Connect with us

“Cửa” nào cho Q-mobile?

Tình huống thương hiệu

“Cửa” nào cho Q-mobile?

Sau một thời gian tạm "nghỉ ngơi", Q-mobile đang chuẩn bị tung ra chiến lược mới. Khi cánh cửa cho di động Việt ngày càng hẹp, lối đi nào sẽ là tốt nhất?

Ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc điều hành của Q-mobile cho biết, chiến lược kinh doanh mới của hãng sẽ chính thức được công bố vào tháng 7/2012. Thông tin duy nhất mà người đứng đầu Q-mobile đưa ra là sẽ chuyển từ điện thoại cơ bản sang tập trung phát triển dòng smartphone và trong tháng 7 tới sẽ ra mắt 3 mẫu smartphone mới.

Mổ xẻ thất bại

Không phải đến thời điểm này Q-mobile mới chính thức gia nhập làng smartphone. Cách đây 1 năm, Q-mobile đã chính thức trình làng chiếc điện thoại smartphone Việt chạy hệ điều hành Android đầu tiên mang tên S10. Vào thời điểm ra mắt, khi trao đổi với Doanh Nhân, ông Minh đã bày tỏ kỳ vọng S10 sẽ tạo nên một sức bật mới về mặt doanh thu cho Q-mobile trong năm 2011. Nhưng đến thời điểm này, khi được hỏi về kết quả kinh doanh của Q-mobile trong năm qua, dù không đưa ra con số chính xác, nhưng ông Minh ngậm ngùi thừa nhận: “ảm đạm”!

Tại sao S10 lại thất bại? Xét về mặt cấu hình và chức năng, Q-mobile S10 chạy hệ điều hành Android 2.2 có đầy đủ các tính năng của smartphone như: quay phim, chụp ảnh, xem phim, lướt web… Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, S10 vẫn còn nhiều hạn chế như: không hỗ trợ flash (vì chíp xử lý của máy là dòng Qualcomm 7227), hình bị vỡ khi quay phim di động, thân máy chất lượng kém… Thêm vào đó, tại thời điểm ra mắt S10, các đại gia như Nokia, Samsung đã chú ý tới phân khúc smartphone giá rẻ và có nhiều chiến dịch marketing cho các sản phẩm này. Đơn cử như Samsung đã ngay lập tức cho ra đời Galaxy Y chỉ với giá hơn 3 triệu đồng. Do đó S10 với mức giá không mấy cạnh tranh, khoảng 4 triệu đồng, đã sớm bị các tên tuổi lớn đè bẹp.

Style thôi chưa đủ!

Câu hỏi đặt ra trong thời điểm này là: Q-mobile sẽ cho ra đời những dòng sản phẩm smartphone như thế nào để tiếp tục tồn tại? Ông Nguyễn Quang Minh tiết lộ: sẽ đánh vào phân khúc “style” (những sản phẩm theo phong cách của khách hàng). Trước đó, ở dòng sản phẩm điện thoại cơ bản, Q-mobile đã cho ra đời những sản phẩm như: Quý cô She, Quý ông Men… Vào thời điểm ra đời, những sản phẩm thuộc dòng điện thoại này đã tạo nên cơn sốt và được nhiều người đón đợi. Có lẽ đó là lý do tại sao Q-mobile quyết định tiến lên một bước với dòng điện thoại smartphone style. Theo một nguồn tin từ Q-mobile, những smartphone mới của hãng này dự kiến sẽ chỉ có mức giá từ 1,5-3 triệu đồng, trong đó khai thác mạnh cảm ứng đa điểm với những ứng dụng giải trí cho người dùng như: chụp ảnh rõ nét, nghe nhạc cực đỉnh, giao tiếp tốt với mạng xã hội…

Đánh giá cao việc Q-mobile sớm nắm bắt, tận dụng hệ điều hành Android, nhưng ông Hoàng Ngọc Diệp, cựu Tổng giám đốc Qualcomm cho rằng, việc đưa ra những dòng điện thoại “chung chung” sẽ khiến Q-mobile gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Thêm vào đó, bức tranh thị trường đang ngày càng xấu đi khi thị phần của các thương hiệu điện thoại di động Việt đang ngày càng sụt giảm sẽ là mối lo ngại lớn cho chiến lược trở lại của Q-mobile. Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường IDC, năm 2011, tổng thị phần của các hãng điện thoại thương hiệu Việt chiếm 21%, trong khi con số này của năm 2010 là 24%. IDC cũng cho rằng, ngoài việc phải cạnh tranh khốc liệt với Samsung, Nokia, LG ở phân khúc điện thoại cơ bản, năm 2012, điện thoại thương hiệu Việt cũng khó tạo đột phá ở phân khúc điện thoại thông minh cả về giá cả và chất lượng. Mẫu Lumia của Nokia vừa trình làng cũng chỉ có mức giá vừa phải ở mức 5 triệu đồng, Samsung Galaxy Y chỉ còn hơn 2 triệu, các dòng smartphone liên tục giảm giá sẽ là bất lợi với Q-mobile.

