Connect with us

Công nghiệp ôtô VN muốn ‘bắt chước’ Thái Lan

Tin trong nước

Công nghiệp ôtô VN muốn ‘bắt chước’ Thái Lan

Bộ Công Thương đang soạn thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô tới 2020 và tầm nhìn đến 2030, với 2 chủ trương lớn là nội địa hoá và có những trung tâm cơ khí mạnh. Con đường phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam sẽ có hướng đi giống như Thái Lan.

Trong Quy hoạch phát triển công nghiệp ôtô giai đoạn 2010, tầm nhìn đến 2020 do Chính phủ phê duyệt, công nghiệp ôtô là ngành công nghiệp rất quan trọng cần được ưu tiên phát triển. Bất cứ quốc gia nào cũng đều mong có ngành công nghiệp ôtô phát triển ở tầm cao. Việt Nam cũng vậy, từ cách đây hơn 10 năm đã bắt tay  xây dựng ngành công nghiệp này.

Công nghiệp ôtô Việt Nam đang ở đâu?

Theo Bộ Công thương, cho đến nay xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đã đáp ứng được 68% nhu cầu, trong đó xe khách đáp ứng tới 94%, xe tải đáp ứng tới 74%. Ngành sản xuất ôtô Việt Nam đã có tăng trưởng mạnh, thu hút mọi thành phần kinh tế,  xây dựng hạ tầng cơ sở cho nhiều nhà máy sản xuất lắp ráp ôtô với dây chuyền thiết bị tương đối đồng bộ, hiện đại; xây dựng được 1 số thương hiệu có tên tuổi trên thị trường như Thaco (Tập đoàn ôtô Trường Hải), Vinaxuki (Công ty ôtô Xuân Kiên) …

Các DN đã xây dựng được 1 đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên và kỹ sư lành nghề – yếu tố quan trọng để phát triển ngành công nghiệp ôtô trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, các DN cũng xây dựng được chiến lược phát triển thị trường, hình thành hệ thống phân phối sản phẩm trên cả nước; xây dựng được mối quan hệ đối tác với các nhà cung cấp trong và ngoài nước để cung cấp nguyên liệu, linh kiện phụ tùng…

Tuy nhiên, soi chiếu kết quả đạt được so với mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch thì hầu như không hoàn thành.

Kết quả thanh tra về tỉ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp sản xuất ôtô cho thấy, đến năm 2009, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tỉ lệ nội địa hóa không bằng 10% so với con số cam kết. Chẳng hạn như Suzuki chỉ đạt nội địa hóa 3%, Ford Việt Nam đạt nội địa hóa 2%…

Còn tính chung tỉ lệ nội địa hóa của tất cả doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vào thời điểm năm 2010 đều không đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, dòng xe con dưới 9 chỗ, tỉ lệ nội địa hóa dưới 15% trong khi quy hoạch đề ra 50%; tỉ lệ nội địa hóa ở xe khách trên 10 chỗ, xe tải, xe chuyên dùng đạt 30-40%, trong khi theo quy hoạch là 60%.

Nói tóm lại, trừ lĩnh vực xe tải, xe khách có sản xuất thùng xe, khung gầm, trục, thì lĩnh vực xe con vẫn chỉ là lắp ráp giản đơn, phụ tùng linh kiện phải nhập khẩu với tỷ lệ lớn. Một số công ty nước ngoài sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô tại Việt Nam nhưng xuất khẩu 100% nên chỉ giải quyết việc làm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng số các DN sản xuất ôtô trên lãnh thổ Việt Nam tính đến hết năm 2009 là 397 DN, trong đó có 50 DN lắp ráp; 40 DN sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 210 DN sản xuất linh kiện phụ tùng và 97 DN sửa chữa. Các sản phẩm chủ yếu là xe lắp ráp các loại bao gồm xe ô tô con, xe chở khách, xe tải và xe chuyên dụng; các linh kiện gồm khung gầm xe, thùng xe, cụm phanh, vành bánh xe, thiết bị giảm sóc, ống xả, bộ tản nhiệt, trục dẫn, nhíp lò xo…

Các công ty nước ngoài không đầu tư nhiều vào phát triển công nghiệp phụ trợ. Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài với sản xuất ôtô trong nước rất thấp, chủ yếu chỉ chuyển giao công nghệ ở những công đoạn đơn giản, do vậy các nhà sản xuất phụ tùng ôtô vẫn chưa thật sự làm chủ công nghệ.

