Connect with us

Đầu tư vào WeWork là quyết định tồi tệ của tôi

Tin quốc tế

Đầu tư vào WeWork là quyết định tồi tệ của tôi

Masayoshi Son, nhà sáng lập của SoftBank, thừa nhận ông đã bỏ ngoài tai những vấn đề quản trị của WeWork, nhưng thề sẽ hồi sinh kỳ lân Mỹ, sau khi tiết lộ Softbank đã trích lập dự phòng 4,6 tỷ USD cho khoản đầu tư vào WeWork.

Quyết định này được đưa ra hai tuần sau khi SoftBank đồng ý gói giải cứu 9,5 tỷ USD dành cho startup về không gian làm việc chung, cùng với quyết định hủy bỏ việc IPO. Theo thỏa thuận, định giá của WeWork đã rơi xuống từ mức 47 tỷ USD trong tháng 1 xuống còn 8 tỷ USD.

Bất chấp những khó khăn hiện tại, Son vẫn bảo vệ chiến lược của SoftBank trong bài thuyết trình kéo dài hai giờ của mình, nhấn mạnh rằng thỏa thuận với WeWork không phải là “một khoản cứu trợ”, và rằng Quỹ Tầm nhìn 97 tỷ USD của ông vẫn hoạt động tốt hơn các công ty đầu tư mạo hiểm khác và kế hoạch triển khai một quỹ 100 tỷ USD khác vẫn đang được tiến hành trơn tru.

“Tôi đã đưa ra một quyết định đầu tư tồi tệ và tôi vô cùng hối hận”, ông Son nói trong một cuộc họp báo ở Tokyo. “Tuy nhiên, tôi vẫn giữ nguyên chiến lược và tầm nhìn của mình”.

Ông Son cho biết SoftBank đặt mục tiêu thu hồi khoản đầu tư vào WeWork sau 4 đến 5 năm với kế hoạch trục vớt công ty này, bao gồm việc ngừng các hợp đồng thuê mới và chất dứt các hoạt động kinh doanh không phải là cốt lõi và không hiệu quả.

“Logic rất đơn giản. Thời gian sẽ giải quyết mọi thứ… và WeWork sẽ sớm phục hồi”, ông Son nói.

Trong giai đoạn từ đầu tháng 7 tới cuối tháng 9/2019, SoftBank đã báo cáo khoản lỗ ròng 700 tỷ Yên (6,4 tỷ USD), so với mức lãi 526 tỷ Yên một năm trước đó. Hiệu suất của Quỹ Tầm nhìn, công ty đóng góp chủ yếu cho lợi nhuận của Softbank, đã bị ảnh hưởng bởi quỹ này đang gánh khoản lỗ chưa thực hiện với tổng trị giá 538 tỷ Yên từ các khoản đầu tư của mình, bao gồm cả WeWork và công ty gọi xe Uber.

Ông Son cũng thừa nhận rằng có thể có nhiều khoản đầu tư khác của Quỹ Tầm nhìn được định giá quá cao như Wag, công ty dắt chó đi dạo. Nhưng ông chủ của SoftBank khẳng định các khoản đầu tư của mình có nhiều khả năng sẽ tăng giá trị hơn là giảm. Ông nói rằng giá trị của 37/88 khoản đầu tư của Quỹ Tầm nhìn đã tăng lực, trong khi giá trị 22 khoản đầu tư khác đã giảm giá.

Giá trị cổ phần mà SoftBank đang nắm giữ tại các công ty đã tăng 7,1% so với quý trước. Điều đó chủ yếu được thúc đẩy bởi sự gia tăng giá trị của lượng cổ phần tại Alibaba.

Cuộc khủng hoảng WeWork là một sai lầm hiếm hoi đối với nhà sáng lập tỷ phú của SoftBank, người được cho là rất nhạy bén trong việc tìm ra người chiến thắng tiềm năng trong ngành công nghệ.

Dưới áp lực của các nhà đầu tư, ông Son tiết lộ rằng công ty sẽ áp dụng các biện pháp mới để thắt chặt quản trị tại các công ty mà mình rót vốn, theo Financial Times.

Tập đoàn Nhật Bản đã rót hơn 10 tỷ USD vào WeWork khi Son ủng hộ Adam Neumann, người đồng sáng lập startup này. Nhưng những lo ngại về quản trị và câu hỏi về mô hình kinh doanh của nó đã giết chết hy vọng của WeWork về việc niêm yết, sau khi các nhà đầu tư tiềm năng từ chối mức định 15 tỷ USD dành cho công ty này.

Cuối cùng, ông Neumann đã bị buộc rời khỏi công ty, nhưng ông cũng nhận được “gói chia tay” 1,7 tỷ USD, trong khi 4.000 nhân viên của WeWork sẽ bị sa thải.

“Tôi đã nhắm mắt làm ngơ cho nhiều khía cạnh tiêu cực của anh ấy. Tôi có những hối tiếc lớn đặc biệt là về vấn đề quản trị [của WeWork]”, ông Son thừa nhận vào ngày 6/11.

Ông Son nhấn mạnh rằng Quỹ Tầm nhìn 108 tỷ USD mới sẽ vẫn ra mắt theo như dự kiến trước đó, nhưng Ả Rập Saudi và nước láng giềng Abu Dhabi, hai nhà đầu tư lớn vào quỹ Tầm nhìn 97 tỷ USD hiện tại, có vẻ chần chừ sau những gì xảy ra với WeWork.

Theo NCĐT 

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

nineteen + one =

To Top