Connect with us

FPT: Đường nào vào thị trường điện máy

Tình huống thương hiệu

FPT: Đường nào vào thị trường điện máy

Nhờ có kinh nghiệm, nhân lực, hệ thống đại lý có sẵn, tiềm lực kinh tế mạnh nên FPT có điều kiện để trở thành nhà phân phối sỉ có máu mặt.

Phân phối sỉ hàng điện tử tiêu dùng là bài toán khó mà FPT tự đặt ra và đang đi tìm lời giải. Công ty Cổ phần FPT vừa cho biết sẽ tham gia thị trường điện tử tiêu dùng trong quý I/2012. Theo đó, Hãng sẽ bước vào thị trường thông qua việc phân phối sỉ hàng điện tử tiêu dùng. Bề ngoài có vẻ không sôi động như bán lẻ song trong lòng thị trường phân phối sỉ, cạnh tranh diễn ra rất khốc liệt. Tuy nhiên, ông Trương Đình Anh, Tổng Giám đốc FPT, cho biết: “Chúng tôi rất lành nghề trong lĩnh vực này”.

Tự thân hay mua lại?

Theo ông Đình Anh, ở bất kỳ thị trường nào, các nhà sản xuất đều sử dụng 3-5 nhà phân phối khác nhau. Với thị trường phân phối sỉ điện máy, FPT vẫn còn chỗ để chen chân. Thị trường này được đánh giá là có độ lớn bằng cả thị trường hàng công nghệ thông tin và điện thoại di động cộng lại. Hiện nay, số nhà bán sỉ chỉ bằng 1/10 so với ngành điện thoại. Trong khi đó, thị trường điện thoại mà FPT vẫn đổ công sức xây dựng đã có nhiều dấu hiệu bão hòa.

Một lợi thế của FPT là họ đã có FPT Trading chuyên về phân phối. Nhờ có kinh nghiệm, nhân lực, hệ thống đại lý phân phối có sẵn, tiềm lực kinh tế mạnh nên FPT có đầy đủ điều kiện để có thể trở thành nhà phân phối sỉ có máu mặt.

Có điều, trong thị trường này, FPT là người đến sau. Họ cần thời gian xây dựng và phát triển. FPT cũng sẽ phải tìm nhà sản xuất và đại lý phân phối chịu hợp tác với mình. Điều này có thể dẫn tới việc FPT cân nhắc phương án mua lại doanh nghiệp. Ông Đình Anh cũng cho biết: “Chúng tôi đang tập trung vào phân phối điện máy, kết nối nhà sản xuất với nhà bán lẻ. Trong quá trình phát triển có thể sẽ mua lại doanh nghiệp”.

Một lý do khiến cho việc mua lại doanh nghiệp khác đáng được FPT lưu ý, đó là vấn đề thời gian. Một nhà phân phối thường mất vài năm để xây dựng doanh nghiệp, thêm vài năm để phát triển rồi nhiều năm nữa mới có uy tín, thương hiệu. Lúc đó mới tính đến doanh thu. Trong khi đó FPT cho biết mình nhảy vào lĩnh vực mới này với mục tiêu đến năm 2014 mảng này sẽ đóng góp khoảng 10% doanh thu của FPT Trading. Điều đó có nghĩa mảng bán sỉ điện máy sẽ mang về cho FPT khoảng 1.500 tỉ đồng, bằng với doanh thu năm 2011 của nhà phân phối sỉ hàng đầu đã hoạt động gần 20 năm là Digiworld. Có lẽ với mục tiêu như vậy thì cách nhanh nhất và khả thi nhất là FPT thâu tóm những nhà phân phối nhỏ hơn rồi hợp chung vào hệ thống của mình.

Hơn nữa, ban quản trị và tổng giám đốc FPT đều hướng đến nhiều hoạt động mua bán sáp nhập. Do đó, việc họ sử dụng chiến lược thâu tóm doanh nghiệp để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường này là điều dễ xảy ra nhất.

Trong thị trường phân phối sỉ điện máy, mỗi nhà sản xuất đều có rất nhiều nhà phân phối cho từng dòng sản phẩm riêng biệt hoặc cho từng vùng miền. Vậy nên, có thể FPT sẽ phải chọn con đường thâu tóm nhiều nhà phân phối khác nhau để hợp lực giành ngôi dẫn đầu thị trường.

Khó khăn và mâu thuẫn

Có một trở ngại mà FPT sẽ phải tính đến. Nếu FPT chọn phương án mua lại rồi hợp lực, chuyện sẽ không đơn giản. Tất nhiên họ sẽ mất rất nhiều thời gian để đàm phán mua lại một số lượng công ty không nhỏ. Quan trọng nhất là họ sẽ tốn rất nhiều công sức hợp nhất, tái cấu trúc mà vẫn giữ được nhà sản xuất và đại lý.

Một khó khăn khác với FPT là việc các nhà sản xuất đã có nhà máy hoặc có văn phòng đại diện tại Việt Nam cũng đang chọn con đường tự kết nối với nhà bán lẻ một vài dòng sản phẩm không thông qua nhà phân phối. Nói cách khác, nhà sản xuất trong nhiều trường hợp đã kiêm thêm chức năng nhà phân phối sỉ. Toshiba hay Samsung là những ví dụ minh chứng cho điều này.

Có lẽ hướng đi kết hợp kiểu đó cũng đã được FPT tính đến khi bước vào cuộc chơi mới. FPT cho biết Hãng sẽ chỉ tập trung vào mảng bán sỉ hàng điện tử tiêu dùng, kết nối nhà sản xuất với nhà bán lẻ. Tuy nhiên, theo một nguồn tin (không muốn nêu tên), FPT đang cấu trúc lại mảng bán lẻ với chuỗi FPT Shop để trong năm nay sẽ mở rộng mảng bán lẻ điện tử tiêu dùng kèm theo hoạt động kinh doanh hiện tại của mình.

Ông Đình Anh cũng cho biết FPT đang tiến hành mở rộng FPT Shop. Theo đó, FPT dự kiến đến năm 2014 sẽ đầu tư khoảng 250 tỉ đồng để xây chuỗi 150 cửa hàng trên phạm vi toàn quốc. 150 cửa hàng không phải là con số nhỏ và nếu như FPT kết hợp bán hàng điện tử tiêu dùng với điện thoại, máy tính như hiện nay thì khả năng mảng này sẽ đem lại một khoản lợi nhuận hấp dẫn.

Tuy nhiên, mâu thuẫn lại nảy sinh từ hướng đi đó của FPT. Khi là nhà phân phối sỉ, FPT sẽ tìm đến những đối tác bán lẻ như Nguyễn Kim hay Pico. Còn khi kiêm cả bán lẻ với FPT Shop, họ lại trở thành đối thủ của chính hệ thống chân rết do mình tạo dựng.

Một bài toán khó đang nằm trước mắt FPT, bài toán do họ tự đặt ra.

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

three + 5 =

To Top