Connect with us

Đẩy mạnh xuất khẩu thông qua thương mại điện tử

Tin trong nước

Đẩy mạnh xuất khẩu thông qua thương mại điện tử

Tìm kiếm khách hàng thông qua các trang web thương mại điện tử B2B (Business to Business) như alibaba.com, globalsources.com… đã trở thành một hoạt động thường xuyên của nhiều doanh nghiệp ngành xuất nhập khẩu. 

Đặc biệt, trong tình hình kinh tế ngày càng khó khăn, giải pháp này càng trở nên hữu ích khi góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động tiếp thị và giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí.

Theo các nhà tư vấn, việc tiếp thị trên các trang B2B tuy giúp doanh nghiệp có thêm nguồn khách hàng mới, tiết kiệm chi phí nhưng cũng mang lại những rủi ro như việc mất bản quyền hình ảnh nhà máy, công ty, hàng hóa, dịch vụ… Do đó, các doanh nghiệp cần quan tâm đến những vấn đề như bản quyền hình ảnh, thư rác, thư đặt hàng lừa đảo… trong quá trình đầu tư và triển khai kênh tiếp thị trực tuyến này.

Giải pháp trong thời “thắt lưng buộc bụng”

Ông Trần Ngô Khánh Thạnh, Giám đốc Công ty Tre Làng, cho biết công ty bắt đầu sử dụng các trang web thương mại điện tử để tìm kiếm đối tác nhập hàng từ cách đây 10 năm. Các trang web ông thường sử dụng và thấy có hiệu quả là Alibaba.com, ec21.com, Globalsources.com… và ông cũng đăng ký làm thành viên của các trang miễn phí như Trademap.org, Worldtradersnet.com, Tajernet.com… để tận dụng mọi khả năng tìm kiếm những đối tác tiềm năng có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa.

Các năm trước, công ty chỉ dành 10% kinh phí về xúc tiến thương mại cho các hoạt động tiếp thị trực tuyến thì năm nay dành toàn bộ phần ngân sách này cho kênh thương mại điện tử. Ông Thạnh cũng cho biết chi phí cho các kênh tiếp thị truyền thống không hề rẻ, ví dụ mỗi khi tham dự một cuộc hội chợ triển lãm hoặc cuộc xúc tiến thương mại trong nước đã mất 1.000-5.000 đô la Mỹ. Trong vòng 10 năm qua, lượng khách hàng mà Tre Làng có được từ kênh trực tuyến chiếm khoảng 40% trong tổng số khách hàng của công ty.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH đồ chơi gỗ SD Sydfyns, ông Nis Hauge, cũng nói rằng công ty ông đầu tư 10% trong tổng chi phí để tìm kiếm khách hàng qua các trang web B2B. Ngoài trang tiếp thị theo từ khóa Google Adwords mà công ty dành cho nhiều kinh phí nhất thì các trang web của đại sứ quán Việt Nam ở các thị trường như châu Âu, Mỹ… là những sự lựa chọn tiếp theo.

Lượng khách hàng mà SD Sydfyns có được thông qua giải pháp trực tuyến tuy chỉ chiếm khoảng 15% nhưng theo ông Hauge, đây là kế hoạch mang tính dài hạn của công ty.

Còn bà Nguyễn Lan Anh, Phó giám đốc Công ty đồ gỗ Polytech, cho biết hiện công ty có khá ít khách hàng trực tuyến, chủ yếu là khách lẻ mua với số lượng ít. Cho nên, trong thời gian sắp tới Polytech sẽ đầu tư cho kênh này một cách bài bản để hoạt động tìm kiếm khách hàng có hiệu quả hơn.

Trên thực tế, giải pháp tiếp thị trực tuyến cũng gặp phải một số điều hạn chế và tạo ra một số khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Thạnh của công ty Tre Làng nói rằng trong một lần ghé thăm (visit) một số trang web của đối thủ cạnh tranh trên alibaba.com ông thấy nhiều hình ảnh giới thiệu hàng hóa giống hoàn toàn với những hình ảnh về gian hàng trưng bày của công ty ông tại một cuộc hội chợ triển lãm trước đó.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phản ánh rằng lượng thư điện tử (e-mail) rác, thư lừa đảo chiếm khá nhiều trong tổng số những thư hỏi mua hàng (enquiry) được gửi đến họ. Cụ thể, trong 10 bức e-mail hỏi mua hàng thì chỉ có 1-2 bức mang nội dung thực chất, còn lại là bốn thư rác (spam mail) và bốn thư mang nội dung lừa đảo.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc hạn chế rủi ro từ các e-mail rác, e-mail mang nội dung lừa đảo, ông Thạnh cho rằng nhà xuất khẩu nên xem kỹ thông tin khách hàng như tên cá nhân, địa chỉ trang web, e-mail cũng như tên, địa chỉ, số điện thoại của công ty gửi thư hỏi mua hàng… thuộc về quốc gia, vùng lãnh thổ nào. Sau đó, các nhà xuất khẩu cần xem kỹ nội dung thư để nhận định khách hỏi mua hàng thực sự hay chỉ hỏi với mục đích thăm dò giá cả. Khi doanh nghiệp tham gia hoạt động tiếp thị trên các trang B2B, việc nhận thư rác hằng ngày là điều không thể tránh khỏi.

