA sản xuất, gia công tại Việt Nam theo tiêu chuẩn chất lượng và thiết kế của Thụy Điển”.

Ông Dương Quốc Nam cũng tiết lộ, cơ cấu doanh thu của Phố Xinh hiện đang chuyển hướng khoảng 30% cho xuất khẩu và 70% cho nội địa.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Công ty Xây dựng Kiến trúc AA, chủ thương hiệu nội thất Nhà Xinh, cũng cho biết: “Năm nay, AA sẽ dành đến 60% lượng sản phẩm bán lẻ cho nội địa, được gia công từ các nhà máy trong nước, nhằm tái khẳng định chiến lược phần lớn sản phẩm của Nhà Xinh là do người Việt thiết kế và sản xuất. AA sẽ chọn 4-5 nhà máy để gia công và đây cũng là chiến lược dài hạn đối với hàng nội thất và các hàng phụ kiện đi kèm như gốm, khung tranh, khung gương…”.

Trong khi đó, chuỗi siêu thị nội thất Nhà Xinh cũng đi theo hướng đa dạng sản phẩm, mang đến cho khách hàng nhiều trải nghiệm thực tế về không gian sống như phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, phòng làm việc theo xu hướng nội thất mới nhất.

Chuyển hướng vào phân khúc hạng trung, bình dân, các siêu thị nội thất như Thanh Dũng, Hà Nam… vẫn phải chịu nhiều áp lực cạnh tranh.

Ông Tuấn Hùng cho biết: “Nếu trước đây, Công ty chỉ chú tâm vào các mặt hàng nội thất là gỗ tự nhiên, sản xuất ra những sản phẩm có giá thành trên vài trăm triệu đồng thì nay lại mở hướng sang những sản phẩm có giá trung bình.

Có những mặt hàng nội thất còn được giảm giá từ 20% đến 50%… Nhờ vậy, dù thị trường cạnh tranh rất khốc liệt nhưng đến thời điểm này, Hà Nam đã mở được 10 cửa hàng tại TP.HCM và Bình Dương”.

Tương tự, để giữ uy tín thương hiệu và sản phẩm, Công ty Thanh Dũng cũng đầu tư hệ thống sấy gỗ tiến tiến bằng vi sóng giúp giảm chi phí hoạt động và tăng tính ổn định chất lượng, giảm các sai hỏng, cong, vênh, nứt của sản phẩm.

Sau hai năm vật lộn với khó khăn thị trường, ông Vũ Tiến Thập, Giám đốc Điều hành Công ty CP Nội thất phân phối DFurni, cũng đã khả quan hơn khi tiến vào những thị trường ngách còn bỏ ngỏ như nội thất giải trí (cà phê- bar- nhà hàng), đồng thời chọn chiến lược phân phối chuyên dòng sản phẩm nội thất văn phòng. Ông Thập cho biết: “Sau hơn một năm kinh doanh đa dạng sản phẩm, doanh thu của Công ty đã tăng hơn 20%”. 

Theo DNSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

eight + 5 =

To Top