Connect with us

Chi phí cho quảng cáo, tiếp thị: Giới hạn 10% là phi lý

Tin trong nước

Chi phí cho quảng cáo, tiếp thị: Giới hạn 10% là phi lý

Đã đến lúc phải dỡ bỏ giới hạn 10% trên tổng chi phí cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, hội nghị.

Đó là kiến nghị của cả 3 nhà (quản lý, chuyên gia, DN) tại hội thảo về chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại do Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) tổ chức ngày 27/12, khi chỉ ra sự hạn chế của quy định này trong việc thúc đẩy bán hàng và xây dựng thương hiệu của DN

Giới hạn 10% là phi lý

Theo khoản 2, Điều 9, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), chi phí quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị, hội nghị, khánh tiết… chỉ được giới hạn trong 10% tổng chi phí của DN. Đối với DN mới thành lập, trong 3 năm đầu, giới hạn của khoản chi này là 15% trên tổng chi phí.

Thực tế hoạt động của DN cho thấy, có nhiều bất cập xung quanh vấn đề xác định chi phí bán hàng hay chi quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị. Chẳng hạn, chi phí trưng bày của DN rất đa dạng, từ việc thuê kệ của các siêu thị, cửa hàng của nhà phân phối lớn đến cửa hàng nhỏ lẻ, mục đích có thể là để giới thiệu sản phẩm, có thể để bán hàng hoặc cả hai. Vậy nhóm nào sẽ được khấu trừ thuế 100%? Đây là một vấn đề còn bỏ ngỏ, đa số DN cho vào chi phí bán hàng và chờ hướng dẫn của cơ quan thuế. Nhưng ngay cả khi các chi phí đó được khấu trừ thì vẫn còn một vấn đề khác phát sinh, đó là DN hầu như không có chứng từ liên quan nếu trưng bày sản phẩm ở cửa hàng nhỏ lẻ, hay các phòng khám tư nhân.

Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Nhà máy bia châu Á – Thái Bình Dương bày tỏ băn khoăn khi các văn bản pháp luật không có căn cứ để phân định rạch ròi đâu là chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, đâu là chi phí bán hàng. Đơn cử như trường hợp chi phí cho nhân viên của DN tại các cửa hàng bán lẻ, phía DN luôn cho rằng, đây là khoản chi phí bán hàng, song cơ quan thuế lại khăng khăng xếp vào chi tiếp thị. Với cách phân bổ chi phí của cơ quan thuế, các khoản chi khác cho quảng cáo, tiếp thị của DN lại bị “giới hạn” thêm.

Bà Phương cũng cho rằng, DN chi quảng cáo là để bán hàng. Hơn nữa, hạn chế chi quảng cáo đồng nghĩa với việc cản trở xây dựng thương hiệu, không nâng cao được hình ảnh DN Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. Vì vậy, nên bỏ giới hạn đối với chi quảng cáo.

Bộ Tài chính: sẽ sửa quy định về chi phí quảng cáo, tiếp thị

Thừa nhận quy định hiện hành về giới hạn chi quảng cáo, tiếp thị còn nhiều bất cập, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, đến năm 2013, khi Luật Thuế TNDN được sửa đổi, quy định này sẽ được đưa ra để lấy ý kiến, xem xét sửa đổi. Quan điểm của ngành thuế là nên bỏ giới hạn này, song cần phải xem xét kỹ các giải pháp thay thế để tránh tình trạng DN nước ngoài có tiềm lực tài chính hùng mạnh, mạnh tay chi quảng cáo, tiếp thị để chiếm lĩnh thị trường rồi quay lại thôn tính DN trong nước”.

Một số chuyên gia cho rằng, trước khi đưa ra giải pháp thay thế, cần phải thay đổi tư duy về quản lý. Việt Nam đã gia nhập WTO được 5 năm, nguy cơ bị cạnh tranh, bị mất thị trường và bị thâu tóm luôn luôn thường trực và chúng ta phải chấp nhận. “Khi chúng ta tìm cách hạn chế DN phát triển, đồng thời cũng hạn chế cơ hội của DN trong nước. Thay vì thế, hãy hỗ trợ DN trong nước lớn mạnh và đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Lương Thái Bảo, Viện Quản trị kinh doanh (Đại học Kinh tế quốc dân) nhận xét.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, việc “dỡ bỏ” giới hạn đối với khoản chi cho quảng cáo, tiếp thị sẽ giúp các cơ quan quản lý dễ dàng, thuận lợi trong xác định chi phí của DN. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, không chỉ cần dỡ bỏ giới hạn này mà cũng cần thay đổi trong việc khấu trừ thuế đối với những chi phí nêu trên. “Nếu cơ quan thuế tách bạch từng loại, có phân định rạch ròi, quy định chi tiết và quản lý riêng từng loại chi phí, sẽ tránh được những trường hợp nhập nhằng và tạo điều kiện thuận lợi để DN trong nước phát triển, cạnh tranh với hàng hóa thế giới”, TS. Tuyến nói.

TS. Tuyến cho rằng, riêng đối với chi quảng cáo, không nên áp giới hạn. Trong thời gian chờ đợi Luật Thuế TNDN được sửa đổi vào năm 2013, trước mắt cần phải có giải pháp quá độ, như tăng giới hạn khoản chi này lên để cởi trói cho DN, đồng thời nghiên cứu để tách riêng từng loại chi phí trong nhóm chi tiếp thị, khuyến mãi, hội nghị.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

8 − six =

To Top