Chính sách thiếu nhất quán

Sự thiếu đồng bộ về chủ trương, chính sách là nguyên nhân quan trọng khiến công nghiệp ôtô Việt Nam không phát triển được. Một số phân tích đã chỉ rõ những sai lầm trong chính sách đó là Chính phủ tuy có kế hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô, nhưng lại có hàng loạt chính sách hạn chế sử dụng như đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng phí trước bạ… để không làm gia tăng phương tiện giao thông cá nhân.

Lấy ví dụ về sự phát triển ngành công nghiệp ôtô của Trung Quốc để so sánh sẽ thấy. Để có ngành công nghiệp ôtô phát triển như hiện nay thì ngay từ khi lập quy hoạch Chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận (ghi trong quy hoạch) có mối liên hệ giữa ngành công nghiệp ôtô với các gia đình. Nghĩa là ngành công nghiệp ôtô phát triển dựa trên số lượng xe cá nhân được tiêu thụ, từ đó khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình sử dụng ôtô và biến Trung Quốc thành 1 thị trường lớn, với sản lượng hàng năm lên tới trên 10 triêu xe, để ngành công nghiệp ô tô phát triển.

Hiện nay tại Trung Quốc, chi phí về thuế chỉ chiếm khoảng 14% trong giá bán xe, còn tại Việt Nam, chi phí về thuế chiếm tới 60% giá bán xe, chưa kể lệ phí trước bạ cũng đang ở mức cao ngất ngưởng và có khả năng tăng hơn nữa trong thời gian tới.

Trong Hội thảo mới đây với chủ đề “Công nghiệp ôtô định vị từ thị trường”, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính đã thừa nhận: giá bán xe cao là do thuế cao.

Theo ông Nguyễn Minh Đồng một chuyên gia về thiết kế ôtô đã từng làm việc tại tập đoàn Volkswagens (CHLB Đức) thì các quốc gia trên thế giới thường chỉ áp dụng các chính sách hạn chế lưu thông ôtô đối với những thành phố lớn, khu đông dân cư, chứ không hạn chế tiêu dùng ôtô. Việt Nam thì ngược lại, chỉ ùn tắc giao thông ở 2 thành phố lớn nhưng lại hạn chế tiêu dùng ôtô trên cả nước bằng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cao và thuế chồng lên thuế.

Ông Đồng không lý giải nổi vì sao hiện nay Việt Nam mới có khoảng 1,6 triệu ôtô các loại trên tổng số gần 90 triệu dân với diện tích 330.000 km2 đất liền và kinh tế đang phát triển mạnh vậy mà lại ban hành các chính sách hạn chế sử dụng ôtô?

Khi đã hạn chế tiêu dùng thì trị trường ôtô đương nhiên sẽ có dung lượng nhỏ, khó phát triển.

Để ngành công nghiệp ôtô phát triển, mấu chốt vẫn là vấn đề nội địa hoá. Muốn thế phải có hàng nghìn doanh nghiệp tham gia sản xuất linh kiện chứ không phải chỉ khoảng hơn 200 doanh nghiệp như hiện nay với những sản phẩm là kính, ghế ngồi, dây điện, khung gầm… là đủ.

Hiện nay, các vật liệu như thép tấm, thép hình, thép đặc biệt… để làm phụ tùng nội địa hoá, trong nước chưa chế tạo được. Các vật liệu khác cũng tương tự, đều không có nhà cung cấp. Khi chưa có hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất linh kiện hùng hậu thì công nghiệp ôtô khó tránh khỏi cảnh lắp ráp giản đơn.

Tuy nhiên, các phân tích một lần nữa lại cho thấy, dung lượng thị trường nhỏ là nguyên nhân quan trọng làm cho công nghiệp hỗ trợ khó phát triển.

Nhìn sang ngành công nghiệp xe máy sẽ thấy, đến nay hầu hết các mẫu xe máy sản xuất tại Việt Nam đã có tỷ lệ nội địa hoá rất cao, có mẫu tới 90% và có rất nhiều nhà sản xuất phụ tùng tham gia cung cấp linh kiện cho các doanh nghiệp lắp ráp. Đấy là do dung lượng thị trường xe máy lớn. Hiện mỗi năm ,xe máy tại Việt Nam tiêu thụ khoảng 2,5-3 triệu xe và đang có khoảng 20 triệu xe máy lưu hành trên cả nước. Thị trường lớn có sức thu hút mạnh các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất phụ tùng mà không cần đến các chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Nói cách khác, công nghiệp xe máy phát triển mạnh trong thời gian qua, đơn giản là vì xe máy không bị hạn chế tiêu dùng như ôtô.

Công nghiệp ôtô Việt Nam có còn cơ hội?

