Connect with us

Cú ngã đau và câu chuyện đầu tư ngoài ngành

Tình huống thương hiệu

Cú ngã đau và câu chuyện đầu tư ngoài ngành

Mang tư duy độc quyền để đầu tư vào viễn thông, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ngã đau. EVN Telecom dù có nhiều thế mạnh vẫn thua lỗ tới 7.000 tỉ đồng. 

Đây là một ví dụ minh họa cho câu chuyện doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành dàn trải không hiệu quả, gây thất thoát vốn Nhà nước. Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, đã trao đổi với NCĐT về vấn đề này.

Thử lật ngược lại vấn đề một chút: Chúng ta yêu cầu các tập đoàn nhà nước không được đầu tư ngoài ngành, nhưng nếu có tập đoàn biết đầu tư hiệu quả thì sao?

Hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có lĩnh vực lợi nhuận càng cao, rủi ro càng lớn như bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm. Doanh nghiệp nhà nước không nên để gặp các rủi ro đó, vì có nguy cơ gây mất vốn Nhà nước. Nhà nước chỉ nên làm cơ sở hạ tầng, công ích, lĩnh vực phục vụ an ninh quốc phòng. Mục tiêu của doanh nghiệp nhà nước không chỉ là lợi nhuận mà cả lợi ích xã hội. Chưa nói chủ doanh nghiệp nhà nước bao giờ cũng phải giữ an toàn cho cá nhân mình. Vì nếu doanh nghiệp tư nhân có thua lỗ thì họ chỉ mất tiền. Còn doanh nghiệp nhà nước thì có thể bị buộc tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Thậm chí, nếu gây thất thoát có thể bị truy tố hình sự.

Do vậy, không nên khuyến khích những lĩnh vực Nhà nước không cần phải kinh doanh, mà nên để cho tư nhân bỏ vốn đầu tư.

Thêm nữa, một số doanh nghiệp nhà nước kinh doanh có lời thì cũng có thể do thị trường tốt, có thể do quản trị doanh nghiệp giỏi. Nhưng không loại trừ lợi nhuận đó là do lợi thế của doanh nghiệp nhà nước khi tham gia thị trường ở các lĩnh vực. Ví dụ vấn đề thương hiệu, mối quan hệ với Nhà nước. Điều đó có thể có lợi cho doanh nghiệp, nhưng về mặt xã hội chưa hẳn đã có lợi. Bởi nó khiến các doanh nghiệp khác cạnh tranh khó khăn hơn, gây ra bất bình đẳng.

Đương nhiên, không nhất thiết là tất cả doanh nghiệp nhà nước đều không được kinh doanh một số lĩnh vực ngoài ngành chính, hoặc lĩnh vực có lợi thế nhất định gắn với ngành nghề của mình, để có điều kiện kinh doanh thêm. Trong trường hợp này, doanh nghiệp nhà nước không cần rút vốn 100%. Tuy nhiên, không nên để doanh nghiệp mẹ trực tiếp quản trị hay công ty con điều hành, mà chỉ nên tham gia một phần vốn hạn chế trong một công ty cổ phần để tận dụng một số lợi thế gần gũi với ngành nghề kinh doanh chính. Nhiệm vụ điều hành nên giao cho cổ đông ngoài Nhà nước thì sẽ có hiệu quả hơn.

Ví dụ, Tập đoàn Dầu khí không cần kinh doanh taxi. Chẳng lẽ lại trở lại thời kỳ bao cấp, mọi thứ là đều quốc doanh làm, từ cắt tóc, sửa chữa radio? Bỏ kinh doanh dịch vụ taxi cũng không ảnh hưởng gì đến thị trường hay ngành dầu khí. Hãy để việc kinh doanh taxi cho tư nhân làm.

Các tập đoàn đã mạnh tay đổ vốn ra, nay lại vất vả thoái vốn. Nên đổi mới cơ chế giám sát đầu tư như thế nào để việc này không tái diễn?

Nếu chỉ giám sát vốn Nhà nước bằng các biện pháp hành chính, bằng hệ thống thanh tra kiểm tra, thì không thành công. Đã là kinh tế, phải có giám sát về mặt kinh tế. Trước hết phải cổ phần hóa hầu hết các doanh nghiệp nhà nước, trừ doanh nghiệp sản xuất chất nổ, chất độc, in tiền, các lĩnh vực liên quan tới an ninh quốc phòng. Khi có cổ phần tư nhân trong đó, lợi ích sát sườn của họ nên chắc chắn việc giám sát sẽ hiệu quả hơn nhiều. Đó là giải pháp về mặt kinh tế.

Thứ hai, cũng giải pháp hành chính, nhưng có cả ý nghĩa về mặt kinh tế, đó là không nên để các doanh nghiệp kinh doanh độc quyền. Cho dù có đặc thù như thế nào đi chăng nữa vẫn có thể có lộ trình để chuyển đổi sang cạnh tranh. Ngành viễn thông là lĩnh vực nhạy cảm. Trước đây khi chuyển sang cạnh tranh, một số lãnh đạo từ cấp ngành đến cấp cao đã tỏ ra lo ngại. Nhưng thực tế hiện nay, sau nhiều năm, các doanh nghiệp nhà nước chủ đạo trong lĩnh vực này mà vẫn có cạnh tranh. Doanh nghiệp trong nước vẫn làm chủ, chứ không lo rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài khi mở cửa. Đây là ví dụ rõ ràng cho thấy không nên lừng khừng. Khi chuyển sang cạnh tranh, không ai giám sát chất lượng và hiệu quả, thể hiện qua giá bán, tốt hơn người tiêu dùng.