Thêm vào đó, 2 đối thủ cạnh tranh nặng ký nhất của Q-mobile là FPT và Viettel cũng đã tiến quân vào phân khúc smartphone. FPT mới cho ra mắt Smartphone Android 2 sim 2 sóng chỉ với 3 triệu đồng; Viettel cũng cho ra mắt Smartphone i5 với mức giá khoảng 4 triệu đồng… Ông Hoàng Ngọc Diệp cho rằng, cánh cửa với Q-mobile sẽ ngày càng hẹp lại khi trong thời gian tới đây làn sóng điện thoại smartphone giá rẻ của Nhật Bản (khoảng 2-3 triệu) với nhiều ứng dụng và tính năng nổi trội sẽ đổ bộ vào Việt Nam…

Vượt trội ở những điểm người khác chưa làm

Và để có được chỗ đứng, Q-mobile buộc phải tìm ra hướng đi rất riêng của mình. Gợi ý mà ông Diệp đưa ra là Q-mobile nên tận dụng những điểm đặc thù mà các đối thủ còn yếu như: sản phẩm dành riêng cho các nhóm ngành nghề (giao thông, ngân hàng) với các tính năng đặc thù như có bộ mã hóa riêng, quay phim chụp ảnh đưa dữ liệu trở về trung tâm xử lý…

Trong khi đó, ông Đàm Đức Anh, cựu Giám đốc Truyền thông của Yahoo Việt Nam cho rằng, ưu điểm của Q-mobile là sản phẩm 2 sim, 2 sóng giá rẻ nên những smartphone có mức giá từ 1,5-3 triệu đồng sẽ hợp lý hơn cả. Để có thể đạt được mức giá hợp lý đó, Q-mobile cần tiến hành cắt giảm hàng loạt các chi phí như quảng cáo, PR… và tập trung tốt cho vấn đề công nghệ. Tuy nhiên, điều mà ông Đức Anh lo ngại chính là Q-mobile sẽ sử dụng công nghệ gì khi xuất xưởng những sản phẩm smartphone mới. Đây là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong chiến lược tiến quân ra thị trường smartphone của Q-mobile. Theo ông Đức Anh, trong bối cảnh hiện nay, hệ điều hành Symbian đã lỗi thời, Windows Phone không được ưa chuộng, Android đang bị rơi vào vòng xoáy pháp lý về bản quyền, nên để có được lựa chọn an toàn nhất Q-mobile nên nghe ngóng, đợi thời để đưa ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng.

Ông Vũ Hoàng Tâm, Tổng giám đốc Công ty Việt Hưng Thái cho biết đã từng hợp tác đưa nội dung lên Q-store nhưng rất phức tạp. Đến nay, sau gần nửa năm đưa vào hoạt động, Việt Hưng Thái vẫn chưa đưa được game và app (kho ứng dụng) nào lên Q-store. Giải thích về vấn đề này, ông Võ Tự Đức, Giám đốc dự án VTC Mobile, đơn vị triển khai Chợ nội dung số Q-store cho Q-mobile, cho biết: do có sự kết hợp giữa một bên là nhà cung cấp thiết bị, một bên là nhà cung cấp nội dung nên yêu cầu về phần mềm cần được xứ lý không chỉ giữa 2 bên mà còn cần sự xác thực của đối tác ODM (phần cứng) cho thiết bị của Q-mobile. Điều này đã khiến cho việc hoàn thành mất nhiều thời gian hơn.

Mặc dù Q-mobile đang gặp khó khăn về thị trường, nhưng ông Đức vẫn tỏ ra lạc quan về vị trí Top 3 điện thoại di động tại thị trường Việt Nam của Q-mobile. Đến nay, sau 1 năm triển khai dự án, chuyên gia này cho biết đã làm xong phiên bản Java Touch, Java Qwerty, Android cho Q-store… Dự án Q-Link, phần mềm nhắn tin miễn phí đã đi vào hoạt động. Q-store và Q-Link được tích hợp lên hơn 100.000 thiết bị Q-mobile và được bán ra thị trường. Hiện có 13 đối tác trong nước và 5 đối tác nước ngoài đã cung cấp nội dung cho Q-store. Thời gian sẽ trả lời: liệu Q-mobile có thành công hay không với chiến lược kinh doanh mới này?

Theo Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

4 × three =

To Top