Connect with us

Hàng nội chiếm 80% trong siêu thị, trung tâm thương mại

Tin trong nước

Hàng nội chiếm 80% trong siêu thị, trung tâm thương mại

Sau hai năm triển khai cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt", sản phẩm nội đã chiếm 80% thị phần trong các siêu thị và trung tâm mua sắm lớn. Song, tại các chợ lẻ, con số này vẫn còn khá khiêm tốn.

Tham dự tọa đàm “Để người Việt gần hơn với hàng Việt” sáng 29/6, các chuyên gia đều nhận định, sản phẩm trong nước đã chiếm tỷ lệ lớn, từ 80% đến 95%, trên kệ hàng của hệ thống các siêu thị và trung tâm thương mại.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cung cấp, tại các trung tâm thương mại, siêu thị, hàng Việt chiếm lĩnh từ 80 – 90%. Con số này tăng nhanh so với vài năm trước đó. Hàng loạt các thương hiệu đã nhận được sự tín nhiệm của người tiêu dùng Việt Nam như: May 10, Việt Tiến, Lụa Thái Tuấn, Bóng đèn phích nước Rạng Đông, màn Tuyn 10 – 10…

Kết quả điều tra đầu năm 2011 của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy, 59% người tiêu dùng “tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 38% người tiêu dùng “khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam”, 36% người tiêu dùng cho rằng “trước đây có thói quen mua hàng có nguồn gốc xuất xứ ở nước ngoài nay đã dừng mua hoặc mua ít hơn để thay bằng mua hàng Việt Nam”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, con số trên chưa thể hiện được thành công của cuộc vận động. Bởi thực tế, hệ thống các siêu thị và trung tâm thương mại mới chỉ chiếm tới 18% thị phần bán lẻ hàng tiêu dùng. “Ở các mô hình bán hàng truyền thống như chợ, cửa hàng bán lẻ, hàng rong chiếm khoảng 80% thị phần còn lại thì hàng Việt lại chưa tiếp cận được nhiều”, ông Vũ Vinh Phú nhận định.

Đồng quan điểm như vậy, Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cung cấp, theo thống kê, hiện nay vẫn còn tới 80% thị trường nông thôn rộng lớn chưa được khai thác. Theo bà, đây là bài toán khó, đòi hỏi thành viên của Hiệp hội tìm hiểu sâu và nắm đúng nhu cầu mua sắm của người dân nông thôn.

Nhiều nguyên nhân được giới chuyên gia chỉ ra cho vấn đề này. Ông Đỗ Gia Phan, Ủy viên thường vụ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam lý giải, về mẫu mã, hàng Việt còn khá nghèo nàn. Một bộ phận người tiêu dùng có thu nhập cao hoặc muốn khẳng định đẳng cấp đã không ngần ngại chay theo hàng ngoại. Một số người lại do thiếu thông tin hoặc hạn hẹp kinh tế nên chỉ sử dụng hàng lậu, giá rẻ, kém chất lượng.

Theo ông, việc sử dụng sữa ngoại là một điển hình. “Nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã quảng cáo quá đáng cho sữa ngoại với những thành phần mà nhiều người tưởng là do các hãng sữa thêm vào, và chỉ có sữa ngoại mới có, nên nhiều người không tiếc tiền, chi ra gấp ba bốn lần để mua sữa ngoại cho con. Trong khi thực ra, đó là những chất vốn có trong sữa, kể cả sữa nội cũng có”, ông Phan nói.

Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú lại nhấn mạnh, do cơ chế không rõ ràng nên gây thiệt hại cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Ông cho rằng hiện nay đã xuất hiện nhóm lợi ích thao túng thị trường, khiến hàng lậu dễ dàng xâm nhập, mà hàng Việt lại khó tiêu thụ.

“Tháng 4 và 5 vừa rồi, một cân đường nhập tại nơi sản xuất chỉ có 16.000-17.000 đồng. Vậy mà ra thị trường, giá đã lên tới 25.000-26.000 đồng. Như vậy, người tiêu dùng bị móc túi gần 10.000 đồng, đắt đỏ nên hàng hóa trong nước khó bán. Hàng Trung Quốc rẻ, mẫu mã đa dạng lại dễ được ưu dùng”, ông Phú đưa ví dụ.

Tuy nhiên, nguyên nhân cốt lõi được xác định là từ phía các công ty trực tiếp sản xuất hàng hóa trong nước. “90% các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam là vừa và nhỏ. Do vậy, mặc dù có nhu cầu đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuẩt song vốn ít nên gặp rất nhiều khó khăn”, một chuyên gia nhận định.

Điều này được bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao minh chứng bằng những con số cụ thể. Bà cung cấp, trong 580.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên cả nước thì có tới 40% đơn vị đang phải loay hoay ứng biến với thị trường. Chia sẻ về khó khăn của các doanh nghiệp, bà Hạnh cho hay, họ phải đóng máy, đi gia công ở Trung Quốc, bán công ty, chuyển sang hình thức kinh doanh khác hoặc tạm thời cho công nhân nghỉ.

“Chúng ta cứ nói phát triển thị trường nhưng chỉ bàn đến cái ngọn mà không quan tâm đến cái gốc là ‘sức khỏe’ của các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, chưa hành động thực sự để trợ giúp cho họ”, bà nói.

Ông Đỗ Gia Phan cho rằng Nhà nước cần đầu tư cho hệ thống giao thông, trợ giá cho khâu vận chuyển, xây dựng hạ tầng cơ sở ở nông thôn như hệ thống chợ, trung tâm mua bán…

“Tiếp tục triển khai, khuyến khích dùng hàng Việt đến từng huyện, xã; hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực sự và tăng cường thông tin về sản phẩm để người tiêu dùng nhận diện được đâu là hàng Việt, đâu là hàng độc hại” là giải pháp mà bà Vũ Kim Hạnh đưa ra.

Theo vnexpress

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

2 × 2 =

To Top