Thứ ba, nếu có vốn của Nhà nước trong công ty cổ phần, cần xác định rõ trách nhiệm về quản lý vốn. Hiện nay, bộ chủ quản còn nhiều nhiệm vụ chồng chéo, quản lý vốn chưa hiệu quả. Cử một đại diện sở hữu vốn Nhà nước trong doanh nghiệp nhưng thực chất chỉ là một công việc hành chính. Vì trên thực tế, họ cũng là người làm thuê cho Nhà nước, chứ không phải là chủ thực sự. Khi xảy ra chuyện, không thể buộc lỗi hết cho họ được khi quyền của họ bị hạn chế. Nên chăng Bộ Tài chính nên cử người vào Ban Kiểm soát, kiểm toán của doanh nghiệp.

Một giải pháp nữa, cũng là việc phải làm thường xuyên, đó là đưa ra yêu cầu khắt khe, công khai, minh bạch từ danh mục đầu tư cho đến tình hình tài chính, thậm chí lương. Sau đó công bố công khai. Lẽ ra phải coi đó là việc thường xuyên liên tục để chịu sự giám sát của xã hội và Nhà nước. Như thế mới giám sát được vốn.

Chìa khóa ông nói đến để giám sát vốn Nhà nước là chống độc quyền và thúc đẩy cổ phần hóa. Nhưng có lẽ đây là vấn đề biết rồi – khổ lắm – nói mãi…

Điều này phụ thuộc vào ý chí của người lãnh đạo. Tôi rất hoan nghênh ý kiến của Bộ trưởng Vương Đình Huệ khi nói về giá xăng dầu, đó là Nhà nước không dọa ai, nhưng các doanh nghiệp cũng không dọa được Nhà nước. Nếu Tổng Công ty Xăng dầu không làm được thì giải tán để thành lập doanh nghiệp khác. Những người chịu trách nhiệm trực tiếp, mà ở đây là các bộ trưởng, phải cương quyết.

Từ bài học phá thế độc quyền trong viễn thông, theo ông cần làm gì để xóa bỏ độc quyền trong những lĩnh vực hiện khác?

Khi xóa bỏ độc quyền ngành viễn thông, tôi bị sức ép không nhỏ, phải giải trình nhiều. Sức ép từ bên dưới cũng có, nhưng không ép được, vì mình làm đúng luật, không dính dáng quan hệ riêng tư.

Điều quan trọng là phải cương quyết, tạo được sự đồng thuận trong bộ máy giúp việc của mình. Phải thuyết phục được lãnh đạo cấp trên đưa ý tưởng vào các chủ trương, nghị quyết, thậm chí cả nghị quyết của Đảng. Thị trường viễn thông mở cửa từ năm 1999-2000, lúc đấy có nhiều sức ép, nhiều lo ngại. Lúc đấy chúng tôi trình và thuyết phục thành công. Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị 58 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Công việc tiếp theo là cụ thể hóa làm sao để mở cửa, để cạnh tranh trên thị trường viễn thông, mở cửa cả doanh nghiệp kinh doanh viễn thông và internet cả trong và ngoài nước. Khi có Chỉ thị của Bộ Chính trị thì phải tuân thủ. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tạo được sự đồng thuận từ thủ trưởng đến cấp phó, bộ máy tham mưu thì mới đạt được hiệu quả. Khó thì có khó, nhưng có lợi ích cho dân thì phải cương quyết làm. Nơi nào có ý chí, nơi đó có đường để đi.

Trở lại câu chuyện độc quyền của ngành điện, không phải là không có hướng giải quyết. Hay như câu chuyện xăng dầu, tại sao cứ để một doanh nghiệp chiếm 60% thị phần? Như thế là không hợp lý. Dù có nhiều doanh nghiệp nhà nước kinh doanh xăng dầu, nhưng không nên để một tổng công ty chiếm thị phần lớn như thế. Giải quyết việc này không có gì khó khăn.

Thủ tướng đã yêu cầu các Tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước phải thoái vốn ở những lĩnh vực ngoài ngành nghề chính. Hiện tại, thoái vốn như thế nào là hợp lý và hiệu quả?

Có hai cách. Thứ nhất là chuyển vốn đang đầu tư ở lĩnh vực ngoài ngành sang doanh nghiệp nhà nước khác, đúng lĩnh vực họ kinh doanh. Cách làm này giống như trường hợp chuyển vốn một số doanh nghiệp con của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sang các đơn vị khác hay EVN Telecom sang Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Tuy nhiên, cách này chỉ nên áp dụng những lúc cấp bách, hay áp dụng trong lĩnh vực Nhà nước cần nắm. Cách thứ hai nên áp dụng rộng rãi, đó là bán vốn của doanh nghiệp nhà nước đang kinh doanh trong lĩnh vực ngoài ngành chính của mình và đã có biểu hiện thua lỗ. Lấy tiền bán vốn đó đầu tư lại cho ngành chính. Phần vốn, tài sản, mà các doanh nghiệp tư nhân mua lại, có thể họ sử dụng sẽ hiệu quả hơn. Như thế, người tiêu dùng sẽ có lợi và lợi ích quốc gia cũng được đảm bảo.

Vấn đề là Chính phủ cần cương quyết trong việc buộc các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn. Để càng lâu thì hậu quả càng lớn. Trước đây chúng ta hay có câu, doanh nghiệp nhà nước chết mà không được chôn. Sao lại lạ như vậy? Không chôn được, sao không hỏa táng? Sao lại cứ để thua lỗ sâu hơn, tác động xấu hơn đến tình hình chung của nền kinh tế.

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

seventeen − ten =

To Top