Nhiều đối tác khi có nhu cầu thực sự và nghiêm túc thì sẽ gửi kèm đơn hàng theo thư, ghi rõ số lượng và những câu hỏi cụ thể về giá cả, thông tin sản phẩm, kể cả so sánh giữa các nhà cung cấp khác nhau trước khi đi đến quyết định mua bán cuối cùng.

Theo các chuyên gia, khi giao dịch với các đối tác thông qua các trang B2B, các doanh nghiệp nên sử dụng hình thức thanh toán bằng tín dụng thư L/C, nhất là đối với những đối tác lần đầu mua hàng. Cách thức này tuy tốn kém hơn nhưng an toàn hơn so với các hình thức thanh toán khác. Sau đó, dựa vào mức độ tin tưởng đối tác, doanh nghiệp có thể sử dụng các hình thức khác như CFR hoặc CIF.

 

Chất lượng thông tin góp phần quyết định kết quả

Ông Nis Hauge cho rằng, doanh nghiệp nếu không chăm chút cho nội dung thông tin về hàng hóa, dịch vụ trên các trang web B2B thì dù có đầu tư nhiều vào mảng quảng cáo trực tuyến cũng khó đạt hiệu quả. Ngoài ra, doanh ngiệp cần linh hoạt kết hợp nhiều hình thức tiếp thị khác nhau để các giải pháp này cùng phát huy thế mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Đình Toản, Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Công nghệ OSB – đại diện Alibaba.com ở Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị tốt thông tin như giới thiệu về công ty, hình ảnh công ty, các video clip, hình ảnh và mô tả hàng hóa, dịch vụ một cách kỹ lưỡng. Ngoài ra, doanh nghiệp cần liên tục cập nhật thông tin sản phẩm định kỳ hằng tuần, trả lời sớm thư của các khách hàng tiềm năng, chủ động đánh giá hoạt động tiếp thị trực tuyến hằng tháng để cải tiến. Doanh nghiệp cần bố trí nhân sự thực hiện các công việc kể trên.

“Các nhà nhập khẩu khi có nhu cầu mua hàng thường có ít thời gian cho việc đưa ra quyết định. Vì vậy, khi nhận được thư hỏi mua hàng nhà xuất khẩu cần sớm trả lời cho khách ngay trong ngày. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có những chiến lược chăm sóc khách hàng, gửi thư mời đến những khách hàng có tiềm năng trong lĩnh vực kinh doanh của mình”, ông Toản nói.

Trong khi đó, theo một chuyên gia trong ngành công nghệ, doanh nghiệp cần phải quan tâm đến động thái, cách thức tìm kiếm của đối tác của nhà nhập khẩu vì họ luôn thay đổi cách thức tìm kiếm bằng từ khóa, dẫn đến việc thay đổi kết quả tìm kiếm. “Kết quả tìm kiếm của doanh nghiệp A hiện tại đang tốt nhưng tháng sau có thể không duy trì được nữa”, chuyên gia này nói.

Ngoài ra, ở những thị trường khác nhau thì từ khóa và cách thức tìm kiếm của khách hàng cũng khác nhau. Ví dụ, cùng mô tả về điện thoại di động nhưng ở Mỹ thường sử dụng từ cellphone, trong khi các quốc gia khác tại châu Âu sử dụng từ mobilephone.

Theo ý kiến của các doanh nghiệp trong ngành xuất nhập khẩu, các trang thương mại điện tử B2B nên có những diễn đàn để các doanh nghiệp Việt Nam trao đổi thông tin về các chính sách thương mại mới nhất trong và ngoài nước, chia sẻ kinh nghiệm khi làm ăn với doanh nghiệp nước ngoài để phòng tránh và hạn chế rủi ro trong việc mua bán, thanh toán, nhận diện doanh nghiệp “ma”, doanh nghiệp lừa đảo…

Nhận định về vấn đề này, ông Toản của OSB cho rằng, đây là nhu cầu chính đáng của các doanh nghiệp. Việc này sẽ giúp tạo nên cộng đồng giao thương trực tuyến của Việt Nam. Ngoài việc hỗ trợ thông tin về hoạt động trên các trang B2B, diễn đàn còn tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp hợp tác, liên kết để cùng phát triển. Diễn đàn cần được tổ chức bài bản, có sự tham gia của nhiều thành viên, có các thành viên chủ chốt hỗ trợ, làm đầu tàu cho mỗi mục.

Hiện Alibaba.com và OSB đang có kế hoạch triển khai việc xây dựng diễn đàn giao thương trực tuyến và sẽ sớm đưa vào hoạt động. Diễn đàn này được xây dựng và trao đổi bằng tiếng Việt dành cho các thành viên Việt Nam trên trang Alibaba.com và cho tất cả các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

Theo TBKTSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

12 + seventeen =

To Top