Các dự báo cho thấy, đến thời điểm 2020, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn ôtô hoá nền kinh tế, nhu cầu ôtô trong nước sẽ tăng mạnh. Khi đó, quy hoạch đồng bộ về hạ tầng giao thông cả nước cơ bản hoàn thành, hệ thống đường cao tốc sẽ kết nối các trung tâm kinh tế lớn; các thành phố lớn đều được xây dựng đồng bộ cơ bản hiện đại. Thời điểm này thu nhập bình quân của người dân nhiều thành phố sẽ đạt mức từ 3.000-5.000 USD/năm, với mức thu nhập này nhu cầu ôtô sẽ tăng mạnh và thị trường ôtô sẽ bùng nổ.

Ước tính vào năm 2020, nhu cầu về ôtô các loại cả nước sẽ từ 400.000-600.000 xe/năm và đến 2030 sẽ từ 1-1,8 triệu xe/năm, trong đó chiếm trên 60% là xe con, xe tải, xe khách, xe chuyên dụng… chỉ chiếm khoảng 36%. Đây thực sự là thị trường có tiềm năng.

Bộ Công Thương đang soạn thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô tới năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 với 2 chủ trương lớn là nội địa hoá và xây dựng những trung tâm cơ khí đủ mạnh để phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam với mong muốn đến năm 2020 trở thành một ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng phần lớn nhu cầu thị trường trong nước, tham gia vào thị trường khu vực và thế giới, góp phần giảm nhập siêu, thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển.

Theo ông Phạm Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương, bản Dự thảo cũng đang xây dựng các mục tiêu cụ thể như công nghiệp hỗ trợ đến 2020 phải đảm bảo cung cấp 50%-60% linh kiện phụ tùng cho lắp ráp ôtô và tham gia xuất khẩu.

Việt Nam sẽ thu hút doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, có thương hiệu, có công nghệ… đầu tư vào phát triển 1 đến 2 dòng xe chiến lược với xu hướng là xe nhỏ tiết kiệm năng lượng có công nghệ hiện đại, cạnh tranh được với xe nhập khẩu và xuất khẩu ra khu vực. Đối tác đang đàm phán để thực hiện chiến lược này theo tiết lộ là doanh nghiệp Hàn Quốc, nếu chấp thuận, sẽ nhận được những ưu đãi lớn.

Con đường phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam sẽ có hướng đi giống như Thái Lan, không đặt vấn đề xe mang thương hiệu Việt lên hàng đầu. Tiêu chí hàng đầu là sản xuất quy mô lớn, tỷ lệ nội địa hoá cao và xuất khẩu.

Tuy nhiên, để biến khát khao này thành hiện thực, theo ông Liêm cần có sự quyết tâm cao của Nhà nước, chỉ đạo điều hành sát sao của Chính phủ và sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các Bộ, Ngành, nếu không sẽ rất khó. Chúng ta không còn đường lùi. Nếu Việt Nam không có ngành công nghiệp ôtô mạnh thì đến 2020 khi thị trường ôtô bùng nổ, chúng ta lại “dâng” cho các doanh nghiệp nước ngoài và hàng năm sẽ phải chi ra khoảng 12 tỷ USD để nhập khẩu xe, đáp ứng nhu cầu trong nước, tạo nên thâm hụt lớn về cán cân thương mại, ông Liêm nói.

Tuy nhiên khi nghe nói phải có sự đồng thuận, nhất trí cao giữa các Bộ, Ngành để xây dựng chính sách hiệu quả, thì một chuyên gia trong lĩnh vực ôtô tỏ ra nghi ngờ. Ông nêu 1 ví dụ là 2 năm vừa qua, các Bộ, Ngành đã bắt tay xây dựng một Nghị định về công nghiệp hỗ trợ, nhưng sau 2 năm thì không ra được nghị định mà hạ xuống thành quyết định. Bản thân Quyết định này vốn có nhiều ưu đãi cụ thể nhưng lại không nhận được sự đồng thuận và cuối cùng bị gạch bỏ đi rất nhiều thành ra một quyết định chung chung, không đủ động lực để khuyến khích các nhà đầu tư và đi vào thực tế rất khó khăn.

Khi chính sách về công nghiệp hỗ trợ chỉ chung chung và không tạo ra sự quan tâm của các nhà đầu tư thì nhiều ngành công nghiệp Việt Nam sẽ không thể phát triển. Và nhiều ý kiến cho rằng giấc mơ về ngành công nghiệp ôtô Việt Nam hiện đại sẽ khó có thể trở thành hiện thực.

Theo vef

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

seventeen − 11 =

To Top